Xuất khẩu quế, hồi sang Canada tăng đột biến nhờ Hiệp định CPTTP

(Banker.vn) Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, kể từ sau khi Hiệp định CPTTP thực thi, xuất khẩu mặt hàng quế, hồi của Việt Nam vào địa bàn Canada tăng đột biến.
Giải pháp thúc đẩy xuất khẩu quế, hồi nhanh và bền vững Xúc tiến xuất khẩu các sản phẩm quế, hồi và cây dược liệu

Đòn bẩy từ CPTPP

Thương vụ Việt Nam tại Canada thông tin, hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 20 triệu USD đối với nhóm mặt hàng quế. Thị trường Canada có quy mô tiêu thụ mặt hàng quế trung bình tăng dần đều ước tính từ 22-25 triệu USD/năm từ nay đến 2025.

Các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam là Indonesia, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Trung Quốc và Sri Lanka, là những nước xuất khẩu sản phẩm quế thanh hoặc quế bột. Trong khi đó, các nước còn lại như Thái Lan, Pháp, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ thường xuất khẩu sản phẩm quế chế biến sâu dưới các dạng tinh dầu, mĩ phẩm…

Xuất khẩu quế, hồi sang Canada tăng đột biến nhờ Hiệp định CPTTP
Sản phẩm quế Việt Nam

Đặc biệt, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, kể từ sau khi Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTTP) thực thi, xuất khẩu mặt hàng quế của Việt Nam vào địa bàn này đã tăng đột biến.

Cụ thể, trước năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 3, sau Indonesia và Hoa Kỳ về thị phần. Kể từ năm 2019, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ nhất về giá trị xuất khẩu vào địa bàn, giữ vững vị trí đến nay và chiếm khoảng gần một nửa thị phần quế tại thị trường Canada. Như vậy, chỉ trong vòng 5 năm sau CPTPP, mặt hàng quế của Việt Nam đã có sự tăng trưởng gần gấp 3 về giá trị kim ngạch với tốc độ lên đến 179%.

Theo số liệu mới nhất của địa bàn, trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu quế của Việt Nam sang địa bàn đạt 5.6 triệu USD, giảm 31.7% so với cùng kỳ năm ngoái. "Việc sụt giảm này diễn ra trong bối thị trường Canada có sự suy giảm nhu cầu với mã HS 0906, giảm 28.5 % so với năm 2022. Xuất khẩu của tất cả các nước vào thị trường đều giảm mạnh trừ Mexico, Pháp và Thái Lan. Mặc dù vậy, Việt Nam vẫn là nhà xuất khẩu lớn nhất với thị phần, đạt 44%"- Thương vụ Việt Nam tại Canada cho hay.

Đối với sản phẩm hồi, kể từ sau khi CPTTP có hiệu lực, xuất khẩu mặt hàng hồi của Việt Nam vào địa bàn đã tăng đột biến, từ 117 nghìn USD năm 2018 lên 381 nghìn USD năm 2022. Trước năm 2018, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, kể từ năm 2022, Việt Nam đã vượt lên vị trí thứ 6 về giá trị xuất khẩu vào địa bàn.

Trong 7 tháng đầu năm 2023, xuất khẩu sản phẩm hồi của Việt Nam sang địa bàn đạt 166 nghìn USD, giảm 0.4% so với cùng kỳ năm ngoái. Việc sụt giảm này diễn ra trong bối thị trường Canada có sự suy giảm nhu cầu với mã HS 0909, giảm 8.4 % so với năm 2022. Xuất khẩu của tất cả các nước vào thị trường đều giảm mạnh trừ Ấn Độ, Macedonia, Tây Ban Nha. Đối với mặt hàng hoa hồi, Việt Nam có thị phần không đáng kể (2.26%) và chỉ đứng vị trí thứ 6 ở địa bàn.

Thương vụ Việt Nam tại Canada nhấn mạnh, mặc dù mặt hàng hoa hồi của Việt Nam đã có sự tăng trưởng gấp hơn 3 về giá trị kim ngạch với tốc độ lên đến 226%, tuy nhiên, đây là mặt hàng còn nhiều dư địa phát triển vì hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 16 triệu USD đối với nhóm mặt hàng này và ước tính có thể đạt đến 20 triệu USD/năm từ nay đến 2030.

Các đối thủ cạnh tranh chủ yếu của Việt Nam là Trung Quốc, Ấn Độ, Hoa Kỳ, Thổ Nhĩ Kỳ, Ai Cập. Trong khi đó, các nước còn lại như Ý, Đức, Tây Ban Nha thường xuất khẩu sản phẩm hoa hồi chế biến sâu dưới các dạng thuốc, dược mĩ phẩm…

Đối với mặt hàng dược liệu, hàng năm, Canada có nhu cầu nhập khẩu khoảng 100 triệu giá trị dược liệu từ các nước. Danh sách các đối thủ cạnh tranh của Việt Nam có thể kể đến: Trung Quốc, Hoa Kỳ, Ấn Độ, Mexico, Maroc, Ai Cập, Thổ Nhĩ Kỳ, Hồng Kông (Trung Quốc), Đài Loan (Trung Quốc), Colombia… Mặc dù vậy, hàng năm, Việt Nam vẫn xuất khẩu trung bình khoảng 500 nghìn USD dược liệu sang địa bàn, cao điểm là năm 2017 đạt gần 700 nghìn USD.

Đối với mặt hàng dược liệu, hiện tác động của CPTPP không đáng kể, trong kỳ nghiên cứu từ 2018-2022, mức tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam đối với mặt hàng này chỉ khoảng 2%. Trong 7 tháng đầu năm 2023, Việt Nam đã xuất khẩu được 316 nghìn USD, giảm 8.9% so với cùng kỳ năm 2022, cũng theo xu hướng giảm nhập khẩu chung của Canada (giảm 6%).

Đáng lưu ý, theo Thương vụ Việt Nam tại Canada, hiện nay, các mặt hàng quế hồi, dược liệu của Việt Nam xuất sang địa bàn vẫn được hưởng thuế MFN 0% dù không dùng form CPTPP. Tuy nhiên, việc sử dụng form CPTPP vẫn có ích đối với nhà nhập khẩu Canada vì hiện nay, các nhà sản xuất Canada cũng quan tâm tận dụng RVC trong chiến lược đầu vào nhằm tận dụng nguyên tắc xuất xứ cộng gộp trong sản xuất để xuất khẩu sang các thị trường mà cả Canada và Việt Nam cùng có Hiệp định thương mại tự do.

Thực tế cũng cho thấy, sau khi CPTPP thực thi, xuất khẩu những mặt hàng quế hồi sang địa bàn cũng tăng đột biến, (mặt hàng quế tăng 179%, hồi tăng 226%), cho thấy CPTPP đã có tác dụng đòn bẩy, giúp các doanh nghiệp hai nước quan tâm hơn đến cơ cấu các sản phẩm/thị trường của nhau, từ đó, gián tiếp thúc đẩy xuất khẩu cả những mặt hàng không có lộ trình giảm thuế. "Bên cạnh đó, CPTPP còn có tác động tích cực đến xuất khẩu Việt Nam nhờ hiệu ứng lan toả nhờ sự phát triển hơn của chuỗi cung ứng, vận tải và logistics giữa hai nước"- Thương vụ Việt Nam tại Canada nêu rõ.

Tiềm năng tăng trưởng xuất khẩu

Bà Trần Thu Quỳnh - Tham tán Thương mại, Thương vụ Việt Nam tại Canada cho biết, hiện Việt Nam có nhiều tiềm năng tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu mặt hàng quế hồi và dược liệu vào thị trường Canada nhờ 4 yếu tố.

Đó là nhu cầu của thị trường Canada tăng ổn định trong 10 năm gần đây (300% giai đoạn 2012-2022); Chiến lược nhập cư của Canada đặt kế hoạch tăng dân số đến 100 triệu người, tối thiểu mỗi năm nhập cư tăng 500.000 người trong đó khoảng 50% đến từ châu Á, có nhu cầu tiêu dùng cao với mặt hàng quế hồi và dược liệu/gia vị châu Á.

Ngoài ra, do khí hậu lạnh, người Canada ngày càng ưa chuộng sử dụng quế hồi trong ẩm thực và chăm sóc sức khoẻ. Đặc biệt từ sau Covid-19, nhiều nghiên cứu đã chứng minh hiệu quả của các biện pháp chăm sóc sức khoẻ từ thảo dược và các bài thuốc cổ truyền trong tăng cường miễn dịch, chống ô xi hoá; mặt khác, CPTPP đã mang lại lợi thế về thuế quan rõ rệt, giúp Việt Nam vượt qua các đối thủ cạnh tranh như Indonesia, Ấn Độ, Trung Quốc.

Hiện, Canada nhập khẩu chủ yếu quế, hồi của Việt Nam để sử dụng làm phụ phẩm bánh kẹo, phụ phẩm gia vị, hương liệu cho các loại trà. Ngoài sử dụng trong ngành thực phẩm chế biến, một số hãng thực phẩm chức năng của Canada đã nhập khẩu quế để chế thành viên uống quế nhằm phòng chống một số bệnh lý như tiểu đường, alzeimer. Trong đó, quế của Việt Nam đã đến tay trực tiếp người tiêu dùng nhờ vào việc gia công cho các thương hiệu riêng của các chuỗi bán lẻ và phân phối lớn, như Costco, Walmart. Riêng mặt hàng hồi, chủ yếu vẫn ở dạng xuất thô sang Canada và được các siêu thị châu Á đóng túi lại dưới hình thức thô sơ, không chỉ dẫn xuất xứ.

Tuy nhiên, do thị trường Canada tương đối nhỏ nên các nhà nhập khẩu Canada thường yêu cầu hợp đồng độc quyền nhập khẩu đối với các mặt hàng mà họ đồng ý nhập khẩu. Theo truyền thống, tỷ suất lợi nhuận của nhà bán buôn là khoảng 30% giá bán lẻ, trong khi các nhà bán lẻ thường hoạt động với tỷ suất lợi nhuận gộp là 40%. Tỷ suất lợi nhuận của nhà nhập khẩu nói chung là 10%. Trong trường hợp có khối lượng nhập khẩu lớn, thường nhà nhập khẩu sẽ yêu cầu thêm khoản hoa hồng, có thể nằm trong khoảng từ 12,5% đến 18,5% giá bán.

Nhà xuất khẩu cũng có thể được yêu cầu giảm giá do chất lượng sản phẩm kém, hư hỏng trước hoặc trong khi vận chuyển hoặc giao hàng trễ. Nhà xuất khẩu cũng có thể đưa ra các điều khoản đặc biệt cho phép nhà xuất khẩu chuyển chi phí lưu kho hoặc hàng tồn kho sang cho nhà bán lẻ. Đơn đặt hàng khối lượng lớn thường đi kèm với các điều khoản này.

Thời gian tới, để gia tăng thị phần và giá trị kim ngạch xuất khẩu, Thương vụ Việt Nam tại Canada khuyến nghị, Hiệp hội quế, hồi Việt Nam cần có chiến lược xây dựng chỉ dẫn địa lý cho mặt hàng quế Cassia của Việt Nam nhằm quảng bá và khẳng định lợi thế của quế Cassia Việt Nam so với quế Ceylon của Nam Á. "Hiện nay một số cửa hàng tại Canada đang bán quế Cassia và đặt tên riêng là Quế Sai gon để phân biệt với Quế Ceylon"- bà Trần Thu Quỳnh thông tin.

Ngoài ra, các doanh nghiệp cần phối hợp với các ngành hàng khác, để gia tăng giá trị chế biến sâu và đưa vào thị trường những sản phẩm mới, chẳng hạn như: Mật ong hoa quế trộn bột quế, nến thơm tinh dầu quế, dầu tắm xông quế, trà xanh hương quế… Đối với mặt hàng hoa hồi, hiện nay, chúng ta chủ yếu vẫn là xuất thô, chưa đóng bao bì, chưa có thương hiệu nên việc nhận diện sản phẩm của Việt Nam ở địa bàn chưa cao.

Bảo Thoa

Theo: Báo Công Thương