360° doanh nghiệp ngày 9/8: Vinacomin báo doanh thu đột biến gấp gần 5 lần quy mô tài sản

(Banker.vn) Vinacomin báo doanh thu đột biến hơn 20.000 tỷ nửa đầu năm, gấp gần 5 lần quy mô tài sản; Đầu tư chứng khoán "đánh đâu thua đó", một doanh nghiệp sắp huy động vốn để trả nợ; Áp lực giá vốn, Đạm Phú Mỹ (DPM) báo lãi ròng “lao dốc” hơn 92%; Giá gạo tăng cao, doanh nghiệp lương thực kẻ lãi to, người lỗ nặng;… là những thông tin nổi bật trong 360° doanh nghiệp ngày 9/8/2023.

PVN nộp hơn 78.300 tỷ đồng NSNN sau 7 tháng

Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (Petrovietnam - PVN) cho biết trong 7 tháng đầu năm nay, hoạt động sản xuất kinh doanh toàn tập đoàn được đảm bảo an toàn, ổn định, hiệu quả cao. Các chỉ tiêu sản xuất đều vượt kế hoạch và ở mức cao, cung cấp ổn định, tối đa các sản phẩm chiến lược: khí, điện, đạm, xăng dầu,… cho đời sống và sản xuất.

PVN cũng hoàn thành vượt mức cao các chỉ tiêu tài chính qua các tháng, các quý vừa qua, ghi nhận kết quả đạt được tích cực hơn so với đà suy giảm của giá dầu cũng như tình trạng xuất khẩu kém và đầu tư, tiêu dùng thấp.

7 tháng đầu năm 2023, tập đoàn nộp ngân sách nhà nước 78.310 tỷ đồng, vượt 62% kế hoạch 7 tháng và đạt 100,02% chỉ tiêu cả năm 2023. So với cùng kỳ năm ngoái, số ngân sách giảm gần 1.300 tỷ đồng, tương đương 1,3%. Tính tiêng tháng 7, PVN nộp 12.200 tỷ đồng vào ngân sách nhà nước.

Chuyển động cùng 360° doanh nghiệp ngày 9/8/2023
Chuyển động cùng 360° doanh nghiệp ngày 9/8/2023

Áp lực giá vốn, Đạm Phú Mỹ (DPM) báo lãi ròng “lao dốc” hơn 92% trong quý 2

Theo báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 của Tổng Công ty CP Phân bón và Hóa chất Dầu khí (Đạm Phú Mỹ, HOSE: DPM), doanh nghiệp này ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.707 tỷ đồng, giảm 26% so với cùng kỳ. Trong khi đó, giá vốn tăng 7,6% lên hơn 3.318 tỷ đồng kéo biên lãi gộp từ 39% xuống còn 10%. Sau khi khấu trừ giá vốn, DPM ghi nhận đạt 388,6 tỷ đồng lãi gộp, giảm 80% so với cùng kỳ.

Trong kỳ, doanh thu hoạt động tài chính tăng mạnh gấp 2,7 lần, đạt 185 tỷ đồng. Chi phí tài chính giảm 23% xuống 16,4 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm nhẹ 3% xuống gần 230 tỷ đồng. Ở chiều ngược lại, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 13% lên 129 tỷ đồng.

Doanh thu sụt giảm trong khi giá vốn lại tăng, sau khi khấu trừ chi phí, DPM ghi nhận lợi nhuận trước thuế đạt 201 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ. Lãi ròng công ty mẹ đạt gần 101 tỷ đồng, giảm 92,5% so với cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, DPM ghi nhận doanh thu thuần đạt 6.972 tỷ đồng, giảm 36% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, Công ty lãi ròng 361 tỷ đồng, giảm 90% so với nửa đầu năm 2022. Như vậy, DPM mới chỉ hoàn thành 16% kế hoạch lợi nhuận năm mặc dù lên kế hoạch thận trọng trong năm 2023.

Tại thời điểm ngày 30/6/2023, tổng tài sản của DPM ghi nhận ở mức 15.157 tỷ đòng, giảm 15% so với thời điểm đầu năm. Trong đó, tiền và các khoản tương đương tiền ghi nhận 1.268 tỷ đồng; các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn ghi nhận 6.700 tỷ đồng và hàng tồn kho ghi nhận 2.338 tỷ đồng.

Bên kia bảng cân đối kế toán, vốn chủ sỡ hữu ghi nhận 12.691 tỷ đồng, giảm 10% so với thời điểm đầu năm; nợ phải trả ghi nhận 2.467 tỷ đồng, trong đó nợ ngắn hạn chiếm 1.878 tỷ đồng.

Vinacomin báo doanh thu đột biến hơn 20.000 tỷ nửa đầu năm, gấp gần 5 lần quy mô tài sản

Nửa đầu năm 2023, kết quả kinh doanh của Công ty CP Kinh doanh Than miền Bắc (Vinacomin, HNX: TMB) bứt tốc khi doanh thu 6 tháng đã cán mốc kỷ lục 20.198 tỷ đồng, tăng 114% so với cùng kỳ. Lãi ròng 174 tỷ, gấp gần 2,2 lần cùng kỳ.

Tính riêng quý II, TMB ghi nhận 11.464 tỷ doanh thu thuần, đứng thứ 15 trong bảng xếp hạng doanh thu các doanh nghiệp trên sàn và lãi ròng 153 tỷ, gấp 3,6 lần cùng kỳ năm ngoái.

Kết quả kinh doanh của TMB tăng đột biến 6 tháng đầu 2023, đặc biệt là ở quý II, trong bối cảnh nhu cầu than cho điện tăng đột biến khi các nhà máy nhiệt điện được huy động hết công suất do nhiều hồ thuỷ điện phía Bắc cạn kiệt nước giữa cao điểm mùa hè.

Năm 2023, TMB đặt mục tiêu tham vọng với tổng sản lượng than tiêu thụ là 12,41 triệu tấn, tăng 32% so với năm ngoái. Tổng doanh thu mục tiêu dự kiến phá vỡ kỷ lục của năm 2022 với 31.810 tỷ, tổng lợi nhuận 105 tỷ. Như vậy, doanh nghiệp đã vượt xa mục tiêu lợi nhuận năm chỉ sau 6 tháng.

Về quy mô tài sản của TMB cuối quý II đạt 4.107 tỷ đồng, gấp 1,81 lần so với giá trị đầu năm do tăng mạnh khoản phải thu và tồn kho. Chiếm 56% tài sản là hàng tồn kho với 2.315 tỷ. Khi doanh thu tăng đột biến thì đồng thời khoản phải thu ghi nhận đột biến lên 1.628 tỷ tại ngày 30/6, tăng hơn 1.500 tỷ so với đầu năm, chủ yếu là thu của khách hàng.

Việc gia tăng mạnh các khoản phải thu khiến dòng tiền từ hoạt động kinh doanh của TMB âm 505 tỷ nửa đầu năm, cùng kỳ dương 479 tỷ. Doanh nghiệp có dư nợ vay khoảng 469 tỷ cuối quý II, đầu năm không phát sinh. Vốn chủ sở hữu đạt 564 tỷ với 294 tỷ lợi nhuận sau thuế chưa phân phối.

Đầu tư chứng khoán "đánh đâu thua đó", một doanh nghiệp sắp huy động vốn để trả nợ

Công ty CP Phát triển Nhà Bà Rịa Vũng Tàu (Hodeco, HOSE: HDC) công bố Nghị quyết Hội đồng quản trị về việc thông qua triển khai chi tiết phương án phát hành cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu.

Theo đó Hodeco dự kiến phát hành 20 triệu cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu. Giá chào bán 15.000 đồng/cổ phiếu nhằm huy động 300 tỷ đồng. Trên thị trường cổ phiếu HDC đang giao dịch quanh mức 36.200 đồng/cổ phiếu - hơn gấp đôi giá chào bán.

Số tiền thu được từ đợt chào bán sẽ dùng thanh toán nợ cả gốc và lãi cho một số khoản vay tại ngân hàng, trong đó dùng 75 tỷ đồng trả cho BIDV, thời gian dùng dự kiến trong quý 1 đến quý 3/2024; dùng 91 tỷ đồng trả cho Ngân hàng Xăng dầu Petrolimex (PGBank); dùng 54 tỷ đồng trả cho Ngân hàng TMCP Tiên Phong và 80 tỷ đồng trả cho Vietcombank.

Về tình hình kinh doanh, cũng hàng chục năm nay Hodeco đều có lợi nhuận tăng trưởng trong đó năm 2022 đạt mức kỷ lục 421 tỷ đồng. Tuy vậy 6 tháng đầu năm 2021 vừa qua tình hình kinh doanh không được thuận lợi, doanh thu giảm sút 60% và lợi nhuận giảm hơn 70% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về tình hình tài chính, tính đến hết quý 2 Hodeco còn vay tài chính ngắn hạn 660 tỷ đồng và vay dài hạn 1.015 tỷ đồng.

Kinh doanh chững lại, Hodeco mang tiền đi đầu tư chứng khoán và “đánh đâu thua đó”, tình trạng này đã kéo dài từ năm 2022. Số liệu ghi nhận, năm 2022 Hodeco mang hơn 111 tỷ đồng đi đầu tư chứng khoán, “ôm” 3 mã trong đó nhiều nhất là cổ Xây lắp Thừa Thiên Huế (107,2 tỷ đồng – hơn 4,26 triệu cổ phiếu HUB) và CTCP Cấp nước Bà Rịa Vũng Tàu (4,2 tỷ đồng – 798.148 cổ phiếu BWS). Ôm hơn 4 triệu cổ phiếu HUB, Hodeco đã phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán kinh doanh hơn 40 tỷ đồng.

Trong 6 tháng đầu năm 2023 Hodeco đầu tư thêm gần 2 tỷ đồng vào cổ phiếu PVS và cũng phải trích lập dự phòng giảm giá chứng khoán đầu tư gần 36 triệu đồng.

Giá gạo tăng cao, doanh nghiệp lương thực kẻ lãi to, người lỗ nặng

Trong bối cảnh thị trường gạo có nhiều biến động, các doanh nghiệp ngành gạo Việt Nam ghi nhận kết quả kinh doanh có phần trái chiều. Đơn cử như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (UpCOM: LTG) trong quý 2/2023, Lộc Trời ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.678 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ. Doanh thu tài chính của Lộc Trời đạt hơn 49 tỷ đồng, gấp 8,4 lần cùng kỳ, lãi trong công ty liên doanh, liên kết 327 tỷ đồng trong khi cùng kỳ không ghi nhận. Kết quả, tập đoàn lãi sau thuế 425 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lỗ 44 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm 2023, Lộc Trời ghu nhận doanh thu thuần đạt 6.130 tỷ đồng, tăng 4%, trong đó, doanh thu lương thực – lúa, gạo chiếm phần lớn với 4.220 tỷ đồng, tăng 24,5%.

Tương tự, Tổng Công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2, UpCOM: VSF) đã ghi nhận 6.867 tỷ đồng doanh thu và 9,4 tỷ lãi sau thuế - tăng 57% và 114% so với cùng kỳ. Quý 2, chi phí hoạt động tăng thêm 252 tỷ lên mức đạt 624 tỷ đồng song nhờ khoản doanh thu tài chính 45,6 tỷ (chủ yếu từ lãi chênh lệch tỷ giá) nên VSF thoát cảnh thu không đủ bù chi. Cộng với việc có thêm 9,4 tỷ đồng lợi nhuận khác (phần lớn từ nhượng bán, thanh lý tài sản) nên sau trừ các khoản thuế phí, công ty còn khoản lãi như đã nêu.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Vinafood 2 đạt 11.300 tỷ đồng doanh thu và gần 10 tỷ lợi nhuận sau thuế, lần lượt tăng 58% và gấp đôi bán niên 2022. Tại thời điểm 30/6, công ty có 8.843 tỷ đồng tài sản trong đó gần 3.000 tỷ là hàng tồn kho - gấp 2,6 lần đầu năm. Theo ghi nhận, công ty đã tăng dự trữ lượng lớn nguyên vật liệu, thành phẩm và hàng hóa với giá trị 2.700 tỷ đồng).

Ở chiều ngược lại, một số doanh nghiệp lại tiếp tục báo lỗ trong quý 2. Cụ thể, Công ty CP Nông nghiệp Công nghệ Cao Trung An (Gạo Trung An, HNX:TAR) cũng đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 2/2023 với 1.615 tỷ đồng doanh thu, gấp 2 lần so với cùng kỳ. Công ty lỗ sau thuế gần 8 tỷ đồng, trong khi quý 2/2022 lãi 23,6 tỷ đồng. Luỹ kế 6 tháng đầu năm, TAR ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.513 tỷ đồng, tăng 46%; lợi nhuận sau thuế vỏn vẹn 606 triệu đồng, cùng kỳ lãi gần 51 tỷ đồng.

Hay như Công ty CP Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex, HOSE: AGM), trong quý 2/2023, Angimex ghi nhận doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 162,7 tỷ đồng, giảm 88% so với cùng kỳ năm trước. Angimex báo lợi nhuận sau thuế âm 33,6 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước cũng ghi nhận âm 16,2 tỷ đồng.

Luỹ kế 6 tháng, Angimex báo lỗ gần 56 tỷ đồng cùng kỳ lỗ 5,7 tỷ đồng. Lỗ lũy kế tới ngày 30/6 ở mức 44 tỷ. Đáng chú ý, tổng nợ vay của Angimex hiện ở mức 1.151 tỷ đồng - gấp 3,6 lần vốn chủ sở hữu trong đó dư nợ trái phiếu dài hạn lên tới 559 tỷ đồng tại 2 mã AGMH2123001 (350 tỷ đồng) và mã GMH2223001 (giá 300 tỷ, dư nợ còn lại 210 tỷ đồng). Cả hai trái phiếu đều phát sinh việc chậm thanh toán lãi.

Giá than tăng cao, Nhiệt điện Hải Phòng (HND) đánh rơi 35% lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023 của Công ty CP Nhiệt điện Hải Phòng (UPCoM: HND), doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt 3.366 tỷ đồng, tăng 26% so với cùng kỳ năm trước. Tuy nhiên, giá vốn hàng bán lại tăng mạnh hơn doanh thu (tăng 36%) khiến biên lợi nhuận gộp giảm mạnh từ 12,6% về còn 6,9%.

Theo giải trình từ phía doanh nghiệp cho biết, sản lượng điện quý này tăng đã giúp cho doanh thu tăng. Bên cạnh đó giá Pc tăng do giá than tăng và giá thị trường cao hơn cũng kỳ cũng là yếu tố đóng góp vào mức tăng trưởng về doanh thu. Tuy vậy, giá than tăng nhanh khiến chi phí giá vốn của Nhiệt điện Hải Phòng tăng mạnh. Hệ quả, sau khi khấu trừ giá vốn Nhiệt điện Hải Phòng chỉ thu về 230 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính của doanh nghiệp ghi nhận âm 1,4 tỷ đồng do khoản lãi chênh lệch tỷ giá giảm. Chi phí tài chính giảm 75,6% còn 14,2 tỷ đồng nhờ việc công ty giảm các khoản nợ vay tài chính.

Kết quả, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận 190,5 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế, giảm 35,3% so với quý cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cổ đông công ty mẹ cũng giảm 35,3% còn 181 tỷ đồng. Mặc dù lợi nhuận giảm nhưng mức lợi nhuận này là sự nhảy vọt so với 3 quý liền kề trước đó và quay lại con số trên trăm tỷ.Trước đó, trong quý 3, quý 4/2022 và quý 1/2023, Nhiệt điện Hải Phòng chỉ lãi lần lượt 40 tỷ, - 7 tỷ và 10 tỷ đồng.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, Nhiệt điện Hải Phòng ghi nhận doanh thu 5.937 tỷ đồng, tăng 14,1% so với cùng kỳ năm trước. Khấu trừ chi phí, công ty lãi ròng 191 tỷ đồng, giảm 64,5%. Năm 2023, Nhiệt điện Hải Phòng thông qua kế hoạch kinh doanh với 13.297 tỷ đồng doanh thu và lãi trước thuế 565 tỷ đồng. Như vậy, sau nửa đầu năm đơn vị này đã hoàn thành 44,7% chỉ tiêu doanh thu và 35,4% kế hoạch lợi nhuận năm.

Tại thời điểm 30/6/2023, tổng tài sản của Nhiệt điện Hải Phòng đạt 8.195 tỷ đồng, giảm 25 tỷ đồng so với số đầu năm. Các khoản phải thu ngắn và dài hạn là 2.840 tỷ đồng, chiếm 35% tài sản. Nợ vay tài chính của doanh nghiệp là 785 tỷ đồng, trong đó doanh nghiệp này đã không còn ghi nhận một đồng nợ vay dài hạn nào. Đầu năm khoản mục này là 392 tỷ đồng. Vốn chủ sở hữu đạt 6.212 tỷ đồng với 5.000 tỷ đồng vốn góp chủ sở hữu, lợi nhuận sau thuế chưa phân phối là 441 tỷ đồng.

Một doanh nghiệp họ Becamex có quý thứ 3 liên tiếp thua lỗ

Quý 2/2023, hầu hết các lĩnh vực kinh doanh của TDC ghi nhận doanh thu sụt giảm đáng kể, tổng doanh thu không đủ bù ...

360° doanh nghiệp ngày 3/8: Kỳ lân công nghệ VNG (VNZ) bất ngờ báo lãi trăm tỷ

Sau chuỗi 6 quý thua lỗ, kỳ lân công nghệ VNG (VNZ) bất ngờ báo lãi hơn 100 tỷ; Tổng Công ty Sông Đà giảm ...

360° doanh nghiệp ngày 4/8: Tổng Công ty Sông Đà (SJG) báo lãi ròng giảm tới 91%

VietCredit (TIN) lỗ ròng quý 2 gần 30 tỷ đồng, nợ xấu tăng vọt; Tổng Công ty Sông Đà (SJG) báo lãi ròng giảm tới ...

Trang Nhi (t/h)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán