Xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam năm 2023 còn nhiều dư địa tăng trưởng

(Banker.vn) Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam trả lời báo Công Thương về xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử của Việt Nam trong 2023.
Diễn đàn toàn cảnh Thương mại điện tử Việt Nam 2023 - “Smart E-commerce” Công nghệ và trí tuệ nhân tạo đang tác động lớn tới thương mại điện tử

Xuất khẩu qua kênh thương mại điện tử xuyên biên giới hay còn gọi là xuất khẩu online của Việt Nam năm 2022 có tốc độ tăng trưởng khá cao, theo ông điều này đã tương xứng với tiềm năng của Việt Nam hiện nay?

Xuất khẩu qua thương mại điện tử của Việt Nam năm 2023 còn nhiều dư địa tăng trưởng

Ông Gijae Seong, Giám đốc Điều hành Amazon Global Selling Việt Nam: Xuất khẩu online của Việt Nam 2023 còn rất nhiều dư địa để tăng trưởng

Thương mại điện tử đang dần trở thành một trụ cột quan trọng của nền kinh tế Việt Nam. Theo Sách trắng Thương mại điện tử Việt Nam do Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (iDEA), thuộc Bộ Công Thương công bố, thương mại điện tử bán lẻ Việt Nam tăng trưởng 20% trong năm 2022. Đặc biệt, 82% doanh nghiệp được khảo sát có sử dụng website/ứng dụng thương mại điện tử phục vụ xuất nhập khẩu. Sách trắng cũng nhận định sự bùng nổ thương mại điện tử tại Việt Nam thời gian gần đây đã thúc đẩy quá trình chuyển đổi số, đi liền với nhiều chính sách, cập nhật mới cho ngành thương mại điện tử và thương mại điện tử xuyên biên giới.

Bên cạnh đó, theo báo cáo của Alphabeta, thương mại điện tử xuyên biên giới cho thấy tiềm năng lớn về quy mô tăng trưởng tại Việt Nam trong 5 năm tới với tốc độ tăng trưởng dự kiến hơn 20%/năm.

Tuy nhiên dù tốc độ tăng trưởng rất khả quan nhưng hiện kim ngạch xuất khẩu online mới chiếm khoảng 1% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Do đó dư địa xuất khẩu online của Việt Nam hiện nay còn rất lớn.

Vậy trong bối cảnh nhiều thách thức của năm 2023, ông dự báo như thế nào về xuất khẩu online tại Việt Nam?

Về xu hướng tôi cho rằng xuất khẩu online là sự kết hợp của toàn cầu hoá (globalization) và số hoá (digitalization), tức là doanh nghiệp tham gia toàn cầu hoá theo con đường số thay vì hình thức truyền thống. Do đó xuất khẩu online hứa hẹn sẽ là một “bình thường mới” cho các doanh nghiệp Việt Nam và là một động lực mạnh mẽ của nền kinh tế xuất khẩu trong thời gian tới.

Mặt khác, nhìn từ việc doanh nghiệp Việt Nam bán hàng trên Amazon không đơn thuần là một kênh tăng doanh thu, mà còn thúc đẩy sự chuyển dịch mạnh mẽ từ nền kinh tế sản xuất sang nền kinh tế thương hiệu cho các doanh nghiệp Việt Nam. Người bán hàng Việt Nam sẽ nhận thức được tầm quan trọng của việc xây dựng thương hiệu mà vẫn chú trọng đến chất lượng sản phẩm. Khi xây dựng mô hình thương mại điện tử xuyên biên giới, doanh nghiệp trực tiếp bán hàng cho khách quốc tế, do đó để có được sự tăng trưởng bền bỉ và dài lâu, họ phải xây dựng được thương hiệu riêng. Đã có rất nhiều nhà bán hàng nghiêm túc xây dựng và phát triển thương hiệu. Không chỉ làm sao để sản xuất sản phẩm mới, nâng cao chất lượng sản phẩm, còn phải làm sao xây dựng thương hiệu để không dừng lại ở xuất khẩu sản phẩm “Made-in-Vietnam” mà còn xuất khẩu “thương hiệu toàn cầu đến từ Việt Nam”.

Đồng thời, chuyển đổi số và nâng cấp số liên tục để thích ứng nhanh và đủ sức phục hồi trước biến động. Quá trình này không chỉ bao gồm số hoá, thông minh hoá cơ sở hạ tầng và thiết bị sản xuất, số hoá quy trình quản lý, mà còn là tính linh hoạt và khả năng thích ứng trong sản xuất để đáp ứng kịp thời nhu cầu của khách hàng cũng như số hóa hoạt động của người dùng.

Cơ hội và thách thức của Việt Nam trong cuộc chơi xuất khẩu online hiện nay là gì?Về phía các doanh nghiệp Việt Nam cần phải khắc phục điểm nào để thành công với thương mại điện tử xuyên biên giới, thưa ông?

Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam ở chỗ sau những năm đại dịch, thương mại điện tử đang dần trở thành trụ cột quan trọng giúp các doanh nghiệp phục hồi và phát triển. Nếu “Thương mại điện tử B2C” được coi là một ngành xuất khẩu thì trong vòng 5 năm tới, đây sẽ là ngành xuất khẩu lớn thứ 5 của Việt Nam. Báo cáo Hoạt động trao quyền cho các Doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMBs) tại Việt Nam của Amazon năm 2022 cũng cho thấy một năm khởi sắc của hoạt động xuất khẩu online tại Việt Nam trên nền tảng này khi giá trị xuất khẩu của các đối tác bán hàng Việt Nam trên Amazon tăng hơn 45% trong năm 2022.

Tuy nhiên thách thức lớn nhất hiện nay chính là sự thay đổi mạnh mẽ trong thói quen và nhu cầu mua sắm trực tuyến sau đại dịch trên toàn cầu. Trong khi đó báo cáo của AlphaBeta chỉ rõ 88% doanh nghiệp Việt Nam được khảo sát nhận thức được tầm quan trọng của thương mại điện tử đối với năng lực xuất khẩu của họ nhưng 80% trong số đó cũng thừa nhận rằng họ thiếu thông tin về các quy định liên quan ở thi trường nước ngoài như các quy định về tính tuân thủ sản phẩm.. Những quy định này liên tục thay đổi theo thời gian, theo thị trường. Ngoài ra, còn có những thách thức khác khi vận hành xuất khẩu online như: logistics, thanh toán, pháp lý, xây dựng thương hiệu…

Do đó, để hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam, Amazon đã và đang tiếp tục giới thiệu, kết nối các đối tác cung cấp dịch vụ cho 10 danh mục dịch vụ hiện nay trên Amazon để doanh nghiệp được tư vấn khi có nhu cầu.

Với kinh nghiệm từ Amazon, ông có lời khuyên gì cho các doanh nghiệp Việt Nam muốn đẩy mạnh xuất khẩu online?

Cần tập trung vào khách hàng vì thông qua những phản hồi từ người mua sẽ giúp các doanh nghiệp hiểu rõ nhu cầu và sự thay đổi của khách hàng nhanh nhất. Sản phẩm hạt điều của Lafooco và Rong nho Trường Thọ là những ví dụ cụ thể về thành công trên Amazon nhờ thấu hiểu khách hàng.

Cần hiểu rõ ngành hàng, xu hướng tiêu dùng, khả năng kinh doanh để lựa chọn những sản phẩm ngách có nhu cầu cao và phù hợp với SMEs. Luôn quan tâm đến chất lượng sản phẩm, đảm bảo tuân thủ các tiêu chuẩn và luật định đối với sản phẩm tại thị trường mục tiêu.

Cuối cùng là cần đầu tư xây dựng và bảo vệ thương hiệu toàn cầu.

Xin cảm ơn ông!

Minh Long (thực hiện)

Theo: Báo Công Thương