4 lần trượt đại học, bầu Đức bôn ba trường đời đưa HAGL ra biển lớn: "Đừng bao giờ ngộ nhận học đại học là có tất cả"

(Banker.vn) Sở hữu Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai cùng khối tài sản hàng nghìn tỷ nhưng ít ai biết, bầu Đức từng 4 lần thi trượt đại học.

Trên thế giới, nhiều tỷ phú như Bill Gates hay Mark Zuckerberg sẵn sàng từ bỏ giấc mơ đại học để khởi nghiệp. Và họ đã thành công rực rỡ. Ở Việt Nam, ông Đoàn Nguyên Đức (bầu Đức) – Chủ tịch Hội đồng Quản trị Hoàng Anh Gia Lai cũng là một người không có được may mắn với con đường học vấn. Ông Đức chưa có 1 ngày nào ngồi trên giảng đường đại học dù nỗ lực thi đại học tới 4 lần.

Dù vậy, nhờ những nỗ lực ở trường đời, bầu Đức trở nên nổi danh trong làng bóng đá và là một doanh nhân thành đạt qua thương hiệu nổi tiếng Hoàng Anh Gia Lai. Năm 2011, ông từng được Wall Street Journal đánh giá là một trong 30 doanh nhân quyền lực nhất Đông Nam Á.

4 lần trượt đại học, bầu Đức bôn ba trường đời đưa HAGL ra biển lớn:

Cậu bé chăn bò và giấc mơ đổi đời nhờ học vấn

Sinh năm 1963 tại xã Nhơn Mỹ, huyện An Nhơn, tỉnh Bình Định, tuổi thơ của bầu Đức gắn liền với những tháng ngày khó khăn. Từ khi còn là một cậu bé 3 tuổi, ông đã phải đi chăn bò cạnh sân bay vì gia đình đông anh em, phải sống cơ cực tại vùng đất Tây Nguyên nghèo khó.

Từ đó, một chàng thanh niên vừa chăn bò, vừa mang trong mình khát vọng đổi đời bằng con đường đại học. Năm 1982, khi tốt nghiệp cấp 3 hệ 10 năm, ông Đức đã khăn gói vào TP Hồ Chí Minh thi đại học. Không may mắn như nhiều bạn bè cùng trang lứa, bầu Đức đã thi trượt đại học năm đó. Nỗi buồn trượt đại học còn theo chân vị Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai tới tận 3 lần thi đại học tiếp theo.

Cuối cùng, bầu Đức từ bỏ con đường đại học sau 4 lần không thành công. Đây cũng chính là bước ngoặt đầu đời của một người thanh niên, vừa mang trong mình kỳ vọng của gia đình, vừa có ước mơ thoát nghèo của bản thân.

Con người trưởng thành từ những thất bại, còn với bầu Đức, nỗi đau thi rớt cả 4 lần giúp ông thừa nhận mình "dốt" và lựa chọn hướng đi khác cho cuộc đời. Ông nói rằng: “Mọi con sông đều dẫn ra biển lớn, mọi con đường đều chia ra những lối rẽ riêng". Quyết định đứng lên từ vấp ngã đầu tiên, chàng trai nhà nghèo đã quay trở về Gia Lai đi làm thuê kiếm tiền phụ giúp gia đình.

Sau đó, ông bắt đầu kinh doanh với một phân xưởng mộc nhỏ, chuyên đóng bàn ghế cho học sinh. Từ xưởng mộc này, sau đó ông đã mở rộng hoạt động kinh doanh sang sản xuất hàng nội thất rồi nhiều lĩnh vực khác.

4 lần trượt đại học, bầu Đức bôn ba trường đời đưa HAGL ra biển lớn:

Năm 1993, khi tròn 30 tuổi, bầu Đức thành lập xí nghiệp tư doanh Hoàng Anh Pleiku. Đến năm 2006, xí nghiệp này trở thành Công ty CP Hoàng Anh Gia Lai với nhiều lĩnh vực kinh doanh như khoáng sản, gỗ, cao su, thủy điện, địa ốc và bóng đá. Công ty bắt đầu niêm yết chứng khoán tại Sở Giao dịch Chứng khoán TP Hồ Chí Minh (HoSE) vào năm 2008 với mã HAG.

Bầu Đức đi đến đỉnh cao sự nghiệp vào năm 2008, khi ông trở thành người giàu nhất sàn chứng khoán Việt Nam thời điểm đó, và mua riêng cho mình chiếc máy bay cá nhân để thỏa niềm mơ ước từ bé. Tuy nhiên, tình hình kinh doanh của công ty bắt đầu gặp khó khăn khi hàng loạt biến cố cùng lúc xảy ra khiến cho ông rơi vào vực thẳm. Nhưng ông đã không bỏ cuộc mà bắt đầu thay đổi mô hình kinh doanh và dần dần gặt hái được trái ngọt trong khoảng thời gian gần đây.

Không bằng không có nghĩa không học

Cách đây vài năm, chuyện các doanh nhân Việt như ông Đoàn Nguyên Đức - Chủ tịch Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, ông Lê Phước Vũ - Chủ tịch Tập đoàn Hoa Sen, ông Dương Ngọc Minh - Chủ tịch Thủy sản Hùng Vương, không bằng đại học vẫn quản lý công ty nghìn tỷ lên sàn chứng khoán khiến nhiều người ngạc nhiên.

Nói về điều này, bầu Đức từng chia sẻ: "Rất nhiều người trên thế giới như thế chứ không riêng gì ở Việt Nam. Thậm chí, ở Việt Nam, không chỉ có 3 người quản lý công ty lên sàn chứng khoán đâu mà tôi tin có không dưới 100 người thành đạt mà không bằng đại học".

4 lần trượt đại học, bầu Đức bôn ba trường đời đưa HAGL ra biển lớn:

Thực vậy, hiện trên thế giới hiện nay, có nhiều tỷ phú nắm trong tay những khối tài sản khổng lồ trị giá hàng tỷ USD nhưng lại chưa từng nhận tấm bằng đại học. Điển hình như huyền thoại Steve Jobs với những đóng góp trong làng công nghệ của "gã khổng lồ" Apple được cả thế giới công nhận. Steve Jobs đã tốt nghiệp trường trung học Homestead năm 1972 nhưng ông lại rời khỏi trường Đại học Reed – một trường mỹ thuật hàng đầu của Mỹ chỉ bởi lý do cha mẹ ông không có đủ tiền để đóng học phí.

Nhiều tỷ phú nổi danh như Michael Dell (nhà sáng lập Dell), Bill Gates, Mark Zuckerberg... đều từ bỏ cơ hội lấy bằng đại học để khởi nghiệp từ sớm.

Trong một bài phỏng vấn với báo giới hồi 2012, Chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai cho hay: "Tôi không có bằng đại học là đúng nhưng người ta tưởng tôi không học là hiểu lầm. Ở trường đại học, các bạn chỉ học có 5 năm còn tôi học trường đời tới 35 năm rồi". Theo ông Đức, dù là kiến thức trong trường hay kiến thức ngoài đời, nếu không tận dụng, không tận thu thì "cũng vứt đi hết".

Ông Đức khẳng định rằng: "Đừng bao giờ ngộ nhận học đại học là có tất cả. Đại học không phải là tất cả, không phải có bằng đại học mới làm được việc lớn. Đại học chỉ là kiến thức nền, kiến thức cơ bản, nó có ý nghĩa với thầy giáo, giáo sư, nhà khoa học, bác sỹ,… còn trong kinh doanh thì hoàn toàn không lệ thuộc".

"Tôi biết có nhiều bạn trẻ sở hữu tấm bằng đại học nghĩ mình hơn người khác nhưng điều đó là sai lầm lớn. Bởi ra đời còn nhiều yếu tố, học đại học chưa phải là làm ngay được", ông Đức từng nhận xét và cũng khẳng định: “Chính vì thi rớt đại học, tôi lại thành đạt như bây giờ”.

Bầu Đức: Ai bảo nông nghiệp không thể có doanh thu tỉ USD, không thể lãi ngàn tỷ?

Ông Đoàn Nguyên Đức (tên thường gọi: bầu Đức) là doanh nhân, Chủ tịch CTCP Hoàng Anh Gia Lai, đồng thời là người thành lập ...

Quá khứ cơ cực ít biết của những đại gia Việt

Ít ai biết rằng, để có được khối khối tài sản kếch xù như bây giờ, nhiều đại gia Việt phải trải qua sự khởi ...

Bầu Đức bộc bạch chuyện cổ phiếu HAG trượt dốc

Nhằm minh chứng cho sự tăng trưởng thực tế của hoạt động sản xuất, kinh doanh, bầu Đức mời các cổ đông sở hữu trên ...

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán