Agribank đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% trong năm 2024

(Banker.vn) Trong báo cáo thường niên năm 2023 vừa công bố, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam (Agribank) vừa công bố. Ngân hàng này đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng trong năm 2024.

Cụ thể, Agribank đã đặt kế hoạch lợi nhuận trước thuế năm 2024 tăng tối thiểu 6% so với năm 2023 và không thấp hơn mức lợi nhuận kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt.

Trong năm 2024, tổng tài sản của ngân hàng được kỳ vọng sẽ tăng trưởng phù hợp với tăng trưởng nguồn vốn, bao gồm cả từ thị trường 1 và thị trường hai. Vốn huy động thị trường 1 dự kiến tăng 5 - 8%, điều chỉnh phù hợp với tăng trưởng dư nợ. Từ con số trên, có thể ước tính huy động vốn thị trường 1 của Agribank sẽ trong khoảng từ 1,8 triệu tỷ đồng đến 1,85 triệu tỷ đồng.

Dư nợ cho vay nền kinh tế được kỳ vọng sẽ tăng từ 7% - 10%, phù hợp với kế hoạch được Ngân hàng Nhà nước phê duyệt. Có thể ước tính dư nợ cho vay của ngân hàng Agribank này vào cuối năm 2024 sẽ đạt từ 1,54 triệu tỷ đồng đến 1,59 triệu tỷ đồng.

Đồng thời, Agribank cũng đặt mục tiêu tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn ở mức 65%, tỷ lệ nợ xấu nội bảng theo Thông tư 11 dưới 2%. Các tỷ lệ an toàn hoạt động khác sẽ được đảm bảo theo quy định.

Agribank đặt kế hoạch kinh doanh thận trọng, tỷ lệ nợ xấu nội bảng dưới 2% trong năm 2024
Ảnh: Internet

Ngoài ra, ngân hàng này có kế hoạch nâng cao thu nhập người lao động, phù hợp với quy định của Ngân hàng Nhà nước. Năm 2023, theo báo cáo của Agribank số lượng nhân viên ngân hàng đạt 42.083 người, tăng 2,87% so với năm 2022 và mức thu nhập bình quân của người lao động đạt 32,97 triệu đồng/người/tháng, tăng 9,75% so với năm 2022

Về kết quả kinh doanh năm 2023 vừa qua, Agribank ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt ở mức 25.859 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế đạt 20.696 tỷ đồng, tăng 14,7% so với năm 2022. Với kết quả trên, nhà băng này đã lọt vào top 5 ngân hàng có lợi nhuận trước thuế vượt mốc 1 tỷ USD cùng với Vietcombank, BIDV, MB và VietinBank. Đồng thời, Agribank trở thành nhà băng có lãi cao thứ 4 toàn ngành, chỉ đứng sau Vietcombank, BIDV và MB.

So với các “ông lớn” ngân hàng khác trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh (Big4), lợi nhuận sau thuế của Agribank có tốc độ tăng trưởng cao thứ ba, sau BIDV (20,1%) và VietinBank (18,5%) nhưng đứng trước Vietcombank (10,4%).

Mặc dù vậy, trong năm 2023 nhiều mảng kinh doanh chính của Agribank như cho vay, dịch vụ và ngoại hối đều phải chứng kiến bước đi lùi so với năm trước đó. Trong đó, thu nhập lãi thuần sụt giảm 7%, xuống mức 55.965 tỷ đồng, tụt lại phía sau BIDV. Năm 2022, thu nhập lãi thuần của Agribank đạt mức gần 60.190 tỷ đồng, đứng đầu toàn ngành ngân hàng.

Bên cạnh đó, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ và lãi thuần từ kinh doanh ngoại hối ghi nhận mức giảm lần lượt 4,2% và 29,8%, tương ứng xuống còn 4.566 tỷ đồng và 2.007 tỷ đồng. Các mảng hoạt động chứng khoán kinh doanh và góp vốn, mua cổ phần đóng góp không đáng kể vào cơ cấu thu nhập của Agribank.

Tương tự như nhiều ngân hàng khác trong năm 2023, mảng mua bán chứng khoán đầu tư của Agribank cũng ghi nhận kết quả tích cực, đem về khoản lãi thuần 2.977 tỷ đồng, tăng gấp gần 22 lần so với thực hiện năm 2022.

Ngoài ra, hoạt động kinh doanh khác, chủ yếu thu nợ gốc và lãi từ các khoản nợ đã được xử lý của Agribank cũng tăng trưởng 7% so với các năm trước, đem về 10.529 tỷ đồng. Tỷ trọng hoạt động này trong cơ cấu thu nhập của ngân hàng đứng đầu trong các Big4.

Tổng thu nhập hoạt động (TOI) của nhà băng này trong năm 2023 đạt 76.139 tỷ đồng, giảm 2,2% nhưng vẫn đứng đầu toàn ngành. Chi phí hoạt động tăng 9,9%, khiến lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh giảm còn 45.206 tỷ đồng, thấp nhất trong nhóm Big4. Tuy nhiên, nhờ việc cắt giảm 28,8% chi phí dự phòng rủi ro từ 27.172 tỷ đồng xuống mức 19.347 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế của ngân hàng Agribank vẫn có mức tăng trưởng 14,7%.

Tính đến thời điểm cuối năm 2023, tổng tài sản của ngân hàng này ghi nhận ở mức 2,04 triệu tỷ đồng, là một trong ba ngân hàng tại Việt Nam vượt qua cột mốc này. Cho vay khách hàng đạt 1,55 triệu tỷ đồng, tăng 7,4% và đứng thứ hai toàn ngành.

Tiền gửi khách hàng tại Agribank đạt 1,82 triệu tỷ đồng, tăng trưởng 11,9%, giữ vững vị trí là nhà băng có nhiều tiền gửi nhất hệ thống. Phần lớn tiền gửi tăng thêm trong năm 2023 dưới dạng tiền gửi có kỳ hạn.

Về chất lượng tài sản, trong năm 2023, số dư nợ xấu của ngân hàng này đã tăng thêm 10,2% so với hồi đầu năm, lên mức 28.721 tỷ đồng. Theo đó, Agribank đã trở thành nhà băng có số dư nợ xấu cao nhất hệ thống, vượt qua cả VPBank với số dư nợ xấu ở mức 28.344 tỷ đồng. Tuy nhiên, tỷ lệ nợ xấu của Agribank chỉ nhích nhẹ lên 1,85%, thấp hơn trung bình của toàn hệ thống (1,93%).

PGBank báo lãi "đi lùi" 24%, tỷ lệ nợ xấu tăng mạnh trong quý I/2024

Ngân hàng TMCP Thịnh Vượng và Phát triển (PGBank – UPCOM: PGB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I/2024.

ĐHĐCĐ Techcombank 2024: Trình kế hoạch kinh doanh tham vọng, tăng tốc trong ba lĩnh vực ưu tiên

Trong năm thứ 4 của chiến lược 5 năm 2021-2025, Ngân hàng TMCP Kỹ Thương Việt Nam (Techcombank, HOSE: TCB) sẽ đẩy nhanh việc triển ...

VPBank báo lãi tăng 64%, tỷ lệ nợ xấu giảm xuống dưới 5% trong quý 1/2024

Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank - HOSE: VPB) vừa công bố báo cáo tài chính quý I hợp nhất với kết quả ...

Thiên An

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục