Bài dự thi Cuộc thi viết "Ngân hàng tôi yêu" của tác giả Phạm Xuân Hòe, nguyên Phó Viện trưởng Viện Chiến lược Ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước.
Tôi nhập ngành ngân hàng từ tháng 3/1984 thế kỷ trước. Lúc mới vào nghề, tôi được phân công làm tín dụng lội ruộng, cho vay các hợp tác xã (HTX) mua sức kéo, làm thủy lợi, mua bán vật tư con giống… Từ đó đến nay, thoáng một cái đã nửa đời người (36,5 năm). Giờ nghỉ hưu, ngẫm lại chặng đường gần 37 năm gắn bó với ngân hàng, càng thấy yêu cái nghiệp tín dụng dù biết bao nỗi truân chuyên, rủi ro rình rập.
“Em mang tiền Chính phủ cho bản làng vay đủ”
Tín dụng thời bao cấp thì được phân bổ theo kế hoạch, chưa ai đếm xỉa đến rủi ro nợ xấu, chỉ biết khoanh nợ, cho vay mới và rồi theo năm tháng, các khoản nợ của thời bao cấp đến năm 1986 đổi tiền chỉ còn 1/10, rồi sau đó teo tóp theo lạm phát rồi xóa đi. Bài ca “Em đi làm tín dụng” của cố nhạc sỹ Nguyễn Văn Tý dường như đã khái quát khá đầy đủ bản chất của tín dụng ngân hàng thời bao cấp. Các đồng nghiệp và tôi như con ong chăm chỉ xuống các HTX nắm kế hoạch sản xuất của năm kế hoạch, giúp đỡ họ lập kế hoạch vay vốn, trình về chi điếm ngân hàng huyện để tổng hợp gửi về chi nhánh ngân hàng tỉnh phê duyệt. Sau khi được phê duyệt sẽ thông báo cho HTX. Nếu vay trung dài hạn thì phải lập dự án cụ thể trình duyệt lên chi nhánh ngân hàng tỉnh, khi có phê duyệt mới được phát tiền vay. Vay vốn lưu động, tiền vay được phát khi HTX xuất trình giấy báo giá/hóa đơn hàng hóa vật tư từ đơn vị cung ứng. Mỗi lần vay là một khế ước nhân nợ và hồ sơ giải ngân…
Thuở ấy, chúng tôi không phải làm thủ tục thế chấp tài sản như bây giờ nhưng cứ hàng quý định kỳ phải kiểm tra xem xét đảm bảo nợ vay theo bảng cân đối kế toán 43 tài khoản của HTX.
Điều rất tuyệt vời của thời bao cấp là, dù đói rét, thiếu thốn đủ thứ, trong khi tiền hàng như vậy nhưng chẳng ai mảy may tơ hào lạm lấy của công. Phải chăng đạo đức, tính kỷ luật thép của một thời khói lửa chiến tranh làm cho con người lúc đó không dám động vào của công.
Rủi ro luôn tiềm ẩn trong tín dụng thời kinh tế thị trường
Thời bao cấp là thế, nhưng tín dụng của thời kinh tế thị trường đã khác rất xa. Do vậy, người làm tín dụng cần biết sợ rủi ro luôn rình rập. Thường trực nhất là một án kỷ luật treo lơ lửng trên đầu, “ngồi một chỗ ăn lương cơ bản để chuyên đi đòi nợ xấu”. Đỉnh cao của rủi ro, xui xẻo là vướng vào chuyện pháp đình thì đi tù như chơi.
Trong nghề tín dụng thì thông tin luôn thiếu, luôn mất cân xứng. Người cán bộ tín dụng (RM) phải theo đuổi từ khi tiếp cận khách hàng đến thẩm định phân tích, trình phê duyệt khoản vay, hoàn thiện hợp đồng bảo đảm tiền vay, giải ngân, kiểm soát sau vay, thu nợ, xử lý nợ có vấn đề, xử lý rủi ro hoặc tái tục khoản vay mới cho một chu trình tín dụng tiếp theo… Cứ như vậy, ở bất cứ công đoạn nào của chu trình tín dụng chỉ cần thiếu thông tin, không nắm được thông tin đều mang lại rủi ro khó lường.
Hồ sơ giải ngân có rất nhiều thông tin nhưng hóa đơn đỏ và bản sao lưu lại là vô cùng quan trọng, ngay cả số tiền, nội dung ghi mục đích tiền vay trên khế ước phải cũng một kiểu chữ, một loại mực bút bi, nghiêm cấm việc sửa chữa, tối kỵ là dùng bút xóa để viết đè. Lại nữa, câu chữ trong hợp đồng tín dụng, hợp đồng bảo đảm, phụ lục hợp đồng phải rất logic, chặt chẽ, nhất quán với nhau, bỏ trống ngày tháng năm, thiếu dấu đỏ hay chỉ sai một dấu phẩy cũng gây hệ lụy to khi ra tòa tranh chấp. Một bài học đau xót là khi còn là Giám đốc VietinBank Thái Bình, tôi chỉ đạo khởi kiện món vay 140 triệu đồng của một khách hàng kinh doanh than ra tòa đã thua trắng tay chỉ vì các cán bộ trước đây từ RM đến lãnh đạo phòng để cho tẩy xóa, sửa chữa trên khế ước vay tiền. Đi kèm có biên bản kết luận của Thanh tra NHNN cho rằng hồ sơ bị sửa chữa, tảy xóa, chưa bảo đảm tính hợp lệ, hợp pháp. Mặc dù khách hàng không đưa ra chứng cứ đã trả khoản vay 140 triệu đồng nhưng tòa vẫn tuyên khách hàng đã trả nợ, VietinBank chi nhánh Thái Bình phải trả lại tài sản bảo đảm là nhà và quyền sử dụng đất bảo đảm của khoản vay…
Không hiểu là may mắn hay nhạy cảm nhưng khi còn làm Giảm đốc một chi nhánh VietinBank ở Hà Nội, có cán bộ đã tham mưu cho tôi nên xin Hội sở chính ủng hộ để tham gia cho vay đồng tài trợ các dự án của Vinashin. Tôi thẳng thắn nói rằng, nếu muốn ra tòa thì hãy tham gia, còn tôi kiên quyết nói không với trào lưu đó. Quả nhiên, chẳng bao lâu sau tập đoàn này thua lỗ đã để lại hậu quả lớn như thế nào với nền kinh tế và các ngân hàng chắc ai cũng hiểu.
Sẽ chẳng có khách hàng tốt mãi mãi, cũng như không phải khách hàng nào bị nợ có vấn đề, có nợ xấu là xấu mãi mãi. Chỉ có phân tích thông tin trên mọi phương diện với khách hàng mới có thể có quyết định đúng về ứng xử của ngân hàng với khách hàng. “Lấy nợ nuôi nợ” để cứu khách hàng hay rút dần dư nợ để loại bỏ khách hàng ra khỏi danh mục cho vay cả là một nghệ thuật ứng xử.
“Đứng cho vay, quỳ thu nợ”
Nghề tín dụng tuân thủ pháp luật, đúng quy trình cho vay, hồ sơ đầy đủ chặt chẽ… không có nghĩa là mọi việc đều xuôi chèo, mát mái.
Khi muốn được vay vốn, khách hàng nào cũng đều đưa thông tin tốt, có lợi cho mình. Nhưng ngân hàng lại đối mặt với việc điều tra và kiểm chứng thông tin, phân tích thẩm định tín dụng đầy khó khăn. Bên cạnh là áp lực chỉ tiêu giao, rồi đối thủ cạnh tranh… nếu may mắn bạn làm việc trong một môi trường tốt, sếp thấu hiểu, đồng nghiệp giúp đỡ, nắm rõ được khẩu vị rủi ro, khách hàng mục tiêu hướng đến thì còn đỡ. Nếu tặc lưỡi, bạn cứ cố gắng chạy theo thành tích về chỉ tiêu tăng trưởng thì hậu quả sẽ khôn lường.
Cái không “xuôi chèo, mát mái” của nghề tín dụng còn nằm ở chỗ luôn tồn tại những rủi ro hết sức khách quan xuất phát từ phía khách hàng vay vốn do họ làm ăn thua lỗ, phá sản, họ bị vướng vào tranh chấp thương mại như kiện bán phá giá là mọi việc kinh doanh đình đốn, dòng tiền không về thì nợ xấu đã “thai nghén” đến ngày sẽ “đẻ”. Thêm nữa, cũng có một nhóm nhỏ khách hàng làm ăn theo lối chụp giật, thậm chí cố tình lừa đảo, không may cho ai đó vướng vào dạng khách hàng này thì “bị một cái, vái đến già”.
Rủi ro tín dụng phát sinh trên cả danh mục cho vay của ngân hàng khi môi trường kinh doanh đầy biến động. Nhìn lại chặng đường 2010-2011, khi đó lạm phát tăng cao, kinh tế vĩ mô bất ổn, để kiểm soát lạm phát, Chính phủ chỉ đạo siết chặt cả chính sách tiền tệ và chính sách tài khóa. Lãi suất tiền gửi huy động vọt lên 18-19%/năm, lãi suất cho vay ra từ 22-25%/ năm thì doanh nghiệp nào chịu nổi. Sự đánh đổi (trả giá) tất yếu cho việc ổn định kinh tế vĩ mô, kiềm chế lạm phát về 6,81% (năm 2012) làm cho hàng chục ngàn doanh nghiệp phá sản, số còn lại phần lớn sống lay lắt. Cho dù trước thời điểm đó, ngân hàng đều đã thẩm định bài bản, phê duyệt cho vay căn cơ thì tài giỏi đến mấy những hậu quả xấu từ nền kinh tế cũng sẽ chảy dồn về danh mục cho vay của ngân hàng mà thôi.
Những khoản rủi ro oan uổng, khách quan, thậm chí đến mức phi lý do xung đột pháp lý từ các văn bản quy phạm pháp luật (điều 468 của Bộ Luật Dân sự năm 2015 quy định trần lãi suất khoản cho vay dân sự không quá 20%/năm của khoản tiền vay) cộng thêm cách hiểu, áp dụng khác nhau của cơ quan tư pháp để tuyên về các vụ án của ngân hàng theo mức lãi suất này đã làm nhiều khi ngân hàng khóc ròng về loại rủi ro kiểu này. Có mấy ai thấu hiểu, chia sẻ cùng ngân hàng?!
Cho dù rủi ro luôn đồng hành cùng các khoản cấp tín dụng của ngân hàng nhưng tôi đam mê và yêu nhiều lắm công việc luôn “mày mò” thu thập phân tích thông tin tín dụng cho tôi nhiều kinh nghiệm trong nghề. Giờ đây đã nghỉ hưu nhưng tôi tin với bản lĩnh, sự tinh thông nghề nghiệp, tuân thủ các chuẩn mực về chuyên môn, về đạo đức, có tâm với nghề cộng thêm yếu tố may mắn sẽ giúp các cán bộ ngân hàng thành công với nghề tín dụng.
PHẠM XUÂN HÒE
Theo Tạp Chí Thị Trường Tài Chính Tiền Tệ
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|