360° doanh nghiệp ngày 22/7: Một ngân hàng báo lãi giảm tới 94% trong quý 2

(Banker.vn) Tăng trích lập dự phòng rủi ro, một ngân hàng báo lãi giảm 94% trong quý 2; TCM chỉ thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng; Cao su Công nghiệp (IRC) báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp; Thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng, Phát Đạt (PDR) phải "thanh lý" công ty con;... là những thông tin nổi bật trong 360° doanh nghiệp ngày 22/7.

Tăng trích lập dự phòng rủi ro, một ngân hàng báo lãi giảm 94% trong quý 2

Ngân hàng TMCP An Bình (ABBank - UPCOM: ABB) vừa công bố BCTC quý 2/2023. Theo đó, trong quý 2/2023, thu nhập lãi thuần - nguồn thu cốt lõi của ngân hàng ghi nhận giảm 20% so với cùng kỳ năm trước, đạt gần 777 tỷ đồng. Hoạt động kinh doanh ngoại hối đem về cho ngân hàng 237 tỷ đồng, giảm một nửa so với quý 2/2023.

Ở chiều ngược lại, lãi thuần từ hoạt động dịch vụ của ngân hàng tăng gần 80% lên 155 tỷ đồng. Hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư và chứng khoán kinh doanh cũng ghi nhận có lãi trong khi khi cùng kỳ lỗ lần lượt 7 tỷ đồng và 11 tỷ đồng.

Trong quý 2/2023, lợi nhuận sau thuế của ABBank chỉ đạt 52,5 tỷ đồng, giảm 94% so với cùng kỳ năm trước. ABBank cho biết, nguyên nhân của sự biến động giảm lợi nhuận này chủ yếu đến từ việc trích lập dự phòng rủi ro tín dụng theo thông tư 11/2021/TT-NHNN. Theo đó, ngân hàng đã tăng dự phòng rủi ro tín dụng lên 698 tỷ đồng, gấp hơn 4 lần so với cùng kỳ năm trước.

Như vậy, lũy kế 6 tháng đầu năm, lợi nhuận sau thuế của ABBank đạt hơn 541 tỷ đồng, giảm 59% so với cùng kỳ năm trước.

Tuy nhiên, nợ xấu của ngân hàng ghi nhận tăng mạnh 61,5% so với đầu năm do nợ nhóm 3 (nợ dưới tiêu chuẩn) và nợ nhóm 4 (nợ nghi ngờ) tăng mạnh lần lượt 156% và 212%. Theo đó, tỷ lệ nợ xấu của ngân hàng cũng bị kéo lên mức 4,55% từ mức 2,88% hồi đầu năm.

360° doanh nghiệp ngày 22/7: Công ty con của Petrosetco báo lãi quý 2 giảm 67%
Chuyển động cùng 360° doanh nghiệp ngày 22/7/2023

Cadovimex (CAD) nối dài mạch thua lỗ

Từ năm 2016 đến nay, Công ty CP Chế biến và Xuất nhập khẩu Thủy sản Cadovimex (UPCoM: CAD) chưa năm nào kinh doanh có lãi. Đặc biệt bắt đầu từ năm 2020, các khoản lỗ của doanh nghiệp ngày một lớn thêm.

Tính đến hết quý II/2023, tổng tài sản của CAD ghi nhận là hơn 15 tỷ đồng, giảm 8% so với thời điểm đầu năm; tiền và các khoản tương đương tiền còn vỏn vẹn 919 triệu đồng; các khoản phải thu ngắn hạn là 3,4 tỷ đồng; hàng tồn kho còn vỏn vẹn 346 triệu đồng do phải dự phòng giảm giá hàng tồn kho đến hơn 40 tỷ đồng.

Nợ phải trả ghi nhận 1.322 tỷ đồng, tăng nhẹ so với con số 1.297 tỷ đồng ở thời điểm đầu năm, trong đó gần như toàn bộ là nợ ngắn hạn. Vốn chủ sở hữu âm hơn 1.307 tỷ đồng

Được biết, CAD từng là một trong 10 doanh nghiệp có doanh số xuất khẩu lớn nhất Việt Nam và là một trong 3 doanh nghiệp đứng đầu tỉnh Cà Mau về sản lượng chế biến và kim ngạch xuất khẩu.

Xem chi tiết tại đây >>>

TCM chỉ thực hiện 23% kế hoạch lợi nhuận năm sau 6 tháng

Công ty CP Dệt may - Đầu tư - Thương mại Thành Công (HOSE: TCM) vừa công bố báo cáo tài chính quý 2/2022. Theo đó, TCM ghi nhận doanh thu thuần đạt 715 tỷ đồng, thấp hơn 32% so với cùng kỳ. Doanh thu giảm là nguyên nhân chính kéo lợi nhuận TCM đi xuống. Lợi nhuận ròng quý 2 chưa tới 2 tỷ đồng, lao dốc 97%. Đây là mức lợi nhuận hàng quý thấp nhất của TCM kể từ quý 4/2021.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, doanh thu thuần ở mức 1.591 tỷ đồng, giảm 27% so với cùng kỳ. Trong đó, xuất khẩu chiếm tới 87% doanh thu (gần 1.388 tỷ đồng), nội địa chiếm 13%. Bóc tách thị trường xuất khẩu, Công ty chủ yếu xuất khẩu sang thị trường châu Á (chiếm 65,1%), tiếp đến thị trường châu Mỹ (29,2%), thị trường châu Âu (4,8%).

Đánh giá tình hình đơn hàng sắp tới, Dệt may Thành Công hiện vẫn chưa hoạt động tối đa công suất và thiếu đơn hàng cho quý 3. Đơn vị mới nhận khoảng 76% kế hoạch doanh thu đơn hàng quý 3 và 86% kế hoạch doanh thu cho đơn hàng quý 4.

Sau cùng, lợi nhuận ròng 6 tháng đầu năm giảm 56% so cùng kỳ, ở mức hơn 56 tỷ đồng. Với kết quả này, Công ty chỉ thực hiện được 23% kế hoạch lợi nhuận năm (245 tỷ đồng).

Quy mô tài sản tại ngày 30/06/2023 ghi nhận gần 3.349 tỷ đồng, giảm 4% so với đầu năm. Khoản mục bị thu hẹp là lượng tiền mặt được rút mạnh từ 180 tỷ đồng xuống còn 30 tỷ đồng. Ngược lại, khoản đầu tư nắm giữ đến ngày đáo hạn tăng phân nửa lên gần 308 tỷ đồng. Hàng tồn kho ở mức 1.225 tỷ đồng, đi ngang so với đầu năm và dự phòng 35,5 tỷ đồng.

Chiều ngược lại, nợ ngắn hạn giảm nhẹ 2% xuống 1.279 tỷ đồng (chiếm 90% tổng nợ phải trả), trong đó vay nợ thuê tài chính ngắn hạn gánh 806 tỷ đồng.

Công ty con của Petrosetco báo lãi quý 2 giảm 67%

Công ty CP Dịch vụ Phân phối Tổng hợp Dầu khí (HNX: PSD) chuyên phân phối các sản phẩm ICT như điện thoại thông minh và laptop. Hiện, doanh nghiệp phân phối điện thoại thông minh từ Samsung, máy tính từ Apple, Dell, Aus và Lenovo.

Về kết quả kinh doanh, trong quý 2/2023, PSD ghi nhận doanh thu đạt 1.519 tỷ đồng và lãi ròng 10 tỷ đồng, giảm tương ứng 9% và 67% so với cùng kỳ. Kết quả giảm mạnh của PSD được đặt trong bối cảnh người tiêu dùng siết chặt chi tiêu và thiết bị ICT không còn được ưu tiên chi tiêu giữa lúc kinh tế ảm đạm.

Kết quả ảm đạm còn đến từ gánh nặng lãi vay. Trong quý 2/2023, chi phí lãi vay vọt lên 39 tỷ đồng, gấp 4 lần cùng kỳ.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, PSD ghi nhận doanh thu thuần 3.369 tỷ đồng và lãi ròng 32 tỷ đồng, giảm tương ứng 14% và 52% so với cùng kỳ. Với kết quả này, PSD mới thực hiện được 32% kế hoạch doanh thu và 27% kế hoạch lãi ròng.

Cao su Công nghiệp (IRC) báo lỗ quý thứ 3 liên tiếp

Công ty CP Cao su Công nghiệp (UPCOM: IRC) tiếp tục ghi nhận quý 2/2023 thua lỗ dù doanh thu vẫn tăng trưởng. Cụ thể, IRC đạt doanh thu 8,4 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Giá vốn tăng mạnh tới 61%, lên 12,2 tỷ đồng. Sau khi khấu trừ, Doanh nghiệp lỗ gộp 3,7 tỷ đồng (cùng kỳ lỗ 700 triệu đồng).

Doanh thu hoạt động tài chính đạt 1,8 tỷ đồng, tăng 22% so với cùng kỳ. Các khoản chi phí đều tăng, nhưng tác động không đáng kể hoặc tăng không nhiều. Kết quả, Doanh nghiệp lỗ sau thuế 4,5 tỷ đồng. Đây là quý thứ 3 liên tiếp IRC báo lỗ, kể từ sau quý 3/2022.

Lũy kế 6 tháng đầu năm, IRC ghi nhận doanh thu đạt 8,6 tỷ đồng, giảm 32% so với cùng kỳ và lỗ sau thuế 4,9 tỷ đồng.

Than Cao Sơn (CST): Gói thầu mua lốp ô tô hơn 191 tỷ đồng đã có chủ

Gói thầu cung cấp lốp ô tô đặc chủng tại Công ty CP Than Cao Sơn – TKV (UPCoM: CST) có giá trị hơn 191 tỷ đồng đã gọi tên hai doanh nghiệp thuộc nhóm Vinacomin.

Ông Phạm Quốc Việt, Giám đốc Công ty CP Than Cao Sơn – TKV) vừa ký Quyết định 1009/QĐ-TCS-VT phê duyệt kết quả lựa chọn nhà thầu gói thầu số 01: Cung cấp lốp ô tô đặc chủng phục vụ sản xuất loại lốp 27.00R49. Theo đó, Liên danh gồm Công ty CP Du lịch và Thương mại – Vinacomin (UPCoM: DLT) và Công ty CP Xuất nhập khẩu than – Vinacomin (HNX: CLM) đã được công bố trúng gói thầu này.

Gói thầu có giá 191.675.000.000 đồng, giá trúng thầu của liên danh là 178.090.000.000 đồng. Thời gian thực hiện hợp đồng trong 180 ngày. Hàng hóa cung cấp là lốp ô tô đặc chủng phục vụ sản xuất loại lốp 27.00R49 mới, chưa qua sử dụng, sản xuất năm 2022 – 2023 (tổng cộng 500 bộ xuất xứ châu Âu, châu Mỹ, Nhật Bản).

Liên danh trúng thầu không hề xa lạ khi cùng với Than Cao Sơn, đây đều là các công ty thuộc Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin). Ở gói thầu nêu trên, liên danh này là nhà thầu duy nhất đáp ứng yêu cầu về kỹ thuật; trong khi nhà thầu Công ty TNHH Thương mại dịch vụ và xây dựng Phương Thảo bị loại.

Xem chi tiết tại đây >>>

Thị trường BĐS tiếp tục trầm lắng, Phát Đạt (PDR) phải "thanh lý" công ty con

Theo báo cáo tài chính quý II/2023 của Công ty CP Phát triển Bất động sản Phát Đạt (HOSE: PDR), doanh thu từ hoạt động bán hàng và cung cấp dịch vục của doanh nghiệp địa ốc này chỉ vỏn vẹn 5 tỷ đồng, lao dốc 99,4% so với mức 853,4 tỷ đồng đạt được vào cùng kỳ năm trước.

Đây cũng là mức doanh thu thấp nhất của Phát Đạt kể từ quý III/2018 tới nay. Lợi nhuận gộp theo đó cũng giảm mạnh từ 758,1 tỷ xuống còn 1,7 tỷ đồng.

Nguồn thu chính của Phát Đạt trong quý II đến từ hoạt động tài chính với khoản thu 531,9 tỷ đồng, gấp 641 lần so với con số hơn 829 triệu đồng cùng kỳ năm trước. Theo thuyết minh về cơ cấu khoản thu này, chỉ có hơn 704,8 triệu đồng đến từ lãi tiền gửi, còn lại là hơn 531,2 tỷ đồng đến từ lãi chuyển nhượng cổ phần công ty con.

Khả năng cao đây là số tiền PDR nhận được từ Danh Khôi Holdings sau khi chuyển nhượng cho đối tác này 99,86% vốn chủ sở hữu của công ty con là Công ty CP Địa ốc Sài Gòn - KL, chủ đầu tư dự án Astral City tại Bình Dương. Trước đó, Phát Đạt từng cho biết, hoạt động chuyển nhượng này nằm trong chiến lược tái cấu trúc để vượt qua giai đoạn khó khăn.

Xem chi tiết tại đây >>>

Hoá chất Đức Giang (DGC): "Gã khổng lồ" ngủ quên trên chiến thắng?

Cụ thể, “ông lớn” ngành hoá chất ghi nhận doanh thu thuần về bán hàng và cung cấp dịch vụ đạt 2.413 tỷ đồng, giảm 40% so với cùng kỳ năm trước. Thậm chí, lợi nhuận gộp còn giảm mạnh đến 56% xuống 940 tỷ đồng, do chi phí giá vốn giảm không đáng kể.

Quý II, doanh thu tài chính của Hóa chất Đức Giang tăng 68% so với cùng kỳ đạt 181 tỷ đồng. Điểm tích cực nữa là sự nỗ lực tiết giảm chi phí, trong đó chi phí tài chính giảm 47% còn 24 tỷ đồng; chi phí bán hàng giảm 38%, về còn 108 tỷ đồng.

Điều đó hạn chế phần nào sự trượt dốc của lợi nhuận sau thuế trong quý II. Tuy nhiên, lợi nhuận sau thuế của "ông lớn" ngành hóa chất vẫn giảm mạnh 53% so với quý II/2022 xuống 882 tỷ đồng.

Giải trình về kết quả thiếu tích cực, Hoá chất Đức Giang cho biết nguyên nhân là do sản lượng tiêu thụ và giá bán một số mặt hàng giảm, dẫn đến doanh thu “đi lùi”.

Xem chi tiết tại đây >>>

360° doanh nghiệp ngày 19/7/2023: Doanh thu tài chính tăng vọt, L14 thoát lỗ quý 2

Ông lớn ngành săm lốp Việt DRC báo lãi quý 2 giảm 39%; Nhiều doanh nghiệp vi phạm nghĩa vụ công bố thông tin; ND2 ...

360° doanh nghiệp ngày 20/7: “Ông lớn” ngành khai thác đá báo lãi gấp 21 lần cùng kỳ

Dòng vốn tín dụng 10.000 tỷ đồng "chảy" từ Vietcombank về VNDirect; Một “ông lớn” ngành khai thác đá báo lãi gấp 21 lần cùng ...

360° doanh nghiệp ngày 21/7: Một công ty bất động sản bất ngờ báo lãi quý II tăng gần 60 lần

FPT báo lãi kỷ lục, chính thức trở lại “câu lạc bộ” vốn hoá 100.000 tỷ đồng; Doạnh thu sụt giảm tới 59%, HAR vẫn ...

Đình Tư

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán