4 nguyên nhân "cản bước tiến" của thị trường chứng khoán

(Banker.vn) Những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán cho thấy dường như tâm lý nhà đầu tư vẫn đang “miễn nhiễm” trước những thông tin tích cực gần đây. Trong hơn 1 tháng qua, thị trường vẫn đang dao động trong biên độ hẹp chỉ quanh 50 điểm. Nếu tính từ ngày 6/4 - 27/4, VN-Index đang ghi nhận mức giảm hơn 4%, về lại vùng giá như trước đợt tăng nửa cuối tháng 3 đầu tháng 4…

Miễn nhiễm trước thông tin tốt

Nửa cuối tháng 3, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có 2 lần liên tục giảm lãi suất điều hành, trong đó có trần lãi suất tiền gửi có kỳ hạn từ 1-5 tháng giảm 0,5%, củng cố cho xu hướng giảm lãi suất huy động diễn ra đồng loạt tại các nhà băng.

Động thái này những tưởng sẽ giúp thị trường chứng khoán có những chuỗi ngày thăng hoa, nhưng mọi thứ diễn ra sau đó cho thấy thị trường không phải bao giờ cũng dễ dự đoán.

4 nguyên nhân
Đà giảm trong những ngày cuối tháng 4 được cho là do tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ, cho xu hướng rõ ràng mới xuống tiền.

Thực tế, VN-Index có chuỗi đi lên kéo dài từ giữa tháng 3 cho đến tuần đầu tháng 4 với mức tăng khoảng 6% và chạm đỉnh cao gần nhất ở 1.085 điểm trong phiên ngày 6/4, nhưng kể từ đó thị trường tiếp tục chìm dần bất chấp xu hướng lãi suất vẫn tiếp tục hạ nhiệt, cùng một loạt chính sách hỗ trợ nền kinh tế được ban hành trong thời gian qua của Chính phủ và NHNN.

Gần đây, Chính phủ đã đồng ý đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) từ 10% về 8% đến hết năm nay, bên cạnh việc hạ một loạt các khoản phí, lệ phí, như là cách để hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Bên cạnh đó, những giải pháp thúc đẩy đầu tư công cũng đã được triển khai quyết liệt gần đây, tập trung vào các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng có sức lan tỏa cao và tác động lớn đến tăng trưởng.

Mới đây, NHNN vừa liên tiếp ban hành những chính sách quan trọng nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, người dân, hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Cụ thể, NHNN ban thành Thông tư 02 quy định về việc tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng gặp khó khăn, quy định có hiệu lực từ 24/4 đến hết 30/6/2024. Cùng thời điểm, NHNN cũng ban hành Thông tư 03 cho phép TCTD mua lại trái phiếu doanh nghiệp từ ngày 24/4 đến hết 31/12/2023. Đây được xem là những quyết sách chủ động, kịp thời của NHNN trong việc hỗ trợ doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.

Tuy nhiên, những gì đang diễn ra trên thị trường chứng khoán cho thấy dường như tâm lý nhà đầu tư vẫn đang “miễn nhiễm” trước những thông tin tích cực này. Ngược lại, sự giằng co, áp lực đi xuống, khả năng chốt lời ngắn hạn là những gì đang diễn ra trong những tuần gần đây.

Trong hơn 1 tháng qua, thị trường vẫn đang dao động trong một biên độ khá hẹp chỉ quanh 50 điểm. Còn nếu tính từ ngày 6/4 đến phiên 27/4, VN-Index đang ghi nhận mức giảm hơn 4%, về lại vùng giá như trước đợt tăng nửa cuối tháng 3 đầu tháng 4 quanh mức 1.030-1.040 điểm.

Chỉ còn vài ngày nữa là đến kỳ nghỉ lễ 30/4-1/5 và thị trường sẽ khép lại tháng tư với kết quả kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có phần kém khả quan như những gì các chuyên gia đã dự báo trước. VN-Index đang đi vào vùng trạng thái ảm đạm, liên tục quay lại “test” những vùng hỗ trợ cũ. Đà giảm trong những ngày cuối tháng 4 được cho là do tâm lý phòng thủ của nhà đầu tư trước kỳ nghỉ lễ, cho xu hướng rõ ràng mới xuống tiền.

Nguyên nhân thị trường tiêu cực

Diễn biến tiêu cực của thị trường trong 3 tuần qua có thể bắt nguồn từ những nguyên nhân sau:

Thứ nhất là kết quả kinh doanh quý 1 đầu năm nay của các doanh nghiệp dù đã được dự báo trước sẽ suy giảm mạnh, nhưng rõ ràng nhiều nhà đầu tư vẫn có thể phản ứng tiêu cực bằng cách thoát hàng khi tin chính thức được công bố. Ngược lại, cũng không loại trừ khả năng các nhà đầu tư tay to tận dụng tin xấu để tiếp tục “đè gom”.

Đáng lưu ý với tăng trưởng quý 1 vừa qua bất ngờ giảm tốc lớn hơn cả dự báo, cùng với số lượng doanh nghiệp thu hẹp hoạt động sản xuất kinh doanh, nguy cơ phá sản, rút lui khỏi thị trường tiếp tục tăng lên, nhiều nhà đầu tư có thể nhận định những gì xấu nhất trong hoạt động của doanh nghiệp chưa chắc đã kết thúc.

Bằng chứng là nhà điều hành trong thời gian ngắn một tháng qua đã gấp rút triển khai, ban hành nhiều chính sách tháo gỡ, nhưng có lẽ các giải pháp hỗ trợ này gần phải có thời gian để phát huy, vì vậy nhiều người có lẽ chờ đợi những bằng chứng rõ ràng hơn về sự cải thiện các điều kiện trong nền kinh tế và kết quả kinh doanh của doanh nghiệp.

Thứ hai, nếu như mùa Đại hội đồng cổ đông – giai đoạn cao điểm công bố thông tin, những năm trước đây được xem là một trong những yếu tố hỗ trợ cho sự đi lên của thị trường chứng khoán, ngược lại năm nay có thể mang lại những hiệu ứng tiêu cực. Trong bối cảnh nền kinh tế khó khăn kéo dài và phía trước vẫn đầy thách thức, kế hoạch trình cổ đông năm nay của hầu hết các doanh nghiệp đều ghi nhận sự thận trọng với chỉ tiêu lợi nhuận giảm sút.

Thứ ba là những ảnh hưởng tâm lý về kỳ nghĩ lễ dài cuối tháng 4 đầu tháng 5, cộng thêm nỗi ám ảnh về xu hướng thị trường thường tiêu cực trong tháng 5 với rủi ro các phiên lao dốc mạnh, thường được biết đến dưới tên hiệu ứng “Sell in May and go away”, cũng khiến dòng tiền e ngại và đứng ngoài chờ đợi quan sát thêm.

Đáng lưu ý, đầu tháng 5 cũng sẽ diễn ra cuộc họp chính sách lãi suất của Cục dự trữ liên bang Mỹ (Fed), nên nhà đầu tư cũng muốn chờ đợt kết quả cuộc họp và đánh giá những tín hiệu chính sách của Fed cho giai đoạn tới.

Cuối cùng, đối với những kỳ vọng về khả năng dòng tiền từ tiết kiệm có thể chuyển dịch sang chứng khoán trở lại sau khi lãi suất huy động của nhiều ngân hàng đã giảm mạnh khá mạnh từ đầu năm đến nay, thiết nghĩ cần phải có thêm thời gian để sự chuyển dịch này dần diễn ra, do để hưởng lãi suất tiết kiệm cao trong giai đoạn cuối 2022 đầu năm 2023, nguồn vốn này phải gửi kỳ hạn tối thiểu từ 6 tháng trở lên.

Ngoài ra, dù khung lãi suất niêm yết chính thức của nhiều ngân hàng đã giảm đáng kể so với giai đoạn trước, nhưng dường như những cơn sóng ngầm lãi suất để cạnh tranh huy động vốn vẫn đang âm ỉ bên dưới.

Với lượng TPDN sắp đáo hạn thời gian tới là khá lớn, cộng thêm việc các ngân hàng đã được mở đường mua lại TPDN mà chính tổ chức này đã phân phối, cũng có thể mang đến những áp lực về huy động vốn.

Nhìn vào diễn biến lãi suất trên thị trường liên ngân hàng, một trong những cơ sở để đánh giá thanh khoản của hệ thống, cho thấy thời gian qua đã tăng trở lại và tiếp tục duy trì ở mức cao, với lãi suất qua đêm đã quay lại mốc trên 6%, như trước thời điểm giảm lãi suất điều hành, cho thấy câu chuyện lãi suất sẽ cần phải tiếp tục theo dõi thêm.

Lịch nghỉ giao dịch chứng khoán dịp lễ 30/4 - 1/5

Chi tiết lịch nghỉ lễ của các sàn giao dịch chứng khoán trong dịp lễ Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước 30/4 và ...

Chứng khoán phiên sáng 28/4: Tăng điểm khá bất ngờ

Thị trường chứng khoán phiên sáng trước kỳ nghỉ lễ diễn ra tương đối ảm đạm với việc dòng tiền chảy vào thị trường khá ...

Thị trường chứng khoán ngày 28/4/2023: Tín hiệu kỹ thuật phiên chiều

Tạp chí điện tử Kinh tế Chứng khoán Việt Nam dẫn nguồn Vietstock đưa ra những phân tích tín hiệu kỹ thuật phiên chiều ngày ...

Quỳnh Nga

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán