Bảo đảm giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân

(Banker.vn) Ngày 16/7, tại Hà Nội diễn ra Hội thảo lấy ý kiến dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân.
Cho ý kiến bước đầu về việc chuẩn bị kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV Xây dựng Đề án Đổi mới công tác bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân Uỷ ban Khoa học Công nghệ và Môi trường của Quốc hội làm việc với EVN về Luật Điện lực sửa đổi

Tại hội thảo, các đại biểu đánh giá cao chất lượng của cả dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, đồng thời nhận thấy, các nội dung được sửa đổi, bổ sung là sự chắt lọc, kết tinh và thể chế hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng dựa trên cơ sở khoa học và cơ sở thực tiễn chặt chẽ.

Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo
Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương phát biểu chỉ đạo Hội thảo

Trong đó, Tờ trình đã thuyết minh được đầy đủ, chặt chẽ sự cần thiết ban hành Luật (với các cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn); mục đích, quan điểm xây dựng Luật; quá trình xây dựng Luật; phạm vi điều chỉnh và bố cục dự thảo Luật; vấn đề còn ý kiến khác nhau; tính thống nhất của dự thảo Luật với hệ thống pháp luật; tính tương thích của dự thảo Luật với Điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Phát biểu chỉ đạo hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương cho biết, dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và Hội đồng nhân dân dự kiến trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8 và xem xét, thông qua tại Kỳ họp thứ 9.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã giao Hội đồng Dân tộc là cơ quan chủ trì soạn thảo dự án Luật và Ủy ban Pháp luật là cơ quan chủ trì thẩm tra. Tại Phiên họp thứ 37 vào tháng 9 tới, Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự thảo Luật này trước khi trình Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhận thấy, từ nay đến thời điểm đó, Hội đồng Dân tộc đã có kế hoạch triển khai các bước. Hiện dự thảo Luật đã được đăng tải trên các phương tiện thông tin đại chúng, xin ý kiến rộng rãi của nhân dân, đồng thời, hiện dự thảo Luật cũng được xin ý kiến của Chính phủ, Viện kiểm sát nhân dân, Tòa án nhân dân và các cơ quan liên quan. Phó Chủ tịch Quốc hội mong muốn Ban soạn thảo dự án Luật đảm bảo đúng tiến độ theo quy định pháp luật.

Qua các ý kiến của các đại biểu và chuyên gia, Phó Chủ tịch Quốc hội đề nghị thành viên Ban soạn thảo nghiên cứu kỹ các nội dung, đối với các hội thảo tổ chức thời gian tới, đề nghị mời rộng rãi các chuyên gia, các nhà khoa học để tham vấn ý kiến. Nếu tổ chức không khoa học thì chúng ta không thu thập được nhiều thông tin. Đây là kênh thông tin để chúng ta tiếp thu và hoàn chỉnh dự án Luật vì nhiệm vụ của Ban soạn thảo là tiếp thu để hoàn chỉnh dự thảo Luật.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao sự tích cực, chủ động của Ban soạn thảo, Tổ biên tập đã xây dựng kế hoạch tương đối bài bản theo quy định, triển khai các bước thận trọng, kĩ lưỡng, khoa học. Đồng thời, ghi nhận các ý kiến của các chuyên gia, các nhà khoa học tại Hội thảo này có giá trị cả về lý luận và thực tiễn, nhiều thông tin, nhiều ý kiến cơ bản nhất trí với dự thảo Tờ trình và dự thảo Luật.

Nhận thấy đây là luật có phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp liên quan đến nhiều luật chuyên ngành khác, một số vấn đề đang vướng ở các luật khác nhưng chưa có kế hoạch sửa đổi, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, việc giải quyết mối quan hệ giữa luật này với các luật khác như thế nào thì cần bóc tách từng vấn đề.

“Nếu đưa vào luật thì phải yêu cầu sửa các nội dung của các luật liên quan như: Luật Tổ chức Quốc hội, Luật Tổ chức Chính phủ, Luật Tổ chức chính quyền địa phương, Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Tiếp công dân… Cái nào sửa, cái nào chờ sửa là cần phải làm rõ” - Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý.

Chia sẻ đây là lần đầu tiên nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV giao cho một cơ quan của Quốc hội chủ trì xây dựng luật, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đề nghị các nội dung cụ thể cần bám sát vào một số quan điểm sau: Cụ thể hóa các quan điểm của Đảng về xây dựng Nhà nước pháp quyền, về đổi mới hoạt động của Quốc hội nói chung, trong đó có hoạt động giám sát, tuân thủ Hiến pháp, đảm bảo sự thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật.

Thông qua hoạt động giám sát để kiểm soát quyền lực Nhà nước, phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan dân cử, bảo đảm yêu cầu theo thể chế chính trị của nước ta - Đảng lãnh đạo, Nhà nước điều hành và Nhân dân làm chủ.

Trên cơ sở đó, Phó Chủ tịch Quốc hội cho rằng, phạm vi, đối tượng, hình thức, phương thức, hệ quả pháp lý đều phải tuân thủ nội dung này; cung cấp cơ sở thực tiễn trong hoạt động lập pháp, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước và đổi mới, nâng cao hoạt động chung của Quốc hội để xây dựng Nhà nước pháp quyền.

Ngoài ra, cần bám sát 5 chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật đã được Quốc hội thông qua để bảo đảm giám sát là khâu trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội và Hội đồng nhân dân, giám sát để kiến tạo, giám sát đến cùng sự việc. Vì vậy, phải rõ hơn hệ quả pháp lý của từng hoạt động giám sát.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục