Vì sao bất động sản nghỉ dưỡng vẫn ‘lặng sóng’? Bài toán thanh khoản bất động sản sau tin đồn sáp nhập tỉnh Yếu tố nào tạo sức hút của bất động sản Hà Nam? |
Hạ tầng phát triển và xu hướng dịch chuyển dòng tiền
Một trong những yếu tố tiên quyết giúp bất động sản TP. Hồ Chí Minh hút nhà đầu tư ngoài khu vực là sự bứt phá về hạ tầng giao thông. Từ năm 2023 đến nay, hàng loạt dự án lớn đã và đang được đẩy mạnh như đường Vành đai 3, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Mộc Bài, cao tốc TP. Hồ Chí Minh - Long Thành - Dầu Giây mở rộng… Đặc biệt, tuyến Metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên đã vận hành chính thức đầu năm 2025, đã tạo hiệu ứng tâm lý tích cực cho nhà đầu tư phía Bắc - những người vốn quan tâm tới khả năng kết nối vùng, tiềm năng sinh lời và quy hoạch lâu dài.
![]() |
TP. Hồ Chí Minh đang nổi lên như điểm đến được giới đầu tư phía Bắc quan tâm. Ảnh minh họa |
Anh Nguyễn Quang Anh (quận Đống Đa, Hà Nội), nhà đầu tư bất động sản lâu năm chia sẻ: "Tôi chọn các dự án gần metro hoặc có kết nối tốt về sân bay Tân Sơn Nhất, vì đó là yếu tố giúp giá trị tài sản tăng đều. TP. Hồ Chí Minh đang có bước chuyển mình về quy hoạch, khá giống Hà Nội thời điểm 2010 - 2013".
Theo báo cáo từ Savills Việt Nam, các khu vực như TP. Thủ Đức, Bình Chánh, Nhà Bè đang là điểm sáng hút dòng tiền nhờ hạ tầng cải thiện rõ rệt, đồng thời còn quỹ đất để phát triển các đại đô thị. Cùng với đó, giá bán nhiều khu vực được cập nhật như tại TP. Thủ Đức, căn hộ cao cấp dao động từ 65 - 85 triệu đồng/m², nhà phố liền kề khoảng 130 - 160 triệu đồng/m². Tại Bình Chánh, căn hộ tầm trung khoảng 38 - 50 triệu đồng/m², biệt thự liền kề từ 90 triệu đồng/m². Tại Nhà Bè, căn hộ cao cấp từ 55 - 70 triệu đồng/m², biệt thự khu compound khoảng 120 - 150 triệu đồng/m².
Pháp lý rõ ràng, tiềm năng sinh lời bền vững
Ngoài hạ tầng, sự minh bạch pháp lý và chất lượng dự án là yếu tố then chốt khiến nhiều nhà đầu tư phía Bắc dịch chuyển vào Nam. Các tập đoàn bất động sản lớn như Vinhomes, Masterise Homes, Nam Long... đang đồng loạt triển khai dự án quy mô, đầy đủ tiện ích và pháp lý rõ ràng, điều mà giới đầu tư ngày càng đề cao.
Đáng chú ý, mức giá tại TP. Hồ Chí Minh dù cao so với mặt bằng chung toàn quốc, nhưng so với các thành phố lớn trên thế giới hoặc khu vực nội đô Hà Nội, nhiều dự án vẫn được đánh giá là "có dư địa tăng giá". Các phân khúc được giới đầu tư phía Bắc săn đón gồm căn hộ cao cấp trung tâm, nhà phố liền kề tại Thủ Đức và biệt thự trong các khu compound ở quận 7, Nhà Bè.
![]() |
Biệt thự trong các khu compound được giới đầu tư phía Bắc săn đón. Ảnh minh họa |
Một chuyên gia bất động sản khu vực phía Nam cho biết: "Nhà đầu tư phía Bắc thường có tầm nhìn dài hạn, ưu tiên an toàn, rõ ràng và sinh lời bền vững hơn là "lướt sóng". Do đó, TP. Hồ Chí Minh đang hấp dẫn nhờ quy hoạch hạ tầng ổn định, tiềm năng tăng giá và pháp lý minh bạch hơn so với nhiều tỉnh lân cận".
Không chỉ giới đầu tư chuyên nghiệp, nhiều gia đình trẻ hoặc người khu vực phía Bắc làm ăn tại TP. Hồ Chí Minh cũng có xu hướng mua bất động sản để an cư lâu dài. Điều này góp phần thúc đẩy lực cầu tự nhiên cho thị trường. Cùng với đó, sự phát triển của đô thị sáng tạo phía Đông (TP. Thủ Đức) đang dần hình thành một trung tâm tài chính công nghệ mới, thu hút lực lượng lao động chất lượng cao, chuyên gia nước ngoài, kéo theo nhu cầu nhà ở thực tăng mạnh.
Dữ liệu từ các sàn giao dịch bất động sản lớn cho thấy lượng tìm kiếm nhà đất tại TP. Hồ Chí Minh đến từ khu vực miền Bắc tăng khoảng 23% trong quý I/2025, tập trung vào các phân khúc trung, cao cấp, pháp lý rõ ràng.
Với tổng thể các yếu tố: Hạ tầng đồng bộ, pháp lý minh bạch, chất lượng dự án cải thiện và tầm nhìn phát triển đô thị rõ ràng, TP. Hồ Chí Minh đang định hình là "điểm đến đầu tư" chiến lược của nhà đầu tư phía Bắc trong năm 2025 và giai đoạn trung, dài hạn.
Nhiều chuyên gia dự báo rằng, nếu tiến độ các công trình trọng điểm được đảm bảo và nguồn cung mới dồi dào, thị trường TP. Hồ Chí Minh sẽ bước vào chu kỳ tăng trưởng ổn định từ cuối năm nay, trở thành tâm điểm của dòng vốn nội địa lẫn quốc tế. |