20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng hàng chục, hàng trăm lần các chỉ tiêu kinh tế

(Banker.vn) Sau 20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc, kinh tế, xã hội của "thành phố đảo" đã có sự phát triển mạnh mẽ vượt bậc đặc biệt là về du lịch và dịch vụ.
Thủ tướng Phạm Minh Chính: Huy động mọi nguồn lực phát triển Phú Quốc thành trung tâm du lịch quốc tế Thủ tướng khảo sát, chỉ đạo giải quyết các vấn đề cấp bách tại Phú Quốc

Sáng 31/3, tại thành phố Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang, Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020.

Hội nghị do UBND tỉnh Kiên Giang tổ chức. Cùng tham dự Hội nghị có Đại tướng Lê Hồng Anh, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Thường trực Ban Bí thư cùng lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp.

Trước đó, trong ngày 30/3, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã khảo sát tình hình thực tế để giải quyết các vấn đề vừa mang tính cấp bách, vừa cơ bản, lâu dài để Phú Quốc phát triển nhanh và bền vững.

20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng hàng chục, hàng trăm lần các chỉ tiêu kinh tế

Thủ tướng Phạm Minh Chính dự hội nghị tổng kết Quyết định 178/2004/QĐ-TTg về phát triển tổng thể đảo Phú Quốc đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020 - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thủ tướng và đoàn công tác đã viếng Nghĩa trang Liệt sĩ Phú Quốc, dâng hương tại Đền tưởng niệm Anh hùng Liệt sĩ Phú Quốc (ở phường Dương Đông) và tiến hành khảo sát 9 địa điểm tại Phú Quốc: Công trường xây dựng tượng đài Chủ tịch Hồ Chí Minh; dự án đầu tư xây dựng Cảng biển hành khách Quốc tế Phú Quốc; Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc; Công viên chăm sóc và bảo tồn động vật bán hoang dã Vinpearl Safari Phú Quốc; Trung tâm y tế Phú Quốc; trường Trung cấp nghiệp vụ du lịch, khách sạn EHL - Phú Quốc; địa điểm dự định xây dựng Nhà máy xử lý rác Phú Quốc tại xã Cửa Dương; hồ chứa nước ngọt Dương Đông; tổ hợp du lịch, nghỉ dưỡng và giải trí biển Hòn Thơm với quy mô đầu tư 50.000 tỷ đồng.

Ngày 5/10/2004, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 178 phê duyệt đề án phát triển tổng thể đảo Phú Quốc, tỉnh Kiên Giang đến năm 2010 và tầm nhìn đến năm 2020, đề ra 4 mục tiêu phát triển đó là: phát triển nhanh về tiềm lực kinh tế, đóng góp vào phát triển chung của cả nước, tăng cường được an ninh, quốc phòng của đảo Phú Quốc; Hai là xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch (du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng và du lịch biển) tầm cỡ khu vực và quốc tế với các hình thức dịch vụ chất lượng cao, thu hút nhiều du khách quốc tế và đáp ứng yêu cầu của khách du lịch trong nước. Ba là đến năm 2020, hoàn thành về cơ bản xây dựng đảo Phú Quốc thành trung tâm du lịch và du lịch sinh thái biển phát triển ở trình độ cao, hàng năm thu hút khoảng 2 - 3 triệu lượt khách du lịch. Mục tiêu thứ 4 là đến năm 2010, phấn đấu hình thành được một số khu du lịch và vui chơi giải trí chất lượng cao, hàng năm thu hút khoảng 300.000 - 350.000 khách du lịch, góp phần đáng kể giải quyết việc làm, nâng cao đời sống văn hoá, xã hội cho nhân dân đảo Phú Quốc và các đảo nằm trong huyện đảo Phú Quốc.

Theo UBND tỉnh Kiên Giang, qua gần 20 năm triển khai thực hiện Quyết định số 178/2004/QĐ-TTg, bộ mặt của "thành phố đảo" đã có nhiều chuyển biến tích cực. Qua gần 20 năm thực hiện đề án, Quyết định 178 của Thủ tướng Chính phủ đóng vai trò tiên phong, mở đường và định hình hướng phát triển cho đảo ngọc Phú Quốc. Kinh tế Phú Quốc được phát triển theo hướng thương mại dịch vụ, lấy du lịch làm trọng tâm, chủ đạo; ngành nông nghiệp, công nghiệp phát triển theo hướng đóng vai trò bổ trợ, nâng tầm vị thế ngành dịch vụ, du lịch. Thành phố Phú Quốc đã hình thành hệ sinh thái doanh nghiệp đa đạng và đã hội tụ được nhiều doanh nghiệp có tên tuổi lớn trong và ngoài nước.

Phú Quốc đã có sự thay da đổi thịt, Phú Quốc đã có sự phát triển ngoạn mục. Ngay từ khi có chủ trương, cơ chế, chính sách, định hướng, mục tiêu và cụ thể là QĐ 178. Sau 20 năm, kinh tế của Phú Quốc đã có sự phát triển mạnh mẽ vượt bậc đặc biệt là về du lịch và dịch vụ”, ông Huỳnh Quang Hưng, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND TP. Phú Quốc đánh giá.

20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng hàng chục, hàng trăm lần các chỉ tiêu kinh tế
Thủ tướng tham quan các sản phẩm nổi tiếng của Phú Quốc được trưng bày bên lề Hội nghị - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Từ một huyện đảo vắng bóng người, nghèo nàn, từ khi có Nghị quyết 178 được ban hành, tốc độ tăng trưởng kinh tế của Phú Quốc luôn ở mức cao, đạt gần 19,6%/năm, mang tính ổn định và bền vững, năm sau cao hơn năm trước; hầu hết các chỉ tiêu kinh tế - xã hội đều tăng, cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, tăng nhanh tỷ trọng thương mại-dịch vụ, công nghiệp xây dựng, giảm về nông nghiệp.

Tổng thu ngân sách Nhà nước tăng cao qua các năm, đóng góp lớn cho ngân sách chung của tỉnh, nếu như năm 2004 tổng thu ngân sách chỉ đạt 38,59 tỷ đồng, thu không đủ chi thì năm 2020 chiếm 51,6% tổng thu ngân sách của tỉnh Kiên Giang và góp 5,4% thu ngân sách của vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 0,35% tổng thu ngân sách của cả nước. Đến năm 2023 thu ngân sách đạt 7.812,7 tỷ đồng, tăng trên 113 lần so với năm 2004. Trong 5 năm trở lại đây, Phú Quốc không những tự chủ ngân sách mà còn điều tiết lại cho ngân sách tỉnh.

Từ một địa phương "không có dự án đầu tư nào" thì đến năm 2023, đã thu hút 321 dự án đầu tư với diện tích sử dụng đất khoảng 10.652 ha, tổng vốn đầu tư đăng ký trên 412 nghìn tỷ đồng, chiếm 42,8% tổng số dự án toàn tỉnh, trong đó có 312 dự án đã được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, quyết định chủ trương đầu tư với tổng diện tích 10.111 ha.

Phú Quốc đã có 4.404 doanh nghiệp với số vốn đăng ký trên 142 nghìn tỷ đồng, tăng gấp 17 lần về số lượng và tăng hơn 383 lần số vốn đăng ký so với năm 2004. Tổng vốn đầu tư xây dựng cơ bản toàn xã hội liên tục tăng qua từng năm, đến năm 2023 đạt 21.615 tỷ đồng, tăng gần 64 lần so năm 2004.

20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng hàng chục, hàng trăm lần các chỉ tiêu kinh tế
Thủ tướng Chính phủ khảo sát Cảng hàng không Quốc tế Phú Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Thành tựu nổi bật là về phát triển du lịch, từ huyện đảo ít người biết, năm 2004 thu hút chỉ có trên 130 nghìn lượt khách du lịch, thì đến năm 2020 đạt trên 3,5 triệu lượt, tăng gần 27 lần so với năm 2004, và vượt gần 17% so với mục tiêu tại Quyết định 178/2004/QĐ-TTg, trong đó khách quốc tế trên 160 nghìn lượt, chiếm 4,2% cả nước (năm 2020 cả nước đón 3,8 triệu lượt khách quốc tế).

Cuối năm 2023, Phú Quốc đón khoảng 5,57 triệu lượt khách tham quan du lịch, tăng 42,7 lần năm 2004; trong đó khách quốc tế trên 560 nghìn lượt, chiếm 4,48% cả nước (năm 2023 cả nước đón 12,8 triệu lượt khách quốc tế).

20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng hàng chục, hàng trăm lần các chỉ tiêu kinh tế
Thủ tướng nói chuyện với người dân khi thị sát công tác thu gom, xử lý rác và thăm địa điểm dự định xây dựng Nhà máy xử lý rác Phú Quốc tại xã Cửa Dương - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Phú Quốc đã khẳng định được thương hiệu trên bản đồ du lịch thế giới, nhiều sản phẩm du lịch mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Năm 2023, Tạp chí du lịch hàng đầu thế giới Travel+Leisure vinh danh đảo Phú Quốc là "Một trong những ngôi sao mới của du lịch Việt Nam"....

Đến nay, hệ thống hạ tầng của Phú Quốc cơ bản đáp ứng yêu cầu phát triển. Năm 2014, Phú Quốc chính thức hòa lưới điện quốc gia. Cùng năm, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc đón chuyến bay đầu tiên; đến nay đã kết nối đường bay trong nước đến tất cả các sân bay, các đường bay quốc tế đã kết nối đến 10 quốc gia và vùng lãnh thổ.

20 năm thực hiện đề án phát triển Phú Quốc: Tăng hàng chục, hàng trăm lần các chỉ tiêu kinh tế
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu đảm bảo nước ngọt cho phát triển kinh tế - xã hội, sản xuất kinh doanh và sinh hoạt của người dân tại Phú Quốc - Ảnh: VGP/Nhật Bắc

Nhóm PV

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục