6 yếu tố nền tảng giúp thị trường chứng khoán phục hồi và tăng trưởng

(Banker.vn) Dù thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam chứng kiến các đợt giảm điểm liên tục, song theo nhiều ý kiến nhận định, vẫn còn rất nhiều yếu tố nền tảng giúp thị trường phục hồi và tăng trưởng trở lại trong những tháng cuối năm.

1. Kinh tế vĩ mô ổn định, chính sách tài khóa hợp lý

Trong thời gian qua, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã tổ chức nhiều hội nghị để vừa thực hiện hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, vừa tập trung giải quyết những khó khăn nội tại của nền kinh tế, xử lý các vấn đề tồn đọng, vừa phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, vừa ứng phó với những tình huống mới, bất ngờ, phát sinh, đồng thời góp phần ổn định tâm lý thị trường, nhà đầu tư, doanh nghiệp (DN).

Nhờ đó, 9 tháng đầu năm, kinh tế vĩ mô được duy trì ổn định. Lạm phát được kiểm soát ở mức 2,73% trong khi chịu sức ép lạm phát thế giới rất cao. Tỉ giá, lãi suất, thị trường ngoại tệ cơ bản ổn định. Các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm, có mặt được cải thiện hơn. Chính sách tài chính được giới chuyên gia và DN đánh giá rất cao vì tính khả thi, hiệu quả và kịp thời, qua đó giúp DN và người dân vượt qua khó khăn, ổn định sản xuất, đóng góp trở lại cho nền kinh tế.

"Chính phủ, Bộ Tài chính đã có các gói hỗ trợ phục hồi và phát triển kinh tế khá lớn. Trong số các gói hỗ trợ, thì vai trò của chính sách tài khóa là rất quan trọng. Nó không chỉ thể hiện ở phạm vi, cách thức, quy mô hỗ trợ, mà còn được coi là “điểm tựa” tốt để phối hợp với chính sách tiền tệ khi vị thế của ngân sách nhà nước được cải thiện khá tốt trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19", TS. Võ Trí Thành - Chuyên gia kinh tế, Nguyên phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế Trung ương cho biết.

Số liệu sơ bộ cho thấy, thu ngân sách nhà nước 9 tháng ước đạt 94% dự toán, tăng 22%. Vốn đầu tư toàn xã hội tăng mạnh; 9 tháng đạt trên 2,1 triệu tỷ đồng, tăng 12,5% so cùng kỳ. Vốn FDI thực hiện đạt trên 15,4 tỷ USD (cao nhất cùng kỳ trong 5 năm qua), tăng 16,3%. Thị trường lao động phục hồi tốt; cơ bản đáp ứng nhu cầu lao động (lao động khu vực công nghiệp tăng 21,8% so cùng kỳ)...

2. Nhiều dự báo lạc quan về tăng trưởng kinh tế

Trong thời gian qua, nhiều tổ chức tài chính, ngân hàng quốc tế đã có những dự báo tích cực về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam trong năm 2022, bất chấp những thách thức từ biến động kinh tế toàn cầu, căng thẳng Nga - Uckraine...

Việt Nam được dự báo thuộc nhóm nước có tốc độ tăng trưởng cao nhất khu vực Đông Nam Á trong năm 2022 và 2023 (WB, IMF, ADB, HSBC dự báo tăng trưởng GDP của Việt Nam năm 2022 lần lượt là 7,2%, 7%, 6,5%, 6,9%).

Nhiều tổ chức xếp hạng tín nhiệm hàng đầu cũng có những nhận định lạc quan về tăng trưởng kinh tế của Việt Nam như: Fitch Ratings dự báo 6,6%, S&P Global Ratings dự báo 6,9% và đặc biệt Moody‘s dự báo lên mức 8,5%.

Thực tế qua 9 tháng của năm 2022 cũng cho thấy, nhờ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, tăng trưởng kinh tế phục hồi mạnh mẽ. GDP 9 tháng tăng 8,83% (cao nhất cùng kỳ từ năm 2011 đến nay). Cả 3 khu vực đều phát triển tốt: Nông nghiệp tăng 2,99%, công nghiệp và xây dựng tăng 9,44%; dịch vụ tăng 10,57%. Nhiều địa phương đạt mức tăng trưởng cao, đặc biệt là có 10 địa phương có tốc độ tăng trưởng trên 11%, gồm Bắc Giang (23,98%), Khánh Hòa (20,48%), Cần Thơ (17,57%)...

3. Xếp hạng tín nhiệm quốc gia được cải thiện

Có thể nói, chưa lúc nào xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam lại tốt như hiện nay. Nhiều tổ chức quốc tế uy tín tiếp tục đánh giá tích cực về tình hình kinh tế của Việt Nam. Moody's nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam từ Ba3 lên Ba2 với triển vọng "ổn định"; S&P nâng xếp hạng lên BB+ với triển vọng "ổn định"; Fitch xếp hạng BB với triển vọng "tích cực". Nikkei Asia nâng hạng chỉ số phục hồi COVID-19 của Việt Nam lên thứ 2 thế giới. Các tổ chức tài chính, tiền tệ quốc tế và nhiều chuyên gia nâng dự báo tăng trưởng kinh tế của Việt Nam...

Đáng chú ý, trong bối cảnh tình hình quốc tế tiếp tục diễn biến phức tạp dẫn đến hơn 30 lượt hạ bậc tín nhiệm trên thế giới trong 8 tháng đầu năm, Việt Nam là quốc gia duy nhất ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, và là một trong số ít quốc gia trên toàn thế giới được nâng bậc tín nhiệm kể từ đầu năm đến nay. Kết quả nâng hạng phản ánh nền tảng tài khóa vững chắc được hỗ trợ bởi chi phí vay được kiểm soát ở mức hợp lý, điều hành chính sách tài khóa cẩn trọng và thanh khoản của danh mục nợ Chính phủ được cải thiện. Việc nâng xếp hạng tín nhiệm của Việt Nam là một vấn đề mang ý nghĩa chiến lược, giúp cải thiện hiệu quả chi phí huy động vốn nước ngoài hoặc phát hành trái phiếu ra thị trường quốc tế của Chính phủ và DN. Đồng thời là chỉ số tham khảo quan trọng, được đánh giá là đáng tin cậy, chuẩn mực và mang tính cập nhật cao mà nhiều tổ chức đầu tư và các nhà đầu tư quốc tế sử dụng trong quá trình xem xét, thẩm định.

4. Xuất nhập khẩu tốt, tiếp tục xuất siêu

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu hàng hóa 9 tháng năm 2022 đã vượt mốc 500 tỷ USD, ước đạt 558,52 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm trước. Cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 6,52 tỷ USD.

Trong đó, tính chung 9 tháng năm 2022, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước đạt 282,52 tỷ USD, tăng 17,3% so với cùng kỳ năm 2021, trong đó: khu vực kinh tế trong nước đạt 73,22 tỷ USD, tăng 16,4%, chiếm 25,9% tổng kim ngạch xuất khẩu; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 209,3 tỷ USD, tăng 17,6%, chiếm 74,1%. Trong khi kim ngạch nhập khẩu hàng hóa ước đạt 276 tỷ USD, tăng 13% so với cùng kỳ năm trước, trong đó khu vực kinh tế trong nước đạt 96,11 tỷ USD, tăng 13,6%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài đạt 179,89 tỷ USD, tăng 12,7%.

5. Niềm tin kinh doanh của DN tăng cao

Tính chung 9 tháng năm 2022, cả nước có 112,8 nghìn DN đăng ký thành lập mới với tổng số vốn đăng ký là 1.272,3 nghìn tỷ đồng và tổng số lao động đăng ký là 758,1 nghìn lao động, tăng 31,9% về số DN, tăng 6,4% về vốn đăng ký và tăng 16,8% về số lao động so với cùng kỳ năm trước.

Kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các DN ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong quý III/2022 do Tổng cục Thống kê thực hiện cho thấy: Có 38,6% số DN đánh giá tốt hơn so với quý II/2022; 36,0% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 25,4% số DN đánh giá gặp khó khăn. Dự kiến quý IV/2022, có 48,7% số DN đánh giá xu hướng sẽ tốt lên so với quý III/2022; 33,9% số DN cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh sẽ ổn định và 17,4% số DN dự báo khó khăn hơn.

Theo báo cáo mới đây của Hiệp hội DN châu Âu tại Việt Nam (EuroCham), 45% các nhà đầu tư và kinh doanh châu Âu tại Việt Nam được khảo sát cho biết rất hài lòng hoặc hài lòng với nỗ lực thu hút và giữ vốn FDI của Việt Nam. Môi trường kinh doanh thuận lợi, sự nhất quán trong chính sách phục hồi kinh tế và nỗ lực thúc đẩy tự do hóa thương mại giúp Việt Nam trở thành điểm đến đầu tư hấp dẫn ở châu Á.

Ông Marko Walde - Trưởng đại diện, Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam nhận định: "Nhiều DN Đức muốn mở rộng đầu tư tại châu Á. Hầu hết các công ty đang hoạt động tại thị trường Trung Quốc tìm kiếm cơ hội ở thị trường châu Á khác và Việt Nam là một điểm đến hấp dẫn để triển khai các dự án đầu tư dài hạn".

6. Quyết tâm chấn chỉnh thị trường, tạo niềm tin vững chắc cho nhà đầu tư

Trong thời gian qua, trước tình hình thị trường chứng khoán Việt Nam còn tiềm ẩn nhiều biến động bất thường, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã có nhiều chỉ đạo tăng cường kiểm tra, giám sát, chấn chỉnh nhằm giúp thị trường phát triển ổn định, bền vững, công khai, minh bạch. Bộ Tài chính cũng đã kịp thời chỉ đạo Ủy ban Chứng khoán Nhà nước và các cơ quan, đơn vị liên quan đẩy mạnh công tác kiểm tra, giám sát nhằm nhanh chóng phát hiện và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán. Đồng thời, chủ động phối hợp với Ngân hàng Nhà nước, Bộ Công an để phát hiện, kiên quyết xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Mới đây nhất, Bộ trưởng Bộ Tài chính đã ký ban hành Chỉ thị số 02/CT-BTC ngày 05/9/2022 về việc tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát đảm bảo an toàn, ổn định thị trường chứng khoán. Theo đó, tập trung rà soát tổng thể Luật Chứng khoán và các văn bản hướng dẫn để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định mới phù hợp với sự phát triển của thị trường, hạn chế nguy cơ gây mất an ninh, an toàn của thị trường, bảo vệ DN và nhà đầu tư; rà soát quy định về phát hành chứng khoán riêng lẻ tại Luật DN để kiến nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư báo cáo cấp có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung...

Để tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động đăng ký niêm yết, thay đổi cơ cấu vốn của DN, Bộ Tài chính yêu cầu Ủy ban Chứng khoán Nhà nước giao các Sở giao dịch chứng khoán tăng cường giám sát việc tuân thủ nghĩa vụ của tổ chức niêm yết, tổ chức đăng ký giao dịch, thành viên giao dịch; thẩm định chặt chẽ các hồ sơ đăng ký niêm yết đăng ký giao dịch chứng khoán của các DN, chú trọng kiểm soát chất lượng, đảm bảo tính chính xác của hồ sơ, đặc biệt lưu ý các công ty có hiện tượng tăng vốn nhanh, các công ty mới thành lập, doanh thu chưa tương xứng với quy mô vốn, chưa có sản phẩm, định hướng kinh doanh rõ ràng... Bộ Tài chính cũng giao các đơn vị liên quan xây dựng kế hoạch kiểm tra, thanh tra toàn diện hoạt động của các DN kế toán, kiểm toán, của các tổ chức cung cấp dịch vụ tư vấn, hỗ trợ niêm yết. Kịp thời phát hiện, xử lý các hành vi cố tình vi phạm, góp phần tạo điều kiện cho một số DN lợi dụng để qua mắt cơ quan quản lý tiến hành lừa đảo, chiếm đoạt tiền của nhà đầu tư và khẩn trương chuyển hồ sơ các tổ chức, cá nhân vi phạm sang cơ quan cảnh sát điều tra.

Ngoài ra, chúng tôi cũng giới thiệu tới độc giả các thông tin về giá khác mà nhiều người quan tâm được liên tục cập nhật như: #Tỷ giá ngoại tệ #giá vàng #Giá xăng dầu hôm nay #giá hồ tiêu hôm nay #giá heo hơi hôm nay #giá cà phê #cập nhật bảng giá điện thoại. Kính mời độc giả đón đọc.

Thị phần môi giới HNX quý 3: VPS vững ngôi “vương”, 3 công ty thăng hạng trở lại

Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa công bố kết quả thị phần môi giới niêm yết quý 3/2022. Cùng đi theo xu ...

Ứng dụng hiệu quả CAPEX trong phân tích và định giá cổ phiếu

CAPEX là thuật ngữ được sử dụng khá nhiều trong phân tích, định giá cổ phiếu. Vậy CAPEX là gì? Ý nghĩa của chỉ số ...

‘Cưỡi sóng’ và… lật thuyền

Cần gì biết tốt hay xấu, cứ nhìn tình hình thực tế trên thị trường là biết, phân tích làm gì cho mệt xác. Tôi ...

Tuấn Phùng (T/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục