Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) bật tăng trở lại trong quý III/2023

(Banker.vn) Sau khi giảm liên tiếp trong quý I và quý II, bước sang quý III/2023, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) bật tăng trở lại.
Thị trường phục hồi, xuất khẩu tôm vẫn chưa hết khó 10 tháng năm 2023, xuất khẩu thủy sản thu về gần 7,5 tỷ USD

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam cho biết, 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đạt 454 triệu USD, giảm 6%.

xuất khẩu tôm
Xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) bật tăng trở lại trong quý III/2023

Riêng trong quý III/2023, xuất khẩu tôm sang thị trường này đạt hơn 173 triệu USD, tăng 15% so với cùng kỳ. Trước đó, trong quý I và quý II, xuất khẩu tôm sang thị trường này giảm lần lượt 31% và 8% so với cùng kỳ năm ngoái.

Quý đầu năm nay, Ecuador tăng mạnh xuất hàng sang Trung Quốc nên giai đoạn sau quý II, nguồn hàng từ Ecuador sang Trung Quốc giảm bớt, nên Trung Quốc tăng nhập từ Việt Nam.

Ba tháng 6, 7 và 8, xuất khẩu tôm sang Trung Quốc và Hồng Kông tăng trưởng dương. Tháng 9/2023, xuất khẩu tôm Việt Nam sang Trung Quốc đảo chiều giảm 13%. Sau kỳ nghỉ lễ dài gồm Tết Trung thu và ngày Quốc khánh ở Trung Quốc, nhu cầu tiêu thụ tôm ghi nhận giảm mạnh.

Trong cơ cấu sản phẩm tôm xuất khẩu sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc), tôm chân trắng chiếm 53,2%, tôm sú chiếm 22,7%, còn lại là tôm khác. 9 tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm chân trắng và tôm sú sang Trung Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) tăng lần lượt 14% và 22% so với cùng kỳ năm 2022.

Xuất khẩu tôm sú sống/tươi/đông lạnh tăng mạnh nhất 22%, xuất khẩu tôm chân trắng nguyên liệu đông lạnh và tôm chân trắng chế biến tăng lần lượt 14% và 16%. Đối với tôm khác, xuất tôm khác khô tăng mạnh 3 con số 661%.

9 tháng đầu năm 2023, giá trung bình tôm chân trắng đông lạnh xuất khẩu sang Trung Quốc dao động từ 4,9 - 7,9 USD/kg. Trong khi giá trung bình tôm sú đông lạnh xuất khẩu sang thị trường này dao động từ 8,2 - 13,8 USD/kg.

Giá mua của các nhà nhập khẩu Trung Quốc thấp vì có nhiều nguồn cung nhắm tới thị trường này. Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn là thị trường quan trọng của tôm Việt Nam.

Thị trường tôm Trung Quốc gồm hai phân khúc riêng. Một loại dành cho tôm sống, chủ yếu tiêu thụ tại chợ dân sinh ở Trung Quốc. Còn lại là thị trường HOSO đông lạnh cũng như tôm giá trị gia tăng, tiêu thụ qua nhà phân phối, dịch vụ thực phẩm, thương mại điện tử và kênh bán lẻ.

Theo chuyên gia, tôm nhập khẩu hay tôm nội địa đều có cơ hội phát triển ở hai phân khúc thị trường miễn là nền kinh tế Trung Quốc phục hồi ổn định và khả năng tài chính của người tiêu dùng.

Chính phủ Trung Quốc đang kích cầu tiêu thụ tôm ở thành phố cấp 2 và cấp 3, tạo cơ hội cho tôm tươi sống RAS nội địa mở rộng khách hàng. Người tiêu dùng Trung Quốc chuộng tôm tươi sống và họ sẵn sàng trả giá cao hơn cho sản phẩm này.

Chuyên gia khuyên các nhà cung cấp nước ngoài nên đặt mục tiêu phát triển thị trường HOSO đông lạnh và tôm giá trị gia tăng thay vì cạnh tranh với tôm nội địa Trung Quốc trong phân khúc sản phẩm tươi sống.

Nguyễn Hạnh

Theo: Báo Công Thương