360° doanh nghiệp ngày 26/7: DN của “đại gia điếu cày” báo lãi quý 2 tăng gần 440 lần

(Banker.vn) Doanh nghiệp khách sạn của “đại gia điếu cày” báo lãi quý 2 gấp 439 lần; Đường Quảng Ngãi chính thức hoàn thành kế hoạch 2023; Thủy điện Thác Mơ vẫn khiến nhiều DN cùng ngành “ngưỡng mộ”; Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) tiếp tục lãi đậm trong quý 2;... là những thông tin nổi bật trong 360° doanh nghiệp ngày 26/7/2023.

Doanh nghiệp khách sạn của “đại gia điếu cày” báo lãi quý 2 gấp 439 lần

Theo báo cáo tài chính quý 2/2023, Công ty CP Du lịch Dầu khí Phương Đông (UPCoM: PDC) ghi nhận doanh thu đạt gần 12 tỷ đồng, giảm 11% so với cùng kỳ. Giá vốn cũng giảm 16% nên sau khi khấu trừ, Doanh nghiệp báo lãi gộp gần 4 tỷ đồng, hơn cùng kỳ 2%.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ biến động giảm nhưng tác động không đáng kể. Đáng chú ý, Doanh nghiệp không còn chi phí tài chính, trong khi cùng kỳ ghi nhận 2,2 tỷ đồng. Theo PDC giải thích, đây là khoản tiền lãi vay từ Oceanbank ghi nhận vào quý 2/2022, hiện đã không còn. Khoản lãi vay này cũng là nguyên nhân chính giúp PDC báo lãi sau thuế 2,6 tỷ đồng, gấp gần 440 lần so với cùng kỳ 2022.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của PDC đạt gần 25 tỷ đồng, cao hơn cùng kỳ 10%; lãi trước và sau thuế là 4,4 tỷ đồng, cùng kỳ lỗ gần 100 triệu đồng. Theo kế hoạch được thông qua tại ĐHĐCĐ thường niên 2023, Doanh nghiệp đã thực hiện được 40% chỉ tiêu doanh thu và 86% kế hoạch lợi nhuận trước thuế sau 6 tháng đầu năm.

360° doanh nghiệp ngày 26/7: Một doanh nghiệp khách sạn của “đại gia điếu cày” báo lãi quý 2 gấp 439 lần
Chuyển động cùng 360° doanh nghiệp ngày 26/7/2023

Lợi nhuận quý 2 tăng hơn 95%, Đường Quảng Ngãi chính thức hoàn thành kế hoạch 2023

Công ty CP Đường Quảng Ngãi (UPCoM: QNS) công bố BCTC quý 2/2023 với doanh thu và lợi nhuận đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ.

Cụ thể, tính riêng quý 2, doanh thu Đường Quảng Ngãi đạt 3.152 tỷ đồng, tăng 43,3% so với cùng kỳ. Chi phí vốn tăng ít hơn, chỉ 39,6%, dẫn tới lợi nhuận gộp từ bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 997 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế đạt 712 tỷ đồng, tăng trưởng trên 95% so với số lãi 365 tỷ đồng đạt được nửa đầu năm ngoái.

Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu Đường Quảng Ngãi đạt 5.282 tỷ đồng, tăng 31,7% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 1.028 tỷ đồng, tăng 90% so với nửa đầu năm ngoái và hoàn thành luôn kê hoạch lợi nhuận 2023.

Lợi nhuận giảm nhẹ 5%, Thủy điện Thác Mơ vẫn khiến nhiều DN cùng ngành “ngưỡng mộ”

Theo báo cáo tài chính vừa công bố, Công ty CP Thủy điện Thác Mơ (HOSE: TMP) ghi nhận doanh thu giảm 10% so với cùng kỳ, đạt gần 210 tỷ đồng. Khấu trừ cho giá vốn, Doanh nghiệp báo lãi gộp gần 135 tỷ đồng, thấp hơn cùng kỳ 15%.

Doanh thu hoạt động tài chính trong kỳ ghi nhận tăng mạnh lên 31,5 tỷ đồng, gấp gần 2,7 lần cùng kỳ, hầu hết đến từ lãi tiền gửi và cổ tức được chia, trong khi chi phí tài chính tăng nhẹ 6%, lên 9,5 tỷ đồng. Khoản lợi nhuận từ công ty liên doanh, liên kết tăng trưởng 10%, đạt 14,1 tỷ đồng. Chi phí quản lý doanh nghiệp tăng 34%. Kết quả, TMP ghi nhận lợi nhuận sau thuế 131,6 tỷ đồng, giảm nhẹ 5% so với quý 2/2022.

Trước đó, nhiều doanh nghiệp thủy điện cũng đã công bố kết quả kinh doanh, hầu hết đều chứng kiến sự sụt giảm lớn về doanh thu và lợi nhuận do điều kiện thủy văn không thuận lợi, lượng mưa xuống thấp, nước về hồ cạn kiệt, nhiều nơi xuống đến mực nước chết.

Bị Ricons nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản để đòi nợ, Coteccons nói gì?

Công ty CP Xây dựng Coteccons (HOSE: CTD) công bố thông tin về việc nhận được thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Cụ thể, Coteccons cho biết, ngày 24/7/2023, doanh nghiệp này đã nhận được Thông báo số 10/TB-TA ngày 4/7/2023 của Tòa án nhân dân TP.HCM về việc thông báo thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. Nguyên đơn là Công ty CP Đầu tư Xây dựng Ricons.

“Chúng tôi xin cam kết các thông tin công bố trên đây là đúng sự thật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung các thông tin đã công bố”, Coteccons nêu trong văn bản công bố thông tin bất thường.

Đáng chú ý, ngay sau đó, website của Coteccons đã đăng tải thông cáo báo chí liên quan đến đến sự việc này. Mở đầu thông tin báo chí, Coteccons khẳng định vị thế của mình là một công ty xây dựng đầu ngành với nền tảng tài chính vững mạnh khi sở hữu tổng tài sản lên tới 20.042 tỷ đồng, vốn chủ sở hữu đạt 8.236 tỷ đồng và lượng tiền mặt có thể sử dụng lên tới gần 4.000 tỷ đồng.

Doanh nghiệp này cho rằng, trong bối cảnh ngành xây dựng có nhiều biến cố và cạnh tranh khốc liệt, một số nhà thầu đã nhân cơ hội này để đẩy cao trào những xung đột không đáng có khiến cho môi trường xây dựng ngày càng trở nên tiêu cực.

Lợi nhuận của Dịch vụ biển Tân Cảng bùng nổ trong quý II

Mới đây, Công ty CP Dịch vụ biển Tân Cảng (UPCoM: TOS) công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với doanh thu thuần đạt 356 tỷ đồng, giảm hơn 20% so với quý II/2022. Tuy nhiên, do giá vốn giảm mạnh, lợi nhuận gộp đã được cải thiện đạt 92,5 tỷ đồng, tương ứng mức tăng trưởng 36% so với cùng kỳ.

Kỳ kinh doanh này, hoạt động tài chính của doanh nghiệp không mấy khả quan. Doanh thu từ hoạt động tài chính sụt giảm 40%, chỉ còn hơn 2 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính tăng 135, lên 21,5 tỷ đồng, do chí phí lãi vay tăng mạnh. Bên cạnh đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp cũng chưa được tiết giảm. Tuy nhiên, sau khi trừ chi phí, Dịch vụ biển Tân Cảng vẫn ghi nhận lợi nhuận sau thuế đạt hơn 44 tỷ đồng, tương ứng với mức tăng trưởng 82%.

Do doanh thu thuần quý II sụt giảm, luỹ kế 6 tháng đầu năm, chỉ tiêu này của Dịch vụ biển Tân Cảng gần như đi ngang so với cùng kỳ, đạt gần 677 tỷ đồng. Trong khi đó, sự tăng trưởng vượt trội về lợi nhuận đã kéo lãi luỹ kế nửa đầu năm tăng 48%, lên gần 78 tỷ đồng.

Giải trình về biến động lợi nhuận, Dịch vụ biển Tân Cảng cho biết, trong quý II/2023, doanh nghiệp triển khai được nhiều hợp đồng cung cấp dịch vụ trong nước và khu vực hơn so với cùng kỳ năm 2022. Thêm vào đó, việc các công ty con có lợi nhuận cao hơn so với cùng kỳ đã mang lại kết quả lợi nhuận tốt hơn so với cùng kỳ năm trước.

Quý thứ ba Xi măng VICEM Bút Sơn (BTS) không có lợi nhuận

Theo báo cáo tài chính hợp nhất của Công ty CP Xi Măng Vicem Bút Sơn (HNX: BTS), quý II/2023 doanh nghiệp ghi nhận doanh thu thuần đạt hơn 689 tỷ đồng, giảm 13% so với cùng kỳ. Giá vốn hàng bán giảm 6%, còn 650 tỷ đồng. Mức giảm giá vốn thấp hơn doanh thu nên biên lợi nhuận gộp giảm từ 13% cùng kỳ xuống còn 6%. Sau khấu trừ, lãi gộp còn 40 tỷ đồng, giảm 62% so với cùng kỳ.

Trong quý, doanh thu hoạt động tài chính đạt 360 triệu đồng, tăng 14 lần so cùng kỳ. Chi phí tài chính hơn 24 tỷ đồng, tăng 88%, trong đó chi phí lãi vay gần 23 tỷ đồng, chiếm 94%.

Chi phí bán hàng hơn 16 tỷ đồng và chi phí quản lý doanh nghiệp 27 tỷ đồng, giảm tương ứng 22% và 35% so cùng kỳ.

Kết quả, Xi măng VICEM Bút Sơn lỗ sau thuế hơn 17 tỷ đồng, cùng kỳ lãi gần 30 tỷ đồng. Đây cũng là quý thứ 3 liên tiếp doanh nghiệp báo lỗ kể từ quý 4/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, BTS đạt hơn 1.342 tỷ đồng doanh thu thuần, giảm 12% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, lỗ sau thuế hơn 32 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi 47 tỷ đồng.

Năm 2023, BTS đặt kế hoạch tổng doanh thu hơn 3.532 tỷ đồng, tăng 12% so với thực hiện 2022; lãi sau thuế hơn 32 tỷ đồng, giảm 40%. Như vậy, 6 tháng đầu năm, BTS đã thực hiện được 38% chỉ tiêu tổng doanh thu, nhưng chưa có lợi nhuận.

Doanh nhân Trầm Bê về cống hiến, Bệnh viện Triều An kinh doanh vẫn "lẹt đẹt"

Công ty CP Bệnh viện Đa khoa tư nhân Triều An (OTC: TAH) mới đây đã công bố báo cáo tài chính quý II/2023 với kết quả kinh doanh có phần “sa sút”. Kết thúc quý II/2023, Bệnh viện Triều An ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 148 tỷ đồng, tăng nhẹ 1% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, giá vốn hàng bán gần như không thay đổi, đạt 129,6 tỷ, tăng khoảng 600 triệu đồng so với cùng kỳ nên lợi nhuận gộp không bị tác động nhiều, ở ngưỡng 19 tỷ đồng, tăng gần 12% so với quý II/2022.

Doanh thu hoạt động tài chính của Triều An tăng 71% so với cùng kỳ, đạt 292 triệu đồng. Tuy nhiên, chi phí quản lý doanh nghiệp của Triều An đã tăng khoảng 11% so với quý II năm trước, ở ngưỡng 10 tỷ đồng trong khi chi phí tài chính lại giảm mạnh 24%, về mức 122 triệu đồng.

Dù doanh thu thuần đã thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn nhưng vẫn không đủ để làm lợi nhuận sau thuế của Triều An tiến triển so với cùng kỳ. Hết quý II, Bệnh viện Triều An ghi nhận lợi nhuận sau thuế chỉ vỏn vẹn 9 tỷ đồng, giảm gần 20% so với kỳ trước.

Theo thuyết minh từ phía Triều An, nguyên nhân lợi nhuận giảm sút được đánh giá do thuế thu nhập doanh nghiệp tăng cao khiến hầu hết các doanh nghiệp đều bị ảnh hưởng.

"Ông lớn" ngành nước báo lãi đột biến nhờ cổ tức từ công ty liên kết

Công ty CP Nước Thủ Dầu Một (HOSE: TDM) đã công bố báo cáo tài chính quý 2/2023 với doanh thu thuần đạt 133 tỷ đồng, tăng 6% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng chậm hơn doanh thu giúp cải thiện biên lợi nhuận từ 54% lên 56%. Sau khi trừ đi chi phí, lợi nhuận gộp đạt 74 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ.

Doanh thu tài chính tăng 71% lên 2,2 tỷ đồng; chi phí tài chính giảm 8% xuống còn 11,9 tỷ đồng, trong đó chi phí lãi vay chiếm 6,3 tỷ đồng. Kết quả, TDM lãi trước thuế 61 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế đạt 55 tỷ đồng, tăng nhẹ 8% so với quý 2/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, TDM ghi nhận doanh thu thuần đạt 234 tỷ đồng, tăng 2% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt hơn 183 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với nữa đầu năm 2022.

Lợi nhuận nửa đầu năm tăng mạnh chủ yếu nhờ khoản cổ tức gần 94 tỷ đồng từ Công ty CP Nước - Môi trường Bình Dương (Biwase, HOSE: BWE) được nhận ngay trong quý 1, trong khi năm 2022 phải tới quý 4 mới nhận. Cuối quý 2, công ty đang đầu tư gần 1.100 tỷ đồng vào công ty liên kết là Biwase, tương ứng tỷ lệ 37,42% vốn.

Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (SGN) tiếp tục lãi đậm trong quý 2

Báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty CP Phục vụ Mặt đất Sài Gòn (HOSE: SGN) cho thấy, doanh nghiệp dịch vụ hàng không này vẫn duy trì đà tăng trưởng cả về doanh thu và lợi nhuận.

Cụ thể, doanh thu quý II/2023 đạt 365 tỷ đồng, tăng gần 54% so với cùng kỳ năm trước. Động lực chính cho sự tăng trưởng này là mảng dịch vụ hàng không khi đóng góp tới 359 tỷ đồng, chiếm 98% cơ cấu doanh thu. So với quý II/2022, doanh thu hàng không của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đã tăng 56%. Trong khi đó, doanh thu phi hàng không giảm 2%.

Mặc dù giá vốn hàng bán tăng gần 60% so với cùng kỳ, lên mức 251 tỷ đồng nhưng lợi nhuận gộp của doanh nghiệp không “đi lùi”, mà vẫn tăng lên 45,3%, đạt mức 114 tỷ đồng.

Các chỉ tiêu tài chính của doanh nghiệp cũng ghi nhận những kết quả tích cực. Nhờ khoản lãi tiền gửi tăng, doanh thu tài chính tăng gấp 3,6 lần, đạt 18 tỷ đồng. Đồng thời, chi phí tài chính chỉ ở mức 300 triệu đồng, do không phải trả chi phí lãi vay.

Kết quả, Phục vụ Mặt đất Sài Gòn lãi sau thuế 78 tỷ đồng, tăng 60% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là mức lợi nhuận cao nhất mà doanh nghiệp này đạt được kể từ quý IV/2019.

Theo giải trình của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn, lợi nhuận quý này tăng là nhờ sản lượng khai thác của các hãng hàng không quốc nội và quốc tế tiếp tục có sự phục hồi mạnh so với cùng kỳ năm 2022. Do đó, doanh nghiệp này ký được thêm hợp đồng phục vụ với một số khách hàng mới và điều chỉnh tăng phí dịch vụ với một số khách hàng hiện tại. Bên cạnh đó, trong kỳ kinh doanh này, công ty con SAGS - CXR đã có lãi tốt so với cùng kỳ thua lỗ.

Lũy kế 6 tháng, doanh thu của Phục vụ Mặt đất Sài Gòn đạt 694,5 tỷ đồng, tăng 71% so với cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế cũng ghi nhận mức tăng trưởng tới 74%, đạt 134 tỷ đồng. , 130,1 tỷ đồng lợi nhuận ròng, lần lượt tăng 70,9% và 65,3% so với cùng kỳ năm trước.

360° doanh nghiệp ngày 23/7: Một DN mía đường báo lãi kỷ lục, cổ phiếu bật tăng kịch trần

Một doanh nghiệp mía đường báo lãi kỷ lục; Đạm Cà Mau (DCM) báo sản lượng NPK tháng 6/2023 giảm 81%; Một “ông lớn” ngành ...

360° doanh nghiệp ngày 24/7: Một DN “họ” FLC bất ngờ báo lãi sau 3 quý liên tiếp thua lỗ

Doanh nghiệp “họ” FLC bất ngờ báo lãi sau 3 quý liên tiếp thua lỗ; Kinh doanh dưới giá vốn, một doanh nghiệp dầu khí ...

360° doanh nghiệp ngày 25/7: Lợi nhuận của TCM sụt giảm tới 97% trong quý 2

Một doanh nghiệp vận tải biển báo lãi quý 2 gấp 20 lần cùng kỳ; Lợi nhuận của TCM sụt giảm tới 97% trong quý ...

Đình Tư (T/H)

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán