Bài 1: Giá gạo “nóng” liệu có hiện tượng đầu cơ, găm hàng? Người dân lo ngại đại lý gạo lợi dụng tin đồn để "thổi giá" |
Thực hiện ý kiến chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thanh Hóa Nguyễn Văn Thi tại Công văn số 11478/UBND-KTTC ngày 4/8/2023 về việc phối hợp triển khai công tác bình ổn thị trường thóc, gạo trên địa bàn, Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai đã ký Văn bản số 2232/SCT-QLTM “Về việc phối hợp triển khai thực hiện công tác bình ổn thị trường thóc, gạo”.
Theo đó, Sở Công Thương Thanh Hóa đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê sản lượng sản phẩm thóc gạo trên thị trường hiện nay (qua các doanh nghiệp kinh doanh, sơ chế) và dự báo tình hình sản lượng sản phẩm thóc, gạo trên địa bàn tỉnh sản xuất trong thời gian tới; đánh giá khả năng cung ứng cho thị trường nội tỉnh. Trong trường hợp thị trường mặt hàng thóc, gạo có biến động bất thường chủ động xây dựng giải pháp, phối hợp cùng với Sở Công Thương để tham mưu cho UBND tỉnh có biện pháp xử lý.
Giám đốc Sở Công Thương Thanh Hóa Phạm Bá Oai đã ký Văn bản số 2232/SCT-QLTM về việc phối hợp triển khai thực hiện công tác bình ổn thị trường thóc, gạo trên địa bàn |
Đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê danh sách các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, sơ chế, kinh doanh sản phẩm thóc, gạo trên địa bàn tỉnh; đề nghị các cơ sở nêu trên chủ động xây dựng phương án và có cam kết dự trữ đảm bảo nguồn hàng thóc, gạo cung ứng cho thị trường tỉnh Thanh Hóa từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn. Danh sách và khả năng cung ứng của các cơ sở nêu trên, đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn gửi về Sở Công Thương trước ngày 31/8/2023 để Sở Công Thương tổng hợp, báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh.
Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đề nghị UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo phòng Kinh tế Hạ tầng, phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các xã, phường, thị trấn trên địa bàn theo dõi sát diễn biến tình hình thị trường thóc, gạo, phối hợp và vận động các doanh nghiệp, các cơ sở sơ chế, chế biến và kinh doanh thóc gạo trên địa bàn có phương án dự trữ hàng hóa bình ổn thị trường từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Sở Công Thương Thanh Hóa đề nghị Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thống kê sản lượng sản phẩm thóc, gạo hiện nay và dự báo tình hình sản lượng sản phẩm thóc, gạo trên địa bàn tỉnh sản xuất trong thời gian tới |
Sở Công Thương Thanh Hóa yêu cầu UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo Ban 389 huyện, thị xã, thành phố kip thời nắm bắt diễn biến thị trường mặt hàng thóc, gạo trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng găm hàng hoặc tăng giá bất thường.
Ngoài ra, Sở Công Thương Thanh Hóa cũng đề nghị các doanh nghiệp có hệ thống phân phối, bán lẻ; các siêu thị, trung tâm thương mại tham gia kinh doanh mặt hàng thóc, gạo báo cáo về khả năng dự trữ mặt hàng gạo; chủ động xây dựng phương án bảo đảm nguồn cung mặt hàng từ nay đến cuối năm 2023 và giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 với giá bình ổn.
Khẳng định trước quyết tâm trong việc bình ổn giá gạo trên địa bàn, ông Lữ Minh Thư, Cục trưởng Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cho biết: “Ngay sau khi nhận được chỉ đạo của Tổng cục Quản lý thị trường và tình hình giá gạo trên thị trường tăng, Cục Quản lý thị trường đã có văn bản chỉ đạo các phòng, đội triển khai các lực lượng để kiểm tra, giám sát và cương quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện đại lý kinh doanh, buôn bán gạo đầu cơ, găm hàng, “bắt tay nhau” đẩy giá gạo tăng”.
Theo đó, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã có Văn bản số 997/QLTTH-NVTH “Về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo”, yêu cầu các Phòng, Đội Quản lý thị trường trực thuộc thực hiện Công văn số 1711/TCQLTT-CNV ngày 8/8/2023 của Tổng cục Quản lý thị trường về việc tăng cường kiểm tra, xử lý vi phạm về đầu cơ, găm hàng, định giá bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Cục Quản lý thị trưởng tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các Phòng, Đội quản lý thị trường trực thuộc triển khai các nội dung theo chức năng nhiệm vụ được giao nghiêm túc nghiên cứu, triển khai thực hiện.
Lực lượng Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa tăng cường kiểm tra giá các mặt hàng, trong đó có gạo; cương quyết xử lý nghiêm nếu phát hiện đại lý kinh doanh, buôn bán gạo đầu cơ, găm hàng “bắt tay nhau” đẩy giá gạo tăng” |
Yêu cầu các Đội Quản lý thị trường trực thuộc tăng cường công tác quản lý địa bàn, triển khai các biện pháp nghiệp vụ để nắm bắt tình hình thị trường, diễn biến cung - cầu, giá bán của mặt hàng gạo để xây dựng phương án kiểm tra, giám sát và đề xuất các giải pháp góp phần nhằm ổn định thị trường.
Cục Quản lý tỉnh Thanh Hóa yêu cầu các đội chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trên địa bàn tăng cường theo dõi sát tình hình giá gạo, kiểm tra, kiểm soát các cơ sở kinh doanh, đầu mối bán buôn, bán lẻ, các chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, các kho nhằm kiểm soát nguồn cung, giá bán, ngăn chặn các hành vi vi phạm về niêm yết giá, đầu cơ, găm hàng, định giá mua, giá bán bất hợp lý đối với mặt hàng gạo. Xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm.
Đội Quản lý thị trường số 9, số 10 tăng cường biện pháp nghiệp vụ giám sát, kiểm tra các tổ chức, cá nhân, các địa điểm tập kết hàng hóa; đấu tranh, xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về vận chuyển, kinh doanh gạo không rõ nguồn gốc, xuất xứ trên khâu lưu thông và trên địa bàn toàn tỉnh.
Có thể thấy, sau khi Bộ Công Thương, Tổng cục Quản lý thị trường có văn bản chỉ đạo, Sở Công Thương Thanh Hóa và Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp với các sở, ban, ngành; các địa phương khẩn trương triển khai các biện pháp, kiểm tra, giám sát, nếu phát hiện sẽ xử lý nghiêm các đại lý kinh doanh, buôn bán gạo đầu cơ, găm hàng, “bắt tay nhau” thổi giá gạo lên cao.
Với sự vào cuộc của Sở Công Thương, Cục Quản lý thị trường tỉnh Thanh Hóa cũng như các sở, ban, ngành; các địa phương, chắc chắn giá gạo trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa sẽ sớm được bình ổn, đảm bảo đời sống cho người dân.
Hoàng Minh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|