Xuất khẩu quặng và khoáng sản tăng cả về lượng và trị giá

(Banker.vn) Xuất khẩu quặng và khoáng sản trong tháng 3/2024 đạt 233.844 tấn với trị giá hơn 21,88 triệu USD, tăng 74,5% về lượng và tăng 45,3% về trị giá so tháng 2/2024.
TKV không xuất khẩu quặng và khoáng sản dưới dạng thô TKV sẽ đẩy mạnh đầu tư, khai thác bauxite

Theo số liệu thống kê sơ bộ từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam trong tháng 3/2024 đạt 233.844 tấn với trị giá hơn 21,88 triệu USD, tăng 74,5% về lượng và tăng 45,3% về trị giá so với tháng 2/2024.

Tính chung trong 3 tháng năm 2024, xuất khẩu quặng và các khoáng sản khác của nước ta đạt hơn 740.908 tấn, tương đương hơn 61 triệu USD, tăng 5,4% về lượng và tăng 71% về kim ngạch so với cùng kỳ năm 2023.

Giá xuất khẩu bình quân đạt gần 82,4 USD/tấn, tăng mạnh 61% so với cùng kỳ năm trước.

Về thị trường, Malaysia, Đài Loan (Trung Quốc) và Hàn Quốc là 3 thị trường xuất khẩu quặng và khoáng sản của Việt Nam nhiều nhất. Trước đó, Trung Quốc nằm trong top 3 nhưng đã bị thay thế bởi các thị trường khác.

Đáng chú ý, xuất khẩu mặt hàng này sang Malaysia đang chứng kiến mức tăng trưởng ấn tượng, vượt qua các thị trường lớn khác để giành vị trí số 1. Cụ thể, Việt Nam xuất sang Malaysia 56.174 tấn quặng và khoáng sản trong tháng 3, tương đương hơn 1,41 triệu USD. Trong khi đó, tháng 3/2023, nước này không thực hiện hoạt động nhập khẩu.

Như vậy tính chung 3 tháng đầu năm, quốc gia này chi ra 3,28 triệu USD để nhập khẩu 196.739 tấn quặng và khoáng sản từ Việt Nam, tăng đột biến 1.827% về lượng và tăng 202% về kim ngạch so với cùng kỳ năm ngoái, chiếm tỷ trọng 26% trong tổng lượng xuất khẩu.

Xuất khẩu quặng và khoáng sản tăng cả về lượng và trị giá
Xuất khẩu quặng và khoáng sản trong tháng 3/2024 đạt 233.844 tấn với trị giá hơn 21,88 triệu USD

Ngược lại với đà tăng chung của toàn thị trường, giá xuất khẩu bình quân sang Malaysia chỉ đạt 16,7 USD, giảm sốc hơn 84% so với cùng kỳ năm 2024.

Malaysia sản xuất khá nhiều mặt hàng khoáng sản như bôxít, vàng, quặng sắt, mangan, thiếc, đất sét, cốt liệu, mica, dolomit, caolin-fenspat, cao lanh, đá vôi, cát silica, cát và sỏi, than đá cũng như khí tự nhiên và dầu mỏ. Các tài nguyên khoáng sản khác như đồng, niken và đá silica, hiện khai thác ít hoặc chưa được khai thác. Điều này đòi hỏi Malaysia vẫn phải nhập khẩu từ Việt Nam.

Hiện Việt Nam xếp thứ 15 trên thế giới về diện tích khoáng sản, xếp thứ 65 về tuổi địa chất, có 60/200 loại khoáng sản phổ biến trên thế giới. Đặc biệt, một số loại khoáng sản quy mô trữ lượng đáng kể, tầm cỡ thế giới, có ý nghĩa chiến lược và là nguồn lực để phát triển kinh tế - xã hội.

Ví dụ như bô xít (5,8 triệu tấn) đứng thứ 2 thế giới, fluorit (5 nghìn tấn) đứng thứ 5 thế giới, apatit (0,778 triệu tấn), titan (15,71 triệu tấn), than (3.520 triệu tấn), đất hiếm (22 triệu tấn) đứng thứ 2 thế giới và đá granit (15 tỷ m3), vonfram (100 nghìn tấn) đứng thứ 3 thế giới...

Nước ta là quốc gia có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú, với hơn 5.000 điểm mỏ của hơn 60 loại khoáng sản kim loại, năng lượng đến khoáng sản vật liệu xây dựng. Nước ta cũng sở hữu những loại khoáng sản quý như titan, quặng đất hiếm, quặng bô xít và apatit,...

Theo ước tính của các nhà khảo sát thì khối lượng quặng bôxít trên toàn cầu dao động từ 55 - 75 tỷ tấn. Nguồn tài nguyên này phân bố rộng khắp trên thế giới như ở châu Phi chiếm 32%, châu Đại Dương 23%, Nam Mỹ và vùng Caribe 21%, châu Á 18% và các vùng khác 6%. Trong đó, quốc gia Guinea là nơi có trữ lượng quặng bô xít lớn nhất là 7.400.000 tấn.

Ngọc Ngân

Theo: Báo Công Thương
    Bài cùng chuyên mục