8 năm sau thoái vốn, 32 tỷ đồng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn "đọng" tại Du lịch Hương Giang

(Banker.vn) Sau 8 năm thoái vốn, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn còn 32 tỷ đồng tại Công ty CP Du lịch Hương Giang. Số tiền này hiện bị hạn chế sử dụng theo quy định của Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Kết quả kinh doanh yếu kém

Công ty CP Du lịch Hương Giang (UPCoM: HGT) vừa công bố báo cáo tài chính soát xét bán niên 2024, cho thấy tình hình kinh doanh kém khả quan. Dù doanh thu tăng trưởng, lợi nhuận lại sụt giảm nghiêm trọng so với cùng kỳ năm trước.

8 năm sau thoái vốn, 32 tỷ đồng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn
8 năm sau thoái vốn, 32 tỷ đồng của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế vẫn "đọng" tại Du lịch Hương Giang

Trong 6 tháng đầu năm 2024, Du lịch Hương Giang ghi nhận doanh thu thuần đạt 28,6 tỷ đồng, tăng 9,2% so với cùng kỳ năm 2023. Tuy nhiên, lợi nhuận gộp giảm nhẹ xuống còn 6,6 tỷ đồng do giá vốn bán hàng vẫn ở mức cao.

Hoạt động tài chính của doanh nghiệp có dấu hiệu khởi sắc khi doanh thu từ mảng này tăng mạnh, từ gần 995 triệu đồng lên 2,1 tỷ đồng, tương đương mức tăng gấp đôi cùng kỳ.

Dù vậy, tổng chi phí tài chính, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp của Hương Giang đạt tới 10,1 tỷ đồng, khiến doanh nghiệp lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh hơn 1,4 tỷ đồng. Đây là mức lỗ đáng chú ý khi so với khoản lãi hơn 3,3 tỷ đồng của cùng kỳ năm 2023.

Sau khi khấu trừ thuế và các khoản phí khác, Du lịch Hương Giang ghi nhận lỗ ròng 1,4 tỷ đồng, giảm mạnh so với khoản lãi trước đó.

Trước đó, năm 2023, Du lịch Hương Giang đạt doanh thu 51 tỷ đồng, gần gấp đôi năm 2022, nhờ vào lượng khách du lịch và lưu trú tăng trưởng mạnh. Tuy nhiên, kết quả này vẫn chỉ bằng một nửa so với thời điểm trước đại dịch Covid-19. Dù vậy, doanh nghiệp đã có lãi trở lại với mức lợi nhuận 1 tỷ đồng sau nhiều năm lỗ liên tiếp.

Trong giai đoạn từ 2020 đến 2022, ngành du lịch chịu ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh và các biện pháp giãn cách xã hội, dẫn đến mô hình kinh doanh của Hương Giang gặp nhiều khó khăn. Trong 10 năm qua, công ty đã ghi nhận khoản lỗ lũy kế tăng mạnh, từ 25 tỷ đồng vào năm 2015 lên 104 tỷ đồng hiện nay.

Tình hình tài chính hiện tại

Tính đến ngày 30/6/2024, tổng tài sản của Du lịch Hương Giang đạt 212 tỷ đồng, gần như không thay đổi so với đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền của doanh nghiệp đạt gần 47 tỷ đồng, bao gồm 37,3 tỷ đồng tiền gửi không kỳ hạn tại ngân hàng. Đáng chú ý, hơn 32,1 tỷ đồng trong số này là tiền thu từ việc chuyển nhượng vốn của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế cho Tập đoàn Bitexco. Ở phía nợ phải trả, tổng nợ tăng nhẹ lên 71,7 tỷ đồng, chủ yếu là nợ ngắn hạn với hơn 50,6 tỷ đồng.

Theo thông tin giới thiệu, Công ty CP Du lịch Hương Giang được thành lập theo Quyết định số 1500/QĐ-UBND ngày 3/10/1994 của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế. Ngày 1/1/2008, công ty chuyển sang hoạt động theo mô hình công ty cổ phần với tên gọi Công ty CP Du lịch Hương Giang. Doanh nghiệp chuyên hoạt động trong lĩnh vực khách sạn, nhà hàng, lữ hành nội địa và quốc tế, vận chuyển du lịch, đại lý vé máy bay, và liên doanh, liên kết cung cấp các dịch vụ du lịch.

Du lịch Hương Giang hiện sở hữu khách sạn Hương Giang (4 sao), đồng sở hữu khách sạn Saigon Morin Huế (4 sao), khách sạn Azerai La Residence, Huế (5 sao), Lăng Cô Beach Resort (4 sao), và Công ty TNHH Lữ hành Hương Giang.

Theo hợp đồng chuyển nhượng vốn năm 2016, UBND tỉnh Thừa Thiên Huế đã thoái vốn khỏi Công ty CP Du lịch Hương Giang, chuyển nhượng 62,86% vốn điều lệ cho Tập đoàn Bitexco với tổng giá trị hơn 158,4 tỷ đồng. Hiện tại, cơ cấu vốn góp của doanh nghiệp đạt 200 tỷ đồng, trong đó Tập đoàn Bitexco nắm giữ 9,11%, Crystal Treasure Limited sở hữu 45,5%, cùng các cổ đông khác như Công ty CP Đầu tư Tân Tiến, Công ty TNHH Thạch Anh Trắng và Công ty TNHH Tấn Trường.

Sau khi thoái vốn, Du lịch Hương Giang đã hoàn trả 126 tỷ đồng theo yêu cầu của UBND tỉnh Thừa Thiên Huế, trong khi số tiền còn lại gần 32 tỷ đồng sẽ được thanh toán khi có yêu cầu. Đến ngày 30/6/2024, số tiền này vẫn bị hạn chế sử dụng theo Công văn số 1398/STC-TCDN ngày 26/5/2026 của Sở Tài chính tỉnh Thừa Thiên Huế.

Ở diễn biến khác, Du lịch Hương Giang đang thực hiện chuyển nhượng toàn bộ phần vốn góp tại Công ty TNHH Du lịch Lăng Cô, tương đương 40% vốn điều lệ, với giá dự kiến 84 tỷ đồng. Đơn vị nhận chuyển nhượng là Công ty TNHH Đầu tư Thương mại Việt, và trong trường hợp từ chối, công ty sẽ chuyển nhượng cho cá nhân khác.

Công ty cũng đang triển khai một số dự án du lịch lớn, bao gồm dự án khách sạn cao cấp NAMA và mở rộng khách sạn Azerai La Residence, Huế. Đồng thời, dự án cải tạo Trung tâm Dịch vụ Du lịch Festival tại Huế cũng đã hoàn thành.

Phạm Hường

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán