Yên Bái: Mở rộng ''cánh cửa'' tiêu thụ cho nông sản địa phương

(Banker.vn) Đa dạng hình thức phân phối, từ trực tiếp đến qua các sàn thương mại điện tử, nông sản Yên Bái đã và đang rộng mở đầu ra.
Đẩy mạnh quảng bá, phát triển thị trường tiêu thụ nông sản Bình Thuận Lào Cai: Xúc tiến thương mại trong tiêu thụ nông sản, sản phẩm OCOP

Hỗ trợ tiêu thụ nông sản qua nhiều kênh phân phối

Thời gian qua, huyện Lục Yên đã triển khai hỗ trợ đưa các hộ sản xuất nông nghiệp đăng ký tham gia các sàn thương mại điện tử như: postmart.vn, voso.vn và các sàn giao dịch thương mại điện tử hợp pháp khác, để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, thêm các kênh phân phối mới, mở rộng thị trường ra bên ngoài tỉnh. Hiện, huyện Lục Yên đã hỗ trợ đưa 13 sản phẩm đạt OCOP và 5 sản phẩm đặc trưng lên sàn thương mại điện tử, góp phần mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân. Trong đó tiêu biểu là các sản phẩm dầu đậu tương, lạc ri vỏ đỏ của HTX Thái Sơn; Cao gắm, Dây thìa canh của Công ty TNHH thảo dược Kiên Minh; cam sành của HTX Cam sành Lục Yên…

Yên Bái: Mở rộng ''cánh cửa'' tiêu thụ cho nông sản địa phương
Đa dạng giải pháp tiêu thụ nông sản Yên Bái

Đưa sản phẩm lên sàn thương mại điện tử là một trong những giải pháp quan trọng giúp tiêu thụ sản phẩm, hàng hoá của tỉnh Yên Bái. Theo Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, để tiếp tục đẩy mạnh tiêu thụ nông sản địa phương, tỉnh Yên Bái đang tiếp tục hỗ trợ các chủ thể xây dựng thương hiệu cho sản phẩm thông qua loạt hoạt động xúc tiến thương mại. Cụ thể, trong tháng 4/2024, Sở Công Thương đã tổ chức tuyên truyền, hưởng ứng các hoạt động về ngày thương hiệu Việt Nam (20/4); tổ chức gian hàng trưng bày của tỉnh Yên Bái và thành lập đoàn tham dự Khai mạc Hội chợ Thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 33 – Vietnam Expo 2024 (từ ngày 03/4 – 06/4/2024).

Hoặc, trong khuôn khổ Chương trình cấp quốc gia về xúc tiến thương mại năm 2024, cuối tháng 5, tại Hà Nội, Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương tổ chức "Khóa tập huấn kỹ năng kinh doanh trên nền tảng số phát triển thương hiệu, xây dựng hình ảnh cho doanh nghiệp, hợp tác xã”.

Tại chương trình này, tỉnh Yên Bái có 11 doanh nghiệp, Hợp tác xã (HTX), hộ kinh doanh tham gia gồm HTX chế biến kinh doanh tổng hợp Đoàn Lương, cơ sở sản xuất kinh doanh thịt sấy Yến Phương, HTX chế biến nông sản Tây Bắc Hiền Vinh đã tham gia phiên livestream bán hàng cùng các KOL (người có sức ảnh hưởng) với các mặt hàng nông sản OCOP và nông sản tiêu biểu của tỉnh Yên Bái như: thịt lợn sấy, trâu sấy, mứt táo mèo, dấm táo mèo… Kết quả, đã có hàng trăm đơn hàng được đặt tại mỗi phiên livestream.

Đưa sản phẩm vào các kênh phân phối trong và ngoài tỉnh

Song song với việc tiêu thụ các sản phẩm thông qua các giải pháp xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, Yên Bái còn chủ động xây dựng các điểm phân phối sản phẩm tại địa phương. Giai đoạn 2021-2023, Sở Công Thương đã hỗ trợ, xây dựng 2 điểm giới thiệu và bán sản phẩm OCOP tại thành phố Yên Bái và thị xã Nghĩa Lộ để quảng bá, giới thiệu và bán sản phẩm tiêu biểu, đặc trưng của tỉnh.

Đặc biệt, nhằm đưa sản phẩm vào các kênh phân phối lớn trên cả nước, nhiều năm qua, các cơ quan chức năng tỉnh Yên Bái đã tổ chức các tuần hàng giới thiệu sản phẩm nông thủy sản, đặc sản, sản phẩm OCOP tại siêu thị Big C Thăng Long Hà Nội (nay là siêu thị Go). Các sự kiện nhận được sự quan tâm lớn của người tiêu dùng.

Nhờ đó, tỉnh Yên Bái đã thành công trong việc tiếp tục giới thiệu và hỗ trợ đưa được 6 sản phẩm đặc sản của tỉnh như: măng rối khô, khoai Trạm Tấu, xúc xích cá lăng Thác Bà, chả cá lăng Thác Bà… tiêu thụ tại siêu thị Go, nâng số lượng sản phẩm đã được tiêu thụ tại siêu thị Go lên gần 20 sản phẩm. Sở Công Thương cũng hỗ trợ kết nối đưa một số sản phẩm OCOP của tỉnh quảng bá, giới thiệu và tiêu thụ trên các chuyến tàu Bắc Nam của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam.

Ngoài việc hỗ trợ cho các doanh nghiệp mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, tỉnh Yên Bái cũng chú trọng tập trung hỗ trợ các tổ chức, cá nhân, đăng ký mã số vùng trồng. Trong đó tập trung vào vùng trồng chè, cây đao riềng, rau an toàn…

Cùng với tiêu thụ trực tiếp, việc tiêu thụ nông sản qua thương mại điện tử cũng được đẩy mạnh. Theo Sở Công Thương tỉnh Yên Bái, nhằm hỗ trợ cho các doanh nghiệp phục hồi sau khi chịu tác động của dịch Covid-19 và mở rộng thị trường tiêu thụ, Sở đã hỗ trợ hàng chục doanh nghiệp của tỉnh hoàn thiện xây dựng và hoàn thiện hạ tầng thương mại điện tử, đồng thời duy trì hoạt động của sàn thương mại điện tử Yên Bái tại địa chỉ sctyenbai.com với gần 1.000 lượt doanh nghiệp và hơn 600 lượt sản phẩm chào bán trên sàn.

Thống kê cho thấy, các sản phẩm nông nghiệp đặc trưng như quế Trấn Yên, chè Shan tuyết Suối Giàng, gạo Séng cù Mường Lò, chè Bát tiên Trấn Yên, bưởi Đại Minh; miến đao Quy Mông; trà Sơn tra Shan Thịnh; măng tre Bát độ Trấn Yên; mật ong Mù Cang Chải… đều được đông đảo người tiêu dùng trong nước ủng hộ, đánh giá cao về chất lượng.

Lan Phương

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục