Xuất khẩu thủy sản “tấn công” vào các thị trường ngách

(Banker.vn) Trong lúc xuất khẩu thủy sản vào các thị trường truyền thống sụt giảm, các doanh nghiệp Việt Nam tìm đường đi vào các thị trường “ngách” ở châu Phi, Trung Đông.
Chủ động tìm hiểu thị trường, tăng cơ hội xuất khẩu thủy sản sang Vương quốc Anh Với lợi thế từ UKVFTA, dư địa xuất khẩu tôm vào Anh luôn rộng mở Xuất khẩu thủy sản sang Canada: Chỉ 12% kim ngạch sử dụng ưu đãi từ CPTPP

Khai thác tối đa các thị trường ngách

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu Thủy sản Việt Nam (VASEP) cho biết, các mặt hàng thủy sản xuất khẩu chính của Việt Nam là tôm, cá tra và cá ngừ đều ghi nhận sự kém lạc quan trong các tháng đầu năm 2023.

Sự sụt giảm của các mặt hàng chính diễn ra khi các thị trường trọng điểm như: CPTPP, Mỹ, châu Âu, Trung Quốc đều giảm nhu cầu. Trong hai Quý đầu năm 2023, kim ngạch xuất khẩu thủy sản sang các thị trường này giảm khá sâu, từ 30- 45%, thị trường Mỹ còn giảm tới 51%.

Dù vậy, ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP cho rằng, ngành thủy sản đang dần cho thấy tín hiệu tích cực khi mức giảm tổng ngành hiện chỉ âm 22% trong 9 tháng đầu năm 2023 so với cùng kỳ năm trước, trong khi đó tổng 6-7 tháng đầu năm 2023 luôn trên mức âm 30% và cận âm 40%.

Xuất khẩu thủy sản “tấn công” vào các thị trường ngách
Trong 10 tháng năm 2023, các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản Việt Nam đã và đang tìm đường đi vào các thị trường “ngách” ở châu Phi, Trung Đông khi các thị trường xuất khẩu trọng điểm sụt giảm về kim ngạch

Cũng theo VASEP, từ nay đến cuối năm, ngành thuỷ sản phải đối diện với những thách thức song hành cùng cơ hội. Về cơ hội, ngoài thị trường có dấu hiệu khởi sắc, khu vực Trung Đông có mức tăng trưởng âm đã giảm đáng kể và nhỏ hơn rất nhiều so với các thị trường khác.

Đơn cử như với thị trường Ai Cập, đây là một trong những cửa ngõ cho hàng thủy sản Việt Nam vào khu vực các nước Ả rập và Bắc Phi. Ông Nguyễn Duy Hưng - Tham tán thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Ai Cập cho biết, Ai Cập hiện có nhu cầu nhập khẩu cá lớn từ các nước.

Ai Cập chủ yếu nhập khẩu phi lê cá tra/basa đông lạnh từ Việt Nam và phi lê cá hồi đông lạnh từ NaUy. Năm 2022, kim ngạch nhập khẩu phi lê cá đông lạnh của Ai Cập đạt 40 triệu USD, tăng 42,5% so với năm 2021 trong đó nhập khẩu từ Việt Nam và NaUy lần lượt chiếm 92% và 5,5% tổng kim ngạch nhập khẩu.

Đối với mặt hàng tôm đông lạnh, Ai Cập nhập khẩu tôm đông lạnh chủ yếu từ UAE (chiếm 90% tổng kim ngạch nhập khẩu trong năm 2022) và Ả Rập Xê-Út (6%) trong khi Việt Nam hầu như không xuất khẩu được sang thị trường do không cạnh tranh về giá, một phần do thuế nhập khẩu khá cao (lên đến 20%) và chi phí vận chuyển.

Đặc biệt, năm 2022, Việt Nam là đối tác cung cấp cá ngừ đóng hộp lớn thứ 2 cho Ai Cập nhưng chỉ chiếm 7,9% về kim ngạch và kém xa nước đứng đầu Thái Lan với thị phần 89,5% trong năm 2022. Ngoài cá ngừ, Ai Cập còn nhập khẩu một số loại cá khác đã qua chế biến như cá mòi (sadines), cá thu (mackerel) và cá cơm (anchovies).

Xuất khẩu thủy sản “tấn công” vào các thị trường ngách
Theo VASEP, dù giảm sâu về kim ngạch xuất khẩu nhưng UAE vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng thủy sản của Việt Nam

Tương tự, đối với Các Tiểu Vương quốc Ả rập Thống nhất (UAE), Việt Nam nằm trong Top 4 nước cung cấp hàng đầu thủy sản sang thị trường này, gồm: Ấn Độ, Thái Lan, Na Uy. Ấn Độ có thị phần chi phối 20%-24% với mặt hàng chủ lực là tôm đông lạnh, trong khi Việt Nam dao động từ 6% -9% với mặt hàng chính là cá tra phile đông lạnh.

Cũng theo VASEP, mỗi năm Việt Nam xuất khẩu khoảng 22-24 nghìn tấn thủy sản sang UAE, với giá trị dao động từ 50-70 triệu USD, cho thấy dư địa còn nhiều tại thị trường tiềm năng này. Riêng với sản phẩm cá phile đông lạnh mã HS0304, Việt Nam đứng đầu nhờ sản phẩm cá tra xuất khẩu, chiếm 40%-50% thị phần tại UAE.

Tuy nhiên, với mặt hàng tôm thì Việt Nam đứng thứ 5, đang phải cạnh tranh với Ấn Độ và Ecuador. Ấn Độ chiếm gần 60%-70% thị phần, Ecuador mới thâm nhập thị trường vài năm gần đây với 15% thị phần, trong khi Việt Nam chỉ chiếm 5%-7%.

Các mặt hàng thủy sản nhập khẩu nhiều nhất vào UAE là tôm thẻ chân trắng và tôm sú đông lạnh, cá ngừ chế biến/bảo quản, cá ngừ vằn và cá ngừ Đại Tây Dương, cá hồi Đại Tây Dương tươi/ướp lạnh và cá hồi sông Danube và cá khác đông lạnh, trong đó có cá tra...

Cùng xu hướng và bối cảnh chung của thị trường thế giới, nửa đầu năm 2023, xuất khẩu thủy sản Việt Nam sang UAE giảm trên 50% đạt hơn 17 triệu USD. Trong đó, xuất khẩu cá tra, tôm sú đều giảm trên 50%, tôm chân trắng giảm 73%...

Giữ vững thị trường, tăng thị phần các mặt hàng thế mạnh

Dù giảm sâu về kim ngạch, nhưng UAE vẫn được đánh giá là thị trường tiềm năng đối với hàng thủy sản của Việt Nam. VASEP cho rằng, UAE là thị trường có nền kinh tế phát triển, có nhu cầu cao về hàng thủy sản. Quốc gia Tây Á này là nhà nhập khẩu ròng thủy hải sản và nhập khẩu tới 90% lượng thực phẩm tiêu thụ. Ước tính, mỗi năm UAE nhập khẩu khoảng 250.000 tấn thủy sản, trị giá 750-800 triệu USD. Gần 90% dân số UAE là người nhập cư, do vậy, các sản phẩm cá, hải sản là một phần không thể thiếu trong mỗi bữa ăn truyền thống của họ.

Thêm vào đó, hiện nay, Việt Nam đang tích cực thúc đẩy đàm phán Hiệp định Thương mại tự do (FTA) song phương với UAE. Do vậy, các chuyên gia kinh tế cũng như cộng đồng doanh nghiệp xuất khẩu kỳ vọng thị trường này sẽ rộng mở hơn cho sản phẩm thủy sản của Việt Nam nếu thuế nhập khẩu thủy sản vào UAE được hai nước thỏa thuận về 0%.

Tuy nhiên, VASEP cũng lưu ý, bên cạnh vấn đề thuế quan thì khó khăn nhất của doanh nghiệp xuất khẩu vào UAE là các yêu cầu của nhà nhập khẩu liên quan đến chứng nhận Halal. Sản phẩm được cấp giấy chứng nhận Halal là sản phẩm không có bất cứ nguyên liệu nào luật Hồi giáo (LHG) cấm; sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ phương tiện, thiết bị nào từ vật liệu LHG không cho phép, trong suốt các khâu sản xuất; và trong suốt quá trình đó sản phẩm không được tiếp xúc với bất cứ thực phẩm bổ dưỡng nào từ nguyên liệu LHG không chấp nhận.

Trong khi đó, để tăng xuất khẩu thuỷ sản sang thị trường Ai Cập, Tham tán Nguyễn Duy Hưng cho rằng, doanh nghiệp trong nước cần giữ vững và tăng thị phần ở mặt hàng thế mạnh, nên tập trung thêm vào sản phẩm cá chế biến đông lạnh. Mặt khác, doanh nghiệp cần tìm hiểu nhiều hơn thị trường. “Ai Cập đang thiếu hụt ngoại tệ, doanh nghiệp cần lưu ý vấn đề chậm thanh toán dẫn đến tranh chấp” - ông Nguyễn Duy Hưng khuyến cáo.

Khánh An

Theo: Báo Công Thương