An ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam đến năm 2030 và khuyến nghị chính sách*

(Banker.vn) An ninh tài chính, tiền tệ có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và căng thẳng như hiện nay, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ không chỉ góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô mà còn góp phần bảo đảm an ninh về chính trị, quân sự.
Tóm tắt: An ninh tài chính, tiền tệ có vị trí, vai trò ngày càng quan trọng với sự phát triển bền vững của một quốc gia. Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động và căng thẳng như hiện nay, bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ không chỉ góp phần bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô mà còn góp phần bảo đảm an ninh về chính trị, quân sự. Bài viết phân tích bối cảnh quốc tế và trong nước tác động đến an ninh tài chính, tiền tệ; chỉ ra thách thức và dự báo các yếu tố ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam; từ đó, đưa ra quan điểm và các khuyến nghị nhằm bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam giai đoạn từ nay đến năm 2030.
 
Từ khóa: An ninh tài chính, tiền tệ, Việt Nam, khuyến nghị chính sách.
 
VIETNAM’S FINANCIAL AND MONETARY SECURITY BY 2030 AND POLICY RECOMMENDATIONS
 
Abstract: Financial and monetary security plays an increasingly crucial role in the sustainable development of a nation. In the current context of a volatile and tense world, ensuring financial and monetary security not only contributes to macroeconomic stability but also to political and military security. This article analyzes the international and domestic contexts affecting financial and monetary security, identifies the challenges facing Vietnam’s financial and monetary security, forecasts factors that will influence Vietnam’s financial and monetary security, and proposes recommendations to ensure Vietnam’s financial and monetary security for the period 2021 - 2030.
 
Keywords: Financial and monetary security, Vietnam, policy recommendations.
 
1. Bối cảnh quốc tế và trong nước

Bối cảnh quốc tế
 
Trong những năm qua, tình hình thế giới có nhiều biến động nhanh, phức tạp, khó lường, nhiều diễn biến chưa từng có tiền lệ, vượt ngoài dự báo của các tổ chức quốc tế và các nước về cả kinh tế, chính trị, an ninh, ảnh hưởng mạnh đến hoạt động sản xuất, kinh doanh và đầu tư. Cạnh tranh địa chính trị, địa kinh tế giữa các nước lớn diễn ra gay gắt; kinh tế toàn cầu phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn với nhiều rủi ro gia tăng. Xung đột Nga - Ukraine xảy ra vào năm 2022 dẫn đến các chuỗi cung ứng, sản xuất đứt gãy cục bộ, giá xăng, dầu, nguyên vật liệu đầu vào biến động mạnh và tăng cao, đẩy lạm phát thế giới gia tăng nhanh, đạt mức cao nhất trong nhiều thập kỷ1. Các nước, các khu vực kinh tế thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng lãi suất kéo dài và tỉ giá biến động mạnh tại nhiều quốc gia, khu vực. Cầu tiêu dùng hàng hóa giảm sút trong khi hỗ trợ tài chính cho người dân, doanh nghiệp phục hồi do tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 giảm dần. Tăng trưởng kinh tế chậm lại ở nhiều quốc gia do dư địa cho tăng trưởng bị hạn hẹp xuất phát từ cạnh tranh về vị thế giữa các cường quốc và vấn đề nội tại của một số nền kinh tế chủ chốt. Nợ công toàn cầu đang tăng nhanh và vượt ngưỡng 313.000 tỉ USD vào cuối năm 20232 đang tiềm ẩn rủi ro đối với nhiều nền kinh tế. Bên cạnh đó, các thách thức an ninh phi truyền thống, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ... diễn ra trên diện rộng, gây thiệt hại ở nhiều khu vực trên thế giới. 
 
Khoa học, công nghệ phát triển mạnh mẽ, ngày càng trở thành nhân tố quyết định đến năng lực cạnh tranh mỗi quốc gia; tăng trưởng xanh, kinh tế xanh, kinh tế số, kinh tế tuần hoàn tiếp tục là mô hình được ngày càng nhiều quốc gia lựa chọn; xây dựng nền kinh tế tự chủ là ưu tiên chiến lược của nhiều quốc gia; quan điểm xanh hóa, thích ứng với biến đổi khí hậu dần trở thành xu hướng lớn, ảnh hưởng đến các hoạt động kinh tế, sản xuất, đầu tư, tiêu dùng... toàn cầu và là cơ hội cho những nước đi sau. 
 
Báo cáo Triển vọng kinh tế toàn cầu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) công bố vào tháng 01/2024 dự báo tăng trưởng toàn cầu ở mức 3,1% vào năm 2024 và 3,2% vào năm 2025. Việc các ngân hàng trung ương (NHTW) tăng lãi suất nhằm đối phó với lạm phát trong bối cảnh ngừng áp dụng các gói hỗ trợ của chính sách tài khóa đã tạo ra hiệu ứng tiêu cực cho nền kinh tế. Lạm phát có xu hướng giảm nhanh hơn dự kiến ở một số khu vực trong bối cảnh các vấn đề về phía cung của nền kinh tế đang được tháo gỡ và chính sách tiền tệ thắt chặt. Lạm phát toàn cầu dự kiến sẽ giảm xuống còn 5,8% trong năm 2024 và 4,4% trong năm 2025, với dự báo cho năm 2025 đã được điều chỉnh giảm3.
 
Bối cảnh trong nước 
 
Năm 2024 là năm thứ tư thực hiện Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, tình hình kinh tế - xã hội nước ta diễn ra trong bối cảnh thuận lợi, cơ hội và khó khăn, thách thức đan xen, nhưng khó khăn, thách thức nhiều hơn.Nước ta có những thuận lợi cơ bản như tình hình chính trị, xã hội, an ninh ổn định, dịch bệnh được kiểm soát..., nhưng nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đến từ cả những yếu tố bên ngoài lẫn nội tại bên trong. Quy mô kinh tế còn khiêm tốn, độ mở lớn, sức chống chịu và khả năng thích ứng còn hạn chế nên nền kinh tế trong nước chịu ảnh hưởng lớn và rất nhạy cảm với những diễn biến từ bên ngoài; hoạt động sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp khi chịu tác động nặng nề của đại dịch Covid-19 cần thời gian và hỗ trợ để phục hồi. Áp lực lạm phát gia tăng thời gian gần đây; giá xăng dầu, nguyên vật liệu biến động mạnh; nhu cầu từ các thị trường lớn, truyền thống suy giảm; sản xuất, kinh doanh gặp nhiều khó khăn. Bên cạnh đó, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, thiên tai, bão lũ diễn biến phức tạp, gây nhiều thiệt hại cho sản xuất, kinh doanh và đời sống nhân dân. 
 
Trong bối cảnh đó, với quyết tâm phục hồi và phát triển kinh tế, tạo đà hoàn thành các mục tiêu kinh tế - xã hội giai đoạn 2021 -
2025 mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương theo dõi sát sao tình hình, sự thay đổi chính sách của các nước để kịp thời ban hành các chính sách tiền tệ, tài khóa và các giải pháp vĩ mô phù hợp, linh hoạt; quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo phòng, chống dịch Covid-19, phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, thực hiện ba đột phá chiến lược (về hoàn thiện thể chế, phát triển kết cấu hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực); tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; tập trung xử lý các vấn đề tồn đọng, kéo dài; đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, chuyển đổi số. Nhờ đó, nền kinh tế phục hồi mạnh mẽ, kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát trong tầm kiểm soát, các cân đối lớn được đảm bảo. Môi trường đầu tư kinh doanh cải thiện góp phần tích cực cho phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tạo được sự tin tưởng, ủng hộ của nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp. 
 
Việt Nam đang hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng với nhiều Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới được ký kết, từ đó, mở rộng thị trường nhờ cắt giảm thuế và dỡ bỏ rào cản thương mại để những sản phẩm thế mạnh của đất nước được phân phối tại các thị trường lớn như Hoa Kỳ hay châu Âu (EU)... Tuy nhiên, hàng rào kỹ thuật, hệ thống vệ sinh và kiểm dịch thực vật khắt khe có thể là những rào cản khiến hàng hóa của Việt Nam khó vào thị trường các nước đối tác FTA thế hệ mới. Trước hoàn cảnh cuộc chiến thương mại có thể trở nên gay gắt, Việt Nam là một trong những điểm đến tiềm năng của hàng loạt các doanh nghiệp, công ty di chuyển hoạt động sản xuất ra khỏi Trung Quốc, cũng như được Mỹ tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phát triển kinh tế, tăng cường an ninh quốc phòng. 
 
2. Thách thức lớn đối với an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam 
 
Việt Nam với thành tựu đạt được sau gần 40 năm đổi mới đã đặt nền tảng vững chắc cho quá trình phát triển tiếp theo của lĩnh vực tài chính, tiền tệ. Thể chế kinh tế thị trường cơ bản đã được hình thành và không ngừng được hoàn thiện; hội nhập quốc tế với tầm mức sâu rộng hơn nhiều so với giai đoạn trước; quá trình tái cơ cấu nền kinh tế theo chiều sâu là cơ hội giúp cho hiệu quả sử dụng vốn tăng lên, các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả hơn, nâng cao lợi nhuận đồng thời làm giảm rủi ro cho hệ thống ngân hàng. Nhu cầu đối với các dịch vụ ngân hàng bán lẻ cũng ngày càng gia tăng dựa trên những ưu thế về một cơ cấu dân số trẻ và tỉ lệ tiếp cận dịch vụ ngân hàng của người dân hiện nay vẫn ở mức thấp. Sự phát triển của khoa học, kỹ thuật đang và sẽ tạo ra những lực đẩy mạnh mẽ cho sự phát triển của khu vực tài chính. Thời gian tới, Việt Nam có thể sẽ đối mặt với các thách thức liên quan đến an ninh tài chính, tiền tệ như sau:
 
Thị trường tài chính của Việt Nam phải đối mặt với nhiều thách thức mới xuất phát từ yếu tố nội tại và các yếu tố từ bên ngoài
 
Về yếu tố nội tại, thị trường tài chính vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro, đáng chú ý là các rủi ro chéo giữa khu vực ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và các rủi ro mang tính hệ thống xuất phát từ sự bất ổn của môi trường kinh tế vĩ mô cũng như từ các cú sốc bên ngoài. Bên cạnh đó, thị trường tài chính Việt Nam vẫn mất cân đối giữa các cấu phần của thị trường, số lượng nhà đầu tư tổ chức chưa nhiều, các yếu tố cơ sở hạ tầng tài chính chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập, năng lực tài chính và quản trị của các định chế tài chính còn khoảng cách so với khu vực. Việc nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam từ cận biên lên mới nổi sẽ khiến dòng vốn đầu tư gián tiếp được thực hiện dễ dàng hơn cũng tiềm ẩn rủi ro tài chính khi nhà đầu tư nước ngoài đồng loạt chuyển hướng đầu tư.
 
Nhu cầu chi cho đầu tư phát triển, đảm bảo an sinh xã hội rất lớn, gây áp lực lên cân đối ngân sách nhà nước (NSNN), thách thức trong việc hài hòa giữa việc cơ cấu lại thu NSNN, điều chỉnh mức động viên NSNN và yêu cầu chi NSNN. Cơ cấu thu NSNN từ thuế, phí còn dựa vào các sắc thuế gián thu, trong khi thu từ thuế trực thu thấp hơn do điều chỉnh giảm thuế suất thuế thu nhập doanh nghiệp nhằm thúc đẩy đầu tư, khuyến khích và hỗ trợ doanh nghiệp. Cơ cấu thu nội địa chưa thực sự bền vững, tốc độ tăng thu nội địa có xu hướng chậm lại, nguồn thu từ các doanh nghiệp nhà nước vẫn chiếm tỉ trọng lớn.
 
Mặc dù Việt Nam đã và đang từng bước hoàn thiện các tiêu chuẩn đảm bảo an toàn hoạt động của các trung gian tài chính và ổn định thị trường theo chuẩn mực quốc tế, nhưng quy mô thị trường nhỏ và dễ bị tác động từ những biến động của thị trường quốc tế. Bên cạnh đó, năng lực quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro và năng lực tài chính của các trung gian tài chính còn hạn chế nên dễ bị tổn thương trước những biến động và cú sốc thị trường. Mặt khác, các diễn biến gần đây cho thấy quan ngại về rủi ro nợ xấu của ngành Ngân hàng. Mặc dù Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) đã ban hành Thông tư số 06/2024/TT-NHNN ngày 18/6/2024 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 02/2023/TT-NHNN ngày 23/4/2023 của Thống đốc NHNN quy định về tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn để hỗ trợ doanh nghiệp có thêm nguồn lực và thời gian phục hồi sản xuất, kinh doanh, nhưng thực chất những khoản nợ được cơ cấu lại đó vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro đối với hệ thống ngân hàng.
 
Về yếu tố từ bên ngoài, quá trình mở cửa thị trường tài chính cũng gây nên những nguy cơ cho lĩnh vực tài chính; rủi ro nước ngoài thâu tóm các doanh nghiệp và thương hiệu lớn trong nước, từ đó chèn ép sản xuất nội địa; nguy cơ chuyển giá, trốn thuế. Ngoài ra, các diễn biến kinh tế, tài chính và chính trị thế giới tác động gần như ngay lập tức tới thị trường tài chính Việt Nam, gây ra những biến động khó lường. Rủi ro thoái vốn, rút vốn, đảo chiều dòng vốn ngoại luôn tiềm ẩn nếu các yếu tố vĩ mô và doanh nghiệp trong nước suy yếu hoặc chiến lược đầu tư của các quỹ lớn có thay đổi.
 
Hoạt động giám sát an toàn vĩ mô còn bất cập
 
Theo Nguyễn Trung Hậu (2020), sự xuất hiện của các tập đoàn tài chính, tập đoàn kinh tế làm tăng thêm tính phức tạp trong quản lý, giám sát và cơ chế quản lý, giám sát thị trường tài chính ở Việt Nam chưa theo kịp sự phát triển của thị trường. Hệ thống giám sát tài chính hiện đang tập trung vào công tác giám sát an toàn vi mô trên cơ sở giám sát tuân thủ hơn là giám sát dựa trên rủi ro. Hệ thống các chỉ tiêu, tiêu chí giám sát tài chính còn chưa bao quát hết các loại hình rủi ro liên quan và chưa có tính cảnh báo cao, dự báo kịp thời. Đặc biệt, trên thị trường tiền tệ - ngân hàng, thách thức lớn nhất đối với các ngân hàng trong việc áp dụng Basel II là nhu cầu tăng vốn, một số ngân hàng thương mại cổ phần nhỏ phát triển quá nhanh, quy mô tín dụng vượt quá năng lực quản lý và cơ sở hạ tầng khiến nguy cơ đổ vỡ gia tăng, ảnh hưởng đến an ninh tài chính, tiền tệ.
 
Độ mở nền kinh tế lớn và hội nhập ngày càng sâu
 
Đến cuối năm 2023, Việt Nam đã và đang tham gia 19 FTA song phương và đa phương với hầu hết các nền kinh tế trên thế giới4. Trong đó, 16/19 FTA đã có hiệu lực với hơn 60 đối tác, phủ rộng khắp các châu lục, với tổng GDP chiếm gần 90% GDP toàn cầu và tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu trên GDP khoảng 160%5, Việt Nam đã trở thành một trong những nước có độ mở lớn nhất về kinh tế. Quá trình tự do hóa tài chính có thể làm tăng tính bất ổn vì nền kinh tế sẽ tiếp cận trực diện với các cú sốc kinh tế quốc tế, hoặc cũng có thể khuếch đại và làm trầm trọng thêm những cú sốc trong nước. 
 
Xu thế chuyển đổi số và sự xuất hiện của các công nghệ tài chính (Fintech) mới
 
Chuyển đổi số nền kinh tế đang là xu hướng quan trọng với bất kỳ quốc gia nào trong đó có Việt Nam và Chính phủ đã ban hành Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Trong tất cả các ngành, lĩnh vực nói chung thì tài chính - ngân hàng là lĩnh vực được quan tâm nhiều nhất trong vấn đề an toàn an ninh mạng, cũng là lĩnh vực đầu tư nhiều nhất cho an toàn thông tin và bảo mật hệ thống. Chuyển đổi số và Fintech cũng đặt ra những thách thức trong bảo đảm an ninh tài chính, trên một số khía cạnh như:
 
- Khung khổ pháp lý cho sự phát triển và giám sát các dịch vụ tài chính - ngân hàng đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Cùng với hoạt động chuyển đổi số, việc áp dụng công nghệ mới sẽ phát sinh lỗ hổng về bảo mật mới và các định chế tài chính phải đối mặt với thách thức về việc bảo đảm an toàn dữ liệu. Do đó, các quy định pháp luật liên quan đến lĩnh vực công nghệ thông tin, bảo mật dữ liệu cần phải được thường xuyên cập nhật, điều chỉnh để phù hợp với yêu cầu thực tiễn.
 
- Sự phát triển và gia tăng nhanh chóng của các loại tiền kỹ thuật số cùng với các cổng thanh toán quốc tế như Paypal, Payoneer, Payeer... khiến cho các hoạt động giao dịch ngoại hối, chuyển tiền quốc tế diễn ra dễ dàng và khó kiểm soát hơn sẽ tiềm ẩn tác động tiêu cực đến việc điều hành chính sách tiền tệ quốc gia.
 
- Hệ thống giám sát tài chính sẽ gặp thách thức trong bối cảnh biến đổi nhanh chóng của các quan hệ tài chính trên thị trường, nhiều quan hệ tài chính mới ra đời và mang tính xuyên biên giới, tiềm ẩn nhiều rủi ro. Điều này đòi hỏi phải không ngừng cập nhật các công nghệ mới để quản lý thông tin, dữ diệu lớn, xóa bỏ các khoảng trống trong quản lý và giám sát thị trường.
 
- Thách thức trong việc hoàn thiện hạ tầng, hệ thống công nghệ thông tin và nghiên cứu ứng dụng các công nghệ mới, xây dựng khung pháp lý thử nghiệm (Sandbox) cho việc ứng dụng công nghệ trong lĩnh vực tài chính. Fintech làm thay đổi bản chất và phạm vi rủi ro của các định chế tài chính, các sản phẩm tài chính và khách hàng, tạo ra thách thức đối với các cơ quan quản lý giám sát tài chính trong nhận diện, giám sát và ngăn ngừa các rủi ro.
 
Vấn đề an ninh mạng và tội phạm tài chính ngày càng phức tạp
 
Sự phát triển của các công nghệ mới trong cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư như 5G, Internet vạn vật (IoT), điện toán đám mây (Cloud Computing), trí tuệ nhân tạo (AI)... góp phần thúc đẩy sự phát triển mạnh mẽ của tài chính số, ngân hàng số, thanh toán không dùng tiền mặt, thanh toán xuyên biên giới. Tuy nhiên, đây cũng là cơ sở để tội phạm mạng lợi dụng tấn công, các hình thức lừa đảo (kêu gọi đầu tư vào các dự án tiền kỹ thuật số, tài chính số theo mô hình đa cấp lừa đảo) cũng nở rộ và diễn ra ngày càng phổ biến. 
 
3. Dự báo xu hướng tài chính toàn cầu và khu vực đến năm 2030
 
Hệ thống tài chính toàn cầu đang ở giai đoạn chuyển đổi đầy biến động, mang đến cả thách thức và cơ hội. Theo Diễn đàn Kinh tế thế giới (2018), xu hướng tài chính toàn cầu đến năm 2030 được nhắc đến với hai nội dung chính là phi tập trung và tích hợp. 
 
Xu hướng phi tập trung thể hiện sự suy giảm vị thế thống trị của USD, sự gia tăng của tiền tệ dự trữ đa dạng, sự bùng nổ của các công ty Fintech và sự phổ biến của tiền điện tử dẫn đến USD (vốn đã là tài sản dự trữ chủ đạo trong nhiều thập kỷ) đang đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ Euro và Nhân dân tệ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế mạnh mẽ của khu vực đồng Euro và Trung Quốc, nhu cầu về tài sản an toàn và sự đa dạng hóa danh mục đầu tư của các quốc gia. Fintech, với sự phát triển chóng mặt của các ứng dụng thanh toán di động, các nền tảng cho vay trực tuyến và các dịch vụ tài chính kỹ thuật số đang thay đổi mô hình kinh doanh truyền thống của các ngân hàng và công ty bảo hiểm, mang đến sự minh bạch, hiệu quả và dễ tiếp cận hơn. Sự xuất hiện của tiền điện tử như Bitcoin và Ethereum đã thu hút sự chú ý của giới đầu tư và nhà hoạch định chính sách, với tiềm năng cách mạng hóa thị trường tài chính và hệ thống thanh toán. Tuy nhiên, tiền điện tử cũng đặt ra các thách thức về quy định, rủi ro bảo mật và sự biến động giá.
 
Song song với phi tập trung, xu hướng tích hợp tài chính toàn cầu cũng đang diễn ra mạnh mẽ, được thúc đẩy bởi tăng trưởng kinh tế của các nước đang phát triển, sự phổ biến của công nghệ mới và nhu cầu đầu tư đa dạng hóa. Sự kết nối tài chính ngày càng chặt chẽ giữa các quốc gia, doanh nghiệp và cá nhân, dẫn đến dòng vốn tự do hơn và tăng cường trao đổi thương mại. Công nghệ mới và Fintech cũng đóng vai trò quan trọng trong việc mở rộng khả năng tiếp cận dịch vụ tài chính cho các đối tượng chưa được phục vụ, thúc đẩy bao trùm tài chính toàn cầu. Mục tiêu cuối cùng của tích hợp tài chính là cung cấp cho tất cả mọi người, ở mọi nơi khả năng truy cập vào các dịch vụ tài chính, từ thanh toán đến tiết kiệm và đầu tư.
 
Tuy nhiên, những thay đổi này cũng mang đến nhiều thách thức. Quản lý rủi ro trong một hệ thống phi tập trung và tích hợp là một nhiệm vụ phức tạp, đòi hỏi sự cảnh giác cao đối với những cú sốc, bao gồm các mối đe dọa an ninh mạng; những thay đổi trong mô hình tín dụng, thanh khoản và rủi ro hoạt động. Sự thay đổi của hệ thống tài chính toàn cầu đòi hỏi sự phối hợp chính sách chặt chẽ giữa các quốc gia và tổ chức quốc tế để quản lý các rủi ro, thúc đẩy ổn định và tạo ra một sân chơi công bằng.
 
Bên cạnh thách thức, xu hướng phi tập trung và tích hợp cũng mang đến nhiều cơ hội như tạo ra một hệ thống tài chính hiệu quả, minh bạch và ít chi phí hơn, với khả năng truy cập dịch vụ tài chính mở rộng hơn cho các đối tượng chưa được phục vụ, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và giảm bất bình đẳng. Sự phát triển của các thị trường mới như thị trường tiền điện tử và nền tảng cho vay ngang hàng thúc đẩy đổi mới và tạo ra cơ hội đầu tư.
 
Ở khu vực ASEAN, Ngân hàng Phát triển châu Á (2022) chỉ ra các xu hướng tài chính lớn đến năm 2030 là:
 
- Hợp tác tài chính khu vực đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết các thách thức chung. Hỗ trợ các sáng kiến để xây dựng thị trường tài chính khu vực có khả năng phục hồi và tăng cường mạng lưới an toàn tài chính khu vực, giúp giảm thiểu rủi ro và thúc đẩy sự ổn định. Hỗ trợ các nhóm quốc gia tiểu vùng như ASEAN, ASEAN+3 và Chương trình Hợp tác Kinh tế khu vực Trung Á tạo điều kiện cho sự hợp tác chặt chẽ hơn trong việc giải quyết thách thức chung. Khám phá khả năng thiết lập các khung pháp lý hoạt động tài chính và hợp nhất rủi ro cũng như giải quyết nợ xấu là những bước đi cần thiết để ứng phó hiệu quả hơn với các thách thức nói trên.
 
- Sự phát triển của công nghệ kỹ thuật số đang cách mạng hóa ngành tài chính. Số hóa tài chính mang đến nhiều lợi ích như dịch vụ tài chính nhanh hơn, rẻ hơn, an toàn hơn và minh bạch hơn, đồng thời mở rộng khả năng tiếp cận các dịch vụ tài chính cho những người chưa được tiếp cận dịch vụ ngân hàng và những người yếu thế, thúc đẩy tài chính bao trùm. Tuy nhiên, điều này cũng đặt ra các thách thức về an ninh mạng, bảo mật dữ liệu và bảo vệ người tiêu dùng. 
 
- Mặc dù có nhiều cơ hội, lĩnh vực tài chính trong các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương cũng đang đối mặt với một số điểm yếu mang tính cấu trúc. Nợ hộ gia đình, doanh nghiệp và chính phủ ở mức cao đe dọa đến sự lành mạnh của các tổ chức tài chính. Nợ nước ngoài gia tăng khiến các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương dễ bị tổn thương hơn trước cuộc khủng hoảng tài chính, tiền tệ vì phần lớn nợ được tính bằng ngoại tệ. Để xây dựng một ngành tài chính bền vững và bao trùm, các nước đang phát triển khu vực châu Á - Thái Bình Dương cần có giải pháp toàn diện, bao gồm củng cố nền tảng ngành tài chính, tận dụng công nghệ kỹ thuật số, giải quyết các điểm yếu cấu trúc và tăng cường hợp tác khu vực. 
 
4. Các chiến lược của Việt Nam về phát triển hệ thống tài chính, tiền tệ đến năm 2030
 
Quyết định số 368/QĐ-TTg ngày 21/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược tài chính đến năm 2030 đề ra mục tiêu tổng quát: “Xây dựng nền tài chính quốc gia phát triển bền vững, hiện đại và hội nhập, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, tăng cường khả năng chống chịu của nền kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô và an ninh tài chính quốc gia”.
 
Quyết định số 986/QĐ-TTg ngày 08/8/2018 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược phát triển ngành Ngân hàng Việt Nam đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 đề ra mục tiêu tổng quát: “Hiện đại hóa NHNN theo hướng: ...bảo đảm an toàn, lành mạnh hệ thống các tổ chức tín dụng, giữ vai trò chủ chốt bảo đảm ổn định tài chính; thực thi vai trò giám sát các hệ thống thanh toán, là trung tâm thanh toán và quyết toán cho các hệ thống thanh toán và hệ thống giao dịch tài chính, tiền tệ trong nền kinh tế”.
 
5. Khuyến nghị chính sách đối với Việt Nam
 
Trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, để bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ quốc gia, Việt Nam cần lưu ý một số vấn đề sau:
 
5.1. Đối với chính sách tiền tệ
 
Xác định mục tiêu rõ ràng và tăng tính tự chủ của NHNN trong điều hành của chính sách tiền tệ
 
Một trong những yếu tố làm hạn chế việc thực thi có hiệu quả các chức năng của NHNN là có quá nhiều mục tiêu và ít tính độc lập (Victoria Kwakwa, 2016). Để khắc phục tình trạng này, các cơ quan có thẩm quyền cần lựa chọn hướng NHNN quản lý chặt tỉ giá hay là tập trung vào mục tiêu lạm phát. Cả hai phương án đều nên được xem xét nghiêm túc và cần dựa trên nhiệm vụ rõ ràng của NHNN về ổn định giá cả. 
 
Kiểm soát tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, kiểm soát nợ xấu, nâng cao hiệu quả của tín dụng
 
Các ngân hàng cần kiểm soát chặt chẽ tốc độ tăng trưởng dư nợ tín dụng, chất lượng tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro hoặc chịu tác động lớn của đại dịch Covid-19, đặc biệt là dư nợ lĩnh vực bất động sản với mục đích tự sử dụng. Đánh giá tình hình hoạt động, tình hình tài chính, khả năng trả nợ để có biện pháp xử lý phù hợp, hạn chế rủi ro phát sinh; kiểm soát chặt chẽ hoạt động đầu tư trái phiếu doanh nghiệp, đặc biệt là việc đầu tư trái phiếu doanh nghiệp với mục đích liên quan đến xây dựng, kinh doanh bất động sản hoặc tăng quy mô vốn của tổ chức phát hành hoạt động trong lĩnh vực xây dựng, kinh doanh bất động sản. 
 
Khuyến khích các ngân hàng trích lập đầy đủ dự phòng rủi ro, trích bổ sung đối với các khoản nợ được cơ cấu lại và giữ nguyên nhóm nợ theo quy định tại Thông tư số 06/2024/TT-NHNN và các văn bản sửa đổi, bổ sung. Tập trung và tăng cường nguồn lực tài chính cho xử lý nợ xấu, đặc biệt đối với tổ chức tín dụng có kết quả kinh doanh ở mức cao trong khi chất lượng tín dụng chưa được cải thiện, nợ xấu và nợ tiềm ẩn thành nợ xấu vẫn còn lớn.
 
Củng cố năng lực quản lý, phòng ngừa rủi ro trong lĩnh vực ngân hàng
 
Việc hoàn thành cả ba trụ cột theo chuẩn Basel II giúp các ngân hàng không chỉ đáp ứng yêu cầu về tỉ lệ an toàn vốn mà còn bước đầu đáp ứng yêu cầu về quản trị điều hành, quản lý rủi ro, quản lý vốn theo chuẩn mực quốc tế. Đây là nền tảng quản trị để giúp các ngân hàng phát triển lành mạnh, an toàn, hiệu quả, cải thiện xếp hạng tín nhiệm, nâng cao sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Trên thực tế, phần lớn các ngân hàng đã hoàn thành 3 trụ cột Basel II và đang tiến tới áp dụng Basel III. Việc hướng tới chuẩn mực này sẽ giúp hệ thống ngân hàng Việt Nam hoạt động phù hợp với các thông lệ quốc tế cũng như bảo đảm hoạt động an toàn, thông suốt trong bối cảnh có nhiều biến động khó lường.
 
Nâng cao hiệu lực giám sát ngân hàng
 
NHNN cần giám sát chặt chẽ chất lượng tài sản của toàn bộ khu vực ngân hàng và từng ngân hàng thông qua giám sát dựa trên rủi ro, bao gồm cả việc xây dựng hệ thống cảnh báo sớm đi kèm với lộ trình kết thúc các biện pháp giảm/giãn nợ. Cần tăng cường nhiệm vụ của NHNN trong việc ban hành các quy định và thực hiện giám sát an toàn, bao gồm giải quyết các vấn đề nợ xấu tiềm ẩn và phát triển thị trường mua bán nợ theo cơ chế thị trường hiệu quả. Đồng thời, khuôn khổ luật pháp cho giải quyết phá sản cần được cải thiện để tạo điều kiện thuận lợi cho việc tái cơ cấu các công ty có thể sống sót và giải thể/thanh lý các công ty không thể trụ lại được, tránh chuyển toàn bộ chi phí sang hệ thống ngân hàng.
 
Đẩy nhanh tiến độ xử lý ngân hàng yếu kém

Việc xử lý các ngân hàng yếu kém kéo dài dẫn tới lãng phí nguồn lực khi phải cho vay đặc biệt để hỗ trợ. Việc xử lý, chuyển giao các ngân hàng yếu kém đòi hỏi dựa vào sự chia sẻ rủi ro giữa các bên gồm Nhà nước, ngân hàng tiếp nhận, ngân hàng bị chuyển giao. Sự chia sẻ này dựa trên trên cơ sở tính toán các hệ lụy với hệ thống ngân hàng, nền kinh tế, quyền lợi của cổ đông và nhà đầu tư. Vì vậy, sau khi Luật Các tổ chức tín dụng năm 2024 có hiệu lực, NHNN cần nghiên cứu, ban hành quy định phù hợp để đẩy nhanh tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém, góp phần bảo đảm an ninh tài chính tiền tệ quốc gia.
 
5.2. Đối với chính sách tài khóa
 
Kiểm soát thâm hụt ngân sách, đảm bảo an toàn nợ công
 
Đối với thu NSNN: Trong ngắn hạn, tăng cường quản lý thu NSNN; đẩy mạnh cải cách hành chính thuế, hải quan gắn với Chính phủ điện tử; xây dựng hệ thống thông tin quản lý thuế tích hợp, công khai, minh bạch, hiệu quả, phục vụ tốt người dân và doanh nghiệp. Trong dài hạn, cần chú ý giải quyết hài hòa lợi ích kinh tế giữa Nhà nước, doanh nghiệp và xã hội khi ban hành chính sách về thuế, phí, vừa bảo đảm nguồn thu tài chính để Nhà nước thực hiện điều chỉnh vĩ mô nền kinh tế, thực hiện các chính sách xã hội, đảm bảo an ninh tài chính, nhưng vừa không kìm hãm sản xuất, kinh doanh.
 
Nâng cao hiệu quả chi NSNN, thúc đẩy giải ngân đầu tư công trên cơ sở rà soát, tháo gỡ các quy định trong quản lý đầu tư công. Ngoài ra, rà soát, hoàn thiện hệ thống chính sách an sinh xã hội bảo đảm tính linh hoạt, bao trùm nhưng không trùng lặp. Cơ cấu lại chi NSNN theo hướng bền vững, giảm tỉ trọng chi thường xuyên, tăng tỉ trọng chi đầu tư phát triển; bảo đảm nguồn lực cho quốc phòng, an ninh, thực hiện cải cách chính sách tiền lương, bảo đảm an sinh xã hội. Thực hiện đúng dự toán NSNN được Quốc hội quyết định, kiểm soát bội chi NSNN.
 
Để đảm bảo an toàn tài chính quốc gia và thúc đẩy phát triển bền vững, cần đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững. Việc này bao gồm cải thiện chỉ tiêu an toàn nợ, giảm áp lực trả nợ vào một số thời điểm và phát hành trái phiếu chính phủ gắn liền với cơ cấu lại nợ công, ưu tiên kỳ hạn dài khi thị trường thuận lợi. 
 
Tiếp tục đa dạng hóa thị trường vốn, đồng thời cải thiện tính minh bạch và cơ sở hạ tầng thị trường
 
Cân bằng sự ổn định của ngành Ngân hàng với việc mở rộng phạm vi tài chính và phát triển thị trường vốn theo chiều sâu. Sự phát triển của thị trường vốn sẽ giúp Việt Nam: (i) Giảm rủi ro nợ nần quá mức trong khu vực doanh nghiệp thông qua huy động vốn cổ phần, hoặc (ii) Giảm rủi ro thanh khoản thông qua tái cấp vốn nợ. Phát triển thị trường vốn cũng sẽ mang lại cơ hội tài chính cho khu vực tư nhân (bao gồm cả việc phát triển cơ sở hạ tầng dài hạn) vốn vẫn phụ thuộc nhiều vào tín dụng ngân hàng và cung cấp thêm các phương tiện tiết kiệm dài hạn cho các hộ gia đình, quỹ hưu trí, các tổ chức tài chính.
 
Củng cố năng lực quản lý, phòng ngừa rủi ro trong lĩnh vực bảo hiểm
 
Hệ thống pháp luật cần bảo đảm sự thống nhất, đồng bộ và đặc biệt là tính hiện đại, tương thích với các cam kết quốc tế về kinh doanh bảo hiểm, là cơ sở quan trọng để có thể chủ động hội nhập, nâng cao sức cạnh tranh và phát triển thị trường bảo hiểm hiện đại. Bổ sung, hoàn thiện các quy định về quản lý nhà nước với hoạt động kinh doanh bảo hiểm theo hướng kiến tạo thị trường an toàn, minh bạch, hiệu quả, vừa bảo đảm vai trò quản lý của Nhà nước vừa không gây khó khăn, ách tắc cho hoạt động của doanh nghiệp. Tích cực ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, nâng cao hiệu quả, tiết kiệm chi phí cho doanh nghiệp.
 
Đổi mới và hoàn thiện phương thức quản lý, giám sát thị trường, dần chuyển sang quản lý, giám sát dựa trên rủi ro. Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin để nâng cao hiệu quả trong quản lý, giám sát rủi ro trên thị trường. Bên cạnh đó, cần nâng cao hiệu quả của công tác thanh tra, kiểm tra và có cơ chế xử lý nghiêm với các hành vi vi phạm pháp luật trên thị trường.
 
Củng cố năng lực quản lý, phòng ngừa rủi ro trong lĩnh vực chứng khoán
 
Tích cực hoàn thiện khung pháp lý, tập trung nỗ lực đưa các quy định, chính sách mới của Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn vào thực tiễn nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư, tạo động lực thúc đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam phát triển bền vững. Xác định mục tiêu, giải pháp và lộ trình phát triển thị trường chứng khoán về dài hạn. Đẩy mạnh công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát hoạt động thị trường, đặc biệt là thị trường trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ; tăng cường công tác giám sát, rà soát, nhận diện các mã cổ phiếu có giao dịch bất thường; xử lý nghiêm những trường hợp vi phạm nghĩa vụ báo cáo, công bố thông tin.
 
5.3. Nâng cao hiệu quả mô hình giám sát tài chính quốc gia 
 
Nâng cao hơn nữa vai trò của NHNN trong quản lý, giám sát hệ thống tài chính. NHNN là cơ quan đầu mối thích hợp nhất để thực hiện các mục tiêu giám sát tài chính, vì NHNN có các công cụ để thực hiện vai trò cung ứng thanh khoản cho thị trường, đặc biệt là khi xảy ra khủng hoảng. 
 
Chú trọng nâng cao hiệu lực và năng lực giám sát cho các cơ quan giám sát tài chính chuyên ngành. Đặc biệt, cần tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan giám sát chuyên ngành nhằm chia sẻ thông tin và quan điểm, thảo luận về cách giải quyết các vấn đề khi trách nhiệm giám sát bị chồng chéo.
 
Công tác giám sát cần được nâng cao hiệu quả với ba nội dung trọng yếu: Giám sát rủi ro hệ thống, tăng cường phối hợp giữa cơ quan hoạch định chính sách và cơ quan giám sát; phối hợp, đồng bộ hóa giám sát vĩ mô và vi mô. Ngoài ra, chất lượng công tác thanh tra được nâng cao theo hướng từng bước thiết lập kỷ luật thị trường, cưỡng chế thực thi quy định pháp lý, nâng cao chế tài xử phạt đối với các hành vi vi phạm trên thị trường tài chính (rửa tiền, chiếm đoạt tài sản, thao túng thị trường, giao dịch nội gián, trục lợi bảo hiểm...).
 
5.4. Hoàn thiện cơ chế hấp thụ và chống đỡ các cú sốc

Thế giới ngày càng có nhiều biến động về địa chính trị, kinh tế, những cú sốc có thể tác động tới kinh tế, an ninh tài chính, tiền tệ của Việt Nam sẽ xuất hiện với tần suất nhiều và khó dự đoán hơn. Vì vậy, NHNN, Bộ Tài chính cần phải hoàn thiện cơ chế giám sát, dự báo phòng ngừa khủng hoảng trên cơ sở đánh giá thường xuyên, kỹ lưỡng hệ thống các chỉ tiêu an toàn vĩ mô và vi mô. Từ đó dự báo về kịch bản khủng hoảng có thể xảy ra và đánh giá rủi ro tài chính một cách tổng quát theo các biến số an ninh tài chính, tiền tệ. Trên cơ sở đó, chủ động đưa ra kịch bản và phương án xử lý, thiết lập được “cơ chế xử lý khủng hoảng” chính thức, bao gồm việc phối hợp giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ nhằm ứng phó với các cú sốc. 
 
5.5. Nâng cao chất lượng dự báo rủi ro tiềm ẩn đối với hệ thống tài chính
 
Phát huy hơn nữa vai trò của các cơ quan quản lý trong việc nghiên cứu, đánh giá, dự báo diễn biến kinh tế, tài chính thế giới và xu hướng tác động tới an ninh tài chính trong nước, từ đó đưa ra cảnh báo và đối sách kịp thời. Trước cú sốc từ bên ngoài không thể đoán định được, cần đưa ra kịch bản ứng phó linh hoạt để có các giải pháp đảm bảo an ninh tài chính, tiền tệ trong thế giới đầy biến động. 
 
6. Kết luận
 
An ninh tài chính, tiền tệ đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của Việt Nam, đặc biệt trong bối cảnh thế giới đầy biến động. Bài nghiên cứu đã chỉ ra những thách thức, dự báo xu hướng và đưa ra các giải pháp nhằm bảo đảm an ninh tài chính, tiền tệ cho Việt Nam trong giai đoạn từ nay đến năm 2030. Theo đó, Việt Nam cần đẩy mạnh cơ cấu lại nợ công theo hướng bền vững, nâng cao hiệu quả quản lý nợ, tăng cường quản lý rủi ro, chủ động thích ứng với xu hướng phi tập trung và tích hợp trong hệ thống tài chính toàn cầu, kiểm soát nợ xấu, nâng cao hiệu lực giám sát ngân hàng, đẩy nhanh tiến độ xử lý các ngân hàng yếu kém... Việc này đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan quản lý nhà nước, tổ chức tài chính và những bên liên quan, đồng thời nâng cao năng lực giám sát, dự báo và ứng phó với các cú sốc tài chính.
 

1 Vương Quốc Thắng (2023). Tác động của xung đột giữa Nga - Ukraine với việc khơi thông vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023.
2 Số liệu từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF).
3 IMF (2024). World economic outlook update, January 2024: Moderating inflation and steady growth open path to soft landing. https://www.imf.org/en/Publications/WEO
4 Báo Chính phủ điện tử (2023). Các FTA đã ’chắp cánh’ cho xuất khẩu như thế nào? Truy cập ngày 30/6/2024, https://baochinhphu.vn/cac-fta-da-chap-canh-cho-xuat-khau-nhu-the-nao-102231220140857582.html  
5 Tác giả tính toán dựa trên số liệu công bố của Tổng cục Thống kê.
 
Tài liệu tham khảo:
 
1. Trần Thọ Đạt, Tô Trung Thành (2016). An ninh tài chính tiền tệ của Việt Nam trong bối cảnh hội nhập quốc tế. NXB. Chính trị quốc gia - Sự thật.
2. Nguyễn Ngọc Hà (2017). Nhận diện rủi ro tài chính - tiền tệ ở Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0. Tạp chí Tài chính số 669, tháng 11/2017.
3. Nguyễn Trung Hậu (2020). Thực thi chính sách an toàn vĩ mô đối với hệ thống tài chính Việt Nam. Sách chuyên khảo. NXB. Khoa học - xã hội.
4. Nguyễn Thị Mùi (2015). An ninh tài chính tiền tệ ở Việt Nam trước các biến động của thị trường tài chính thế giới. Tạp chí Tài chính số 616, tháng 9/2015.
5. Nguyễn Cẩm Nhung (chủ biên), Trần Thị Thanh Huyền (2020). Những thách thức toàn cầu và vấn đề an ninh tài chính của Việt Nam: Sách chuyên khảo. NXB. Đại học Quốc gia Hà Nội.
6. Vương Quốc Thắng (2023). Tác động của xung đột giữa Nga - Ukraine với việc khơi thông vốn cho doanh nghiệp khởi nghiệp Việt Nam. Tạp chí Tài chính kỳ 2 tháng 10/2023.
7. Phạm Mạnh Thường (2018). Xử lý nợ xấu gắn với tái thiết doanh nghiệp góp phần củng cố an ninh tài chính, tăng trưởng kinh tế. Tạp chí Tài chính số 694, tháng 12/2018.
8. Hồ Thủy Tiên, Hoàng Đức Long (2020). Đo lường mức độ an ninh tài chính Việt Nam trong hội nhập quốc tế. NXB. Tài chính.
9. Phùng Thu Hiền Vân, Lê Thị Ngọc Tú (2017). An ninh tài chính, tiền tệ tại Việt Nam trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghệ 4.0. Tạp chí Tài chính tháng 9/2017.
10. Lê Thị Thùy Vân (2021). Đảm bảo an ninh tài chính quốc gia: Thách thức và khuyến nghị cho giai đoạn 2021 - 2030. Tạp chí Tài chính tháng 4/2021.
11.  Lê Thị Thùy Vân (2017). Giải pháp đảm bảo an ninh tài chính trên thị trường tài chính Việt Nam. Tạp chí Tài chính tháng 9/2017.
12.  Đỗ Hồng Việt (2022). An ninh tài chính trong điều kiện kinh tế thị trường của Việt Nam. Luận án Tiến sĩ kinh tế.
13.  Ngân hàng Thế giới (2021). Để Việt Nam tươi sắc đào xuân? Cải cách thể chế hướng tới thực thi hiệu quả. Báo cáo cập nhật đánh giá quốc gia.
14.  Ngân hàng Thế giới và Bộ Kế hoạch và Đầu tư (2015). Việt Nam 2035: Hướng tới Thịnh vượng, Sáng tạo, Công bằng và Dân chủ. Báo cáo 
tổng quan.
15.  Asian Development Bank (2022). Strategy 2030: Finance Sector Directional Guide (tenth draft).
16. World Economic Forum (2018). The Global Financial and Monetary System in 2030. Tài liệu gốc truy cập tại https://www3.weforum.org/docs/WEF_Global_Future_Council_Financial_Monetary_Systems_report_2018.pdf 
 
*Bài viết thuộc Đề tài Cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung: Tác động và đối sách của Việt Nam. Mã số KX.04.37/21-25.
 
PGS., TS. Đặng Thu Thủy (Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam)
TS. Nguyễn Trung Hậu (Ban Kinh tế Trung ương)
 
 

Theo: Tạp chí Ngân hàng
    Bài cùng chuyên mục