Bắc Kạn: Đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống

(Banker.vn) Tại các chợ truyền thống của tỉnh Bắc Kạn đang hình thành và phát triển mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt.
Đẩy mạnh sử dụng các phương tiện thanh toán không dùng tiền mặt vùng Tây Nguyên Doanh nghiệp Việt phát triển giải pháp thanh toán không dùng tiền mặt Đẩy mạnh không dùng tiền mặt cần kết nối dữ liệu, thanh toán thông minh

Hiện nay, trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, xu thế thanh toán các giao dịch mua bán bằng hình thức không dùng tiền mặt ngày càng trở nên phổ biến. Cùng với xu thế đó, tại các chợ truyền thống của tỉnh này cũng đang hình thành và phát triển mạnh hình thức thanh toán này.

Theo đại diện Sở Công Thương tỉnh Bắc Kạn, nhằm thực hiện hiệu quả Chỉ thị số 09-CT/TU ngày 3/8/2021 của Ban Thường vụ tỉnh uỷ Bắc Kạn về tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng đối với chuyển đổi số trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030 và Nghị quyết số 428-NQ/BCSĐ ngày 22/9/2022 của Ban cán sự đảng UBND tỉnh Bắc Kạn về thúc đấy hoạt động kinh tế số, xã hội số trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn, UBND tỉnh Bắc Kạn đã ban hành Kế hoạch số 820/KH-UBND ngày 12/12/2022 về triển khai thí điểm mô hình Chợ 4.0 - Chợ thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn để hình thành thói quen, từng bước đưa phương thức thanh toán số trở thành công cụ thanh toán chủ yếu trong quá trình giao dịch mua bán hàng hóa của người dân tại các chợ trên địa bàn tỉnh.

Tại Kế hoạch số 820/KH-UBND đã đưa ra lộ trình triển khai thực hiện thí điểm Chợ 4.0 tại các chợ: Chợ Đức Xuân, chợ Nguyễn Thị Minh Khai, chợ Bắc Kạn (TP. Bắc Kạn); chợ Trung tâm (huyện Ba Bể); chợ thị trấn Nà Phặc (huyện Ngân Sơn); chợ thị trấn Bằng Lũng (huyện Chợ Đồn); chợ đầu mối nông lâm sản thị trấn Yến Lạc (huyện Na Rì); chợ thị trấn Phủ Thông, (huyện Bạch Thông); chợ thị trấn Đồng Tâm (huyện Chợ Mới); chợ Bộc Bố (huyện Pác Nặm).

Với các mục tiêu: Phấn đấu 100% các tiểu thương, hộ kinh doanh tại chợ thí điểm được trang bị bảng mã để khách hàng quét mã QR Code thanh toán không dùng tiền mặt; triển khai mô hình Chợ 4.0 tại 60% các chợ theo danh sách thí điểm thực hiện thu các khoản thu dịch vụ của chợ (thu phí, tiền điện điện, thuê vị trí…) và chi trả lương cho cán bộ, nhân viên hưởng lương tại chợ bằng hình thức không dùng tiền mặt; phấn đấu 100% các chợ đã triển khai mô hình chợ điện tử sử dụng các loại hóa đơn, biên lai thu phí tại chợ bằng hình thức điện tử; mỗi Chợ 4.0 đưa tối thiểu 1 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử.

Bắc Kạn: Đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống
Người dân thanh toán khi mua hàng bằng cách quét mã QR tại chợ Nguyễn Thị Minh Khai. TP. Bắc Kạn

Sở Công Thương Bắc Kạn cho biết, đến nay, sau 6 tháng triển khai thực hiện tại các chợ thí điểm trên địa bàn TP. Bắc Kạn gồm: Chợ Đức Xuân, chợ Nguyễn Thị Minh Khai và chợ Bắc Kạn cho thấy, các tiểu thương kinh doanh cố định, thường xuyên đều trang bị mã QR có kết nối với các ngân hàng để thực hiện thanh toán. Đáng chú ý, hầu hết các tiểu thương và người mua hàng đều hài lòng vì sự thuận tiện của phương thức thanh toán này và đều đánh giá các bước thanh toán nói trên dễ dàng và đơn giản.

Đối với người tiêu dùng, nếu như trước đây, khi mua hàng phải mang theo lượng tiền mặt nhất định để tham gia giao dịch, trường hợp có phát sinh các giao dịch mua sắm vượt quá số tiền mặt mang theo tại thời điểm đó thì việc giao dịch sẽ rất khó khăn và bất tiện.

Còn đối với người bán hàng, trước đây thường phải thực hiện việc đổi và cất giữ tiền lẻ để trả lại cho khách hàng và có nhiều trường hợp trả nhầm, trả thừa hoặc thiếu… nhưng hiện nay, với phương thức thanh toán qua mã QR kết nối ngân hàng thì những bất cập trên là không còn nữa, sản phẩm trị giá bao nhiêu tiền người mua hàng sẽ chuyển thẳng vào tài khoản người bán hàng, tiện ích của ứng dụng thanh toán trên còn cho phép người dùng nhập số tiền chính xác đến từng đồng, điều này mang đến sự tiện lợi cho cả đôi bên.

“Mô hình Chợ 4.0 với hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ giúp tiết kiệm thời gian, hạn chế được cả tình trạng mất cắp, rơi tiền” - đại diện Sở Công Thương Bắc Kạn cho hay.

Từ những thuận lợi trên, việc thanh toán không dùng tiền mặt đang dần trở thành một thói quen và xu thế sử dụng của cả hai bên mua và bán. Đây là một xu thế tất yếu được người dân lựa chọn sử dụng trong thời đại 4.0 để thực hiện mua bán hàng hóa.

“Việc thanh toán không dùng tiền mặt cũng góp phần hạn chế việc lưu thông tiền mặt trong nền kinh tế, giảm được các chi phí cần thiết phục vụ cho lưu thông tiền mặt, từ đó làm giảm thiểu chi phí xã hội, giúp tiết kiệm thời gian. Đồng thời, việc xây dựng chợ thanh toán không dùng tiền mặt còn nhằm thực hiện tốt Đề án chuyển đổi số của tỉnh Bắc Kạn trong thời gian tới” - Sở Công Thương Bắc Kạn khẳng định.

Bắc Kạn: Đẩy mạnh hình thức thanh toán không dùng tiền mặt tại chợ truyền thống
Ngân hàng TMCP Công Thương Việt Nam chi nhánh Bắc Kạn giới thiệu các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt

Theo thống kê của Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh tỉnh Bắc Kạn, năm 2022, thanh toán không dùng tiền mặt trên địa bàn tỉnh có sự phát triển mạnh mẽ, cơ sở hạ tầng cho thanh toán tiếp tục được mở rộng với 36 cây ATM (tăng 9% so với cuối năm 2021), 75 máy POS (không thay đổi so với cuối năm 2021). Các sản phẩm, dịch vụ ngân hàng trực tuyến, phương thức thanh toán điện tử được thực hiện thông qua nhiều kênh thanh toán như: Internet, điện thoại di động, ATM, POS, với hơn 7,3 triệu giao dịch, giá trị khoảng 2.000 tỷ đồng.

Các ngân hàng cũng thực hiện miễn, giảm phí đối với hơn 5,5 triệu giao dịch, tổng giá trị thanh toán được miễn, giảm phí là khoảng 700 tỷ đồng. Năm 2022, có 26 nghìn thẻ thanh toán được mở mới, hiện nay, có hơn 145 nghìn thẻ thanh toán, hơn 175 nghìn tài khoản ngân hàng.

Nhằm đẩy mạnh việc phát triển thanh toán tiền điện không dùng tiền mặt, Công ty Điện lực Bắc Kạn đã tích cực phối hợp với các ngân hàng và tổ chức trung gian trên địa bàn tỉnh cung cấp các giải pháp thanh toán tiền điện cho khách hàng sử dụng điện. Các cơ sở giáo dục, y tế, bảo hiểm cũng thực hiện việc thu qua hệ thống ngân hàng.

Theo thống kê, trong năm 2022, các chi nhánh ngân hàng thương mại tiếp tục thực hiện thanh toán các dịch vụ công, trong đó, thu thuế, phí, lệ phí đạt 401 tỷ đồng; tiền điện 121 tỷ đồng; tiền nước 8,9 tỷ đồng; tiền học phí 4,5 tỷ đồng; tiền viện phí 4,5 tỷ đồng; bảo hiểm 610,2 tỷ đồng; chi trả các chương trình an sinh xã hội 1 tỷ đồng với khoảng 290 nghìn lượt khách hàng. Tiếp tục thực hiện trả lương qua tài khoản cho 833 đơn vị, với hơn 45 nghìn cá nhân.

Việc thanh toán không dùng tiền mặt đã có nhiều chuyển biến tích cực tại Bắc Kạn, qua đó góp phần thực hiện hiệu quả đề án của Chính phủ, đẩy mạnh chuyển đổi số, thúc đẩy kinh tế - xã hội địa phương.

Thời gian tới, Bắc Kạn sẽ tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường kết nối liên thông giữa các tổ chức tín dụng, trung gian thanh toán và các đơn vị cung ứng dịch vụ; phát triển hạ tầng, dịch vụ thanh toán, đẩy mạnh chuyển đổi số; tăng cường đảm bảo an ninh, an toàn hoạt động thanh toán… Phấn đấu đến cuối năm 2025, 80% người dân từ 15 tuổi trở lên có tài khoản giao dịch tại ngân hàng hoặc các tổ chức được phép khác; thanh toán không dùng tiền mặt trong thương mại điện tử đạt 35%; tăng khả năng tiếp cận các dịch vụ thanh toán của người dân; từ 90 - 100% cơ sở giáo dục trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán học phí bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt; 60% các cơ sở khám, chữa bệnh trên địa bàn đô thị chấp nhận thanh toán dịch vụ y tế bằng phương thức thanh toán không dùng tiền mặt…

Ngân Thương

Theo: Báo Công Thương