10 sự kiện ngành Thuế nổi bật năm 2024: Bước tiến vượt bậc trong chuyển đổi số, thu hồi nợ thuế hiệu quả lọt top

(Banker.vn) Chuyển đổi số, phòng chống và ngăn chặn gian lận hóa đơn, thu hồi nợ thuế hiệu quả,… lọt top 10 sự kiện Thuế năm 2024 do Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) công bố.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Tổng cục Thuế (Bộ Tài chính) vừa chính thức công bố 10 sự kiện nổi bật của ngành trong năm 2024.

10 sự kiện Thuế năm 2024 gồm:

1. Những bước tiến vượt bậc trên hành trình số hóa và chuyển đổi số toàn diện trong công tác quản lý thuế với mục tiêu “Lấy người nộp thuế làm trung tâm phục vụ”; ứng dụng thuế điện tử (eTax Mobile) của Tổng cục Thuế được đề cử lựa chọn cho hạng mục “Ứng dụng Chuyển đổi số ấn tượng của năm”.

Tiếp theo thành công trong triển khai hóa đơn điện tử; dịch vụ thuế điện tử; triển khai tích hợp hệ thống với cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, năm 2024, công tác chuyển đổi số của ngành Thuế tiếp tục có bước tiến vượt bậc, thông qua việc nghiên cứu phát triển và đưa vào ứng dụng 148 giải pháp quản lý công nghệ hiện đại, phục vụ, tạo thuận lợi cho người nộp thuế. Đồng thời, ngành Thuế đã tăng cường ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn (Big Data) vào công tác hỗ trợ người nộp thuế, quản lý nợ thuế, phân loại hồ sơ hoàn thuế... góp phần ngăn chặn, phát hiện, xử lý hành vi vi phạm pháp luật về thuế.

Ứng dụng eTax Mobile do Tổng cục Thuế nghiên cứu, phát triển giúp người nộp thuế có thể trải nghiệm nhiều tiện ích, nhanh chóng và thực hiện mọi lúc mọi nơi, là một trong 5 ứng dụng được VTV Awards 2024 (Đài Truyền hình Việt Nam) đề cử lựa chọn cho hạng mục “Ứng dụng Chuyển đổi số ấn tượng của năm”.

2. Dùng giải pháp công nghệ tăng cường phòng chống và ngăn chặn gian lận hóa đơn

Để đẩy lùi tình trạng mua bán hóa đơn bất hợp pháp trên không gian mạng, Tổng cục Thuế chỉ đạo cơ quan thuế các cấp tăng cường các giải pháp về công nghệ thông tin nhằm phát hiện và kịp thời ngăn chặn những trường hợp gian lận, mua bán hóa đơn, hoặc sử dụng không hợp pháp hóa đơn để hợp thức hóa chi phí đầu vào, trốn thuế, gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế từ ngân sách. Đồng thời, triển khai nâng cấp chức năng cảnh báo sử dụng hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc, đẩy mạnh việc áp dụng hệ số tự động so sánh tổng giá trị hàng hóa đã bán ra trên các hóa đơn đã xuất với ngưỡng giá trị hàng hóa đầu vào (hệ số K) trong quản lý rủi ro hóa đơn điện tử.

3. Thu thuế từ hoạt động thương mại điện tử tăng trưởng vượt bậc; triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử

Năm 2024, kết quả thu thuế từ các tổ chức, cá nhân có hoạt động kinh doanh thương mại điện tử trong nước đạt 116.000 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm 2023. Trong năm, cũng đã có thêm 48 nhà cung cấp nước ngoài đăng ký kê khai nộp thuế tại Việt Nam, nâng tổng số nhà cung cấp nước ngoài khai, nộp trực tiếp qua Cổng thông tin điện tử dành cho nhà cung cấp nước ngoài là 123 và đạt 8.687 tỷ đồng, tăng 26% số thu cùng kỳ năm 2023.

Ngày 19-12-2024, ngành Thuế đã triển khai Cổng thông tin điện tử dành cho hộ, cá nhân hoạt động kinh doanh thương mại điện tử nhằm hỗ trợ cho hộ, cá nhân kinh doanh trên nền tảng số trong nước thực hiện các thủ tục về thuế, đáp ứng yêu cầu quản lý thuế hiện đại, minh bạch.

4. Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, lần đầu tiên ngành Thuế cán mốc thu ngân sách nhà nước đạt hơn 1,7 triệu tỷ đồng

Với việc triển khai đồng bộ, hiệu quả các giải pháp quản lý thu, chống thất thu, số thu do ngành Thuế quản lý năm 2024 đạt 1.732.800 tỷ đồng, bằng 116,5% dự toán, bằng 113,7% so với thực hiện năm 2023. Có thể khẳng định, ngành Thuế đã hoàn thành toàn diện nhiệm vụ chính trị được giao năm 2024, góp phần quan trọng vào phát triển kinh tế đất nước, đảm bảo nguồn lực phục vụ an ninh, quốc phòng và an sinh xã hội.

5. Hoàn thiện đồng bộ chính sách pháp luật thuế, kịp thời tháo gỡ khó khăn và tạo điều kiện phát triển sản xuất kinh doanh để nuôi dưỡng nguồn thu

Năm 2024, ngành Thuế chú trọng công tác xây dựng, hoàn thiện thể chế, chính sách pháp luật về thuế, chính sách thuế đơn giản, dễ thực hiện, giảm chi phí tuân thủ cho người nộp thuế ngay từ khâu xây dựng văn bản pháp luật thuế, góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác quản lý thuế. Công tác triển khai chính sách thuế hỗ trợ doanh nghiệp sau thiên tai, dịch bệnh được đặc biệt chú trọng và triển khai đồng bộ, giúp doanh nghiệp sớm khắc phục khó khăn để phát triển sản xuất kinh doanh và đóng góp vào ngân sách nhà nước, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

6. Quyết liệt thực hiện nhiều giải pháp quản lý, thu hồi nợ thuế hiệu quả

Trong năm 2024, ngành Thuế đã triển khai đồng bộ các biện pháp thu hồi nợ đọng thuế, đẩy mạnh triển khai ứng dụng eTax Mobile giúp người nộp thuế chủ động cập nhật kịp thời nghĩa vụ thuế, các khoản nợ thuế của người nộp thuế. Cùng với đó, cơ quan thuế tăng cường phối hợp với cơ quan chức năng áp dụng biện pháp tạm hoãn xuất cảnh đối với các trường hợp chưa hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế. Đối với những doanh nghiệp bỏ địa chỉ đã đăng ký kinh doanh, ngành Thuế đã công khai thông tin, chuyển hồ sơ cho cơ quan Công an điều tra làm rõ các trường hợp có dấu hiệu vi phạm pháp luật thuế để xử lý...

Kết quả thu nợ năm 2024 đạt 62.919 tỷ đồng, tăng 33,7% so với cùng kỳ năm ngoái. Tỷ lệ tiền thuế nợ có khả năng thu trên tổng thu ngân sách nhà nước năm 2024 là 7,9%.

7. Thủ tướng Chính phủ gửi Thư khen Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế về triển khai hóa đơn điện tử đối với hoạt động kinh doanh xăng dầu

Theo quy định tại Luật Quản lý thuế số 38/2019/QH14, Nghị định số 123/2020/NĐ-CP, từ ngày 1-7-2022, các cửa hàng bán lẻ xăng dầu phải thực hiện phát hành hóa đơn điện tử theo từng lần bán hàng. Tuy nhiên, đến thời điểm tháng 11-2023, chỉ có hơn 2.700 cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên tổng số gần 16.000 cửa hàng thực hiện. Nhờ thực hiện các biện pháp đồng bộ, đến tháng 4-2024, toàn bộ các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên toàn quốc đã thực hiện phát hành hóa đơn điện tử từng lần bán hàng theo quy định. Điều này góp phần đảm bảo quyền lợi hợp pháp của người tiêu dùng, tăng cường hiệu quả quản lý nhà nước và tạo môi trường kinh doanh minh bạch, chống buôn lậu, gian lận trong kinh doanh xăng dầu. Với kết quả đó, ngày 3-4-2024, Thủ tướng Chính phủ đã có thư khen ngợi, biểu dương Bộ Tài chính và Tổng cục Thuế.

8. Đánh giá sự hài lòng của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế với chất lượng phục vụ của cơ quan thuế

Trong năm 2024, với thông điệp “Đối thoại thẳng thắn, cởi mở và có trách nhiệm với người nộp thuế”, ngành Thuế đã đổi mới phương thức đối thoại trực tiếp để kịp thời lắng nghe, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc và kiến nghị của cộng đồng doanh nghiệp và người nộp thuế. Ngành Thuế đã triển khai lấy ý kiến đánh giá sự hài lòng của người nộp thuế đối với sự phục vụ của cơ quan thuế. Kết quả, điểm chỉ số hài lòng đạt 88,3%.

9. Sắp xếp, tinh gọn bộ máy tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi: Hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả

Thực hiện chủ trương của Đảng, toàn ngành Thuế quyết tâm, nhất quán trong chỉ đạo và nghiêm túc triển khai sắp xếp, tinh gọn bộ máy hướng đến nâng cao năng lực quản lý điều hành, đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Với tinh thần, mục tiêu tập trung vào 3 yếu tố cốt lõi “hiệu năng, hiệu lực, hiệu quả”, ngành Thuế cải cách triệt để theo hướng tinh gọn, phân định rõ ràng chức năng, nhiệm vụ, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức thuế, đồng thời đẩy nhanh chuyển đổi số đồng bộ và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn tập trung, từ đó giúp bộ máy hoạt động minh bạch, chuyên nghiệp, liêm chính, hiệu quả.

10. Tăng cường hỗ trợ người nộp thuế, ngành Thuế áp dụng ứng dụng Chatbot AI-trợ lý ảo

Cục Thuế TP Hà Nội đã nghiên cứu, phát triển ứng dụng “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế” nhằm tăng cường công tác cải cách hành chính thuế, nâng cao chất lượng phục vụ. Kết quả, từ cuối tháng 11-2024 đến nay đã có gần 30.000 lượt hỏi/đáp trả lời người nộp thuế. Sản phẩm “Trợ lý ảo hỗ trợ người nộp thuế” khẳng định sự nỗ lực và quyết tâm của ngành Thuế nhằm nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, hiện thực hóa quan điểm xuyên suốt trong việc ứng dụng trí tuệ nhân tạo, chuyển đổi số toàn diện trong lĩnh vực quản lý quản lý thuế.

Dự báo kinh tế Việt Nam tiếp tục tăng trưởng mạnh nhất trong số các nền kinh tế Đông Á năm 2025

Bất chấp những thách thức toàn cầu, kinh tế Việt Nam tiếp tục chứng tỏ sự kiên cường, đạt tốc độ tăng trưởng cao nhất ...

Quy mô GDP Việt Nam sắp vượt Singapore, lọt nhóm thu nhập trung bình cao vào năm 2025?

Việt Nam đang đạt được những bước tiến quan trọng trong tăng trưởng kinh tế. Với tốc độ phát triển nhanh, dự báo quy mô ...

Xuất nhập khẩu Việt Nam tiến sát mốc lịch sử 800 tỷ USD

Kim ngạch xuất nhập khẩu năm 2024 của Việt Nam đánh dấu kỷ lục mới và tiến sát mốc lịch sử 800 tỷ USD. Xuất ...

Hoàng Nguyễn

Hoàng Nguyễn

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục