ABBank: Bà Lê Thị Bích Phượng giữ Quyền Tổng Giám đốc

(Banker.vn) Mới đây, HĐQT Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB) vừa có quyết định cử bà Lê Thị Bích Phượng - Phó Tổng Giám đốc đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn của Tổng Giám đốc ABBank kể từ ngày 30/01/2023.

Bà Lê Thị Bích Phượng sinh năm 1977, tốt nghiệp Cử nhân Kinh tế - Đại học Quốc gia Hà Nội và Cử nhân Tiếng Anh - Đại học Ngoại ngữ Hà Nội. Bà có 19 năm hoạt động trong lĩnh vực Tài chính - Ngân hàng, có kinh nghiệm chuyên sâu trong mảng kinh doanh bán lẻ và phát triển kênh phân phối.

ABBank:  Bà Lê Thị Bích Phượng giữ Quyền Tổng Giám đốc
Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank, UPCoM: ABB)

Từng đảm nhận nhiều vị trí chuyên môn và quản lý của Ngân hàng như Giám đốc khu vực ở Hà Nội, Giám đốc Vùng, Giám đốc Bán hàng và kênh phân phối miền Nam, Giám đốc Khối dịch vụ ngân hàng tài chính cá nhân, Thành viên Ban Điều hành Techcombank giai đoạn chuyển đổi 2016-2020.

Trước đó, bà Lê Thị Bích Phượng đã được HĐQT tuyển dụng và bổ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc tại ABBank từ ngày 02/12/2022.

Còn vị trí quyền hạn Tổng Giám đốc ABBank trước khi bà Phượng đảm nhận thuộc về ông Nguyễn Mạnh Quân. Theo đó, ông Quân đã nộp đơn thôi đảm nhận nhiệm vụ và quyền hạn Tổng Giám đốc ABBank theo nguyện vọng cá nhân nhưng sẽ tiếp tục tham gia công tác điều hành ở vị trí Phó Tổng Giám đốc thường trực ABBank.

Về kết quả kinh doanh, ABBank ghi nhận lợi nhuận trước thuế lỗ 45 tỷ đồng lãi trước thuế trong quý IV/2022.

Mặc dù nguồn thu chính là lãi thuần tại ngân hàng này tăng 22% so với năm trước, tương ứng đạt 3.735 tỷ đồng tuy nhiên các nguồn thu ngoài lãi lại sụt giảm với lãi từ dịch vụ giảm 34%, còn 232 tỷ đồng và lãi từ kinh doanh ngoại hối giảm 53%, còn 193 tỷ đồng.

Ngoài ra, hoạt động khác thu về khoản lãi hơn 415 tỷ đồng, tăng 62% trong khi phí hoạt động chỉ tăng 8%, lên gần 2.043 tỷ đồng.

Trong kỳ, ABBank trích ra gần 249 tỷ đồng dự phòng rủi ro, cùng với các khoản dự phòng từ những quý trước đó, ngân hàng này đã chi tổng cộng gần 777 tỷ đồng. Do đó, ABBank chỉ thu về 1.702 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 13% so với năm trước.

So với kế hoạch 3.079 tỷ đồng lãi trước thuế đặt ra cho cả năm 2022, ABBank chỉ thực hiện được 55% mục tiêu.

Theo giải trình của ABBank, do ảnh hưởng lạm phát, nhiều khoản chi phí phát sinh tăng so với 2021 và kế hoạch đề ra.

Bên cạnh đó, năm qua hoạt động kinh doanh trái phiếu Chính phủ gặp khó khăn do mặt bằng lãi suất tăng, tỷ giá ngoại tệ biến động gây ảnh hưởng bất lợi, đến cuối năm ABBank thực hiện kết chuyển số dư tài khoản kinh doanh ngoại tệ bảo đảm tuân thủ quy định của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cũng như điều chỉnh danh mục đầu tư đã tác động đến lợi nhuận cả năm. Do đó năm 2022, ABBank chưa đạt kỳ vọng so với kế hoạch ĐHĐCĐ đã thông qua.

Tính đến 31/12/2022, tổng tài sản của ABBank tăng 8% so với đầu năm, lên mức 130.161 tỷ đồng. Cho vay khách hàng tăng 19% lên 82.010 tỷ đồng, trong khi tiền gửi khách hàng tăng đến 24% lên 84.124 tỷ đồng.

Việc kiểm soát nợ xấu trong năm 2022 cũng là một thử thách lớn trước thực trạng khó khăn chung của nền kinh tế và hoạt động của các doanh nghiệp, tuy nhiên ABBank đã trích lập dự phòng cho các khoản vay.

Tổng nợ xấu tính đến cuối năm 2022 gần 2.366 tỷ đồng, tăng 46% so với đầu năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2.34% đầu năm lên 2.88%.

Chỉ số an toàn vốn (CAR) cũng vẫn được đảm bảo ở mức 11.6%. Năm 2022, ABBank cũng đã hoàn thành việc tất toán mua lại toàn bộ số trái phiếu VAMC.

Trong năm 2023, ABBANK sẽ thực hiện chia cổ tức 10% bằng cổ phiếu theo văn bản đã được NHNN chấp thuận, nâng vốn điều lệ lên 10.400 tỷ đồng.

Ánh Kim

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục