Xung đột với Hamas sẽ khiến Israel thiệt hại ít nhất 6,4 tỷ Euro

(Banker.vn) Theo phân tích của Ngân hàng Hapolaim (Israel), việc mở chiến dịch trả đũa Hamas trên quy mô lớn sẽ khiến nước này tổn thất ít nhất 6,4 tỷ Euro.
Xung đột Israel - Hamas: Bộ Ngoại giao khuyến cáo đối với công dân Việt Nam tại Israel Chiến sự Israel-Hamas ngày 16/10/2023: Quân đội Iran sẽ không tham gia cuộc xung đột tại Israel

Dự tính sơ bộ của Ngân hàng Hapoalim, cuộc phản kích mang tên “Những thanh kiếm sắt” sẽ khiến Israel thiệt hại ít nhất 6,4 tỷ Euro (27 tỷ Shekel). Ước tính này có tính đến việc triệu tập 300.000 binh sỹ dự bị phải rời khỏi các vị trí công việc mà họ đang làm. Đây sẽ là cuộc tổng động viên lớn nhất kể từ Chiến tranh Yom Kippur năm 1973.

Xung đột với Hamas sẽ khiến Israel thiệt hại ít nhất 6,4 tỷ Euro
Xung đột với Hamas sẽ là “đòn” đánh mạnh vào kinh tế Israel. Ảnh:The times of israel

Mức độ thiệt hại còn tùy thuộc vào diễn biến tình hình, tức là chiến sự sẽ kéo dài bao lâu. “Hiện tại, vẫn chưa rõ cuộc xung đột sẽ diễn biến như thế nào - liệu có biến thành một chiến dịch trên bộ trấn áp các khu vực của Gaza trong nhiều tuần hay một chiến dịch được phát động ở phía Bắc đất nước và lực lượng dự bị sẽ tham chiến trong bao lâu”, Modi Shafrir - phụ trách chiến lược của ngân hàng Hapoalim, đặt vấn đề.

Tổn thất sẽ lên tới ít nhất 1,5% GDP

Kể từ ngày 7/10, Israel đã đáp trả Hamas bằng các đợt pháo kích không ngừng nhằm vào Dải Gaza, đồng thời triển khai hàng chục nghìn binh sĩ xung quanh khu vực này và khu vực biên giới phía Bắc với Liban để ngăn chặn nguy cơ bùng nổ mặt trận thứ hai.

Theo Ngân hàng Isarel, “hiện tại, có thể giả định chi phí cho cuộc xung đột sẽ lên tới ít nhất 1,5% GDP, nghĩa là thâm hụt ngân sách sẽ tăng ít nhất 1,5% GDP trong năm”.

Dự đoán của Ngân hàng Hapoalim một phần dựa trên những tổn thất của các cuộc chiến tranh trước đây của Israel. Theo Viện Nghiên cứu An ninh Quốc gia (INSS) có trụ sở tại Tel Aviv, cái giá phải trả cho Chiến tranh Lebanon lần thứ hai năm 2006, kéo dài 34 ngày, ước tính khoảng 2,1 tỷ euro, tương đương 1,3% GDP. Tổn thất mà Israel phải gánh chịu khi phát động Chiến tranh Gaza (hay “Chiến dịch Chì đúc” kéo dài từ tháng 12/2008 – 1/2009) ước tính khoảng 838 triệu Euro.

Hai cuộc xung đột này đều gây thiệt hại cho một phần đất nước, nhưng chúng không kéo dài đủ lâu để làm tê liệt hoàn toàn toàn bộ nền kinh tế và vì vậy Israel đã có thể nhanh chóng phục hồi trong một thời gian ngắn.

Kinh nghiệm trong quá khứ cho thấy, tác động của chiến tranh đối với GDP chủ yếu ảnh hưởng đến tiêu dùng cá nhân và du lịch. Nhưng việc huy động lực lượng dự bị ở mức rất cao và khả năng cuộc chiến lần này kéo dài trong nhiều tuần có thể dẫn đến nhiều thiệt hại trực tiếp hơn cho nền kinh tế Israel so với các chu kỳ xung đột trước đây.

Một quan chức cấp cao của Bộ Tài chính Israel cho biết, tổn thất ước tính ngay trong ngày đầu tiên của cuộc chiến là khoảng 718 triệu euro. Nhà cửa, cơ sở hạ tầng, đường sá, chuồng trại và ruộng nông nghiệp. Chưa từng có cuộc chiến nào khiến Israel thiệt hại nhiều như vậy, thậm chí chưa bằng 1/5 cả trong Chiến tranh vùng Vịnh cũng như các cuộc chiến ở Lebanon và các lần xung đột ở Gaza.

Mũi nhọn của nền kinh tế đất nước - lĩnh vực công nghệ cao, chiếm 14% việc làm và 20% GDP, cũng không phải là ngoại lệ.

Amir Mizroch, từng làm Giám đốc truyền thông của tổ chức phi chính phủ Start-Up Nation Central của Israel, viết trên LinkedIn: “Quốc gia khởi nghiệp trong tình trạng chiến tranh”.

Trên thực tế, mặc dù trong suốt 10 tháng qua, các lực lượng làm việc trong lĩnh vực công nghệ cao đã được huy động tối đa tham gia các cuộc biểu tình đường phố “ủng hộ dân chủ” và chống lại dự án cải cách tư pháp của Chính phủ Thủ tướng Benjamin Netanyahu, nhưng đến nay họ vẫn đang được thấy ở tuyến đầu để đoàn kết và hỗ trợ nỗ lực của đất nước.

Trong cuộc sống thường nhật, những người đàn ông và phụ nữ này là người sáng lập, quản lý sản phẩm, giám đốc điều hành, kỹ sư phần mềm trong các công ty khởi nghiệp hoặc các công ty công nghệ đa quốc gia. Tất cả đều hưởng ứng lời hiệu triệu quy mô lớn dành cho lực lượng dự bị. Nỗi kinh hoàng thực sự vẫn còn ở phía trước. Nhưng có một sự quyết tâm không thể phủ nhận trong lĩnh vực công nghệ của Israel nhằm hỗ trợ quốc phòng cả ở cấp độ quân sự và dân sự”, Giám đốc Amir Mizroch nhận định.

Bước ngoặt trên mặt trận kinh tế

Hiện tại, nhiều ngày sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas, bầu không khí tại Israel vẫn khác biệt rõ rệt so với những đợt xung đột quân sự trước đó của nước này với Hamas. Ví dụ, đường phố và chợ ở Tel Aviv và Jerusalem phần lớn đã trống rỗng và nhiều cơ sở kinh doanh phải đóng cửa.

Cho đến thời điểm hiện tại, Israel vẫn có thể tin tưởng vào các chỉ số vững chắc: Tăng trưởng GDP khoảng 3% (sau khi tăng trưởng 6,1% vào năm 2022), tỷ lệ thất nghiệp thấp khoảng 3,3%, lĩnh vực công nghệ cao vẫn hoạt động tốt cho dù mức đầu tư đã giảm 63% trong giai đoạn tháng 1-9/2023 do cuộc khủng hoảng toàn cầu trong lĩnh vực này và bất ổn chính trị tại Israel.

Edouard Cuckierman - Giám đốc điều hành của Quỹ đầu tư Catalyst ở Tel Aviv - cho biết: “Israel có không dưới 98 "kỳ lân" - công ty khởi nghiệp hàng đầu (unicorn startup) - so với duy nhất một startup hồi năm 2013 (Waze, được Google mua lại), 100 công ty niêm yết trên Nasdaq và mức đầu tư vốn mạo hiểm cao gấp 6 lần so với Italy. Và chúng ta có thể tin tưởng vào văn hóa kiên cường của đất nước này”.

Cho rằng chiến dịch quân sự có thể chỉ kéo dài trong vài tuần, ông Edouard Cuckierman cũng là một cựu sĩ quan dự bị nhận định, kinh tế Israel sẽ sớm phục hồi như sau mỗi lần kết thúc những xung đột trước đây.

Tuy nhiên, các nhà quan sát khác chỉ ra rằng dư chấn tâm lý do cuộc tấn công của Hamas tạo ra, trong bức tranh thất bại của các cơ quan tình báo và hệ thống an ninh của Nhà nước Do Thái vốn nổi tiếng về khả năng dự báo tình hình, có thể làm lung lay niềm tin của giới đầu tư.

Tâm An (theo La Tribune)

Theo: Báo Công Thương