9 tháng tăng trưởng 4,24%, kinh tế vẫn còn nhiều khó khăn

(Banker.vn) Với tăng trưởng GDP quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước, tăng trưởng GDP 9 tháng ở mức 4,24%. Điều này tiếp tục đặt áp lực lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm nay.

Số liệu vừa được Tổng cục Thống kê công bố, tổng sản phẩm trong nước (GDP) quý III/2023 ước tính tăng 5,33% so với cùng kỳ năm trước.

Trong đó, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,72%, đóng góp 8,03% vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 5,19%, đóng góp 38,63%; khu vực dịch vụ tăng 6,24%, đóng góp 53,34%.

Mức tăng trưởng của quý III mặc dù chỉ cao hơn tốc độ tăng của cùng kỳ các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023, nhưng Tổng cục Thống kê vẫn cho rằng, đó là “xu hướng tích cực”. Bởi điều này có nghĩa, tăng trưởng theo quý của năm đã tiếp tục quý sau cao hơn quý trước.

Cụ thể, tăng trưởng GDP quý I chỉ là 3,28%, nhưng quý II đã tăng 4,05%, và quý III tăng 5,33%.

Với tốc độ tăng trưởng của quý III như vậy, GDP 9 tháng năm 2023 tăng 4,24% so với cùng kỳ năm trước, chỉ cao hơn tốc độ tăng 2,19% và 1,57% của 9 tháng các năm 2020 và 2021 trong giai đoạn 2011-2023.

Sự phục hồi của khu vực dịch vụ đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua
Sự phục hồi của khu vực dịch vụ đã đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế trong 9 tháng qua

Trong mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản tăng 3,43%, đóng góp 9,16%; khu vực công nghiệp và xây dựng tăng 2,41%, đóng góp 22,27%; khu vực dịch vụ tăng 6,32%, đóng góp 68,57%.

Tốc độ tăng trưởng 4,24% của 9 tháng đầu năm 2023 tiếp tục đặt áp lực lên việc thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,5% trong năm nay.

Phân tích cụ thể về từng khu vực kinh tế, Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị tăng thêm ngành nông nghiệp 9 tháng năm 2023 tăng 3,42% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,29 điểm phần trăm vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm của toàn nền kinh tế. Trong khi đó, ngành lâm nghiệp tăng 3,13% nhưng chiếm tỷ trọng thấp nên chỉ đóng góp 0,02 điểm phần trăm; ngành thủy sản tăng 3,56%, đóng góp 0,09 điểm phần trăm.

Trong khu vực công nghiệp và xây dựng, ngành công nghiệp đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong bối cảnh tổng cầu thế giới suy giảm. Giá trị tăng thêm toàn ngành công nghiệp 9 tháng năm 2023 chỉ tăng 1,65% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,56 điểm phần trăm vào tốc độ tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế.

Trong đó, công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 1,98%. Đây cũng là mức tăng thấp nhất của cùng kỳ các năm trong giai đoạn 2011-2023, đóng góp 0,51 điểm phần trăm. Ngành xây dựng tăng 6,17%, đóng góp 0,42 điểm phần trăm.

Bù lại, các ngành thương mại, du lịch duy trì đà tăng trưởng cao, đóng góp tích cực vào tăng trưởng của khu vực dịch vụ. Theo Tổng cục Thống kê, giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ 9 tháng năm 2023 tăng 6,32% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 1,87% và mức giảm 0,05% của cùng kỳ các năm 2020 và năm 2021.

Số liệu của Tổng cục Thống kê cho thấy, trong khu vực dịch vụ, một số ngành đóng góp tỷ trọng lớn vào mức tăng tổng giá trị tăng thêm toàn nền kinh tế. Cụ thể, bán buôn và bán lẻ tăng 8,04% so với cùng kỳ năm trước, đóng góp 0,8 điểm phần trăm; ngành vận tải, kho bãi tăng 8,66%, đóng góp 0,53 điểm phần trăm; hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm tăng 6,91%, đóng góp 0,4 điểm phần trăm; dịch vụ lưu trú và ăn uống tăng 13,17%, đóng góp 0,33 điểm phần trăm.

Về cơ cấu nền kinh tế 9 tháng năm 2023, Tổng cục Thống kê cho biết, khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm tỷ trọng 11,51%; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 37,16%; khu vực dịch vụ chiếm 42,72%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,61% (cơ cấu tương ứng của cùng kỳ năm 2022 là 11,47%; 38,49%; 41,29%; 8,75% - PV).

Nếu xét về sử dụng GDP 9 tháng năm 2023, tiêu dùng cuối cùng tăng 3,03% so với cùng kỳ năm 2022, đóng góp 34,30% vào tốc độ tăng chung của nền kinh tế; tích lũy tài sản tăng 3,22%, đóng góp 19,35%; xuất khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 5,79%; nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ giảm 8,19%; chênh lệch xuất, nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ đóng góp 46,35%.

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục