Xuất nhập khẩu là điểm sáng trong bức tranh kinh tế 2020

(Banker.vn) Trong bối cảnh khó khăn do dịch COVID-19 tác động đến chuỗi cung ứng toàn cầu cũng như ảnh hưởng đến thị trường xuất khẩu của hàng hóa Việt Nam, xuất nhập khẩu (XNK) trong năm 2020 vẫn trở thành điểm sáng của nền kinh tế. Kim ngạch XNK ấn tượng đã đưa Việt Nam xếp thứ 22 thế giới về quy mô kim ngạch và năng lực xuất khẩu, đứng thứ 26 về quy mô thương mại quốc tế.

Số liệu của Tổng cục Thống kê đưa ra cuối tháng 12/2020 cho thấy, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam năm 2020 ước tính đạt 543,9 tỷ USD, tăng 5,1% so với năm 2019. Trong đó, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa ước tính đạt 281,5 tỷ USD, tăng 6,5% so với năm 2019. Cán cân thương mại hàng hóa năm 2020 ước tính xuất siêu 19,1 tỷ USD là mức cao nhất trong 5 năm liên tiếp xuất siêu kể từ năm 2016.

Trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng hóa cả nước năm 2020, khu vực kinh tế trong nước đạt 78,2 tỷ USD, giảm 1,1%, chiếm 27,8% tổng kim ngạch xuất khẩu (XK); khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (kể cả dầu thô) đạt 203,3 tỷ USD, tăng 9,7%, chiếm 72,2%.

Trong năm 2020 có 31 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 1 tỷ USD, chiếm 91,9% tổng kim ngạch XK (6 mặt hàng đạt kim ngạch XK trên 10 tỷ USD, chiếm 64,3%).

Về cơ cấu nhóm hàng XK năm 2020, nhóm hàng công nghiệp nặng và khoáng sản ước tính đạt 152,5 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm trước. Nhóm hàng công nghiệp nhẹ và tiểu thủ công nghiệp ước tính đạt 100,3 tỷ USD, tăng 2,4%. Nhóm hàng nông, lâm sản đạt 20,3 tỷ USD, giảm 1,9%. Nhóm hàng thủy sản đạt 8,4 tỷ USD, giảm 1,8%.

Ở chiều ngược lại, khu vực kinh tế trong nước nhập khẩu 93,6 tỷ USD, giảm 10%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài nhập khẩu (NK) 168,8 tỷ USD, tăng 13%. Trong năm 2020 có 35 mặt hàng NK đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm 89,6% tổng kim ngạch NK (4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 49,4%).

Về cơ cấu NK hàng hóa năm 2020, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 245,6 tỷ USD, tăng 4,1% so với năm trước và chiếm 93,6% tổng kim ngạch NK hàng hóa; nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 16,8 tỷ USD, giảm 3,8% và chiếm 6,4%.

Với những con số ấn tượng như trên, Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) nhận định: “Trong giai đoạn 2015-2020, hoạt động xuất nhập khẩu là điểm sáng của nền kinh tế”.

Còn theo các chuyên gia thuộc Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế, Ngân hàng TMCP Hàng Hải Việt Nam (MSB), điều này phản ánh năng lực sản xuất trong nước có mức tăng trưởng cao, môi trường đầu tư, sản xuất, kinh doanh được tạo thuận lợi và phản ánh kết quả tích cực của công tác hội nhập kinh tế quốc tế.

Trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đối với hàng hóa nhập khẩu thấp, các nước có xu hướng quay lại tập trung vào thị trường nội địa, tăng cường sử dụng các biện pháp bảo hộ thương mại, giá xuất khẩu nông sản không còn là yếu tố thuận lợi tác động đến tăng trưởng XK.

Các chuyên gia thuộc  Trung tâm nghiên cứu kinh tế của MSB cho rằng, để hỗ trợ doanh nghiệp XNK, các bộ ngành liên quan, nhất là Bộ Công Thương, cần xúc tiến thỏa thuận với các đối tác thương mại nhằm các giải pháp tháo gỡ khó khăn, khơi thông cho hoạt động sản xuất, thúc đẩy xuất khẩu, phát triển thị trường xuất khẩu, quản lý nhập khẩu, tạo thuận lợi thương mại.

Cũng theo các chuyên gia của Trung tâm nghiên cứu kinh tế của MSB, một yếu tố thường được nhắc đến trong thương mại là các FTA như CPTPP, EVFTA thời gian qua đã được doanh nghiệp tận dụng khá tốt.

Mặc dù trước khi triển khai EVFTA cũng có nhiều lo ngại sẽ không mang lại hiệu quả tích cực ngay lập tức như mong đợi, lý do là sự sẵn sàng của doanh nghiệp chưa tốt, song sau 5 tháng triển khai, tỷ lệ doanh nghiệp biết để áp dụng FTA này vào hoạt động sản xuất kinh doanh là tương là cao.

Đã có vài chục nghìn bộ chứng nhận xuất xứ hàng hóa được cấp để tận dụng ưu đãi từ EVFTA. Cùng với việc CPTPP cũng được tận dụng tương đối hiệu quả, tỷ lệ sử dụng Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hóa (C/O) để được hưởng thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi sang các nước đối tác FTA cũng đạt mức cao, chiếm 37,2% tổng kim ngạch XK sang các thị trường Việt Nam ký FTA.

Về XK năm 2021, các chuyên gia kinh tế cho rằng, kinh tế Việt Nam vẫn phụ thuộc nhiều vào cầu của một số thị trường lớn như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, EU, Trung Quốc và ASEAN, đang chiếm tới gần 80% kim ngạch XK của Việt Nam.

Nếu sự phục hồi của các thị trường này nhanh và mạnh như một số tổ chức quốc tế dự báo, Việt Nam có khả năng sẽ vẫn giữ được nhịp độ tăng trưởng XK cao và sẽ có đóng góp tích cực hơn vào tăng trưởng GDP.

Nhưng nếu các thị trường này phục hồi chậm, tăng trưởng XK của Việt Nam trong năm 2021 có thể vẫn đạt mức tăng trưởng dương nhưng sẽ không đạt mức cao như kỳ vọng để đóng góp vào mục tiêu tăng trưởng GDP ở mức 6,5% trong năm 2021 như mục tiêu Chính phủ đề ra.

“Tuy nhiên, Việt Nam đang có nhiều lợi thế, đặc biệt, năng lực sản xuất của Việt Nam vẫn đang được duy trì, dòng vốn đầu tư FDI vẫn tiếp tục chảy vào Việt Nam. Đây là những lợi thế để XK Việt Nam bứt phá trong năm 2021. Khi thị trường toàn cầu được phục hồi, Việt Nam có thể đáp ứng nhanh và phục hồi mạnh mẽ hơn so với các quốc gia khác”, các chuyên gia thuộc Trung tâm nghiên cứu kinh tế của MSB nhận định.

Thanh Hải

Theo Tạp chí Thị trường Tài chính - Tiền tệ (link gốc)

Theo: