“Bắt bệnh” vì sao du lịch Ninh Thuận chưa hút khách?

(Banker.vn) Ninh Thuận có vẻ đẹp thiên phú bởi rừng và biển, lại là kinh đô của nền văn hóa Chăm Pa cổ xưa, nhưng vì sao du lịch Ninh Thuận lại chưa hút khách?
Ninh Thuận đề xuất bổ sung sân bay Thành Sơn vào hệ thống cảng hàng không Xây dựng đường liên vùng kết nối Khánh Hòa, Ninh Thuận và Lâm Đồng

Phải khẳng định rằng, Ninh Thuận có vẻ đẹp thiên phú đến ngỡ ngàng, là vùng đất của nắng, gió và bờ biển đặc thù cát trắng, xanh và sạch trải dài ngút ngàn, nhưng vì sao Ninh Thuận lại chưa thu hút được nhiều du khách, để rồi ngành công nghiệp không khói vẫn chưa phải là điểm sáng trong bức tranh kinh tế của tỉnh.

Nơi nhất định phải đến một lần

Tôi đặt chân đến Ninh Thuận sau vài lần lỡ hẹn. Đón chúng tôi là một bầu trời căng nắng và luồng gió dễ chịu, đặc trưng của vùng biển. Nắng bỗng dịu lại, nhường chỗ cho những trải nghiệm vốn rất phù hợp với người yêu thiên nhiên ở những vùng hoang sơ chưa bị can thiệp nhiều bởi bàn tay con người.

Từ Hà Nội hay TP. Hồ Chí Minh bay thẳng hơn 1 giờ là vào tới sân bay Cam Ranh, Nha Trang. Không khó để tìm chuyến bay, vì các hãng đều có chuyến bay vào Nha Trang liên tục. Sau hơn 1 tiếng đồng hồ chạy xe bus nữa là tới Ninh Thuận. Nếu chuyến bay tầm 10h sáng thì 14h chiều là tới nơi, đúng giờ check in nhận phòng, ăn một chút, nghỉ ngơi và khám phá vùng nắng, gió ngay thôi.

Tôi tạm chia loại hình du lịch tại Ninh Thuận ra làm 2 loại, rừng và biển.

“Bắt bệnh” vì sao du lịch Ninh Thuận chưa hút khách?
Đến Ninh Thuận dễ dàng bắt gặp những cung đường ôm sát, một bên là núi đá và một bên là biển

Nhắc đến Ninh Thuận không thể không nhắc đến du lịch biển. Việt Nam không thiếu biển, nhưng những bãi biển nổi tiếng của Ninh Thuận như Ninh Chử, vịnh Vĩnh Hy, Hang Rái, Bình Tiên… nhất định trong đời phải đến một lần, bởi vẻ đẹp rất riêng, là cái đẹp hoang sơ tinh khiết không nơi nào có được.

Bãi biển Ninh Chử là điểm nhấn của du lịch Ninh Thuận với bờ cát trắng hình cung dài 10 km, là một trong 9 bãi biển đẹp nhất nước, thích hợp cho nghỉ dưỡng. Nằm trong cụm du lịch quốc gia thuộc tam giác Đà Lạt - Nha Trang - Ninh Chử, bởi vậy nên bãi tắm Ninh Chử được Ninh Thuận chú trọng đầu tư. Nơi đây mới xuất hiện ba khu du lịch quy mô lớn: Ninh Chử, Hoàn Cầu và Ðen Giòn.

Chúng tôi chọn ở tại Hoàn Mỹ resort tại Ninh Chử và được đích thân doanh nhân Alain Nguyễn - Tổng giám đốc của Hoàn Mỹ resort Ninh Chử và Hòn Cò resort Cà Ná - đón tiếp và nghe ông trải lòng về ước mơ đưa du lịch Ninh Thuận “cất cánh”. Vì là ngày cuối tuần nên Hoàn Mỹ kín khách, lượng phòng được lấp đầy tới hơn 80%, khách tỏa đi khắp các khu chung, từ bãi biển tới nhà hàng, bể bơi, thấy mà vui và ấm lòng, mừng cho du lịch Ninh Thuận.

Rời Ninh Chử, lượn qua những cung đường như dải lụa ôm sát biển, một bên là những màu nước xanh trong, một bên là những đồng cỏ non với đàn cừu, đàn dê thong thả gặm cỏ, bất chấp cái nắng gắt của miền Trung. Xa xa là vịnh Vĩnh Hy với những cánh đồng muối trắng và một vùng biển trời xanh ngắt, Vĩnh Hy là một trong 8 vịnh biển đẹp nhất Việt Nam.

Vườn quốc gia Núi Chúa là một di sản thiên nhiên đặc biệt, một bên núi, một bên là rừng lùn trên núi đá, đã được UNESCO công nhận là Khu dự trữ sinh quyển thế giới. Với tổng diện tích hơn 31.000 ha, những doi cát uốn lượn ôm sát vào chân núi, cát trắng, nắng vàng mang lại vẻ đẹp đặc biệt cho phong cảnh nơi đây.

Men theo cung đường ven biển phía Nam tới Mũi Dinh, một bên là biển cả và một bên là những trụ điện khổng lồ cùng những vòng quay đều đều của cánh quạt, là nơi check-in yêu thích của các bạn trẻ, cho cảm giác thanh bình và gần gũi với thiên nhiên.

Ninh Thuận cũng chú trọng duy trì và phát triển những làng nghề truyền thống như: Vườn nho Thái An, làng gốm Bàu Trúc, làng dệt Mỹ Nghiệp… là những làng nghề cổ xưa đã tồn tại và phát triển hơn 7 thế kỷ từ khi ông bà PôKlông Chang đưa người Chăm từ trên vùng đồi núi về đồng bằng sinh sống. Gốm Bàu Trúc chính là nơi lưu giữ nhiều nét đặc sắc hiếm có trong nghệ thuật làm gốm của người Chăm Pa. Họ không dùng bàn xoay để tạo hình mà hoàn toàn dùng bàn tay khéo léo của mình để tạo nên những hình hài mượt mà nhất.

“Bắt bệnh” vì sao du lịch Ninh Thuận chưa hút khách?
Vịnh Vĩnh Hy, Ninh Thuận

Văn hóa Chăm Pa chính là thứ không thể bỏ qua nếu có dịp đến Ninh Thuận. “Kinh đô của cả một vương quốc cổ xưa cần được nâng lên đúng với giá trị của nó, làm cho thế hệ sau hiểu và trân trọng những gì ông cha để lại. Không phải bỗng dưng mà người Pháp lại có nhiều công trình nghiên cứu về văn hóa Chăm Pa đến vậy, trong khi các bạn trẻ của ta đến Ninh Thuận phần lớn chỉ đơn giản là chụp hình check-in bên ba khu tháp cổ còn lại. Chúng tôi mong muốn văn hóa Chăm chính là những giá trị đọng lại trong lòng du khách mỗi khi đến Ninh Thuận. Ấy là mô hình du lịch gắn với văn hóa” - ông Alain Nguyễn chia sẻ, đồng thời cho biết, sẵn sàng cùng chính quyền đầu tư, xây dựng lại Bảo tàng văn hóa Chăm ở Phan Rang để mỗi du khách đến đây đều được nghe những câu chuyện kể về người Chăm Pa ở nhiều thế kỷ trước.

Vì sao chưa “hút khách”?

Qua các buổi tiếp xúc và làm việc với chính quyền địa phương, các công ty lữ hành và cả chính người dân và du khách. Tôi hiểu vì sao Ninh Thuận, một tỉnh duyên hải Nam Trung bộ vốn có quá nhiều thiên nhiên ưu đãi mà lượng khách vẫn chưa như mong muốn.

Thứ nhất, do vị trí địa lý, Ninh Thuận nằm ở vị trí kẹp giữa hai thành phố du lịch biển nổi tiếng và hút khách là Nha Trang và Phan Thiết. Nhiều du khách sẽ lựa chọn 2 địa điểm có nhiều dịch vụ, luôn nhộn nhịp, nhiều điểm ăn - chơi này, trước khi nghĩ đến Ninh Thuận. “Nhưng cũng chính điểm độc đáo nước trồi tại vùng biển Ninh Thuận lại cho chúng ta thứ hải sản ngon hơn, đậm đà hơn các vùng khác” - ông Alain Nguyễn cho hay.

Thứ hai, giao thông đến Ninh Thuận hiện chưa thuận lợi cho du khách, ngoài vận tải đường sắt, Ninh Thuận chưa có đường hàng không trực tiếp. Mới đây, Cảng hàng không Thành Sơn đã được bổ sung vào quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay toàn quốc đến năm 2030, tầm nhìn 2050. Đường cao tốc Bắc – Nam dự kiến hoàn thành vào năm 2025 cũng mở ra một hy vọng mới cho du lịch Ninh Thuận phát triển.

Thứ ba, Ninh Thuận chưa hình thành các chuỗi sản phẩm du lịch liên kết, “phải liên kết lại mới đi xa được, chứ du lịch Ninh Thuận đang phát triển tự phát, mạnh ai nấy làm” - ông Alain Nguyễn nói. Thứ tư, Ninh Thuận chưa hình thành “kinh tế đêm”, chưa có chỗ ăn - chơi buổi tối để níu chân du khách và khiến họ tiêu tiền nhiều hơn.

Theo ông Nguyễn Long Biên - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận, để du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, trụ cột và là động lực để phát triển các ngành khác, chúng tôi xác định trọng tâm là phát triển du lịch biển và văn hóa Chăm, theo hướng chuyên nghiệp, chất lượng, hiệu quả và bền vững cả chiều rộng lẫn chiều sâu. Từ những mục tiêu chung này, tỉnh Ninh Thuận đã ban hành nhiều kế hoạch, cơ chế, chính sách, đề án, đồng thời đưa ra các nhiệm vụ và giải pháp thực hiện.

Theo đó, phấn đấu đến năm 2025 thu hút 3,5 triệu lượt khách, trong đó khách quốc tế chiếm 12-13%, doanh thu ngành du lịch đạt khoảng 2.900 tỷ đồng, đóng góp 13% GRDP và giải quyết việc làm cho 15% lao động của toàn tỉnh. Năm 2030, du lịch được tỉnh xác định sẽ trở thành ngành kinh tế mũi nhọn.

Rời xa Ninh Thuận, sâu thẳm trong trái tim, tôi mong rằng du lịch Ninh Thuận sẽ phát triển tương xứng với tiềm năng vốn có của nó, một vùng đất với vẻ đẹp hoang sơ mà sâu lắng, rất riêng, không nơi nào có được.

Thu Hằng

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục