Bầu Đức lại hứa: 2024 quyết tâm lập kỷ lục doanh thu, quét sạch lỗ lũy kế

(Banker.vn) Đây chẳng phải lần đầu tiên bầu Đức thổ lộ những dự định có phần xa vời trong phiên họp quan trọng của HALG. Trước đây ông bầu đình đám đã nhiều lần thất hứa.
Bầu Đức: Sẽ cân nhắc bán bớt cao su, mía đường để giảm nợ Hoàng Anh Gia Lai: Em trai bầu Đức đăng ký bán sạch cổ phiếu Bầu Đức bán khách sạn Hoàng Anh Gia Lai lớn nhất Tây Nguyên để trả nợ

Bầu Đức tái hứa

Trong phiên họp Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên 2024 tổ chức hôm nay (10/5), Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai (HAGL, HOSE: HAG) - ông Đoàn Nguyên Đức hay thường gọi là bầu Đức, tiếp tục đưa ra những lời hứa "chắc nịch" trước nhà đầu tư.

Thứ nhất, bầu Đức tuyên bố và thuyết phục cổ đông thông qua kế hoạch doanh thu thuần 7.750 tỷ đồng, tăng khoảng 20% so với kết quả thực hiện cùng kỳ. Nếu thành công, 2024 sẽ là năm HAGL chinh phục mốc doanh thu cao nhất trong lịch sử hoạt động.

Bầu Đức lại hứa: 2024 quyết tâm lập kỷ lục doanh thu, quét sạch lỗ lũy kế
"Nợ lũy kế là nỗi ám ảnh của tôi bao nhiêu năm qua nên tôi rất quyết tâm với mục tiêu này", Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL khẳng định trước hàng ngàn cổ đông

Chi tiết về cơ cấu doanh thu, trong đó mảng cây ăn trái dự kiến đóng góp 5.540 tỷ đồng, heo ăn chuối 1.550 tỷ đồng và sản phẩm hàng hóa 660 tỷ đồng. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế mục tiêu lại khá khiêm tốn ở mức 1.320 tỷ đồng, giảm 26% so với năm ngoái.

Bầu Đức còn tự tin khoe trước cổ đông, ban lãnh đạo HAGL đã xây dựng những bước chuẩn bị cho kết quả kinh doanh năm sau (2025), đồng thời khẳng định đó sẽ là năm "bùng nổ" hơn nữa về doanh số (tiếp tục vượt kỷ lục).

Lời hứa thứ hai, trong năm nay, bằng nhiều biện pháp và cách thức khác nhau, đại gia phố Núi tiếp tục quả quyết sẽ quét sạch toàn bộ nợ lũy kế tồn đọng nhiều năm qua. "Nợ lũy kế là nỗi ám ảnh của tôi bao nhiêu năm qua nên tôi rất quyết tâm với mục tiêu này", Chủ tịch Hội đồng quản trị HAGL khẳng định trước hàng ngàn cổ đông.

Dù vậy, đây chẳng phải lần đầu tiên ông Đoàn Nguyên Đức thổ lộ những dự định có phần xa vời trong một phiên họp quan trọng của doanh nghiệp. Trước đây ông bầu đình đám từng hứa, HAGL đặt kế hoạch đến tháng 6/2024 là xóa xong lỗ lũy kế và năm 2026 sẽ giải quyết hết toàn bộ nợ nần.

Đến giờ, với lợi nhuận mục tiêu 1.320 tỷ đồng, ước tính số tiền này chỉ giúp HAGL xóa được gần 80% tổng lỗ lũy kế, trong trường hợp có hoàn thành kế hoạch. Khác với mọi năm, lời hứa của HAGL đang chưa phát huy tác dụng, cổ phiếu HAG trên sàn hôm nay mất 1,86% giá trị xuống còn 13.200 đồng/cp, tương đương vốn hóa giảm gần 300 tỷ đồng.

Kết thúc quý I/2024, HAGL ghi nhận doanh thu thuần đạt 1.241 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, trái cây là sản phẩm đem lại doanh thu lớn nhất cho tập đoàn, đạt 885 tỷ đồng, chiếm tỷ trọng 71% và tăng 25% so với cùng kỳ. Doanh thu bán heo đạt 292 tỷ đồng, giảm mạnh 48%; thậm chí, doanh thu bán sản phẩm, hàng hóa đạt gần 45 tỷ đồng, giảm tới 87% so với cùng kỳ.

Theo đó, doanh nghiệp báo lãi sau thuế 214 tỷ đồng, giảm 26% so với quý I/2023. Tính ra, chỉ hoàn thành trên 16% kế hoạch cả năm.

Tính IPO Chăn nuôi Gia Lai

Trả lời cổ đông về kế hoạch IPO công ty con giai đoạn tới, ông Đoàn Nguyên Đức cho biết trọng tâm IPO sẽ là Công ty Chăn nuôi Gia Lai. Theo bầu Đức đánh giá, Chăn nuôi Gia Lai từng là công ty "vứt đi" do không vay nợ được vì vướng nợ xấu với Eximbank. Tuy nhiên, hiện nay nếu so với các "ông lớn" niêm yết hiện tại như Dabaco, BAF… không hề thua kém về giá trị, tài sản, bởi HAGL đã xử lý rất tốt khoản nợ với Eximbank trong năm ngoái.

"Chăn nuôi Gia Lai hiện phải nói là rất hấp dẫn, có 2.000ha đất sở hữu, đang chăn nuôi, có nhà máy thức ăn, có vườn cây…", bầu Đức quảng bá và nói thêm với nguồn lực từ Chứng khoán LPBank, kế hoạch IPO Chăn nuôi Gia Lai hoàn toàn khả thi.

Cung cấp thêm về chiến lược kinh doanh mặt hàng chủ lực là chuối, HAGL cho biết vẫn tiếp tục bán lẻ vào các siêu thị như Lotte trong năm nay, nhưng doanh nghiệp không đặt nặng về bán lẻ mà tập trung vào xuất khẩu. Khách hàng mua chuối của HAGL hiện chủ lực vẫn là Trung Quốc. Trung bình 20-25 container/ngày xuất khẩu thì Trung Quốc hiện chiếm 55-60%.

Bên cạnh đó là Nhật Bản và Hàn Quốc. Theo người đứng đầu HAGL, sản lượng xuất khẩu sang Nhật Bản và Hàn Quốc hiện chiếm 35-40% sản phẩm của doanh nghiệp. HAGL cũng đang cố gắng đi sâu vào 2 thị trường này do có nhu cầu quanh năm và giá ổn định do giá bán sẽ chốt từ cuối năm và cố định xuyên suốt cho cả năm sau.

Trong năm giá thị trường có thay đổi cũng không bị ảnh hưởng. Nếu HAGL nâng được tỷ trọng thị trường Nhật Bản và Hàn Quốc lên được 50% thì sẽ rất ổn định. Tuy nhiên, rất khó để đi vào 2 thị trường này vì yêu cầu của họ cao.

Từ 5-7 container/tuần thì nay doanh nghiệp đã xuất được 60-70 container chuối/tuần đi Nhật, Hàn. HAGL đang cố gắng nâng công suất đi 2 nước này lên 100 container/tuần. Còn với Trung Quốc, giá bán bị ảnh hưởng bởi giá thị trường nên tương đối bấp bênh. Dù vậy, Trung Quốc hiện vẫn là thị trường chủ lực.

Bầu Đức chia sẻ thêm, năm 2024 doanh nghiệp sẽ không bán tài sản để trả nợ như các năm trước. Hiện HAGL chỉ có nợ đến hạn tại BIDV, trong đó HAGL Agrico (thuộc Thaco) đang nợ HAGL và đối tác này sẽ trả cho HAGL để trả BIDV.

"Số còn lại khoảng 3.000 tỷ thì dự đến 2026 sẽ dứt điểm. Còn lại các khoản nợ của HAGL là nợ tốt, trả lãi đầy đủ và không đáng lo ngại. Nên HAGL không có tái cấu trúc nợ", bầu Đức cho hay.

Ánh Dương

Theo: Báo Công Thương