Những động lực tăng trưởng kinh tế
Tại buổi họp báo công bố Báo cáo Triển vọng phát triển châu Á sáng ngày 28/4, ông Andrew Jeffries – Giám đốc quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, tiêu dùng nội địa trì tệ và sức cầu bên ngoài yếu do đại dịch Covid-19 làm giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế Việt Nam trong năm ngoái, nhưng đà tăng trưởng vẫn tiếp tục mạnh trong năm nay và năm sau, nhờ thành công của Việt Nam trong việc kiểm soát sự lây lan của virus.
Theo đó, các động lực tăng trưởng sẽ là công nghiệp, đặc biệt là ngành công nghiệp chế biến, chế tạo định hướng xuất khẩu, đầu tư gia tăng và thương mại mở rộng. Công nghiệp dự báo sẽ tăng 9,5% trong năm 2021, đóng góp 3,5 điểm % vào tăng trưởng GDP. Khu vực này có bước khởi động mạnh mẽ ngay trong quý I/2021, tăng 6,3% so với 3 tháng đầu năm 2020. Chỉ số quản trị mua hàng tăng 53,6 trong tháng 3, mức cao nhất tính từ tháng 1/2019.
Ngoài ra, các doanh nghiệp nước ngoài và trong nước mới được dự báo sẽ thành lập nhờ có vacxin Covid-19, tạo thuận lợi cho việc đi lại trong nước, cũng như cho các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Sự phục hồi của các đối tác thương mại lớn sẽ làm tăng nhu cầu sản xuất hàng xuất khẩu. Xây dựng được dự báo sẽ tăng nhanh khi chính phủ tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các dự án hạ tầng lớn trong năm 2021 và lãi suất thấp kích thích hoạt động xây dựng bất động sản.
Khu vực dịch vụ cũng được dự báo sẽ phục hồi tăng trưởng ở mức 6,0% trong năm 2021, đóng góp 2,3 điểm phần trăm vào tăng trưởng GDP.
Khu vực nông nghiệp cũng được dự báo sẽ hoạt động mạnh hơn trong năm nay nhờ các cải cách cơ cấu được duy trì, cải thiện tiếp cận thị trường đối với hàng nông sản xuất khẩu theo các hiệp định thương mại tự do khu vực, và giá lương thực toàn cầu cao hơn do nhu cầu tăng.
Ngoài ra, đầu tư gia tăng sẽ là một động lực tăng trưởng then chốt trong năm nay và năm sau. Tiêu dùng cá nhân cũng dự báo sẽ phục hồi song song với đầu tư tư nhân và lạm phát thấp. Thực tế, bán lẻ tăng 5,1% trong quý I/2021, cho thấy niềm tin của người tiêu dùng đã phục hồi. Lòng tin của doanh nghiệp gia tăng, phản ánh qua kết quả điều tra doanh nghiệp tháng 12/2020 trong đó 80% doanh nghiệp được điều tra dự báo tình hình kinh doanh trong năm 2021 sẽ khá hơn hoặc giữ ổn định. Lạm phát trong quý I/2021 giảm xuống mức thấp nhất từ năm 2016 do chi phí vận tải giảm và nhu cầu yếu, tuy nhiên, giá dầu thế giới đang tăng trong xu hướng kinh tế toàn cầu phục hồi và tiêu dùng trong nước, ADB cho rằng, lạm phát cũng tăng lên 3,8% trong năm nay, và 4,0% trong năm 2022.
Bên cạnh động lực tăng trưởng đến từ công nghiệp chế tạo, chế biến và dịch vụ; đầu tư nhà nước, đầu tư tư nhân, theo ông Nguyễn Minh Cường – chuyên gia kinh tế trưởng ADB, cơ quan thường trú tại Việt Nam, thương mại Việt Nam sẽ tiếp tục duy trì mạnh mẽ trong năm 2021, được hỗ trợ bởi sự phục hồi kinh tế mạnh mẽ ở Trung Quốc và Mỹ, hai đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam, và nhờ Việt Nam tham gia vào 15 hiệp định thương mại tự do lớn với hầu hết các nền kinh tế phát triển trên thế giới.
“Việt Nam đạt mức xuất siêu hàng hoá 2 tỷ USD trong quý I/2021, trong đó xuất khẩu sang Trung Quốc tăng 34,35% và sang Mỹ tăng 32,8%. Xuất khẩu hàng hoá được dự báo sẽ tăng 8,0% trong năm nay và năm tới.”- ông Nguyễn Minh Cường dự báo.
Ngoài ra, việc Việt Nam tiếp tục lệ thuộc kinh tế vào đầu tư trực tiếp nước ngoài – với sự gia tăng kim ngạch nhập khẩu hàng hoá vốn và đầu vào sản xuất cho ngành công nghiệp chế biến chế tạo – cùng với giá dầu tăng sẽ làm cho nhập khẩu tăng 5,0%, thu hẹp thặng dư tài khoản vãng lai xuống mức tương đương 2,0% GDP trong năm nay và 2,5% trong năm 2022.
Tăng trưởng tín dụng sẽ cải thiện trong năm 2021, được hỗ trợ bởi các đợt cắt giảm lãi suất trong năm 2020 và nhu cầu tín dụng của doanh nghiệp phục hồi.
Vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro
Tuy nhiên, theo ông Andrew Jeffries, trong năm 2021, rủi ro chính theo chiều hướng tiêu cực là đại dịch bùng phát trở lại do các biến thể coronavirus mới và chậm trễ trong triển khai chương trình vacxin. Các ca nhiễm Covid-19 mới cho thấy còn rất nhiều thời gian để khắc phục dịch bệnh và kế hoạch tiêm vacxin mới ở giai đoạn đầu.
“Nếu chậm trễ trong triển khai vacxin Covid-19 sẽ có thể tác động ngay đến khả năng Việt Nam quay trở lại quỹ đạo tăng trưởng mạnh mẽ như trước khi có dịch, khi tính đến sự phụ thuộc của nền kinh tế vào nhu cầu bên ngoài. Ngoài ra, sự phục hồi nhanh chóng của đầu tư tư nhân trong nước cũng có thể làm gia tăng rủi ro bong bóng tài sản nếu như nguồn vốn không được dẫn hướng vào các lĩnh vực sản xuất.”- ông Andrew Jeffries nhấn mạnh.
Trong năm 2020, Chính phủ Việt Nam đã áp dụng nhiều biện pháp cắt giảm lãi suất, cung cấp tín dụng nhiều hơn cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Đến năm 2021, Chính phủ vẫn tiếp tục duy trì hoãn, miễn, giãn nộp thuế cho các doanh nghiệp. Tuy nhiên, theo ADB, thách thức đặt ra chính là việc áp dụng các chính sách này có hiệu quả.
Ngoài ra, tác động của Covid-19 đến thu nhập và đói nghèo vẫn rất nghiêm trọng. Tình hình bệnh dịch kéo dài có thể chuyển những tác động kinh tế ngắn hạn thành những vấn đề mang tính hệ thống trong trung và dài hạn.
Báo cáo của ADB cũng kêu gọi Chính phủ áp dụng một chiến lược bền vững, dài hạn để giúp đỡ cho sinh kế của người nghèo và người dễ bị tổn thương thông qua những biện pháp như đào tạo nghề và cải thiện tiếp cận với tín dụng vi mô cho các doanh nghiệp mới.
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|