Bài cuối: Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu nông sản hướng đến xuất khẩu

(Banker.vn) Khẳng định việc xây dựng và bảo hộ thương hiệu nông sản Việt “muộn còn hơn không”, do đó, hoàn thiện chính sách pháp luật là việc cần phải làm.
Bài 3: Xây dựng thương hiệu: Kinh nghiệm của các nước và bài học cho Việt Nam Bài 2: Xây dựng thương hiệu: Nút thắt do đâu? Bài 1: Khoảng lặng của hạt gạo Việt

Khung chính sách hiện nay đối với quản lý và phát triển thương hiệu nông sản

Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản của Việt Nam là một giải pháp quan trọng nhằm gia tăng sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam ở thị trường trong nước và thế giới. Chủ trương này đã được cụ thể hóa trong các Nghị quyết, Chiến lược, Chương trình ở cấp quốc gia và chính sách, Chương trình, Đề án ở cấp Bộ, ngành.

Xuất khẩu nông sản vào Hoa Kỳ: Và những lưu ý cho doanh nghiệp Việt
Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu nông sản hướng đến xuất khẩu

Cụ thể, đối với cấp quốc gia, hiện tại, về phát triển thương hiệu được quy định tại khoản 2 Điều 105 về phát triển ngoại thương thông qua hoạt động xúc tiến thương mại của Luật Quản lý ngoại thương và Chính phủ đã quy định chi tiết Điều này tại Nghị định số 28/2018/NĐ-CP ngày 1/3/2018 quy định chi tiết luật quản lý ngoại thương về một số biện pháp phát triển ngoại thương (Mục 3 từ Điều 16-19 Chương trình cấp quốc gia về xây dựng và phát triển thương hiệu).

Chính phủ đã xây dựng, ban hành một số chiến lược, chương trình liên quan đến xây dựng, phát triển thương hiệu nói chung. Cụ thể, Chiến lược sở hữu trí tuệ đến năm 2030; Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam từ năm 2020 đến năm 2030; Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2030; Đề án nâng cao năng lực cạnh tranh các mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam đến năm 2020, định hướng đến năm 2030; Quy hoạch tổng thể phát triển các ngành công nghiệp Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030.

Đối với xây dựng thương hiệu nông sản, ngoài các giải pháp, hỗ trợ nằm trong các chính sách nêu trên, ở cấp quốc gia hiện nay đã có một số sản phẩm nông sản chủ lực được quan tâm xây dựng thương hiệu.

Theo đó, với sản phẩm gạo, Chính phủ đã phê duyệt Đề án phát triển thương hiệu gạo Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 tại Quyết định số 706/QĐ-TTg ngày 21/5/2015. Sản phẩm cà phê, đã được phê duyệt là sản phẩm quốc gia (theo Quyết định số 787/QĐ-TTg ngày 5/6/2017). Tôm nước lợ, sâm Việt Nam, các sản phẩm nấm ăn và nấm dược liệu, sản phẩm cá da trơn Việt Nam chất lượng cao và các sản phẩm chế biến từ cá da trơn đã được phê duyệt là sản phẩm quốc gia thuộc Chương trình phát triển sản phẩm quốc gia đến năm 2020.

Bên cạnh chủ trương, chính sách ở cấp quốc gia, xây dựng thương hiệu nông sản cũng đã được đưa vào hoặc lồng ghép trong các chủ trương, chính sách, chương trình, đề án ở cấp bộ, ngành.

Cụ thể, Bộ Công Thương đã xây dựng “Đề án phát triển thương hiệu ngành thực phẩm Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030” tại Quyết định số 3816/QĐ-BCT ngày 23/12/2019. Mục tiêu của Đề án nhằm nâng cao nhận thức của doanh nghiệp Việt Nam về xây dựng, phát triển và bảo vệ thương hiệu ngành thực phẩm; thúc đẩy xuất khẩu nông sản thực phẩm của Việt Nam; tạo dựng niềm tin cho các khách hàng hiện tại và tiềm năng trong hoạt động hợp tác kinh doanh với các đối tác Việt Nam trong lĩnh vực thực phẩm; cải thiện nhận diện thương hiệu thực phẩm Việt Nam, tăng khả năng cạnh tranh của thực phẩm Việt Nam trên thị trường thế giới. Trong giai đoạn đầu, đề án tập trung vào 9 phân ngành tiên phong bao gồm: lương thực, thủy sản, điều, chè, cà phê, tiêu, rau quả, dừa, mật ong.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương cũng đang xây dựng dự thảo “Đề án tuyên truyền, quảng bá cho thương hiệu cà phê Việt Nam chất lượng cao gắn với thương hiệu ngành, chỉ dẫn địa lý” trình Chính phủ. Tuy nhiên, Đề án này chưa được phê duyệt vì còn đợi Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hoàn thành đăng ký nhãn hiệu chứng nhận cà phê Việt Nam chất lượng cao.

Bài cuối: Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu nông sản hướng đến xuất khẩu
Nông sản Việt sẽ cạnh tranh bằng chất lượng và uy tín tại các thị trường

Xây dựng, phát triển thương hiệu nông sản cũng đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chú trọng, quan tâm, đã được lồng ghép trong các chính sách về phát triển nông nghiệp nông thôn hiện nay, tuy nhiên nội hàm của xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản nêu trong các văn bản chính sách hiện còn hạn chế.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) - cho biết, nông sản Việt Nam có 11 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 1 tỷ USD; 6 nhóm mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD; có mặt ở hầu hết các thị trường nhập khẩu lớn của thế giới.

Tuy nhiên, 90% nông sản vẫn xuất khẩu dưới dạng thô, giá xuất khẩu thấp hơn các sản phẩm cùng loại của nhiều nước khác; 80% sản lượng nông sản xuất khẩu chưa xây dựng được thương hiệu, chưa có logo, nhãn mác riêng và chưa tham gia đầy đủ vào chuỗi giá trị toàn cầu. Thương hiệu nông sản Việt bị xâm phạm ở nước ngoài (gạo ST25, nước mắm Phú Quốc, cà phê Buôn Ma Thuột…).

Xây dựng và phát triển thương hiệu nông sản Việt Nam hiện hiện nay còn gặp một số bất cập và hạn chế. Theo đó, vẫn thiếu định hướng chiến lược tổng thể ở cấp quốc gia trong xây dựng thương hiệu nông sản làm cơ sở để xác định rõ định hướng cho các ngành, địa phương và doanh nghiệp. Quản trị phát triển thương hiệu nông sản còn yếu, thiếu chủ thể có năng lực để quản lý và khai thác thương hiệu hiệu quả. Chiến lược tiếp cận thị trường gắn với xây dựng thương hiệu, chất lượng, quy hoạch vùng sản xuất chưa được quan tâm đúng mức. Quản lý thương hiệu còn bất cập. Các công cụ để xây dựng thương hiệu chưa hiệu quả. Hệ thống thông tin và kết nối thị trường còn hạn chế.

Rất cần những giải pháp căn cơ

Theo các chuyên gia, muốn phát triển thương hiệu tốt phải có định hướng phát triển đồng thời trên ba trục: Phải có sản phẩm tốt; Phải có doanh nghiệp tốt, tham gia quy mô lớn; Phải có hệ sinh thái tốt để thương hiệu phát triển; Gắn kết thành thương hiệu lớn hướng tới lợi ích chung.

Hiện nay, Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản. Thông qua công tác tuyên truyền và các chương trình hiện nay ở các Bộ, ngành và địa phương, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã tích cực, chủ động trong đăng ký nhãn hiệu, bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ, phát triển thương hiệu nông sản, nhưng việc phát triển các thương hiệu mạnh (ở cả 3 nhóm sản phẩm quốc gia, vùng và địa phương) đều còn hạn chế.

Vì vậy, việc xây dựng một cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển thương hiệu cho nông sản đảm bảo phù hợp hợp với các chủ trương, chính sách, cơ sở pháp lý liên quan và phù hợp với quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật (Luật số 80/2015/QH13 ngày 22/06/2015) là cần thiết.

Việc xây dựng chính sách về phát triển thương hiệu nông sản cần xem xét các nội dung gồm: Chính sách hỗ trợ xây dựng thương hiệu thông qua thúc đẩy đăng ký bảo hộ tài sản trí tuệ trong và ngoài nước; Chính sách hỗ trợ xây thực hiện nhiệm vụ nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ; Chính sách thúc đẩy và tăng cường hiệu quả thực thi và chống xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ, xâm phạm thương hiệu; Chính sách hỗ trợ hình thành, tạo dựng văn hóa sở hữu trí tuệ và phát triển thương hiệu nông sản.

Bài cuối: Hoàn thiện chính sách xây dựng thương hiệu nông sản hướng đến xuất khẩu
Việt Nam chưa có chính sách riêng nào để hỗ trợ cho việc phát triển thương hiệu nông sản

Bộ Công Thương nhận định, nông sản thực phẩm của Việt Nam là một trong những nhóm hàng xuất khẩu chủ lực. Năm 2023 xuất khẩu khoảng trên 32 tỷ USD, chiếm khoảng 9% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam, được ghi nhận đứng thứ 15 thế giới, thứ 2 Đông Nam Á và đã có mặt ở trên 200 quốc gia và vùng lãnh thổ. Trong số đó có nhiều mặt hàng đã xuất khẩu đứng đầu thế giới như: hồ tiêu, nhân điều đứng thứ 1, cà phê, gạo đứng thứ 2, chè đứng thứ 5… Như vậy, có thể khẳng định thế giới đã biết nhiều đến nông sản của Việt Nam.

Để có được kết quả xuất khẩu như trên phải ghi nhận sự nỗ lực của các cấp, các ngành ở trung ương và địa phương, cũng như các hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp đã rất nỗ lực xây dựng và tổ chức thực hiện nhiều chương trình, đề án phát triển thương hiệu cho các ngành hàng.

Mặc dù vậy, trong thời gian qua, Việt Nam chủ yếu vẫn xuất khẩu thô, xuất khẩu bao trắng, nên người tiêu dùng cuối cùng cũng chưa biết nhiều đến thương hiệu sản phẩm của Việt Nam. Nguyên nhân là do việc đầu tư xây dựng thương hiệu cho sản phẩm của các doanh nghiệp đòi hỏi phải có thời gian và nguồn lực lớn, trong khi đa số các doanh nghiệp xuất khẩu của nước ta có quy mô vừa và nhỏ.

Để tiếp tục xây dựng thương hiệu, gia tăng giá trị xuất khẩu cho các sản phẩm chủ lực của Việt Nam, trong năm 2024 và các năm tiếp theo, Bộ Công Thương cho rằng cần thực hiện một số giải pháp sau:

Một là, cần tiếp tục nâng cao nhận thức của các cấp, các ngành về vai trò, ý nghĩa và sự cần thiết của việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm trong sản xuất, kinh doanh và đầu tư, để từ đó có sự quan tâm dành nguồn lực đầu tư xứng đáng. Việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm là trách nhiệm chung của toàn xã hội, không phải của một bộ, ngành, địa phương hay tổ chức nào.

Hai là, các Bộ, ngành, địa phương, hiệp hội ngành hàng cần tổ chức rà soát, tổng kết, đánh giá lại tình hình triển khai các chương trình, đề án phát triển thương hiệu sản phẩm đã ban hành từ trước đến nay để cập nhật, điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp.

Ba là, quan tâm các hoạt động nâng cao năng lực xây dựng, phát triển thương hiệu cho các chủ thể liên quan, trong đó chú trọng các vấn đề cốt lõi là: sản phẩm phải đảm bảo chất lượng, có tính đổi mới, sáng tạo và năng lực tiên phong trên thị trường; sản xuất sản phẩm phải đồng đều, ổn định và có tính bền vững và kinh doanh phải có văn hóa, đạo đức và uy tín.

Bốn là, đẩy mạnh việc hỗ trợ đăng ký, bảo hộ thương hiệu và các hoạt động tuyên truyền, quảng bá cho các sản phẩm xuất khẩu chủ lực, xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở thị trường quốc tế, trong đó tập trung vào các thị trường xuất khẩu trọng điểm.

Năm là, việc xây dựng và phát triển thương hiệu sản phẩm phải được thực hiện đồng thời cả ở 3 câp độ: thương hiệu quốc gia, thương hiệu vùng miền, địa phương và thương hiệu doanh nghiệp.

Hết quý I/2024, xuất khẩu gạo thu về gần 1,4 tỷ USD
Hết quý I/2024, xuất khẩu gạo thu về gần 1,4 tỷ USD

Một trong 7 vấn đề được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh và gợi mở tại Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Nông dân Việt Nam lần thứ VIII đó là: "Tổ chức tốt các hoạt động cung ứng thiết bị, vật tư nông nghiệp, hỗ trợ nông dân đầu tư cho sản xuất, nuôi trồng, chăn nuôi; tham gia cung cấp một số dịch vụ công, đẩy mạnh công tác khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư. Nâng cao hiệu quả cung cấp tín dụng, hỗ trợ vốn; kết nối thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu hàng hoá cho nông dân. Các cấp hội cần tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp, tập trung vận động, hướng dẫn, hỗ trợ nông dân thành lập các tổ hợp tác, hợp tác xã; triển khai có hiệu quả các mô hình liên kết, hợp tác theo chuỗi giá trị".

Nghị quyết số 46-NQ/TW, ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới cũng đặt ra nhiệm vụ nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng nghề cho nông dân, lao động nông thôn và hoạt động dịch vụ, tư vấn, hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, kinh doanh trong đó có nhiệm vụ đẩy mạnh các hoạt động tư vấn, hỗ trợ kết nối thị trường, đa dạng hình thức quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản, hàng hoá, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký, bảo hộ thương hiệu, chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm; phổ biến, tư vấn pháp luật, trợ giúp pháp lý cho hội viên, nông dân.

Thực hiện Nghị quyết số 46/NQ/TW ngày 20/12/2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cách mạng trong giai đoạn mới, ngày 29/3/2024, Ban cán sự Đảng Bộ Công Thương cũng đã ban hành Kế hoạch số 22/KH-BCSĐ về tổ chức thực hiện Nghị quyết 46. Trong đó, một trong những nhiệm vụ được ông Nguyễn Hồng Diên - Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Công Thương đặt ra đối với các cấp ủy, tổ chức đảng thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương đó là tạo điều kiện để nông dân và hội nông dân các cấp tham gia các hoạt động tư vấn, kết nối thị trường, quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử, tiêu thụ nông sản, hàng hóa, xây dựng thương hiệu, chỉ dẫn địa lý, đăng ký bảo hộ thương hiệu, chuyển đổi số, bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm.

Kinh nghiệm thực tiễn của nhiều quốc gia trên thế giới cho thấy, để thành công trong việc thúc đẩy tiêu thụ đặc sản địa phương tại các thị trường xuất khẩu, rất cần chú trọng gây dựng, bảo vệ và gìn giữ thương hiệu. Do đó, ngoài việc quy hoạch phát triển các vùng nông sản chất lượng cao cũng cần đặc biệt quan tâm xây dựng và bảo vệ thương hiệu sản phẩm nông sản Việt Nam trên thị trường, đặc biệt là thị trường nước ngoài…

Với những quyết sách của Đảng và Nhà nước, sự vào cuộc của các Bộ, ngành, địa phương trong việc xây dựng thương hiệu, cùng những cuộc xúc tiến thương mại, đàm phán mở cửa thị trường, vượt qua những hàng rào kỹ thuật đã, đang và sẽ góp phần khơi thông không gian giá trị nông sản Việt. Đây cũng là cách để nông sản Việt đi xa và đứng vững trên thị trường thế giới.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương