Bảo hiểm Quân đội (MIC) báo lãi quý III giảm 16%

(Banker.vn) Mặc dù doanh thu tài chính tăng trưởng mạnh và chi phí quản lý cũng được thu hẹp. Tuy nhiên, lợi nhuận hoạt động kinh doanh cốt lõi sụt giảm tới 41%, do đó Bảo hiểm Quân đội báo lãi quý III giảm 16%.

Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HOSE: MIG) vừa công bố báo cáo tài chính quý III/2023. Theo đó, doanh thu mảng kinh doanh bảo hiểm ghi nhận giảm 14,6%, xuống còn 757,7 tỷ đồng. Mặc dù chi phí kinh doanh bảo hiểm được cải thiện khoảng 9%, lãi thuần từ hoạt động này vẫn tụt gần 41%, xuống còn 92 tỷ đồng.

Bảo hiểm Quân đội (MIC) báo lãi quý III giảm 16%
Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HOSE: MIG)

Nguyên nhân khiến doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm của MIC sụt giảm chủ yếu đến từ việc doanh thu phí bảo hiểm con người đi xuống.

Trong kỳ, lợi nhuận tài chính ghi nhận tăng trưởng 54% trong quý III. Ngoài ra, chi phí quản lý doanh nghiệp ghi nhận giảm hơn 21%. Tuy vậy, điều này vẫn chưa đủ để bù đắp sự sụt giảm trong hoạt động kinh doanh cốt lõi của MIC.

Theo đó, MIC ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 53,2 tỷ đồng, giảm 16,3% so với cùng kỳ. Sau khi trừ đi nghĩa vụ thuế, MIC lãi ròng 42,5 tỷ đồng trong quý III, giảm 16% so với cùng kỳ năm trước.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, lợi nhuận trước thuế của công ty ghi nhận đạt 214,4 tỷ đồng, tăng 25,8% so với cùng kỳ. Theo đó, doanh nghiệp bảo hiểm này mới chỉ hoàn thành 61,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm 2023.

Tại thời điểm ngày 30/9/2023, tổng tài sản của công ty ghi nhận giảm nhẹ 0,7% so với hồi đầu năm, đạt 8.482 tỷ đồng. Trong hai quý gần đây, MIC đã chuyển dịch cơ cấu đầu tư từ dài hạn sang ngắn hạn.

Cụ thể, so với đầu năm, khoản mục đầu tư tài chính ngắn hạn đã tăng 44,6% lên 3.807 tỷ đồng trong khi đầu tư tài chính dài hạn (chủ yếu gồm tiền gửi, trái phiếu, chứng chỉ tiền gửi) giảm từ 979 tỷ đồng xuống 20 tỷ đồng.

Số dư đầu tư tài chính dài hạn từng đạt hơn 1.000 tỷ đồng vào cuối quý I nhưng đã giảm mạnh còn 119 tỷ đồng vào cuối quý II, sau đó tiếp tục giảm trong quý III.

Khoản đầu tư tài chính ngắn hạn tăng thêm tập trung nhiều nhất vào tiền gửi (kỳ hạn 6 tháng đến 2 năm, lãi suất 7 - 12%/năm) và chứng chỉ tiền gửi (kỳ hạn 2 năm, lãi suất 7,6%/năm).

Ngoài ra, MIC đã không còn tiền gửi và chứng chỉ tiền gửi dài hạn vào cuối quý III. Công ty cũng chỉ nắm 20 tỷ đồng trái phiếu dài hạn, với lãi suất 10,5%/năm, trong khi đó con số này ghi nhận 200 tỷ đồng vào cuối năm trước.

Không chỉ riêng Bảo hiểm Quân đội, trước đó một doanh nghiệp cùng ngành khác là Công ty CP Bảo hiểm Ngân hàng Nông nghiệp (ABIC) cũng có xu hướng chuyển dịch gần như hoàn toàn các khoản đầu tư tài chính từ dài hạn sang ngắn hạn trong hai quý đầu năm 2023.

Sau 9 tháng đầu năm 2023, vốn chủ sở hữu của MIC đã tăng 4,2% lên mức 1.972 tỷ đồng, chủ yếu do vốn điều lệ đã tăng từ gần 1.645 tỷ đồng lên 1.727 tỷ đồng. Trong tháng 9 vừa qua, doanh nghiệp bảo hiểm này đã phát hành thêm 8,2 triệu cổ phiếu để trả cổ tức với tỷ lệ 5%.

Trên thị trường chứng khoán, tính đến thời điểm 14h30 phiên giao dịch ngày 25/10, hiện thị giá cổ phiếu MIG đang được giao dịch ở mức 16.200 đồng/cp, tăng khoảng 13% so với thời điểm đầu năm.

Bảo hiểm Quân đội (MIG) chốt ngày trả cổ tức 2022 bằng cổ phiếu

Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội (MIC, HOSE: MIG) vừa công bố ngày đăng ký cuối cùng để nhận cổ tức bằng cổ ...

Ông Nguyễn Đức Tuấn thôi giữ chức Phó Tổng giám đốc tại Bảo hiểm Quân đội

Tổng Công ty CP Bảo hiểm Quân đội vừa có thông báo thay đổi nhân sự sau khi nhận được đơn từ nhiệm của ông ...

Mai Lan (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán