Xuất khẩu sang các thị trường có FTA phục hồi, tăng trưởng tích cực

(Banker.vn) 5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang các thị trường có Hiệp định thương mại tự do (FTA) đều có sự phục hồi và tăng trưởng tích cực.
Tận dụng ưu đãi từ các FTA, thúc đẩy xuất khẩu sang Indonesia Đại sứ Pháp tại Việt Nam: Lợi ích Hiệp định EVFTA mang tới cho Pháp và Việt Nam còn rất lớn Bộ Công Thương thông báo Kế hoạch tuyên truyền các Hiệp định Thương mại tự do năm 2024 Infographic: Việt Nam đã ký kết, thực thi và đàm phán 19 FTA

FTA - động lực mở rộng thị trường, thúc đẩy xuất khẩu

4 tháng đầu năm 2024, tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường, kinh tế toàn cầu vẫn đang trên đà phục hồi; nhu cầu suy giảm đã tác động trực tiếp tới các quốc gia có độ mở kinh tế lớn, trong đó có Việt Nam. Mặc dù vậy, theo thống kê, với sự phục hồi của thị trường thế giới, các đơn hàng xuất khẩu gia tăng nên hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá trong 5 tháng năm 2024 đã có những kết quả tích cực.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, xuất khẩu 5 tháng đầu năm 2024 ước đạt 156,5 tỷ USD, tăng 15% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, xuất khẩu sang các thị trường đối tác có FTA đều có sự phục hồi tốt.

Kết quả xuất khẩu tích cực có được là nhờ các giải pháp của Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp như giảm thuế, cải cách thủ tục hành chính; Việt Nam tích cực thu hút đầu tư, cũng như đón các làn sóng dịch đầu tư nước ngoài. Đồng thời, kết quả này cũng đến từ các giải pháp khắc phục khó khăn, mở cửa thị trường của Chính phủ, các bộ, ngành và cộng đồng doanh nghiệp, nổi bật trong đó là sự chủ động của Bộ Công Thương trong việc thúc đẩy thực thi các FTA, nhất là các FTA mới.

cc
5 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu sang các thị trường đối tác trong các Hiệp định FTA đều có sự phục hồi tốt. Ảnh minh họa

Bộ Công Thương cho biết, thời gian qua, việc khai thác các FTA luôn được Bộ Công Thương quan tâm chú trọng và đã ghi nhận kết quả tích cực. Trong giai đoạn 10 năm (từ 2013-2022), mức tăng trưởng bình quân kim ngạch xuất khẩu có sử dụng ưu đãi thuế quan theo các Hiệp định FTA là 12,7%/năm, cao hơn mức tăng bình quân tổng kim ngạch xuất khẩu (12,5%/năm giai đoạn 2013-2022).

“Việc thực thi các FTA thời gian qua đã mở ra cơ hội rất lớn cho Việt Nam trong mở rộng thị trường, tăng trưởng thương mại, xuất nhập khẩu và đầu tư, góp phần đưa nền kinh tế Việt Nam duy trì mức tăng trưởng cao từ 6-7%/năm” - lãnh đạo Bộ Công Thương nhấn mạnh.

Điểm nổi bật rõ nhất là với Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ Xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), sau 5 năm thực thi, đến nay, xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang khối thị trường này ghi nhận mức tăng trưởng rất tích cực, đặc biệt là đối với một số thị trường trọng điểm như: Canada, Nhật Bản, Singapore, Malaysia, Mexico...

Số liệu từ Bộ Công Thương cho thấy, năm 2018 xuất khẩu sang Canada mới đạt 3 tỷ USD, thì hết năm 2022 đã vượt 6,3 tỷ USD và năm 2023 đạt 5,63 tỷ USD do chịu tác động của suy giảm kinh tế. Trong chuyến thăm và làm việc tại Việt Nam từ ngày 26 đến ngày 29/3/2024 của phái đoàn doanh nghiệp Canada, bà Mary Ng - Bộ trưởng Phát triển kinh tế, Thương mại quốc tế và Xúc tiến xuất khẩu Canada đã nhấn mạnh: “Kể từ khi CPTPP có hiệu lực, thương mại 2 chiều giữa Việt Nam và Canada đã tăng trưởng 170%, đưa quan hệ hợp tác thương mại giữa hai nước trở thành “ngôi sao sáng” trong CPTPP. Kết quả này cho thấy sự nỗ lực rất lớn của cả 2 nước và sẽ tiếp tục được phát huy trong thời gian tới để đạt thêm nhiều thành công mới”.

Tương tự, bà Tô Thị Hương Lan - Phó Giám đốc Sở Công Thương Thái Bình cho biết, tận dụng lợi thế từ các FTA, kim ngạch xuất khẩu sản phẩm của tỉnh đã tăng lên đến 40% trong tổng kim ngạch xuất khẩu toàn tỉnh. Các mặt hàng xuất khẩu của Thái Bình hầu hết đều đáp ứng được các tiêu chí xuất xứ, quy định trong các FTA, đặc biệt là đối với Hiệp định EVFTA.

Nâng cấp các FTA mới, đẩy mạnh xuất khẩu

Theo đánh giá từ các chuyên gia kinh tế và cộng đồng doanh nghệp trong nước, các FTA không chỉ là động lực mạnh mẽ thúc đẩy tăng trưởng kinh tế mà còn hỗ trợ các địa phương, doanh nghiệp mở rộng kết nối giao thương, thúc đẩy phát triển kinh tế. Ông Phan Văn Có - Giám đốc Marketing Công ty TNHH Vrice cho biết, nhờ ưu đãi thuế quan từ Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EU), hoạt động xuất khẩu gạo của Việt Nam sang thị trường EU có nhiều lợi thế cạnh tranh hơn so với gạo ở các thị trường khác như: Campuchia, Thái Lan, hay Ấn Độ. Dù khối lượng xuất khẩu gạo sang EU không nhiều, nhưng Việt Nam đã xuất khẩu được những chủng loại gạo cao cấp, đặc biệt là gạo thơm cho giá trị cao.

Tương tự, ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, doanh nghiệp xuất khẩu trong nước đã tận dụng tốt cơ hội từ các FTA để đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường chủ lực. Với EU, đây là thị trường lớn thứ 3 của Việt Nam trong xuất khẩu rau quả. Năm 2023, xuất khẩu rau quả sang EU tăng 30% so với năm 2022. Trong năm 2024, dự báo xuất khẩu rau quả sang thị trường này tiếp tục tăng trưởng ở mức 2 con số, ước đạt hơn 300 triệu USD.

cc
Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA. Ảnh minh họa

Tuy nhiên, theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh hiện nay, hoạt động xuất nhập khẩu đối mặt với nhiều khó khăn do tác động từ tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, khó lường; lạm phát cao làm sụt giảm đơn hàng xuất khẩu. Xung đột nổ ra ở nhiều nơi... gây gián đoạn chuỗi cung ứng toàn cầu, gia tăng chi phí sản xuất, vận chuyển hàng hoá. Trong bối cảnh đó, để đồng hành, hỗ trợ cùng các doanh nghiệp trong việc khai thác và tận dụng ưu đãi từ các FTA, Bộ Công Thương đã và đang tập trung triển khai nhiều giải pháp đẩy mạnh xuất khẩu, trong đó chú trọng tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các Hiệp định FTA.

Minh chứng, thời gian qua, các đơn vị chức năng của Bộ Công Thương đã chủ động làm việc với các Hiệp hội ngành hàng xuất khẩu, các doanh nghiệp xuất khẩu lớn trong các ngành để nắm bắt các khó khăn, vướng mắc về sản xuất, xuất khẩu hàng hoá, giải quyết theo thẩm quyền hoặc tổng hợp, báo cáo cấp có thẩm quyền theo dõi, chỉ đạo.

Song song đó, chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên liên tục cập nhật các thông tin về quy định, chính sách của thị trường sở tại, kịp thời thông tin, khuyến nghị đối với các Hiệp hội ngành hàng, doanh nghiệp xuất khẩu trên các trang thông tin điện tử của Bộ Công Thương và các Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài.

Gần đây nhất, khi tình hình căng thẳng xảy ra tại Biển Đỏ, Cục Xuất nhập khẩu cùng nhiều đơn vị chuyên môn trong Bộ Công Thương tổ chức các buổi làm việc với các Hiệp hội ngành hàng nhằm tháo gỡ khó khăn liên quan đến chi phí vận chuyển; kịp thời có khuyến cáo các Hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp xuất khẩu trong bối cảnh diễn biến bất ổn tại Israel.

Đáng chú ý, để thúc đẩy tận dụng các FTA, Bộ Công Thương đã và đang tiếp tục đa dạng hoá hình thức tổ chức tuyên truyền rộng rãi về các ưu đãi tại các Hiệp định FTA, trong đó ứng dụng môi trường Internet và các mạng xã hội; phối hợp với các đơn vị liên quan, các tỉnh thành phố tổ chức các Hội thảo phổ biến cách thức tận dụng tối đa các cơ hội mở cửa thị trường để đẩy mạnh xuất khẩu và nâng cao hiệu quả xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang các thị trường đã ký FTA; triển khai vận hành tốt hệ thống cấp Giấy chứng nhận xuất xứ qua Internet và cơ chế Tự chứng nhận xuất xứ; rà soát, đơn giản hóa quy trình cấp C/O; áp dụng khai báo C/O điện tử.

Bên cạnh công tác tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thúc đẩy tận dụng các FTA, Bộ Công Thương cũng đã và đang hỗ trợ doanh nghiệp các địa phương tham gia các hoạt động xúc tiến thương mại nhằm phát triển các thị trường trong nước và xuất khẩu như tham gia các hoạt động hội chợ triển lãm, kết nối giao thương giữa nhà cung ứng với doanh nghiệp mua hàng, các nhà phân phối quốc tế và nhà nhập khẩu nước ngoài trực tiếp và trực tuyến.

Chỉ đạo hệ thống Thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thúc đẩy công tác nghiên cứu thị trường; phối hợp với các đơn vị trực thuộc Bộ tổ chức các Hội nghị, Hội thảo theo hình thức trực tuyến nhằm phổ biến thông tin thị trường nhập khẩu (nhu cầu, thị hiếu, tiêu chuẩn chất lượng…), kết nối cung cầu, xúc tiến thương mại, thúc đẩy xuất khẩu; phối hợp với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Bộ Ngoại giao trong công tác đàm phán mở cửa thị trường xuất khẩu, đặc biệt cho các mặt hàng trái cây và sản phẩm trồng trọt.

Bộ Công Thương nhấn mạnh, trong thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục chủ động phối hợp với các Bộ, ngành đẩy mạnh đàm phán, ký kết các Hiệp định thương mại mới với các đối tác khác còn nhiều tiềm năng; hỗ trợ doanh nghiệp khai thác tối đa cơ hội trong các Hiệp định; thường xuyên trao đổi, nắm bắt các khó khăn, vướng mắc trong từng ngành hàng xuất khẩu để kịp thời có giải pháp tháo gỡ, đẩy mạnh hoạt động xuất khẩu hàng hoá.

Hoàng Giang

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục