Bị thủng dạ dày do dùng thuốc nam: Cảnh báo việc tự ý sử dụng thuốc

(Banker.vn) Bệnh nhân nam 70 tuổi bị viêm khớp tự uống thuốc giảm đau tại nhà nhiều ngày liền khiến dạ dày bị thủng. Sự việc cảnh báo vấn đề tự sử dụng thuốc tại nhà.
Nhập viện cấp cứu sau khi uống 20 gói thuốc nam chữa bệnh tiểu đường Bệnh viện Đa khoa tỉnh Thanh Hóa cứu sống bệnh nhân dùng thuốc nam không rõ nguồn gốc

Theo các bác sĩ Bệnh viện Thanh Nhàn (Hà Nội) – nơi vừa tiếp nhận bệnh nhân này cho biết, bệnh nhân bị đau bụng dữ dội vùng thượng vị mạn sườn phải, điều trị ở một bệnh viện tuyến dưới nhưng không đỡ. Trước đó, bệnh nhân đã dùng thuốc nam, các loại thuốc giảm đau tại nhà 3 tháng. Sau đó, được chuyển tới Bệnh viện Thanh Nhàn trong tình trạng nhiễm trùng toàn thân, đau khắp bụng, được chẩn đoán viêm phúc mạc do thủng dạ dày.

Bị thủng dạ dày do dùng thuốc nam: Cảnh báo việc tự ý sử dụng thuốc
Bác sĩ khám cho bệnh nhân

Theo các bác sĩ, có 2 nhóm nguyên nhân dẫn đến thủng dạ dày là viêm loét lành tính và ung thư. Trong đó, viêm loét lành tính thường do người bệnh bị stress kéo dài, dùng thuốc giảm đau có chứa corticoid, lạm dụng rượu bia

Đáng lo ngại, hiện nay nhiều người uống thuốc nam, thuốc bắc không rõ nguồn gốc. Các loại thuốc này nếu người bán trộn thêm tân dược vào sẽ rất nguy hiểm.

Từ sự việc này, các bác sĩ khuyến cáo, để tránh nguy cơ bị viêm loét dạ dày, chảy máu dạ dày, thủng dạ dày cần có lối sống khoa học, ăn uống lành mạnh, hạn chế rượu bia, thuốc lá. Người dân cần bỏ thói quen tự kê đơn thuốc, tự ý ra quầy mua thuốc về điều trị.

Đặc biệt, việc sử dụng thuốc đông y nhiều khi còn phức tạp hơn tân dược, vì trong thuốc đông y không những có dược chất chính mà còn nhiều chất khác, thậm chí tạp chất. Hơn nữa, trong thuốc đông y lại gồm nhiều vị thuốc, khó phát hiện ra bệnh nhân bị dị ứng với thành phần nào nên việc điều trị càng nan giải.

Bác sĩ Hoàng Khánh Toàn - nguyên Chủ nhiệm Khoa Y học cổ truyền, Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 – chia sẻ, đông dược có thể dẫn tới ngộ độc vì nhiều lý do. Trong đó, bệnh nhân bị dị ứng một hoặc nhiều chất có trong thành phần của thuốc do yếu tố cơ địa. Điều này xảy ra tương tự như đối với tân dược, nhưng vì đông dược thường là hỗn hợp gồm nhiều chất nên khó xác định dị nguyên cụ thể.

Bệnh nhân dùng quá liều do tự ý hoặc do thầy thuốc chỉ định loại đông dược mà trong thành phần có một hoặc nhiều vị có độc. Bên cạnh đó, người bệnh dùng phối hợp nhiều loại thuốc, có cả tân dược và đông dược cũng dễ dẫn đến sự tương tác và sản sinh những chất có hại cho cơ thể.

PV

Theo: Báo Công Thương