Xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại

(Banker.vn) Các nhà nhập khẩu lớn tăng mua, cùng với đó là nhiều tín hiệu tích cực từ thị trường cho thấy xuất khẩu thủy sản đang trở lại quỹ đạo và tăng tốc.
Triển vọng xuất khẩu thủy sản những tháng cuối năm Xuất khẩu thủy sản dự báo sẽ phục hồi kể từ quý IV/2023

Tháng 8/2023, xuất khẩu thủy sản sang nhiều thị trường đều đạt mức đỉnh kể từ đầu năm.

Số liệu thống kê từ Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), tháng 8, xuất khẩu thủy sản ước đạt 846 triệu USD, giảm hơn 15% so với cùng kỳ năm trước. Mặc dù giảm song đây là mức tăng trưởng âm thấp nhất trong 6 tháng gần đây. Đáng chú ý, các thị trường xuất khẩu chính như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Trung Quốc… đều ghi nhận mức tăng trưởng cao so với tháng trước.

Ngoài 2 mặt hàng chính là tôm và cá tra, tháng 8 cũng ghi nhận sự bứt phá của nhiều sản phẩm thủy sản, tập trung chủ yếu vào các loài hải sản như cá tuyết, cá minh thái, ghẹ, tôm hùm, cá trích, cá thu, nước mắm… Những sản phẩm như cá ngừ chế biến, cá biển đóng hộp, tôm biển, cua ghẹ, cá tra chế biến, tôm khô… đang có nhu cầu nhập khẩu tăng so với năm trước.

Điển hình như tại thị trường Mỹ, sau 11 tháng sụt giảm liên tiếp, tháng 8 vừa qua, xuất khẩu thủy sản vào thị trường này đã tăng 4% so với cùng kỳ. Ngoại trừ cá tra, tất cả các mặt hàng còn lại đều tăng từ 11- 56% so với cùng kỳ năm ngoái. Lũy kế 8 tháng đầu năm, xuất khẩu thủy sản sang Mỹ đã chạm mốc 1 tỷ USD. Dự báo cả năm 2023, thị trường này sẽ đóng góp 1,7 tỷ USD doanh số xuất khẩu cho thủy sản Việt Nam, ít hơn 23% so với năm 2022.

Xuất khẩu thủy sản bật tăng trở lại
Xuất khẩu thủy sản đón tín hiệu tích cực từ thị trường

Dự báo về tình hình xuất khẩu thủy sản từ đây đến cuối năm, bà Tô Thị Tường Lan - Phó tổng Thư ký VASEP- nhận định, xuất khẩu thủy sản sẽ tiếp tục còn gặp nhiều khó khăn và có thể kéo dài đến những tháng đầu năm 2024, do ảnh hưởng chung của tình hình lạm phát, suy thoái kinh tế toàn cầu; người tiêu dùng cân nhắc hơn trong việc chi tiêu đối với những sản phẩm giá cao, trong đó có thủy sản; chi phí đầu vào cao, nhu cầu tiêu dùng giảm…

Với điều kiện lạc quan ở một số thị trường đang có dấu hiệu phục hồi, dự kiến xuất khẩu thủy sản năm 2023 sẽ đạt trên 9 tỷ USD, giảm từ 15-18% so với năm 2022. “Thời gian qua, các doanh nghiệp xuất khẩu tôm rất linh hoạt trong việc tiếp cận, bám sát thị trường. Đối với cá tra, hiện giá xuất khẩu đang ở mức rất thấp, do đó khâu liên kết phải được thắt chặt hơn nữa để có giá bán tốt nhất trong dịp cuối năm. Ngoài ra, các hộ nuôi thủy sản cũng cần hợp tác với các doanh nghiệp để nắm bắt thông tin thị trường, tổ chức sản xuất hợp lý đảm bảo nguồn cung”, bà Tô Thị Tường Lan nói.

Trong khi đó, ông Ong Hàng Văn - Phó Tổng Giám đốc Công ty Thủy sản Trường Giang cho rằng, hiện nay ngành cá tra vẫn đang đối mặt nhiều khó khăn khi lượng hàng tồn kho lớn. “Mặc dù, chưa có con số thống kê chính thức nhưng lượng tồn kho lớn làm cho dòng tiền doanh nghiệp dường như tắc nghẽn”, ông Văn nói.

Theo ông Văn, ngành hàng cá tra có tính chu kỳ bởi cá tra là loại dễ nuôi, thời gian sinh trưởng và thu hoạch ngắn. Do vậy khi giá xuất khẩu cao, người nuôi đồng loạt thả mới. Ngược lại, giá giảm khiến người nuôi trì hoãn việc nuôi thả. Năm 2018, giá xuất khẩu cá tra đạt đỉnh, sau đó tuột dốc năm 2019. Sự trì trệ kéo dài trong hai năm tiếp theo do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Tới đầu năm 2022, khi giá tăng trở lại, ngành cá tra kỳ vọng bước vào chu kỳ tăng trưởng mới. Điều này khiến các nhà nhập khẩu ồ ạt nhập hàng với kỳ vọng sẽ tăng doanh số bán trong nửa cuối năm. Tuy nhiên, kinh tế thế giới không tươi sáng như dự đoán, lượng tồn kho đó kéo sang đến nửa đầu năm 2023.

“Vòng lặp tăng tồn kho - giảm giá của ngành cá tra tương tự các ngành có tính chu kỳ khác. Triệt tiêu là không thể, nhưng tính toán để giảm biên độ thay đổi về giá giữa đỉnh và đáy chu kỳ sẽ giúp ngành ổn định hơn, đặc biệt ở chu kỳ không hoàn hảo với thời gian tăng giá ngắn như hiện tại”, ông Văn nhấn mạnh.

Để mở lối xuất khẩu cho cá tra nói riêng và ngành hàng thủy sản nói chung, ông Văn cho rằng các doanh nghiệp cần giảm giá thành, nâng cao chất lượng sản phẩm để tăng sức cạnh tranh trên thị trường. “Đến lúc này, các doanh nghiệp ngành cá tra nên ngồi lại để cân đối mùa vụ cho năm sau, có thể thu hoạch vào quý 2/2024. Mỗi doanh nghiệp có một cách riêng nhưng tổng thể phải nuôi giảm mật độ, tránh dịch bệnh, tăng trọng nhanh hơn, hệ số chuyển đổi thức ăn thấp. Những điều này sẽ giúp giá thành sản xuất thấp hơn”, lãnh đạo Công ty Thủy sản Trường Giang nói.

Hà Linh

Theo: Báo Công Thương