An toàn là yếu tố hàng đầu để tái khởi động du lịch

(Banker.vn) Cùng với đảm bảo an toàn phòng chống dịch bệnh, du lịch cũng cần từng bước phục hồi, kích hoạt trở lại cả du lịch nội địa và quốc tế. Để làm được điều đó, cần sự chung tay, nỗ lực chung của các doanh nghiệp, điểm đến, địa phương.

Ngày 5/10, Bộ VHTT&DL đã tổ chức Hội nghị họp trực tuyến với các cơ quan quản lý du lịch 25 tỉnh, thành phố bàn về việc tái khởi động du lịch trong bối cảnh bình thường mới.

Thực hiện Kế hoạch 3228/KH-BVHTTDL triển khai các chính sách kích cầu, phục hồi hoạt động du lịch, lữ hành trên cả nước, thời gian qua, theo Tổng cục Du lịch, nhiều địa phương đã nỗ lực triển khai các giải pháp nhằm tái khởi động các hoạt động du lịch, phát động du lịch nội tỉnh, đẩy nhanh chương trình tiêm chủng vắc-xin Covid-19 đối với người lao động trong ngành du lịch…

Đặc biệt, ngay sau khi Chính phủ chủ trương thích ứng linh hoạt với dịch bệnh, dần mở cửa kinh tế, nhiều địa phương đã chủ động, chuẩn bị sẵn sàng các kế hoạch để kích hoạt lại hoạt động du lịch trên địa bàn. Ông Phạm Ngọc Thủy, Giám đốc Sở Du lịch Quảng Ninh cho biết, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã mở cửa trở lại một số điểm đến đón khách tham quan như Vịnh Hạ Long, danh thắng Yên Tử… Dự kiến đến hết năm 2021, Quảng Ninh sẽ miễn phí tham quan các điểm đến du lịch trên địa bàn. “Căn cứ kế hoạch của Bộ và các hướng dẫn của Bộ Y tế, tỉnh cũng đã xây dựng và ban hành 2 kế hoạch đón khách nội tỉnh và khách ngoại tỉnh. Mục tiêu trong quý IV/2021, tỉnh đón từ 800 đến 900 nghìn lượt khách”- ông Thủy thông tin.

Ngoài Quảng Ninh, hiện ngành du lịch Hà Nội cũng đã xây dựng kế hoạch mở cửa du lịch định hướng theo 4 giai đoạn. Dự kiến từ tháng 10 này sẽ mở lại các hoạt động du lịch đối với khách du lịch trong thành phố, sau đó sẽ mở rộng ra đón khách từ một số địa phương kiểm soát tốt dịch bệnh, và tiếp đó là mở cửa du lịch trong bối cảnh bình thường mới. Theo ông Trần Trung Hiếu, Phó Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội cho biết, Hà Nội sẽ tăng cường liên kết với các địa phương, doanh nghiệp để xây dựng tour, tuyến du lịch. Trong quý IV sẽ tổ chức chuỗi sự kiện để thu hút khách, đồng thời xây dựng đề án chuyển đổi số du lịch, sàn giao dịch trực tuyến về việc làm, đào tạo nhân lực…

Việc Phú Quốc được lựa chọn là điểm đến đầu tiên thí điểm mở cửa đón khách du lịch quốc tế, hiện tỉnh Kiên Giang đang tích cực tiến hành khảo sát và thẩm định các cơ sở dịch vụ ở Phú Quốc để chuẩn bị đón khách du lịch. Ngay sau Phú Quốc, hàng loạt các tỉnh, thành cũng đã chủ động đề xuất và xây dựng kế hoạch đón khách du lịch quốc tế. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa đề xuất, ngay sau khi Phú Quốc thí điểm đón khách quốc tế thành công, Khánh Hòa sẽ là địa phương tiếp theo đón khách du lịch quốc tế đến bằng hộ chiếu vắc-xin, kỳ vọng vào cuối năm 2021. Để chuẩn bị cho kế hoạch này, hiện nay Khánh Hòa đã chuẩn bị cơ sở hạ tầng phục vụ thí điểm, đảm bảo quy định phòng chống dịch.

Tuy nhiên, đại diện ngành du lịch các địa phương cho hay, khó khăn hiện nay trong việc chuẩn bị mở lại du lịch đó là tỷ lệ tiêm chủng vắc-xin Covid-19 chưa đồng đều, có sự chênh lệch khá lớn giữa các địa phương. Ngoài ra, để tạo điều kiện cho hoạt động du lịch, đại diện các địa phương đề xuất cần tiến tới xây dựng một bộ tiêu chí chung trên toàn quốc về thẻ xanh (dành cho người đã tiêm đủ liều vắc-xin) và thẻ vàng (dành cho người tiêm 1 mũi vắc-xin) để tránh tình trạng hiểu và áp dụng không thống nhất giữa các địa phương, gây ách tắc đi lại, du lịch. Đồng thời cần có quy định về hộ chiếu vắc-xin để áp dụng đón khách du lịch quốc tế.

Ghi nhận, đánh giá sự chủ động, tích cực của du lịch các địa phương nhằm chuẩn bị cho sự phục hồi của ngành du lịch sau thời gian bị “đóng băng” do dịch Covid-19, song Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh nhấn mạnh, yếu tố an toàn là điều kiện tiên quyết để tái khởi động ngành du lịch trong bối cảnh bình thường mới, đây cũng là tiêu chí được đưa vào trong tất cả các hoạt động du lịch với phương châm “an toàn đến đâu mở đến đó, mở cửa phải an toàn”. Lộ trình mở cửa cần thực hiện theo từng giai đoạn từ du lịch nội tỉnh, du lịch nội địa đến du lịch quốc tế.

Theo kế hoạch đề ra, trong tháng 10/2021, các địa phương tổ chức tập huấn các quy định, biện pháp bảo đảm an toàn phòng chống dịch Covid-19, quy trình đón và phục vụ khách du lịch, tiêu chí dịch vụ du lịch an toàn. Chuẩn bị phương án, nguồn lực dự phòng cho các sự cố, rủi ro..... Triển khai đón khách nội tỉnh gắn với kiểm soát chặt chẽ quy trình phòng chống dịch. Từ tháng 11/2021, triển khai đón khách nội địa từ các địa phương đã kiểm soát được dịch Covid-19 gắn với quy trình phòng chống dịch an toàn, bảo đảm sự linh hoạt, thuận lợi cho khách du lịch - điểm đến an toàn.

Từ đầu năm 2020 đến nay, dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến du lịch thế giới nói chung và du lịch Việt Nam nói riêng. Dịch Covid-19 đã chấm dứt chuỗi tăng trưởng trung bình gần 23%/năm về lượng khách quốc tế của giai đoạn 2015-2019. Năm 2020, do ảnh hưởng của dịch bệnh cả nước chỉ đón được 3,7 triệu lượt khách quốc tế, giảm 80% so với năm 2019; 56 triệu lượt khách nội địa, giảm 34,1% và tổng thu du lịch giảm khoảng 58,7%. Trong 9 tháng năm 2021, khách du lịch nội địa tiếp tục giảm 16% so với cùng kỳ 2020, đạt 31,5 triệu lượt khách; tổng thu từ khách du lịch giảm 41%. Các doanh nghiệp du lịch gặp vô vàn khó khăn, hoạt động kinh doanh ngưng trệ, lao động rời bỏ ngành.

Để sớm vực dậy hoạt động du lịch, Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Đoàn Văn Việt nhấn mạnh, cần có sự chung tay, nỗ lực chung của các doanh nghiệp, điểm đến, địa phương và cùng với khởi xướng, định hướng của Bộ VHTT&DL trong việc đảm bảo an toàn dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp và tái khởi động du lịch.

Theo đó, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề nghị các địa phương tiếp tục thực hiện tốt những chính sách mà Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ VHTT&DL, chính quyền địa phương đã ban hành, nhất là các chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp và người lao động trong lĩnh vực du lịch. Ngoài ra, các địa phương tiếp tục quan tâm, triển khai công tác xúc tiến quảng bá, triển khai sáng tạo các giải pháp kích cầu du lịch. Trong đó, chú trọng cung cấp đa dạng các tiện ích, trải nghiệm phục vụ khách; đẩy mạnh liên kết vùng, xây dựng các tour, tuyến du lịch hấp dẫn.

Đồng thời, lãnh đạo Bộ VHTT&DL đề nghị, các địa phương tập trung thúc đẩy phát triển du lịch nội địa, khôi phục hoạt động du lịch tại các “vùng xanh”, tiến tới kết nối các điểm đến an toàn, sau đó phục hồi hoạt động du lịch nói chung phù hợp với tình hình. “Trong giai đoạn trước mắt, du lịch Việt Nam tập trung cho thị trường khách nội địa. Trong du lịch nội địa có du lịch nội tỉnh và du lịch ngoại tỉnh. Các địa phương cần xác định rõ để có chính sách phù hợp, trước hết là giải quyết nhu cầu của người dân sau tác động của Chỉ thị 15, 16, trước mắt là mở du lịch trong địa phương của mình”- ông Đoàn Văn Việt cho hay.

Hoa Quỳnh

Theo Báo Công Thương

Theo: Báo Công Thương