Yếu tố xác nhận VN-Index đang dò đáy?

(Banker.vn) SSI Research đánh giá: Thị trường có thể bước đầu vào giai đoạn dò đáy và sẽ biến động dưới trạng thái giằng co. Để VN-Index có thể xác nhận tạo đáy cứng, thị trường cần 2 yếu tố, đó là rủi ro hạ nhiệt và dự xác nhận đến từ mẫu hình kỹ thuật của VN-Index.

VDSC: Kỳ vọng VN-Index sẽ dao động trong khoảng 940-1050 điểm

Rủi ro trái phiếu doanh nghiệp cần được giải quyết

Khép lại tuần đầu tháng 11 (31/10 – 4/11) không được thuận lợi, VN-Index lùi về dưới mốc 1.000 điểm. Theo đó, vốn hóa HoSE bị thổi bay gần 123.000 tỷ đồng (~5 tỷ USD), còn xấp xỉ 3,98 triệu tỷ đồng. So với đỉnh hồi đầu tháng 4, con số này thậm chí đã giảm đến hơn 2 triệu tỷ đồng. Cùng với đó, mức giảm 3% từ đầu tháng 11 đã đưa P/E trailing của VN-Index về mức 10,4x tương đương các giai đoạn khủng hoảng trong quá khứ và thấp hơn nhiều so với mức bình quân 14,5x trong 10 năm trở lại đây.

Yếu tố xác nhận VN-Index đang dò đáy?
Thị trường vẫn cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền. Hình minh họa

Giao dịch khối ngoại cũng không mấy khả quan khi rút ròng gần 800 tỷ đồng trên HoSE tính từ đầu tháng 11. Trước đó, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng trên sàn này liên tiếp trong tháng 9 và 10 với tổng giá trị 4.600 tỷ đồng. Lũy kế từ đầu năm, tổng giá trị rút ròng của khối ngoại trên HoSE vào khoảng hơn 2.800 tỷ đồng.

Đáng chú ý, thanh khoản vẫn là tâm điểm của thị trường khi tiếp tục bị thu hẹp, trước lo ngại về sự trượt giá của VND và tăng lãi suất, các vấn đề về trái phiếu của các doanh nghiệp cũng ảnh hưởng đến tâm lý thị trường, khiến chứng khoán giảm sâu. Cụ thể, giá trị khớp lệnh bình quân phiên trên HoSE trong tuần đầu tháng 11 chỉ quanh mức 9.200 tỷ đồng, mức thấp nhất kể từ đầu năm 2021 ghi nhận trong tháng 10 trước đó.

Giới phân tích cho rằng, để khơi thông thanh khoản trên thị trường thì bài toán rủi ro trái phiếu doanh nghiệp cần được giải quyết để thị trường có động lực phục hồi trở lại. Mặc dù Hiệp hội Trái phiếu doanh nghiệp đã có các buổi hội thảo cùng các quỹ trái phiếu, công ty chứng khoán và đã đề xuất một số phương án để trình lên Bộ Công Thương, song vấn đề này sẽ cần nhiều thời gian để các cơ quan ban ngành có thể đưa ra phương án xử lý cuối cùng. Vì vậy, trong khoảng thời gian này hoạt động giao dịch trên thị trường sẽ vẫn diễn biến khá thận trọng.

Bên cạnh đó, tỷ giá đang có xu hướng hạ nhiệt, giúp Ngân hàng Nhà nước có một ít dư địa hỗ trợ thanh khoản trên thị trường mở, giải tỏa một phần áp lực vốn toàn thị trường đang bị tắc nghẽn. Điều này được đánh giá là một điểm sáng, nhưng vẫn chưa đủ mạnh mẽ để khơi thông dòng vốn hiện tại.

“Những vướng mắc của thị trường sẽ chưa thể cởi bỏ và sự giới hạn dòng tiền khó tạo nên sự tăng điểm đồng loạt của các ngành hay cổ phiếu. Do đó, sẽ rất khó để các nhà đầu tư ngắn hạn tìm kiếm lợi nhuận”, Chứng khoán VDSC nhận định.

Tương tự, Mirae Asset nhận xét, định giá hiện tại của VN-Index đang đối mặt với nhiều sự bất định và thị trường vẫn cần thêm thời gian để thu hút dòng tiền tham gia vào thị trường.

Lực cầu bắt đáy đã có dấu hiệu nhập cuộc

Nhìn chung, thanh khoản thị trường vẫn rất ảm đạm, nhưng một tín hiệu tích cực đó là việc cầu bắt đáy đã có dấu hiệu nhập cuộc khi thị trường giảm mạnh. Chẳng hạn, trong phiên 4/11 vừa qua, giá trị khớp lệnh trên HoSE bất ngờ tăng vọt lên 11.400 tỷ đồng, cao nhất trong vòng 2 tuần.

Trong lịch sử, nhiều nhà đầu tư có khả năng chịu đựng rủi ro cao và thời hạn đầu tư đủ dài sẽ tận dụng biến động để dần giải ngân do triển vọng tăng trở lại của thị trường trong dài hạn là rất lớn. Bên cạnh đó, mức định giá hợp lý của thị trường được đánh giá sẽ là một trong những yếu tố thúc đẩy dòng tiền đầu tư dài hạn quay trở lại. Do đó, thị trường được kỳ vọng sẽ tìm được điểm cân bằng trong tháng 11 nhờ sự phục hồi gần đây của các thị trường tài chính trên thế giới và tâm lý nhà đầu tư cải thiện, thúc đẩy tăng trưởng cho thị trường chứng khoán thời gian tới.

SSI Research đánh giá: Thị trường có thể bước đầu vào giai đoạn dò đáy và sẽ biến động dưới trạng thái giằng co. Để VN-Index có thể xác nhận tạo đáy cứng, thị trường cần 2 yếu tố, đó là rủi ro hạ nhiệt và dự xác nhận đến từ mẫu hình kỹ thuật của VN-Index. Với yếu tố thứ nhất, chẳng hạn một trong những rủi ro ở đây là khả năng tăng lãi suất thì chỉ số thị trường sẽ có khả năng tạo đáy khi động thái tăng lãi suất sẽ chậm lại (tăng với biên độ thấp hơn hiện tại). Với yếu tố thứ hai, mẫu hình kỹ thuật cần được xác nhận trên đồ thị ngày của VN-Index, thông thường là mẫu hình 2 đáy (Double Bottom) hoặc mẫu hình tích lũy với khối lượng thấp…

Dưới góc nhìn của ông Trương Thái Đạt, Giám đốc khối Phân tích Chứng khoán DSC, cây nến phiên cuối tuần (4/11) chưa phải là điểm đảo chiều mạnh mẽ nhưng một lần nữa khẳng định lại lực cầu ổn định ở vùng chỉ số 980 điểm. Nếu xét trong ngắn hạn, đây có thể là giai đoạn cuối của quá trình tạo đáy. Tuy nhiên nhà đầu tư cần căn cứ vào mức đáy ngày 25/10 của các cổ phiếu để đặt mức quản trị rủi ro, tránh việc quá tin tưởng vào khả năng tạo đáy của thị trường mà để tài khoản bị thiệt hại nặng trong trường hợp xảy ra rủi ro hệ thống.

Còn ông Nguyễn Anh Khoa, Trưởng phòng Phân tích và Tư vấn đầu tư Chứng khoán Agriseco nêu quan điểm, thị trường thời gian tới vẫn có khả năng điều chỉnh, tuy nhiên mức giảm sẽ không quá lớn vì đang về vùng định giá hấp dẫn cho nhà đầu tư dài hạn. Bên cạnh đó, diễn biến vĩ mô tới cuối năm được dự báo vẫn tương đối tích cực với mục tiêu tăng trưởng GDP dự kiến trên 8% trong năm nay và kiềm chế lạm phát ở mức 3 và ngưỡng 950 điểm là vùng đáy trong đợt giảm lần này.

Khánh Vân

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán