10 mặt hàng nào sẽ trong diện bình ổn giá?

(Banker.vn) Theo dự thảo Luật Giá (sửa đổi), danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng, trong đó, có xăng, dầu thành phẩm.
19 nhóm thuốc được bình ổn giá trong năm 2023 tại TP. Hồ Chí Minh Đánh giá kỹ thực trạng, hiệu quả Quỹ Bình ổn giá xăng dầu Đại biểu Quốc hội lý giải lý do cần có Quỹ bình ổn giá xăng dầu trong Luật Giá (sửa đổi)

Xăng, dầu thành phẩm là một trong 10 mặt hàng bình ổn giá

Chiều 23/5, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 5, dưới sự chủ trì của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Quốc hội thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự án Luật Giá (sửa đổi).

10 mặt hàng nào sẽ trong diện bình ổn giá?
Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách của Quốc hội Lê Quang Mạnh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi)

Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Giá (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, về thẩm quyền quyết định Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, tại Kỳ họp thứ 4, Chính phủ trình Dự thảo Luật trong đó giao Chính phủ quyết định danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Tuy nhiên, qua ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thấy rằng, giá là vấn đề ảnh hưởng trực tiếp đến từng người dân, doanh nghiệp, ổn định thị trường, do đó các hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá cần được quy định cụ thể trong Luật nhằm tạo sự công khai, minh bạch, hạn chế tối đa sự can thiệp từ cơ quan quản lý nhà nước đến quy luật cung cầu.

Vì vậy, để đúng với chức năng nhiệm vụ của cơ quan dân cử, nhưng vẫn đáp ứng tính linh hoạt, kịp thời, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo tiếp thu, theo đó, giữ như quy định của Luật hiện hành, Quốc hội quyết định Danh mục. Trường hợp cần điều chỉnh, Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét, quyết định; bổ sung Phụ lục 01 quy định cụ thể những mặt hàng bình ổn giá, bảo đảm công khai, minh bạch; chỉnh lý các quy định có liên quan tại các điều, khoản khác để đảm bảo tính tương thích.

Về Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá, tiếp thu ý kiến các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo nghiên cứu kỹ lưỡng ý kiến từng Bộ, ngành liên quan; rà soát thận trọng; đánh giá cụ thể từng mặt hàng trong Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Đến nay, Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá gồm 10 mặt hàng, bao gồm: Xăng, dầu thành phẩm; khí dầu mỏ hóa lỏng; sữa dành cho trẻ em dưới 06 tuổi; sữa dành cho người cao tuổi; thóc tẻ, gạo tẻ; thịt lợn (thịt heo); phân đạm; phân DAP; phân NPK; thức ăn chăn nuôi; thức ăn thủy sản; vắc - xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm; thuốc bảo vệ thực vật; thuốc phòng bệnh, chữa bệnh cho người thuộc danh mục thuốc chữa bệnh thiết yếu sử dụng tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh.

3 lý do nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu?

Có ý kiến đề nghị bổ sung một số hàng hóa, dịch vụ vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá như trang thiết bị y tế phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19; lương thực, thực phẩm, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nêu, tại Nghị định 98/2021/NĐ-CP về quản lý trang thiết bị y tế và Nghị định 07/2023/NĐ-CP đã quy định biện pháp kê khai giá đối với trang thiết bị y tế. Trong bối cảnh bình thường trước và sau đại dịch như hiện nay, mặt bằng giá trang thiết bị y tế là tương đối ổn định, cơ bản không biến động. Do vậy, xin không đưa mặt hàng này vào Danh mục hàng hóa, dịch vụ bình ổn giá.

Đối với mặt hàng lương thực, thực phẩm, có ý kiến đề nghị bổ sung gạo nếp, các loại thịt, trứng, rau củ, dầu ăn, mì gói, các loại gia vị nấu ăn vào Danh mục. Trên cơ sở đánh giá tính thiết yếu và khả năng cung cầu, Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhận thấy, các mặt hàng này có tính thị trường rất cao; gắn với quyền chủ động của các doanh nghiệp kinh doanh các mặt hàng này.

Riêng thịt lợn là mặt hàng có nhu cầu tiêu dùng lớn, cơ bản thiết yếu đối với người dân và nếu gặp sự cố về dịch bệnh, cung ứng... sẽ ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân. Do vậy, tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội, xin bổ sung thịt lợn vào Danh mục. Các mặt hàng khác sẽ thực hiện bình ổn trong trường hợp khẩn cấp theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 18 của Dự thảo Luật.

Đối với Quỹ bình ổn giá xăng dầu, nhiều ý kiến tán thành duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu; một số ý kiến đề nghị không tiếp tục duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, trong điều kiện hiện nay nên duy trì Quỹ bình ổn giá xăng, dầu vì: Thứ nhất, Quỹ bình ổn giá xăng, dầu là một trong những công cụ điều tiết giá xăng dầu trong nước, là biện pháp kinh tế, không phải là can thiệp hành chính.

Thứ hai, trong bối cảnh hiện nay việc bỏ Quỹ là chưa phù hợp vì: thị trường xăng dầu của Việt Nam vẫn chưa hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường; quản lý, điều hành giá bán lẻ xăng dầu trong nước vẫn thông qua giá cơ sở; chu kỳ điều chỉnh giá xăng dầu trong nước còn tương đối dài (hiện là 10 ngày); lượng dự trữ xăng dầu còn mỏng.

Thứ ba, thực tế cho thấy, khi giá xăng, dầu thế giới biến động thì Quỹ bình ổn đã phát huy vai trò “điều hòa”, góp phần giảm tần suất và mức điều chỉnh tăng giá bán xăng dầu.

Tuy nhiên, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng đề nghị cần đổi mới trong quản lý, điều hành giá mặt hàng xăng, dầu; đề cao tính công khai, minh bạch về thực trạng nguồn, việc sử dụng Quỹ, nâng cao tính kịp thời, hiệu quả trong điều hành, đồng thời đánh giá kỹ việc thực hiện Nghị định 95/2021/NĐ-CP; sớm đưa giá xăng, dầu của Việt Nam hoàn toàn vận hành theo quy luật thị trường.

Quỳnh Nga - Thu Hường

Theo: Báo Công Thương