Bất động sản, kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn ngoại

(Banker.vn) Tính đến tháng 2/2024, lĩnh vực bất động sản thu hút được 1.151 dự án FDI với tổng vốn đăng ký đạt 69,6 tỷ USD, xếp thứ 2/19 ngành hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
Thị trường bất động sản đang ấm lại sau Tết? Gỡ khó cho nhà ở xã hội: Đại gia bất động sản kiến nghị gì? Điểm danh Top 10 địa phương thu hút FDI 2 tháng đầu năm 2024

Hấp dẫn FDI thứ 2, sau công nghiệp chế biến, chế tạo

Theo số liệu từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), tính đến tháng 2/2024, Việt Nam thu hút được 39.553 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), với tổng vốn đăng ký đạt trên 473 tỷ USD, trong đó lĩnh vực bất động sản thu hút được 1.151 dự án, với tổng vốn đăng ký đạt hơn 69,6 tỷ USD, xếp thứ 2/19 ngành, lĩnh vực thu hút được vốn ngoại, sau lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo với 17.046 dự án và 285,395 tỷ USD.

Bất động sản – kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn ngoại
FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản có sự tăng trưởng liên tục (Ảnh minh hoạ)

Riêng 2 tháng đầu năm 2024, Việt Nam thu hút được 405 dự án FDI cấp mới, 159 dự án FDI điều chỉnh vốn và 367 lượt góp vốn, mua cổ phần với tổng vốn đăng ký đạt gần 4,3 tỷ USD, tập trung vào 16 ngành, lĩnh vực của nền kinh tế. Trong đó, riêng lĩnh vực bất động sản thu hút được hơn 1,4 tỷ USD, chiếm đến 32,5% tổng vốn FDI đăng ký vào Việt Nam trong 2 tháng đầu năm, đứng thứ 2 về hấp dẫn FDI.

Tuy nhiên, nếu chỉ tính riêng tháng 1/2024, tổng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đạt hơn 1,27 tỷ USD, gấp hơn 2 lần so với cùng thời điểm năm 2023, chiếm hơn 60% tổng FDI vào Việt Nam trong tháng 1/2024, đặc biệt hơn, cũng trong tháng 1/2024 FDI vào bất động sản còn “vượt” qua cả lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo khi lĩnh vực này thu hút hơn 900 triệu USD, bất động sản vươn lên trở thành lĩnh vực hấp dẫn FDI nhất trong tháng đầu tiên của năm 2024.

Phát biểu tại một hội thảo về bất động sản, ông Nguyễn Anh Tuấn, Phó cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng: 35 năm qua, các quốc gia và vùng lãnh thổ dẫn đầu trong đầu tư vào bất động sản phải kể đến Singapore, Hàn Quốc, British Virgin Islands và Nhật Bản.

Bất động sản – kênh đầu tư hấp dẫn dòng vốn ngoại
Việt Nam được đánh giá có nhiều lợi thế thu hút đầu tư vào lĩnh vực bất động sản

FDI vào bất động sản tăng trưởng mạnh

Cũng theo thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài, những năm qua, thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản có xu hướng tăng trưởng rất rõ rệt. Từ mức tổng vốn đầu tư đạt 671 triệu USD vào năm 2010, thì đến năm 2018 đã tăng lên gấp gần 10 lần, đạt 6,61 tỷ USD, chiếm 18,6% tổng vốn đăng ký của cả nước.

Giai đoạn 2019-2021, do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19, dòng vốn FDI chảy vào tất cả các ngành đều có xu hướng giảm đi, tổng vốn đăng ký FDI vào lĩnh vực bất động sản cũng giảm so với những năm trước. Cụ thể, năm 2019, tổng vốn đăng ký FDI vào lĩnh vực bất động sản đạt 3,88 tỷ USD, giảm 41% so với năm 2018, năm 2021 đạt 2,64 tỷ USD, giảm khoảng 37% so với năm 2020. Tuy nhiên, đến năm 2022, thu hút FDI trong lĩnh vực bất động sản hồi phục tăng 26%, đạt 4,5 tỷ USD và năm 2023 đạt 4,67 tỷ USD, tăng 4,8%.

Hiện đã có nhiều dự án FDI đầu tư vào lĩnh vực bất động sản đầu tư vào Việt Nam có quy mô lên tới hàng tỷ USD như: Công ty TNHH Hồ Tràm tại Bà Rịa - Vũng Tàu; thành phố thông minh tại Hà Nội; Khu đô thị Nam Thăng Long, Hà Nội, Công ty TNHH phát triển Nam Hội An tại Quảng Nam...

Trong khi đó, dữ liệu của Hội Môi giới bất động sản Việt Nam cho thấy, số lượng nhóm đầu tư ngoại quan tâm tìm hiểu mua bán và sáp nhập (M&A) các dự án bất động sản vẫn tăng mạnh. Nổi bật trong đó là nhóm nhà đầu tư đến từ Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, Malaysia…

Về những thuận lợi trong thu hút FDI vào lĩnh vực bất động sản, các chuyên gia kinh tế cho rằng, Việt Nam có nhiều lợi thế so với các quốc gia trong khu vực để thu hút đầu tư nói chung và đầu tư vào lĩnh vực bất động sản nói riêng như: Chính trị ổn định, an toàn; Vị trí địa lý chiến lược, thuận lợi, nằm ở trung tâm của khu vực, dễ dàng kết nối với các nền kinh tế lớn; Hệ thống luật pháp, chính sách về nhà ở và kinh doanh bất động sản thông thoáng và đang ngày càng được hoàn thiện.

Hệ thống cơ sở hạ tầng tiếp tục được chú trọng đầu tư, hoàn thiện. Hiện nay, Chính phủ đang triển khai quyết liệt kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 và kế hoạch đầu tư phục vụ phục hồi phát triển kinh tế xã hội, trong đó sẽ tập trung đầu tư phát triển nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Đường cao tốc, các trục ven biển, sân bay, cảng biển, tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển ngành bất động sản.

Việc thu hút nhiều dự án FDI trong lĩnh vực bất động sản giúp đa dạng hóa các loại hình bất động sản tại Việt Nam. Song hệ thống pháp luật về thị trường bất động sản chưa đồng bộ và còn phức tạp, cùng với đó, thủ tục hành chính liên quan đến đầu tư, xây dựng, đấu thầu vẫn còn những điểm nghẽn dẫn đến việc thực hiện dự án đầu tư bị kéo dài. Theo đó, để bất động sản tiếp tục là kênh gọi vốn quan trọng, việc cải thiện môi trường kinh doanh, rà soát các quy định pháp luật liên quan, tạo thuận lợi cho hoạt động đầu tư, kinh doanh vào lĩnh vực bất động sản vẫn cần được chú trọng rong thời gian tới.

Linh Đan

Theo: Báo Công Thương