Bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phân bón

(Banker.vn) Việc sử dụng công cụ phòng vệ giúp nhiều doanh nghiệp và các ngành sản xuất tại Việt Nam bảo vệ lợi ích chính đáng trước hành vi cạnh tranh không công bằng.
Luôn quan tâm chăm lo đời sống người lao độngDAP - Vinachem: Phong trào hội thao giúp nâng cao đời sống tinh thần người lao động

Sức chứa của nhà kho Công ty DAP Vinachem là 20 nghìn tấn phân bón, thiết kế kho chứa cho 1 tháng sản xuất. Năm 2016, nhà kho này không còn chỗ chứa, phân bón tràn ra lấp kín các con đường quanh nhà máy. Sản xuất đình trệ, những người lao động của Công ty DAP Vinachem đã có một thời kỳ khó khăn không thể nào quên.

Những khó khăn của DAP Vinachem thời kỳ đó bắt nguồn từ việc phân bón nhập khẩu tăng đột biến, với giá bán giảm sâu bất thường, thấp hơn nhiều so với mặt bằng giá phân bón DAP, MAP vốn ổn định nhiều năm. Để tự bảo vệ mình trước hành vi cạnh tranh không công bằng này, các doanh nghiệp sản xuất trong nước đã liên kết lại nộp đơn lên Cục Phòng vệ thương mại - Bộ Công Thương đề nghị áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại.

Ông Nguyễn Hoàng Trung – Phó Tổng Giám đốc Công ty CP DAP – Vinachem cho biết, sau khi DAP – Vianchem có văn bản đề nghị Cục Phòng vệ thương mại được áp dụng biện pháp phòng vệ thương mại, được sự quan tâm kịp thời của cơ quan quản lý nhà nước, thị trường phân bón trong nước đã có những chuyển biến kịp thời, lành mạnh hơn, công bằng hơn, tình hình sản xuất của công ty có nhiều khởi sắc hơn, thị trường tiêu thụ tăng hơn.

Bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp phân bón
Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của doanh nghiệp trong nước (Ảnh minh họa)

Theo Bộ Công Thương, kể từ khi bắt đầu hội nhập đến nay, Việt Nam có 6 vụ điều tra tự vệ thương mại, 16 vụ điều tra chống bán phá giá, 2 vụ điều tra chống lẩn tránh thuế, 1 vụ điều tra chống trợ cấp… Tổng thể có 22 vụ việc áp dụng phòng vệ thương mại.

Việc áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại được xem là một phần quan trọng trong chính sách thương mại quốc tế của mỗi quốc gia, bởi mục đích là bảo vệ hoặc hỗ trợ ngành sản xuất trong nước trong quá trình hội nhập, tự do hóa.

Về phía Bộ Công Thương, trong năm 2023, Bộ sẽ tiếp tục quan tâm, bảo vệ lợi ích của các ngành sản xuất trong nước thông qua việc điều tra, áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại trên nguyên tắc công khai, minh bạch, tuân thủ quy định pháp luật và phù hợp với các cam kết quốc tế của Việt Nam. Cụ thể, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục thông qua các hoạt động cụ thể như Đề án Xây dựng và vận hành hiệu quả hệ thống cảnh báo sớm về phòng vệ thương mại, tăng cường quản lý nhà nước về chống lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại phòng vệ thương mại và gian lận xuất xứ; nâng cao năng lực về phòng vệ thương trong bối cảnh tham gia các FTA...

Ông Chu Thắng Trung – Phó Cục trưởng Cục Phòng vệ thương mại – Bộ Công Thương chia sẻ, Bộ Công Thương nhận thấy phòng vệ thương mại là công cụ pháp lý phù hợp và chính đáng để bảo vệ lợi ích của ngành sản xuất, giúp nền kinh tế gia tăng giá trị tại thị trường trong nước. Do đó, đây sẽ tiếp tục là biện pháp được Bộ Công Thương đẩy mạnh áp dụng trong thời gian tới.

Sau 4 năm, biện pháp tự vệ đối với mặt hàng DAP đã hết hiệu lực. Lúc này DAP Vinachem nói riêng và ngành sản xuất DAP, MAP trong nước nói chung đã đủ năng lực, tiềm lực để đứng vững tại thị trường trong nước. Thậm chí, hàng nghìn tấn phân bón DAP, MAP made in Vietnam đã được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới.

Có thể khẳng định, công cụ này không là tất cả nhưng là một trong những biện pháp quan trọng giúp doanh nghiệp tìm kiếm các công cụ tốt hơn, để đứng vững trên thị trường.

Thanh Huyền

Theo: Báo Công Thương