Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam làm tròn sứ mệnh bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền

(Banker.vn) Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình...
Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam (BHTGVN) là tổ chức tài chính Nhà nước hoạt động không vì mục tiêu lợi nhuận, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền thông qua các hoạt động nghiệp vụ của mình, từ đó góp phần hạn chế rủi ro, giúp các tổ chức tham gia BHTG hoạt động an toàn, hiệu quả hơn, đảm bảo an toàn tiền gửi của người được BHTG. Được thành lập từ năm 1999 và chính thức đi vào hoạt động năm 2000, sau 25 năm xây dựng và trưởng thành, BHTGVN luôn phấn đấu làm tròn nhiệm vụ được giao, tập trung nguồn lực đáp ứng các hoạt động nghiệp vụ trọng yếu. Các hoạt động nghiệp vụ của BHTGVN liên quan trực tiếp tới việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người gửi tiền bao gồm:
 

Trụ sở chính BHTGVN
 
- Theo dõi, kiểm tra và giám sát các tổ chức tham gia BHTG trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHTG, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) xử lý hành vi vi phạm.

- Tổng hợp, phân tích và xử lý thông tin về tổ chức tham gia BHTG nhằm phát hiện và kiến nghị NHNN xử lý kịp thời những vi phạm quy định về an toàn hoạt động ngân hàng, rủi ro gây mất an toàn trong hệ thống ngân hàng.

- Tham gia vào quá trình kiểm soát đặc biệt đối với tổ chức tham gia BHTG theo quy định của NHNN.

- Tham gia quản lý, thanh lý tài sản của tổ chức tham gia BHTG theo quy định của Chính phủ; cho vay đặc biệt đối với tổ chức tín dụng (TCTD) được kiểm soát đặc biệt để hỗ trợ thanh khoản, cho vay đặc biệt theo quy định của NHNN và cho vay đặc biệt theo phương án phục hồi TCTD được phê duyệt, mua trái phiếu dài hạn của TCTD hỗ trợ.

- Khi tổ chức tham gia BHTG lâm vào tình trạng mất khả năng chi trả hoặc phá sản, BHTGVN chi trả tiền bảo hiểm cho người được BHTG theo quy định của pháp luật.

- Tuyên truyền chính sách pháp luật về BHTG nhằm nâng cao niềm tin công chúng, góp phần đảm bảo an toàn hệ thống các TCTD.

Hiện nay, BHTGVN bảo vệ cho hơn 110 triệu lượt người gửi tiền tại 1.279 tổ chức tham gia BHTG, bao gồm: 96 ngân hàng và chi nhánh ngân hàng nước ngoài, 1.178 quỹ tín dụng nhân dân (QTDND), 01 ngân hàng hợp tác xã và 04 tổ chức tài chính vi mô. Với nguồn lực tài chính tăng trưởng khá được tích lũy qua từng năm giúp BHTGVN có thể sẵn sàng chi trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền khi cần thiết và tham gia có hiệu quả vào quá trình tái cơ cấu hệ thống các TCTD.

Về chi trả, kể từ năm 2013, BHTGVN không phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đối với các tổ chức tham gia BHTG. Tuy nhiên, BHTGVN vẫn tập trung bám sát diễn biến tình hình các tổ chức tham gia BHTG là các QTDND yếu kém được kiểm soát đặc biệt; chủ động theo dõi, bám sát quá trình thực hiện xử lý pháp nhân của NHNN chi nhánh tỉnh, thành phố và ý kiến kết luận, chỉ đạo của Thống đốc NHNN để có các biện pháp xử lý kịp thời.

BHTGVN đã chủ động, tích cực thực hiện các nhiệm vụ mới trong quá trình tham gia kiểm soát đặc biệt các TCTD; nghiên cứu, xây dựng và hoàn thiện hệ thống văn bản quản trị, điều hành về kiểm soát đặc biệt để phù hợp với Luật Các TCTD năm 2024. Ngoài ra, BHTGVN hiện đang cử 34 cán bộ tham gia Ban Kiểm soát đặc biệt tại các tổ chức tham gia BHTG; xây dựng mức vốn dự phòng nhằm chủ động nguồn lực về tài chính, sẵn sàng cho vay đặc biệt đối với TCTD được kiểm soát đặc biệt đủ điều kiện vay vốn; giám sát, phân tích, đánh giá, cảnh báo an toàn đối với hệ thống QTDND.

BHTGVN đã chỉ đạo các đơn vị trong toàn hệ thống tiếp tục thực hiện giám sát liên tục, thường xuyên đối với 100% tổ chức tham gia BHTG trên địa bàn quản lý; hoàn thành đạt 100% kế hoạch kiểm tra định kỳ và theo chỉ đạo của Thống đốc NHNN để kịp thời tham mưu, đề xuất, kiến nghị với NHNN về các vấn đề phát sinh có khả năng gây rủi ro, mất an toàn hệ thống TCTD. Tính đến hết tháng 5/2024, BHTGVN đã hoàn thành thực hiện kiểm tra 100/253 tổ chức tham gia BHTG, 20/75 QTDND theo chỉ đạo của NHNN.

BHTGVN thực hiện tuyên truyền chính sách BHTG thông qua nhiều hình thức và phương tiện truyền thông, đặc biệt nhắm đến đối tượng là người gửi tiền nhỏ lẻ, thiếu thông tin... giúp họ nâng cao hiểu biết tài chính để có lựa chọn gửi tiền phù hợp tại các TCTD. BHTGVN đã mở rộng thực hiện các hoạt động tuyên truyền, triển khai xây dựng Đề án truyền thông chính sách BHTG với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.

Với những kết quả trên, BHTGVN đã trở thành một điểm tựa quan trọng cho các TCTD trong việc củng cố, duy trì hoạt động huy động vốn; trở thành một kênh giám sát, tham mưu cho NHNN đảm bảo hoạt động an toàn, lành mạnh của các TCTD.

Để tiếp tục nâng cao vai trò của chính sách BHTG và hoạt động của tổ chức BHTG tại Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg ngày 30/12/2022. Chiến lược này đã xác định vị thế, khẳng định vai trò của BHTGVN trong giai đoạn tới, đó là góp phần ổn định hệ thống tài chính, ngân hàng, thúc đẩy sự phát triển của kinh tế - xã hội đất nước. Đây là lần đầu tiên trong suốt gần 25 năm thực hiện chính sách BHTG tại Việt Nam, quan điểm, mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp đối với từng giai đoạn tương lai được cụ thể hóa trên tầm nhìn trung và dài hạn, mở ra triển vọng mới đối với lĩnh vực chính sách công đặc thù này.

Chiến lược BHTG kiên trì mục tiêu bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng. Bên cạnh đó, tăng cường vai trò của BHTGVN trong quá trình tham gia tái cơ cấu các tổ chức tham gia BHTG yếu kém gắn với xử lý nợ xấu. BHTGVN sẽ từng bước đổi mới theo hướng đáp ứng các nguyên tắc trong Bộ nguyên tắc phát triển tổ chức BHTG hiệu quả của Hiệp hội BHTG quốc tế, phù hợp với định hướng tổng thể Chiến lược ngành Ngân hàng và thực tiễn tại Việt Nam. Đồng thời, việc phát triển tổ chức BHTG nhanh và bền vững sẽ là kết quả của ứng dụng khoa học, công nghệ hiện đại và đổi mới sáng tạo đi đôi với phát triển nguồn nhân lực có chất lượng cao.

Mục tiêu tổng quát cho sự phát triển của hệ thống BHTG tại Việt Nam là: (i) Bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, góp phần tích cực duy trì sự ổn định của hệ thống các TCTD, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, bảo đảm sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng; (ii) Nâng cao chất lượng, hiệu quả trong hoạt động BHTG, bao gồm chứng nhận tham gia BHTG, thông tin báo cáo, giám sát, kiểm tra, tham gia kiểm soát đặc biệt, phát hiện, cảnh báo sớm những rủi ro tiềm ẩn đối với tổ chức tham gia BHTG; (iii) Tham gia tái cơ cấu có hiệu quả đối với các tổ chức tham gia BHTG yếu kém; (iv) Tính và thu phí BHTG, quản lý nguồn vốn và đầu tư, tuyên truyền chính sách BHTG, chi trả BHTG theo hướng phù hợp với thông lệ quốc tế và các quy định của pháp luật Việt Nam; (v) Tăng cường năng lực tài chính của tổ chức BHTG để khẳng định cam kết của Nhà nước và nâng cao niềm tin của người gửi tiền đối với chính sách BHTG.

Bên cạnh mục tiêu tổng quát, Chiến lược phát triển BHTG đã đặt ra các mục tiêu cụ thể, lượng hóa được các hoạt động nghiệp vụ BHTG để ngày càng bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của người gửi tiền, củng cố niềm tin của công chúng vào hệ thống hệ thống tài chính - ngân hàng và đóng góp vào sự phát triển ổn định của nền kinh tế - xã hội, gồm: (i) Phấn đấu tỷ lệ người gửi tiền được bảo hiểm toàn bộ trên tổng số người gửi tiền được bảo hiểm đạt 92% - 95%, đảm bảo phù hợp với thông lệ quốc tế; (ii) Phấn đấu rút ngắn thời gian chi trả thực tế kể từ khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm đến năm 2025 là 30 ngày làm việc và đến năm 2030 là 15 ngày làm việc, nhằm giúp người gửi tiền được tiếp cận sớm với tiền gửi của mình khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi được xử lý; (iii) Phấn đấu đạt mục tiêu đến năm 2025 có 45% và đến năm 2030 có 55% người gửi tiền nắm bắt được các nội dung cốt lõi của chính sách BHTG.

Để thực hiện các quan điểm định hướng trên, Chiến lược phát triển BHTG xác định 4 nhóm nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu, gồm: Hoàn thiện cơ sở pháp lý về BHTG; áp dụng hiệu quả các công cụ chính sách BHTG; triển khai hiệu quả hoạt động BHTG; phát triển tổ chức BHTG. Trong giai đoạn 2022 - 2025, Chiến lược phát triển BHTG đã xác định trọng tâm hoàn thiện cơ sở pháp lý là xây dựng Luật BHTG sửa đổi, bổ sung và các luật có liên quan cũng như xây dựng hệ thống văn bản hướng dẫn, thi hành luật. Giai đoạn 2025 - 2030, quá trình xây dựng, bổ sung, chỉnh sửa để hoàn thiện cơ sở pháp lý liên quan đến BHTG sẽ tiếp tục được thực hiện. Trong đó, tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Luật BHTG sau 12 năm triển khai đã bộc lộ một số vướng mắc, trở ngại cũng như tiềm ẩn những hạn chế đối với triển vọng phát triển hệ thống ngân hàng. Luật BHTG cần được sửa đổi, bổ sung phù hợp với thực tiễn hoạt động, thông lệ quốc tế, nhằm kiến tạo hành lang thông thoáng cho việc triển khai hiệu quả chính sách BHTG.

Bên cạnh đó, BHTGVN cần tăng cường phối hợp với các, bộ, ngành, cơ quan và đơn vị có liên quan cũng như tăng cường phối hợp giữa các đơn vị trong toàn hệ thống. Thực hiện tốt việc chia sẻ, trao đổi thông tin nhằm hỗ trợ cho quá trình triển khai chính sách. Nâng cao năng lực quản lý, đổi mới phương thức lãnh đạo và chỉ đạo ở tất cả các cấp trong mọi hoạt động của BHTGVN, bảo đảm khoa học, hiệu quả, thiết thực, sát với thực tế; phát huy tính chủ động và sáng tạo trong xử lý các công việc. Đẩy mạnh việc nghiên cứu, ứng dụng công nghệ gắn liền với các hoạt động chuyên môn, nghiệp vụ để tăng cường hiệu quả công tác. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin; những tiến bộ trong chuyển đổi số phục vụ công tác chuyên môn đạt hiệu quả cao.

BHTGVN tập trung nguồn lực để hoàn thành các nhiệm vụ, giải pháp trước khi kết thúc giai đoạn đầu của Chiến lược phát triển BHTG đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đặc biệt là việc tham gia tích cực vào quá trình sửa đổi, bổ sung Luật BHTG và nâng cao hiệu quả nghiệp vụ, từ đó bảo vệ tốt hơn nữa quyền và lợi ích hợp pháp của người gửi tiền, đảm bảo sự phát triển an toàn, lành mạnh của hoạt động ngân hàng.

Bảo Minh
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục