Xung đột Israel - Palestine tiếp tục tác động đến thị trường phân bón

(Banker.vn) Xung đột Israel - Palestine làm giảm nguồn cung phân bón, Trung Quốc hạn chế bán urê… Dự báo, thị trường phân bón thời gian tới còn nhiều biến động.
Thị trường phân bón dự kiến còn nhiều biến động Giá phân bón liệu có “tăng sốc” như 2 năm trước? Giá phân bón tăng, thị trường vẫn trong tầm kiểm soát

Xung đột Israel - Palestine làm giảm nguồn cung phân bón

Theo Bloomberg, hiện giới quan sát lo ngại xung đột giữa lực lượng Hamas và quân đội Israel có thể ảnh hưởng đến nguồn cung phân bón trên toàn cầu.

Giá cổ phiếu của một số công ty sản xuất phân bón trên thế giới tăng vọt sau cuộc tấn công bất ngờ của Hamas vào Israel. Điều này dấy lên mối lo ngại về việc xung đột có thể ảnh hưởng đến nguồn cung cấp phân bón trên toàn cầu.

Theo Bloomberg, cảng Ashdod của Israel ngay phía bắc Dải Gaza và là trung tâm xuất khẩu phân kali quan trọng của đất nước, đang trong tình trạng khẩn cấp. Trong một ghi chú mới đây, ông Ben Isaacson, nhà phân tích của Scotiabank, dự báo tình trạng này có thể khiến tới 3% nguồn cung kali toàn cầu gặp rủi ro.

Hơn nữa, nếu Iran, một nhà xuất khẩu nitơ quan trọng trong khu vực, bị lôi kéo vào cuộc xung đột, giá phân bón có thể tăng vọt. Lý do là nguồn cung phân bón sẽ giảm và phí bảo hiểm khí đốt tự nhiên TTF tiêu chuẩn của Hà Lan, một mặt hàng được sử dụng để sản xuất phân bón dựa trên nitơ tăng lên.

Giá phân bón toàn cầu đã hạ nhiệt đáng kể trong năm nay sau khi tăng vọt vào giai đoạn cuối năm 2021 và cả năm 2022 do nguồn cung phân bón gián đoạn bởi cuộc xung đột Nga - Ukraine. Tuy nhiên, gần 3 tháng trở lại đây, giá phân bón đã “rục rịch” tăng trở lại trên toàn cầu do chính sách hạn chế xuất khẩu urê của Trung Quốc và Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen.

Giá phân bón xuất khẩu tháng 9 tăng 21% sau khi Trung Quốc hạn chế bán urê

Số liệu của Tổng cục Hải quan cho thấy, trong tháng 9, giá phân bón xuất khẩu đạt 450 USD/tấn, tăng 21% so với tháng 8, song vẫn giảm 23% so với tháng 9/2022.

Bình quân 9 tháng năm 2023, giá xuất khẩu phân bón đã giảm 35% so với cùng kỳ năm 2022, xuống còn 416 USD/tấn.

Lượng xuất khẩu phân bón trong tháng 9 đạt 91.756 tấn, tương ứng hơn 41 triệu USD, giảm 42% về lượng và giảm 30% về giá trị so với tháng 8.

So với tháng 9/2022, xuất khẩu phân bón tháng này giảm 43% về lượng và giảm 43% về giá trị. Dữ liệu thống kê cho thấy, xuất khẩu phân bón trong tháng 9 đã xuống mức thấp nhất kể từ tháng 3/2021.

Lũy kế 9 tháng đầu năm, xuất khẩu phân bón đạt gần 1,2 triệu tấn với kim ngạch hơn 491 triệu USD, giảm 14% về lượng và giảm 44,5% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2022.

dam-ca-mau-dat-ke-hoach-doanh-thu-nam-2019-la-6928-ty-dong
Tháng 9, giá phân bón xuất khẩu của Việt Nam tăng 21% sau khi Trung Quốc hạn chế bán urê. Ảnh: Đạm Cà Mau

Campuchia là thị trường nhập khẩu phân bón lớn nhất từ Việt Nam với 36% lượng phân bón xuất khẩu.

9 tháng đầu năm 2023, Campuchia nhập khẩu từ Việt Nam 438.704 tấn phân bón, tương ứng chiếm 36% lượng phân bón xuất khẩu của Việt Nam.

Về giá, giá phân bón xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 9 đạt 450 USD/tấn, tăng 21% so với tháng trước sau khi Trung Quốc hạn chế bán urê cho thế giới, Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen. Hồi đầu tháng 9, Trung Quốc yêu cầu một số doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu urê sau khi giá trong nước tăng vọt.

CTCP Chứng khoán BIDV (BSC) cho rằng, lượng phân bón xuất khẩu trong nửa cuối năm sẽ phục hồi nhờ Ai Cập - quốc gia xuất khẩu phân bón lớn đã cắt giảm lượng khí dành cho sản xuất urê, đồng thời Ấn Độ, thị trường tiêu thụ phân bón lớn đang có động thái tăng nhập khẩu urê cho mùa vụ cuối năm.

Hồi đầu tháng 9, Trung Quốc yêu cầu một số doanh nghiệp tạm dừng xuất khẩu urê sau khi giá trong nước tăng vọt. Những động thái của nhà sản xuất phân bón hàng đầu thế giới đã khiến giá urê thế giới đi lên.

Tiến sĩ Phùng Hà, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Phân bón Việt Nam cho biết, cùng với việc Trung Quốc hạn chế xuất khẩu urê, sự kiện Nga rút khỏi thỏa thuận ngũ cốc biển Đen, đồng thời với đó là diễn biến của cuộc xung đột Israel - Palestine có thể khiến giá phân bón tại Việt Nam tiếp tục tăng lên theo giá thế giới.

Tại thị trường phía Bắc và phía Nam, các nhà máy urê tại Việt Nam đều điều chỉnh giá bán tăng theo xu hướng giá thế giới kể từ cuối tháng 7 - đầu tháng 8/2023.

Trong đó, giữa tháng 9 vừa qua, Đạm Cà Mau thông báo tăng giá urê bán tại nhà máy lên mức 11.200 đồng/kg và các kho trung chuyển tại miền Tây, miền Trung tăng lên mức 11.300 - 11.350 đồng/kg. Mức giá này tăng hơn 10% so với một tháng trước đó.

Nhà máy Đạm Phú Mỹ cũng tăng giá urê tại nhà máy thêm 500 đồng/kg lên mức 11.000 đồng/kg, tăng hơn 1.100 đồng/kg so với tháng 8. Nhà máy Đạm Ninh Bình, nhà máy Đạm Hà Bắc cũng thông báo tăng giá bán lên mức hơn 10.800 đồng/kg.

Với mức giá này, giá phân urê tại các nhà máy hiện đã tăng lên khoảng 30 - 35% chỉ trong khoảng gần 3 tháng trở lại đây.

Trên thị trường quốc tế, so với mức đáy được thiết lập hồi tháng 6/2023, giá phân urê xuất khẩu hiện nay tại Ai Cập và Trung Đông đã tăng 46%; trong khi đó, giá phân ure tại khu vực Biển Đen đã tăng 31%. Giá phân urê tại Trung Quốc và Indonesia tăng với tốc độ chậm hơn, lần lượt tăng 27% và 18%.

Tuy nhiên, nhận định về xu hướng tăng giá này, ông Lê Trọng Phúc, Công ty Cổ phần Hóa chất và Công nghệ Hà Nội (Hacheco) cho rằng, từ nay đến cuối năm phân bón sẽ tăng giá nhưng vẫn trong tầm kiểm soát, không thể tạo nên “cơn sốt” như hai năm 2021 và 2022 vừa qua.

Hiện Việt Nam vẫn đang chủ động được nguồn cung phân bón. Tổng công suất thiết kế sản xuất phân bón của cả nước đạt khoảng 20,7 triệu tấn, trong đó phân bón vô cơ là 16,1 triệu tấn, hữu cơ là 4,6 triệu tấn và nhập khẩu khoảng 3-4 triệu tấn. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ phân bón hàng năm là 10,4 triệu tấn/năm, trong đó, tiêu thụ phân bón vô cơ 7,6 triệu tấn/năm.

Nguyễn Duyên

Theo: Báo Công Thương