Bài 5: UBND tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khẩn sau phản ánh của Báo Công Thương

(Banker.vn) Sau nhiều ngày làm việc, có em phải tăng ca nhiều giờ, nhưng vẫn tay trắng ra về. UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng xác minh, xử lý vụ việc.
Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức: Bài 1 - Cuộc giải cứu nghẹt thở Bài 2: Sau nghi án ‘mua bán học sinh’, bất ngờ xuất hiện công ty thứ ba tự nguyện trả tiền Bài 3: Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn xin sửa sai và đón tất cả học sinh trở về Bài 4: Ép học sinh viết giấy cam kết khống đã nhận đủ tiền lương

Sau khi Báo Công Thương có nhiều bài viết phản ánh về “Bản hợp đồng gian trá biến học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức”, UBND tỉnh Thanh Hóa đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh này vào cuộc, làm rõ; kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (các trường cao đẳng, trung cấp) trên địa bàn tỉnh trong việc đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập,…kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý các sai phạm (nếu có); báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện và những nội dung vượt thẩm quyền. Hiện Công an thị xã Bỉm Sơn cũng đã vào cuộc xác minh, làm rõ. Các em học sinh thì đang từng giờ ngóng chờ sự vào cuộc của các cơ quan chức năng thị xã Bỉm Sơn và tỉnh Thanh Hóa để trả lại quyền lợi chính đáng cho các em.

Trắng tay ra về sau nhiều ngày tăng ca kiệt sức

Ngày 29/8, phóng viên Báo Công Thương tiếp tục quay trở lại tại thị xã Bỉm Sơn để gặp các em học sinh sau khi trở về quê nhà. Trên khuôn mặt non nớt, thất thần, mệt mỏi, các em học sinh cho biết, sau nhiều ngày phải làm việc, có hôm phải tăng ca, nhưng lúc xe ô tô đón về nhà, các em vẫn tay trắng, không nhận một đồng tiền lương để động viên, an ủi!.

Bài 5: Nhiều học sinh vẫn tay trắng ra về sau nhiều ngày lao động, Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khẩn
Các em học sinh với gương mặt non nớt, thất thần kể cho phóng viên Báo Công Thương về những giờ lao động đến kiệt sức, nhưng không nhận được một đồng tiền lương từ Công ty Toàn Cầu.

Trên khuôn mặt vẫn hằn sâu sự mệt mỏi sau nhiều ngày bị “đội lốt” công nhân, tăng ca đến kiệt sức, em Tống Ngọc Thiện (sinh năm 2007) vừa trở về từ tỉnh Bắc Giang cho biết: “Em đi thực tập từ ngày 12/7/2023, lúc đầu em được đưa lên tỉnh Thái Nguyên, ở tại khu ký túc của Trường Cao đẳng nghề Việt Đức. Sau này được Công ty Toàn Cầu chỗ chị Hạnh đưa sang tỉnh Bắc Giang. Đến 17/8/2023 em bắt đầu làm việc tại Công ty ITM, có địa chỉ tại thành phố Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang. Em làm công việc lắp ráp điện tử được 9 ngày công, tăng ca 1 giờ, nhưng đến nay em chưa nhận được một đồng tiền lương nào”.

Còn em Vũ Tuấn Anh (sinh năm 2007) nghẹn lời nói: “Em cũng vào làm lắp ráp điện tử ở Công ty ITM ở thành phố Bắc Giang, em làm được 6 ngày công, nhưng mà người ta bảo phải làm 7 ngày công mới nhận được tiền lương, hôm chủ nhật (tức ngày 27/8-PV), xe ô tô của Công ty đưa em về cùng với đoàn với các bạn, em không nhận được một đồng tiền lương nào cả”.

Cũng chung số phận như hai bạn của mình, em Lê Nguyễn Anh Đức cho hay: “Em làm ở Công ty Nam Giang ở thành phố Bắc Giang, làm lắp ráp điện tử được 4 công nhưng chưa nhận được tiền lương. Em làm ở đó phải tăng ca, họ bảo dồn hàng và bắt em ở lại đến 7 giờ (tức 19 giờ-PV) mới được về. Buổi trưa các em chỉ được nghỉ 30 phút để ăn cơm, từ 11 giờ 30 phút đến 12 giờ thì làm tiếp. Khi vào làm Công ty Nam Giang, em được một chị đứng ở cổng dẫn vào hướng dẫn là ai hỏi thì cứ bảo là sinh năm 2005 (thực tế em sinh năm 2007)”.

Bài 5: Nhiều học sinh vẫn tay trắng ra về sau nhiều ngày lao động, Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khẩn
Mặc dù đã làm 17 ngày công, nhưng đại diện Công ty Toàn Cầu chỉ trả cho em Vũ Đình Phong (qua tài khoản bố Phong) số tiền lương là 1,7 triệu đồng (100 nghìn đồng/1 ngày công).

May mắn hơn các bạn, em Vũ Đình Phong (sinh năm 2007) buồn bã kể: “Em làm việc ở tỉnh Thái Nguyên được mấy ngày thì Công ty Toàn Cầu chuyển em sang làm việc ở thành phố Bắc Giang. Em nhớ đã làm việc khoảng 17 đến 18 ngày công, nhưng Công ty Toàn Cầu chỗ chị Hoàng Thị Hồng Hạnh chuyển trả cho em tiền lương được 1,7 triệu đồng”.

Bà Nguyễn Thị Dung, bà nội cháu Vũ Đình Phong cũng buồn bã buông lời: “Bắt các cháu làm việc như vậy là quá sức. Trước đây người cháu tôi như vậy (ý nói cháu Phong trước đây béo-PV), giờ người cháu như vậy. Đây là khuyết điểm của các thầy cô giáo là không giám sát cẩn thận. Người ta (tức nói Công ty-PV) có bắt tăng ca thì thầy giáo phải nói, phải đề nghị là các cháu đi thực tập. Bắt nó làm trong 8 tiếng, chứ đừng bắt các cháu làm quá sức, tới 11 tiếng là sai hoàn toàn”.

Bài 5: Nhiều học sinh vẫn tay trắng ra về sau nhiều ngày lao động, Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khẩn
Bà Nguyễn Thị Dung, bà nội em Vũ Đình Phong xót xa nhìn thấy em Phong gầy sọp sau nhiều ngày đi thực tập trở về.

Không biết vô tình hay không hiểu về quy trình đào tạo nghề, khi các em được đào tạo khoa Công nghệ ô tô thì Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn lại cho các em đi thực tập lắp ráp điện tử ở tận các tỉnh Thái Nguyên, Bắc Ninh và Bắc Giang. Ở tỉnh Thanh Hóa không có nơi để cho nhà trường đưa các em đến thực tập hay sao mà phải đưa các em lên tận các tỉnh xa vài trăm km như vậy?. Điều này thêm một chi tiết nữa thể hiện rõ sự tắc trách của Ban giám hiệu Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn, mà người chịu trách nhiệm chính ở đây là ông Hứa Xuân Hương, Hiệu trưởng nhà trường.

Điều đáng trách và có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng quyền lợi của các em vì đã làm việc nhiều ngày công, đến lúc ra về thì vẫn tay trắng, nhưng đến nay, Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn vẫn không có động thái gì để đòi hỏi quyền lợi chính đáng cho các em, cũng không yêu cầu Công ty Toàn Cầu trả các khoản lương rồi tiền tăng ca cho các em.

Những vấn đề này cho thấy đằng sau bản hợp đồng gian trá biến các em học sinh thành công nhân tăng ca kiệt sức là có dấu hiệu của sự “bắt tay” giữa Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn và Công ty Toàn Cầu. Có hay không việc trục lợi từ bản hợp đồng gián trá này. Số tiền lương mà các em lao động cật lực đang ở đâu, Công ty Toàn Cầu hưởng hay Trường trung cấp nghề thu?. Rất cần cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa sớm xác minh, làm rõ.

Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo xác minh, làm rõ vụ việc; Công an cũng đã vào cuộc

Ngày 28/8, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng đã có ý kiến chỉ đạo tại Văn bản số 12642/UBND-VX về việc: “Giao kiểm tra, xử lý thông tin phản ánh của báo chí về Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn đưa học sinh đi thực hành, thực tập”.

Bài 5: Nhiều học sinh vẫn tay trắng ra về sau nhiều ngày lao động, Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khẩn
Mặc dù em Tống Ngọc Thiện, sinh năm 2007, nhưng Công ty Toàn Cầu đã làm giả căn cước công dân tăng tuổi em Thiện sinh năm 2005 để "đội lốt" công nhân, bóc lột sức lao động.

Theo đó, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với UBND thị xã Bỉm Sơn và các đơn vị có liên quan kiểm tra, xác minh làm rõ các nội dung thông tin Báo Công Thương, phản ánh, căn cứ kết quả kiểm tra, xác minh khẩn trương có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý sai phạm hoặc đề xuất cấp có thẩm quyền xử lý các sai phạm (nếu có); báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh trước ngày 10/9/2023.

Ngoài ra, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng cũng giao Sở Lao động - Thương binh và Xã hội chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị, địa phương có liên quan theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao triển khai, thực hiện việc kiểm tra, rà soát các cơ sở giáo dục nghề nghiệp (các trường cao đẳng, trung cấp) trên địa bàn tỉnh trong việc đưa học sinh, sinh viên đi thực hành, thực tập,… để kịp thời có các biện pháp chấn chỉnh, xử lý các sai phạm (nếu có); báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh kết quả thực hiện và những nội dung vượt thẩm quyền.

Bài 5: Nhiều học sinh vẫn tay trắng ra về sau nhiều ngày lao động, Tỉnh Thanh Hóa chỉ đạo khẩn
Cần sớm làm rõ những khuất tất đàng sau bản hợp đồng giữa Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn và Công ty Toàn Cầu.

Chiều ngày 28/8, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội Thanh Hóa đã phối hợp với UBND thị xã Bỉm Sơn, tỉnh Thanh Hóa làm việc với Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn. Tuy nhiên, tại cuổi làm việc này Sở Lao động, Thương Binh và Xã hội cũng chỉ ghi nhận những thông tin mà báo chí phản ánh, chứ chưa có tình tiết mới.

Trao đổi với phóng viên Báo Công Thương, một lãnh đạo Công an thị xã Bỉm Sơn cho biết: "Đội an ninh đã xác minh rồi, có sai phạm, vì việc sửa tuổi các cháu thế thì có sai phạm rồi, còn dấu hiệu tội phạm hay không thì phải từ từ".

Như vậy, sau nhiều bài phản ánh vụ việc của Báo Công Thương, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo các cơ quan chức năng tỉnh này vào cuộc xác minh, làm rõ vụ việc; Công an thị xã Bỉm Sơn cũng đã vào cuộc và sẽ sớm làm rõ những vấn đề mà khuất tất ở Trường trung cấp nghề Bỉm Sơn mà Báo Công Thương đã phản ánh trong nhiều bài viết vừa qua.

Báo Công Thương sẽ tiếp tục thông tin vụ việc tới bạn đọc ở bài sau.

Hoàng Minh

Theo: Báo Công Thương