500 tài sản công đang bỏ không, gây lãng phí sau sắp xếp đơn vị hành chính

(Banker.vn) Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, có 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.
Đấu giá tài sản công tại Bệnh viện Hữu Nghị: Biết sai nhưng chưa... sửa sai! Các tài sản công dôi dư sau sáp nhập được tỉnh Thanh Hóa xử lý thế nào? Kiểm toán giúp nâng cao trách nhiệm với công tác quản lý tài sản công trên địa bàn Hà Nội

Nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống

Sáng 6/11, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Quốc hội tiến hành phiên chất vấn và trả lời chất vấn.

Chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai - đoàn Hưng Yên cho biết, thời gian qua và tới đây nhiều huyện, xã đã và sẽ được chia tách, sáp nhập. Tuy nhiên, việc xử lý nhà đất khi sắp xếp lại đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã còn chậm, nhiều trụ sở hành chính còn bỏ trống trong khi còn nhiều cơ quan đang sử dụng chung nơi làm việc.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn
Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc trả lời chất vấn

Đại biểu đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết thực trạng, nguyên nhân xảy ra tình trạng này và Bộ trưởng Bộ Tài chính có giải pháp căn cơ nào?

Trả lời chất vấn về quản lý tài sản công, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, tài sản công cấp tỉnh thuộc trách nhiệm, quyền quản lý của UBND các địa phương.

Đối với tài sản công thuộc cấp Trung ương do bộ, ngành quản lý thì trách nhiệm thuộc Chính phủ, cơ quan tham mưu Chính phủ là Bộ Tài chính và các cơ quan trực tiếp quản lý tài sản công của các bộ, ngành.

Bộ trưởng khẳng định, đa số tài sản công sau khi sắp xếp các đơn vị cấp huyện, cấp tỉnh thuộc phạm vi quản lý của UBND tỉnh, hiện đã xử lý được khoảng 90% tài sản công; còn 10% với gần 1.000 tài sản công chưa được xử lý, trong đó có khoảng 500 tài sản công đang bị bỏ không, gây lãng phí.

Về nguyên nhân, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, khi chuyển tài sản công cho các cơ quan, đơn vị ở nhiều địa bàn khác nhau không có nhu cầu; hơn nữa, khi muốn định giá để bán tài sản công cũng khó tìm được cơ quan định giá. Bên cạnh đó, trong điều kiện trầm lắng cũng khó bán được những tài sản công này.

Ngoài ra, để chuyển tài sản công sang mục đích khác để tổ chức định giá thì những trụ sở này được phê duyệt lại về quy hoạch sử dụng đất và phải chuyển mục đích sử dụng đất và phải điều chỉnh lại quy hoạch, phải làm một loạt thủ tục khác gây khó trong vấn đề này.

Giữa tháng 9 vừa qua, Bộ Tài chính đã hướng dẫn và có văn bản đôn đốc, đồng thời sẽ làm việc với các đơn vị liên quan để hướng dẫn thêm, xử lý các tài sản công này, đảm bảo đưa vào sử dụng, phát huy hiệu quả.

Còn vướng mắc về quản lý tài sản công

Đặt vấn đề chất vấn, đại biểu Quốc hội Dương Minh Ánh - đoàn Hà Nội phản ánh về những vướng mắc về quản lý tài sản công, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công, tài chính, đất đai chưa đầy đủ, đồng bộ. Bộ trưởng có giải pháp gì để khắc phục tình trạng chậm ban hành các văn bản liên quan đến quản lý tài sản công?

Trả lời nội dung này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, hiện đã có Luật Quản lý tài sản công năm 2017.

Sau khi luật được ban hành, Chính phủ đã ban hành 20 nghị định và Thủ tướng Chính phủ ban hành 3 quyết định, Bộ Tài chính đã ban hành 15 thông tư hướng dẫn tài sản công.

Bộ trưởng Bộ Tài chính khẳng định, lĩnh vực tài sản công liên quan đến tất cả các ngành, các cấp, từ cấp xã lên đến cấp Trung ương nên phạm vi quản lý rất lớn. Việc quản lý tài sản công thể hiện trách nhiệm của người được giao quản lý tài sản công đối với việc phát huy và sử dụng hiệu quả tài sản công.

Thời gian tới, Bộ Tài chính đang đề xuất Quốc hội và Ủy ban Thường vụ Quốc hội sửa Luật Quản lý tài sản công. Ví dụ, hiện tại chưa có hình thức mua lại tài sản để biến thành tài sản công; các trạm BOT thay đổi hướng tuyến nhưng khi triển khai do thay đổi quy hoạch nên không sử dụng được nữa thì đoạn đường đó sẽ do Nhà nước quản lý...

Căn cứ nào sát nhập VTC vào VOV?

Phát biểu tranh luận tại phiên chất vấn, đại biểu Quốc hội Tạ Văn Hạ - đoàn Quảng Nam bày tỏ trăn trở về thực trạng đầu tư công quản trị tư, đầu tư tư quản trị công… đang gặp nhiều vướng mắc.

Đại biểu Tạ Văn Hạ đề nghị cần làm rõ căn cứ vào đâu để các bộ, ngành tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ có Quyết định sát nhập truyền hình kỹ thuật số VTC vào VOV, trong đó có khoản nợ hơn 1.200 tỷ đồng đến nay vẫn vướng mắc, chưa tháo gỡ được?

Đối với việc VTC chuyển sang trực thuộc VOV, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, VTC là một đơn vị sự nghiệp của nhà nước, chuyển giao về VOV, cũng là một đơn vị sự nghiệp của Nhà nước. Trong đó, có vấn đề chưa được xử lý là một số công trình có phần góp vốn tư nhân, doanh nghiệp và hiện chưa được xử lý.

Bộ Tài chính đã họp nhiều lần về vấn đề này và đã tính đến việc cho một doanh nghiệp Nhà nước có đầy đủ tiềm năng về tài chính mua lại, trả nợ cho các doanh nghiệp góp vốn.

Tuy nhiên, sau khi tính toán thì các đơn vị đó cũng không có nhu cầu, số tiền mua được cũng không đủ để trả nợ. Vấn đề này đã lâu không xử lý, lãi suất ngân hàng làm số tiền phải giải quyết tăng lên. Chính phủ hiện đang chỉ đạo các bộ, ngành tiếp tục xử lý các vấn đề này.

Quỳnh Nga

Theo: Báo Công Thương