ADB: “Chuyển đổi số là xu hướng quan trọng toàn thế giới”

(Banker.vn) Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia ADB tại Việt Nam cho rằng, chuyển đổi số đã và đang là xu hướng quan trọng ở các quốc gia trên toàn thế giới. Công nghệ số đã không còn là một sự lựa chọn mà là một nhiệm vụ cấp bách cho Chính phủ.

Ngày 9/9, Hội thảo Quốc gia về Chính phủ điện tử năm 2021 đã được tổ chức trực tuyến với chủ đề: "Giải pháp nâng cao hiệu quả hoạt động dịch vụ công trực tuyến, phát triển chính phủ số giai đoạn 2021-2025 và giải pháp phát triển đô thị thông minh, thương mại điện tử góp phần thúc đẩy kinh tế số". Hội thảo được tổ chức trong bối cảnh hệ thống Chính phủ điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến tại Việt Nam ngày càng có sự phát triển.

Ông Andrew Jeffries, Giám đốc Quốc gia Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) tại Việt Nam cho biết, chuyển đổi số đã và đang là xu hướng quan trọng ở các quốc gia trên toàn thế giới. Công nghệ số là công cụ mạnh mẽ cho các chính phủ cải thiện hiệu suất và phân phối dịch vụ. Việc sự dụng một cách chiến lược công nghệ số có thể tạo điều kiện cho việc cung cấp dịch vụ công nhanh chóng và hiệu quả.

“Đại dịch COVID-19 đã thúc đẩy sự chuyển đổi trong hành chính công và dịch vụ công... Công nghệ số đã không còn là một sự lựa chọn mà là một nhiệm vụ cấp bách cho Chính phủ”, ông Andrew Jeffries cho biết.

Nói về hữu ích của công nghệ số trong quản trị, đại diện ADB cho biết hiện đang hỗ trợ các quốc gia thành viên thông qua các khoản vay và việc số hoá đã trở thành một chương trình nghị sự quan trọng. Với các khoản vay về tiện ích năng lượng cho các công ty điện lực ở một số quốc gia, ADB đã kết hợp với khoản hỗ trợ cho hệ thống hoạch định nguồn lực doanh nghiệp (ERP) để quản lý các quy trình kinh doanh thông qua phần mềm và công nghệ, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp cải thiện hoạt động của họ. Tuy nhiên, theo ADB, một trong những yếu tố quan trọng và là nền tảng của chính phủ điện tử cho người dân là Hệ thống danh tính số quốc gia bởi danh tính số cá nhân là điều thiết yếu để bảo vệ quyền công dân và cho phép người dân tiếp cận các dịch vụ, cơ hội.

Trong khu vực, ADB đã hỗ trợ sự phát triển của Hệ thống danh tính quốc gia ở Campuchia và Philippines, cung cấp hỗ trợ kỹ thuật và hỗ trợ các ứng dụng liên quan tới bảo trợ xã hội, giáo dục và y tế.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng dữ liệu không gian địa lý để tổng hợp, phân tích và lưu trữ thông tin địa lý cũng là vấn đề cần lưu tâm bởi hệ thống thông tin địa lý (GIS) sử dụng phần mền kỹ thuật số để kết hợp các bản đồ và bộ dữ liệu về các yếu tố về môi trường, xu hướng kinh tế xã hội cũng như có thể phân tích tác động của hoạt động của con người.

Ông Andrew Jeffries chia sẻ, dữ liệu không gian địa lý được sử dụng bởi các cơ quan hành pháp ở rất nhiều quốc gia để định vị những khu vực có mức độ tội phạm cao, giúp nâng cao việc phòng chống tội phạm. Hay trong công tác phòng chống dịch COVID-19, cơ quan chức năng có thể định vị các trường hợp dương tính với COVID-19 để xác định những khu vực có nguy cơ cao, hướng đến sự hạn chế giãn cách xã hội.

Ở Myanmar, ADB sử dụng dữ liệu không gian địa lý (như ứng dụng Gmaps) để sơ đồ hoá các ngôi làng chưa được hỗ trợ điện và khoảng cách đến các đường dây điện hiện có hoặc đã được quy hoạch. Điều này đã giúp thiết lập được các vị trí đường dây điện mới, và xác định những ngôi làng nào được hỗ trợ tốt hơn nhờ mở rộng mạng lưới điện và những ngôi làng nào phù hợp với hệ thống năng lượng mặt trời độc lập cấp làng về mặt chi phí.

Tại hội thảo, ông Patrick Haverman, Phụ trách, Phó Đại diện Thường trú UNDP Việt Nam đã có một số khuyến nghị phát triển chính phủ số, đó là cần tích hợp và liên thông trong thiết kế, cung cấp dịch vụ. Chính phủ xây dựng, quản lý và chia sẻ cơ sở dữ liệu tập trung, đồng thời tăng cường điều phối giữa các bộ ngành và trong chính quyền các cấp cũng như tập trung cải cách, đơn giản hóa thủ tục hành chính.

Theo ông Patrick Haverman, cần phải lấy con người làm trung tâm trong thiết kế, cung cấp, đánh giá dịch vụ như nghiên cứu người dùng trong tất cả các bước để nộp hồ sơ trực tuyến (tìm kiếm thông tin, chuẩn bị hồ sơ, nộp và tra cứu kết quả, phản hồi…) hay chú trọng các nhóm phụ nữ, người khuyết tật, nhập cư, dân tộc thiểu sốv.v … Việc ứng dụng công nghệ để cung cấp thông tin cho người dùng như trợ lý ảo, trí tuệ nhân tạo…., đặc biệt đối với cấp xã phường cũng được UNDP Việt Nam đề cập.

Minh Hoàng

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ

Theo: Tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ