Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu

(Banker.vn) Quế, hồi và dược liệu là những sản phẩm xuất khẩu tiềm năng, quan trọng của Việt Nam, vì thế cần có các giải pháp gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường.
Đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu, phát triển thị trường cho sản phẩm cơ khí Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống Thương vụ tháng 9/2023 Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu quế, hồi nhanh và bền vững Thị trường xuất khẩu quế lớn nhất của Việt Nam

Kim ngạch xuất khẩu khiêm tốn

Theo thống kê, hiện nước ta có khoảng trên 5.100 loài cây dược liệu. Với nguồn dược liệu này, Việt Nam có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển dược liệu trở thành một ngành kinh tế.

Riêng đối với cây quế, hiện diện tích quế ở Việt Nam đạt khoảng 150.000 ha, chiếm 17% diện tích quế toàn cầu. Hiện, Việt Nam là quốc gia sản xuất và xuất khẩu quế đứng thứ ba thế giới về sản lượng, sau Indonesia và Trung Quốc. Với cây hồi là loài cây bản địa rất ít quốc gia sở hữu, chiếm phần lớn là Việt Nam và Trung Quốc.

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu
Quế, hồi Việt Nam đang mở rộng xuất khẩu sang nhiều thị trường

Các mặt hàng, sản phẩm từ quế hồi và cây dược liệu đang ngày càng được quan tâm và mở rộng thị trường xuất khẩu do những thay đổi trong nhận thức, quan điểm và thị hiếu của người tiêu dùng đối với lối sống xanh, sạch, tốt cho sức khỏe và hỗ trợ tăng miễn dịch.

Bên cạnh đó, có thể kể đến là sự phát triển mạnh mẽ của ngành công nghiệp sản xuất dược phẩm, thực phẩm chức năng, chế biến thực phẩm, mỹ phẩm, dược phẩm toàn cầu, sự phổ biến rộng rãi của văn hóa ẩm thực sử dụng hương liệu tự nhiên, truyền thống, mang đậm bản sắc của các quốc gia.

Theo Bộ Công Thương, hiện nay, quế, hồi Việt Nam được tiêu thụ mạnh ở nhiều khu vực Nam Á (như Ấn Độ, Bangladesh), Trung Đông (UAE, Pakistan), Đông Á (Nhật Bản, Đài Loan - Trung Quốc, Hàn Quốc), Mỹ và các nước thuộc Liên minh châu Âu - EU. Ngoài quế, hồi đến thời điểm hiện nay, một số doanh nghiệp Việt Nam đã tham gia xuất khẩu nhiều loại dược liệu khác như: thảo quả, nghệ, hòe, kê huyết đằng... nhưng riêng lẻ và với tỷ lệ không đáng kể.

Giá trị xuất khẩu quế hồi của Việt Nam liên tục tăng qua các năm và riêng năm 2022 đạt khoảng 276 triệu USD, nhưng con số này còn nhỏ so với thị phần dược liệu trên toàn thế giới. Một trong những lý do dược liệu Việt Nam mới chiếm thị phần rất nhỏ trên tổng doanh thu thị trường dược liệu toàn cầu là phần lớn dược liệu Việt Nam được xuất khẩu ở dạng nguyên liệu thô. Thêm vào đó, những sản phẩm xuất khẩu có thế mạnh như: quế, hồi, thảo quả, nghệ, hòe... vẫn còn manh mún, quy mô nhỏ, theo kiểu mạnh ai nấy làm.

Tại Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với hệ thống các cơ quan thương vụ tại nước ngoài tháng 9/2023 “Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu” ngày 28/9, ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược, Bộ Y tế đánh giá, Việt Nam là quốc gia có nguồn dược liệu đa dạng, nhiều loại quý và hiếm.

Tuy nhiên theo ông Nguyễn Thế Thịnh đây chưa phải là nguồn hàng hoá có kim ngạch xuất khẩu cao. Nguyên nhân chủ yếu theo là do chưa có quy hoạch phát triển cây dược liệu tại Việt Nam đang mang tính tự phát, đặc biệt do chưa xác định đầu ra cụ thể nên vẫn xảy ra tình trạng phá bỏ do không tiêu thụ được.

Trước thực trạng trên, ông Nguyễn Thế Thịnh đề nghị, các Bộ ngành phối hợp phát triển công nghiệp chế biến cây dược liệu, Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài hỗ trợ tìm thị trường đầu ra cho bà con vùng trồng. Doanh nghiệp tăng cường tham gia triển lãm quốc tế nhằm tìm đối tác.

Cùng đó, đại diện Bộ Y tế đề xuất, cần có chính sách khuyến khích nghiên cứu các dự án để nghiên cứu bảo tồn nguồn gen, giống cây thuốc xây dựng vườn cây quốc gia. Liên kết cá nhân trong và người nước phát triển dược liệu hướng đến xuất khẩu. Xác định chiến lược tiếp thị và quảng bá phù hợp. Tăng cường hiệu quả vận chuyển giao hàng, trao đổi thông tin về chính sách thương mại, nhất là chính sách mới.

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu
Ông Nguyễn Thế Thịnh - Cục trưởng Cục Quản lý y dược, Bộ Y tế

Là địa phương có diện tích quế lớn nhất cả nước với 86.000 ha, sản lượng đạt 30.000 tấn/năm, ông Nguyễn Đình Chiến - Phó Giám đốc Sở Công Thương Yên Bái thông tin, kim ngạch xuất khẩu quế và sản phẩm từ quế của Yên Bái rất khiêm tốn, chỉ từ 50-60 triệu USD.

Chúng tôi mong muốn Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài tiếp tục giới thiệu quế của Yên Bái với nhà nhập khẩu trên thế giới, thu hút nhà đầu tư vào phát triển công nghiệp chế biến sâu sản phẩm từ quế trên địa bàn tỉnh Yên Bái” - ông Nguyễn Đình Chiến cho hay.

Cũng như Yên Bái, Lai Châu là một trong các địa phương có diện tích trồng quế, hồi lớn, sản lượng chế biến đạt từ 50-60 tấn/năm. Ngoài ra, Lai Châu còn có các loại dược liệu khác như thảo quả, sa nhân rất tiềm năng. Dù vậy, ông Nguyễn Trọng Thức - Phó Giám đốc Sở Công Thương tỉnh Lai Châu cho biết, chi phí sản xuất, quy trình bảo quản, vận chuyển đang là trở ngại lớn đối với doanh nghiệp địa phương nhằm thúc đẩy xuất khẩu quế, hồi, dược liệu ra thị trường quốc tế.

Với những khó khăn hiện tại, tỉnh Lai Châu mong muốn Bộ Công Thương hỗ trợ địa phương kết nối, quảng bá sản phẩm quế, hồi và dược liệu khác đến các thị trường các nước; giới thiệu các doanh nghiệp có nhu cầu đến Lai Châu tìm kiếm hợp tác. Các cơ quan thương vụ thường xuyên thông tin về nhu cầu, tiêu chuẩn từ các thị trường để Lai Châu phổ biến đến các doanh nghiệp nhằm xây dựng chiến lược sản xuất kinh doanh phù hợp, đáp ứng đòi hỏi của thị trường.

“Đặc biệt, Lai Châu mong muốn Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc tăng cường trao đổi với cơ quan chức năng sở tại để tiến hành đàm phán qua đó đưa thảo quả và sa nhân của địa phương xuất khẩu chính ngạch để nâng cao giá trị của các sản phẩm” - ông Nguyễn Trọng Thức kiến nghị.

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu

Đẩy mạnh kết nối thị trường

Quế, hồi là những sản phẩm xuất khẩu quan trọng của Việt Nam sang Hoa Kỳ. Đây cũng là những mặt hàng tiềm năng cho xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. "Quế, hồi không chỉ là sản phẩm có giá trị cao về kinh tế mà còn có ý nghĩa trong bảo vệ môi trường. Chính thông điệp về môi trường là nhân tố tốt để Việt Nam quảng bá, gia tăng xuất các sản phẩm này sang Hoa Kỳ" - ông Đỗ Ngọc Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Hoa Kỳ nhấn mạnh.

Để có thể mở rộng thị phần quế, hồi Việt Nam sang Hoa Kỳ, ông Đỗ Ngọc Hưng cho rằng, doanh nghiệp cần có chứng nhận FDA. Về sản xuất, doanh nghiệp, địa phương trong nước cần đảm bảo nguồn nguyên liệu bền vững, xây dựng chuỗi liên kết trong sản xuất để nâng cao năng suất chất lượng sản phẩm, tăng chế biến sản phẩm tinh.

Cùng với đó, cần đẩy mạnh quảng bá sản phẩm quế, hồi của Việt Nam trên các phương tiện truyền thông; tham gia các hội chợ chuyên ngành lớn tại Hoa Kỳ và các nước trên thế giới. “Cần thiết xây dựng hiệp hội cho ngành quế, hồi nhằm xúc tiến các hoạt động phát triển vùng trồng, xúc tiến thương mại cho ngành” - ông Đỗ Ngọc Hưng đề nghị.

Bên cạnh thị trường Hoa Kỳ, hiện Ấn Độ là thị trường tiềm năng đối với sản phẩm quế, hồi và dược liệu của Việt Nam. Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ thông tin, hiện sản phẩm quế Việt Nam rất được thị trường Ấn Độ ưa chuộng do hàm lượng tinh dầu cao, hương vị đặc trưng. Mặt khác, lợi thế để xuất khẩu sản phẩm này sang Ấn Độ là nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định FTA ASEAN - Ấn Độ. Đặc biệt, với dân số đông, Ấn Độ có dải nhu cầu của thị trường rất lớn về quế, hồi, dược liệu.

Trước tiềm năng của thị trường, thời gian qua Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ kết nối doanh nghiệp xuất khẩu. Dù vậy, ông Bùi Trung Thướng nhấn mạnh, điều quan trọng vẫn là doanh nghiệp. "Doanh nghiệp cần mạnh dạn phát triển thị trường, chủ động tìm hiểu, nghiên cứu thị hiếu, nhu cầu của thị trường; đầu tư sản xuất, chế biến sâu. Đặc biệt, Ấn Độ hiện đang tăng cường xiết chặt về vệ sinh an toàn chất lượng sản phẩm, do vậy doanh nghiệp cần thường xuyên cập nhật các thông tin, quy định"- ông Thướng nêu rõ.

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu
Ông Bùi Trung Thướng – Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ấn Độ

Thông tin về thị trường Trung Quốc, ông Nguyễn Hữu Quân - Phụ trách Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây, Trung Quốc cho biết, hiện quy mô thị trường dược liệu của Trung Quốc rất lớn, năm 2022 đạt 7 tỷ USD, kỳ vọng tăng lên và đạt 9 tỷ USD năm 2023. Năm 2022 Trung Quốc nhập khẩu 66,9 nghìn tấn dược liệu, xuất khẩu gấp 3,5 lần nhập khẩu.

Tuy nhiên, dược liệu của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc chủ yếu theo đường tiểu ngạch, tiến trình mở cửa xuất khẩu chính ngạch cho mặt hàng này của Việt Nam sang Trung Quốc đang tiến hành rất chậm. “Địa phương cần quan tâm đến quy hoạch vùng trồng và làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để có biện pháp thúc đẩy rốt ráo hơn tiến trình này nhằm giải quyết đầu ra cho cây dược liệu” - ông Nguyễn Hữu Quân nói.

Cũng theo đại diện Thương vụ Việt Nam tại Quảng Tây, Quảng Tây là thị trường trung chuyển quan trọng với mặt hàng dược liệu sang các thành phố khác của Trung Quốc. 80% dược liệu tiêu thụ tại Trung Quốc được chế biến, đóng gói tại thành phố Ngọc Lâm, Quảng Tây. Do vậy Quảng Tây tiếp tục giữ vai trò quan trọng trong xuất khẩu dược liệu của Việt Nam sang Trung Quốc.

Để tận dụng và khai thác hiệu quả thị trường trung chuyển Quảng Tây, ông Nguyễn Hữu Quân khuyến nghị, doanh nghiệp trong nước nâng cao chất lượng sản phẩm, chuyển hướng xuất khẩu từ tiểu ngạch sang chính ngạch để tránh rủi ro trong thanh toán giao dịch. Các địa phương có vùng trồng dược liệu lớn có kế hoạch tổ chức các đoàn công tác xúc tiến thương mại tại thị trường đích như Quảng Tây, Chi nhánh Thương vụ Việt Nam tại Nam Ninh, Quảng Tây sẵn sàng hỗ trợ.

Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu
Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - ông Vũ Bá Phú

Thời gian tới, để tăng cơ hội và tạo điều kiện xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu của Việt Nam ra thị trường quốc tế, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương - ông Vũ Bá Phú nêu 5 nhóm vấn đề cần tháo gỡ, đó là: Thúc đẩy hoạt động nghiên cứu phát triển sản phẩm, bảo tồn gen, giống quý hiếm của dược liệu; đào tạo nguồn nhân lực; đẩy mạnh tăng cường liên doanh liên kết, phát triển thị trường xuất khẩu; xây dựng thương hiệu cho sản phẩm, ngành dược liệu Việt Nam; phát triển dịch vụ logistics; quy hoạch vùng nguyên liệu lớn nhằm tạo ra sản lượng thương mại đủ lớn, phục vụ cho xuất khẩu.

Thời gian tới Bộ Công Thương sẽ tăng cường phối hợp, nắm bắt kịp thời tình hình sản xuất, xuất khẩu sản phẩm của các địa phương; giữ kết nối chặt chẽ với Bộ Y tế, tạo mối liên kết với doanh nghiệp nuôi trồng, chế biến dược liệu của Việt Nam. Đồng thời, đề nghị các Thương vụ Việt Nam quan tâm, hỗ trợ, cung cấp thông tin nhu cầu thị trường, các quy định, yêu cầu để quế, hồi, cây dược liệu tiếp cận, phát triển thị trường xuất khẩu, gia tăng giá trị thương hiệu trên thị trường thế giới”- ông Vũ Bá Phú nhấn mạnh.

Nhóm Phóng viên

Theo: Báo Công Thương