Bản tin Chống buôn lậu 23/10: Nhập lậu gia cầm gia tăng; Xử phạt kinh doanh phân bón không đủ điều kiện

(Banker.vn) Bản tin Chống buôn lậu ngày 23/10: Lực lượng QLTT và các lực lượng chức năng đã ngăn chặn nhập lậu gia cầm; Đề nghị truy tố 22 bị can mua bán hóa đơn khống...
Bản tin Chống buôn lậu 19/10: Liên tiếp bắt giữ 2 vụ vận chuyển trái phép pháo hoa Bản tin Chống buôn lậu 20/10: Tiêu hủy 2.399 sản phẩm thuốc lá điện tử và nhiều hàng hóa nhập lậu Bản tin Chống buôn lậu 22/10: Bắt đối tượng mua bán động vật quý hiếm; Ngăn chặn nhập lậu gia súc

Nhập lậu gia cầm gia tăng ở Lạng Sơn

Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn, tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm giống nhập lậu qua tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh tăng đột biến trong thời gian gần đây.

Bản tin Chống buôn lậu 23/10: Nhập lậu gia cầm gia tăng; Xử phạt kinh doanh phân bón không đủ điều  kiện
Tình trạng vận chuyển, buôn bán gia cầm giống nhập lậu qua tuyến biên giới trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn tăng đột biến

Theo số liệu từ Ban Chỉ đạo 389 tỉnh Lạng Sơn cho thấy, từ đầu tháng 8 đến nay, các lực lượng đã xử phạt vi phạm hành chính trên 214 triệu đồng; tịch thu, buộc tiêu hủy hàng hóa, tang vật vi phạm hành chính 101.800 con gà/vịt giống, 8.532 kg sản phẩm từ gia cầm các loại bao gồm: 1.732 kg chân gà, 270 kg đùi gà bảo quản đông lạnh, 4.000 kg vịt thịt nguyên con đã qua giết mổ bảo quản đông lạnh, 2.530 chân gà đóng túi hút chân không...

Cụ thể, từ đầu tháng 8/2023 đến ngày 10/10/2023, Đồn Biên phòng cửa khẩu Chi Ma phối hợp với Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma, Cục Hải quan Lạng Sơn đã bắt giữ 13 vụ, thu giữ gần 23.000 con gà giống, vịt giống nhập lậu.

Ngoài ra, từ ngày 24/9 đến ngày 10/10, Chi cục Hải quan cửa khẩu Chi Ma cũng đã phát hiện 4 vụ vận chuyển gia cầm trái phép trong địa bàn quản lý, thu giữ gần 4.200 con gia cầm giống nhập lậu.

Hoạt động vận chuyển gia cầm giống nhập lậu, gia cầm giống không rõ nguồn gốc xuất xứ qua địa bàn vẫn đang được các lực lượng chức năng của tỉnh Lạng Sơn kiểm soát, ngăn chặn kịp thời.

Đề nghị truy tố 22 bị can trong đường dây mua bán hóa đơn khống hơn 4.000 tỷ đồng

Liên quan đến việc mua bán hóa đơn khống trị giá hơn 4.000 tỷ đồng, ngày 20/10, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã kết luận điều tra, chuyển Viện kiểm sát cùng cấp đề nghị truy tố 22 bị can.

Theo đó, qua công tác nắm tình hình, Phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu Công an TP. Hồ Chí Minh phát hiện đường dây mua bán hóa đơn với quy mô lớn, doanh số hóa đơn xuất khống lên đến gần hàng chục nghìn tỷ đồng, do Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang là đối tượng cầm đầu; Hoàng Ngọc Phượng Trân, Ngô Thị Bích Thủy là các đối tượng giúp sức.

Qua điều tra, lực lượng công an xác định, từ 04/2017 đến tháng 3/2023, Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang và đồng phạm đã thành lập, sử dụng 41 pháp nhân mua, bán trái phép 34.292 hóa đơn GTGT cho 3.273 doanh nghiệp, đơn vị khác nhau trên 52 tỉnh/thành trên cả nước với tổng trị giá chưa thuế là 3.956.652.943.225 đồng, thuế GTGT là 380.463.390.761 đồng, tổng giá trị là 4.336.857.988.186 đồng.

Vào tháng 3/2023 và tháng 6/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã khởi tố 12 bị can, trong đó có 03 bị can Hoàng Đặng Ngọc Mỹ Trang, Hoàng Ngọc Phượng Trân, Ngô Thị Bích Thủy về tội danh “in, phát hành, mua bán trái phép hóa đơn” và 09 bị can Nguyễn Bảo Khánh, Mai Thị Luyện, Nguyễn Thị Lệ Hằng, Nguyễn Thị Ninh, Nguyễn Thị Thu Hiếu, Phan Thị Thùy Trang, Đỗ Thị Cát Trinh, Phan Tiến Dũng, Trần Duy Hiếu về tội danh “Mua bán trái phép hóa đơn”.

Mở rộng điều tra, liên quan đến doanh nghiệp sử dụng hóa đơn bất hợp pháp, ngày 20/9/2023, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an TP. Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố đối với 10 bị can tại TP. Hồ Chí Minh, Tây Ninh, Đồng Nai. Trong đó, khởi tố 7 bị can về tội trốn thuế và khởi tố 3 bị can về tội mua bán trái phép hóa đơn.

Đồng Tháp phạt hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật không đủ điều kiện

Theo thông tin từ Tổng cục Quản lý thị trường, Đội Quản lý thị trường số 2 trực thuộc Cục Quản lý thị trường tỉnh Đồng Tháp vừa tiến hành kiểm tra hộ kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật H.T.T do ông H.T.T làm chủ hộ, địa chỉ: Tổ 9, Ấp 2A, xã Hưng Thạnh, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp.

Bản tin Chống buôn lậu 23/10: Nhập lậu gia cầm gia tăng; Xử phạt kinh doanh phân bón không đủ điều  kiện
Đội Quản lý thị trường số 2 đang kiểm tra tại hộ kinh doanh

Tiến hành kiểm tra, Đội Quản lý thị trường số 2 phát hiện tại hộ kinh doanh đang kinh doanh phân bón, thuốc bảo vệ thực vật là ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện nhưng không có Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán phân bón và Giấy chứng nhận đủ điều kiện buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

Hiện, Đội Quản lý thị trường số 2 đang hoàn tất hồ sơ ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính về hành vi vi phạm nêu trên, với tổng số tiền 16,5 triệu đồng.

Hương Trần

Theo: Báo Công Thương