Xuất khẩu nông lâm thủy sản khởi sắc ngay đầu năm mới Tăng lòng tin của các nhà bán lẻ EU với nông sản Việt Hoa Kỳ là nhà mua nông lâm thủy sản nhiều nhất của Việt Nam trong 2 tháng đầu năm 2024 |
Xuất siêu nông lâm thủy sản tăng gần 2,9 lần
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 2 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản của Việt Nam ước đạt 9,84 tỷ USD, tăng 50,3% so với cùng kỳ năm 2023. Việt Nam ghi nhận xuất siêu 2,68 tỷ USD, tăng gần 2,9 lần so với cùng kỳ.
2 tháng đầu năm 2024, xuất khẩu rau quả đạt 970 triệu USD, tăng 72,8% |
Nhìn chung, các nhóm hàng xuất khẩu đều tăng so với cùng kỳ, trong đó nông sản đạt 5,18 tỷ USD, tăng 55,7%; lâm sản đạt 2,9 tỷ USD, tăng 59,7%; thủy sản đạt 1,37 tỷ USD, tăng 28,9%; chăn nuôi đạt 78 triệu USD, tăng 15,1%; đầu vào sản xuất đạt 309 triệu USD, tăng 13,6%.
Hầu hết các mặt hàng chủ lực đều đạt giá trị xuất khẩu cao hơn cùng kỳ. Cụ thể, sản phẩm gỗ đạt 1,68 tỷ USD, tăng 59%; cà phê đạt 1,38 tỷ USD, tăng 85%; rau quả đạt 970 triệu USD, tăng 72,8%; gạo đạt 708 triệu USD, tăng 49,8%; hạt điều đạt 595 triệu USD, tăng 68,2%; tôm đạt 403 triệu USD, tăng 20,5%.
Giá xuất khẩu bình quân một số nông sản ghi nhận tăng so với cùng kỳ như gạo tăng 32,2%, đạt 699 USD/tấn; cà phê đạt 3.153 USD/tấn, tăng 44,7%; cao su đạt 1.429 USD/tấn, tăng 3,4%; hạt tiêu 4.041 USD/tấn, tăng 28,7%; chè 1.699 USD/tấn, tăng 1,7%.
Đáng chú ý, xuất khẩu rau quả sang các thị trường nổi tiếng khó tính, có yêu cầu chất lượng rất cao như Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Australia bất ngờ tăng trưởng mạnh mẽ ngay trong tháng 1/2024.
Cụ thể, xuất khẩu rau quả sang Hàn Quốc đạt 22 triệu USD, tăng 121% so với cùng kỳ năm 2023. Mặt hàng này xuất sang Mỹ ghi nhận tăng trưởng 83% so với cùng kỳ năm 2023, đạt 22 triệu USD. Đối với thị trường Nhật Bản, xuất khẩu rau quả đạt 16 triệu USD, tăng 53% so với cùng kỳ năm 2023. Còn tại thị trường Australia, xuất khẩu rau quả cũng thu về 9 triệu USD, tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023.
Theo Bộ Công Thương, việc xuất khẩu hàng rau quả vào được các thị trường khó tính với nhiều tiêu chuẩn khắt khe như Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia đã khẳng định vị thế, chất lượng hàng rau quả Việt Nam và sẽ mở ra nhiều cơ hội lớn cho ngành hàng này trong năm nay.
Tiếp tục khơi thông thị trường, thúc đẩy xuất khẩu
2 tháng đầu năm 2024, Mỹ, Trung Quốc và Nhật Bản tiếp tục là 3 thị trường xuất khẩu lớn nhất, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang Mỹ chiếm tỷ trọng là 21,5% (tăng 77,3%); Trung Quốc chiếm 21% (tăng 47,9%) và Nhật Bản chiếm 7,2% (tăng 29,2%).
Ông Phùng Đức Tiến – Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn – đánh giá, các hoạt động xuất khẩu gần đây, đặc biệt là trong lĩnh vực thủy sản và nông sản, đã bắt đầu có dấu hiệu hồi phục tích cực. Tuy nhiên, chúng ta cần đảm bảo rằng sự hồi phục này là bền vững và không chỉ là một chu kỳ tạm thời. Theo đó, để thương hiệu nông lâm thủy sản của Việt Nam giữ vững vị trí trên trường quốc tế, từng mặt hàng phải nhắm đến đối tượng người tiêu dùng cụ thể.
Hiện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã chỉ đạo Tập đoàn De Heus tập trung vào việc xuất khẩu gà đến thị trường Halal. Đây là một thị trường rất quan trọng với 2,2 tỷ người, chiếm phần lớn dân số thế giới.
Ông Phùng Đức Tiến nhận định, mặc dù chúng ta đã mở rộng được nhiều thị trường mới, việc tập trung vào các thị trường khó tính, đặc biệt là thị trường Halal, sẽ giúp sản phẩm nông sản của chúng ta tiếp cận nhiều phân khúc và thị trường mới. Nếu mọi thứ diễn ra suôn sẻ, Việt Nam có thể xuất khẩu được 1.000 tấn thịt gà mỗi tháng. Con số này sẽ đánh dấu bước chuyển mình của quá trình Việt Nam mở rộng thị trường xuất khẩu.
Thị trường Trung Quốc vẫn còn nhiều tiềm năng mở rộng đối với nông sản Việt. Hiện, Việt Nam đang triển khai thương mại cho các mặt hàng như thịt, quả dừa và sầu riêng đông lạnh.
Theo báo cáo của Cục Thú y (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), Trung Quốc đang cần nhập cỡ 25 triệu con lợn mỗi năm. Vị trí địa lý, Việt Nam và Trung Quốc có đường biên giới đất liền dài 1.449,6km, thông qua 9 cặp cửa khẩu có thể rút ngắn thời gian vận chuyển hàng hoá, giảm chi phí. Đây là cơ hội cho Việt Nam.
“Năm 2023 Việt Nam mới xuất khẩu được 515 triệu USD động vật và sản phẩm động vật đến các thị trường, chưa thấm vào đâu so với tổng đàn và tiềm năng. Làm thế nào để xuất khẩu được thì cốt lõi phải sạch bệnh”, ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Hiện Việt Nam có nhiều doanh nghiệp đã chăn nuôi theo quy trình khép kín từ giống, thức ăn dinh dưỡng, phòng bệnh an toàn sinh học, giết mổ, chế biến và vận chuyển. Đơn cử, trình độ công nghệ của Công ty CP Chăn nuôi C.P. Việt Nam, Tập đoàn De Heus… không thua kém các nước trên thế giới. Do vậy, đây chính là cơ hội để sản phẩm chăn nuôi Việt Nam tiếp cận thị trường Trung Quốc một cách nhanh nhất.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu Cục Thú y chủ trì phối hợp với các cơ quan liên quan tích cực đàm phán với phía Trung Quốc rà soát các nội dung, yêu cầu về nhập khẩu của các bản ghi nhớ đã ký. Từ đó có hướng dẫn cụ thể để các địa phương của Việt Nam triển khai xây dựng vùng an toàn dịch bệnh, sớm có công nhận vùng đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu.
Trở lại với mặt hàng rau quả, theo ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, sau nhiều năm tiếp cận, các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu đã làm quen và thích nghi với các điều kiện về tiêu chuẩn, chất lượng cao từ các thị trường này để quay lại đầu tư tổ chức vùng nguyên liệu, thay đổi quy trình sản xuất, vượt qua được những hàng rào kỹ thuật. Với cơ hội từ các thị trường nhập khẩu, đặc biệt là từ thị trường Trung Quốc, ông Đặng Phúc Nguyên cũng kỳ vọng xuất khẩu rau quả sẽ đạt 6 - 6,5 tỷ USD.
Với mặt hàng gạo, ông Nguyễn Ngọc Nam - Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, dự kiến sản lượng lúa gạo cả nước năm 2024 sẽ duy trì ở mức tương đương năm 2023 trong điều kiện thời tiết lạc quan. Tuy nhiên, khối lượng tồn kho gạo mang sang năm 2024 giảm mạnh, do đó cần cân đối chặt chẽ sản lượng lúa thu hoạch các vụ với nhu cầu tiêu thụ nội địa.
“Xuất khẩu gạo dự báo tiếp tục sôi động khi nhu cầu của các thị trường tiêu thụ lớn trong khu vực như Indonesia, Philippines, Malaysia, Trung Quốc và châu Phi tăng cao do lo ngại thời tiết nắng nóng El Nino sẽ kéo dài đến giữa năm 2024. Giá nội địa theo đó cũng dự báo tiếp tục ổn định ở mức cao và duy trì xu hướng đi lên”, ông Nguyễn Ngọc Nam chia sẻ.
Về công tác mở cửa và khơi thông thị trường, ông Phùng Đức Tiến cho hay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ tiến hành đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Cùng với đó, việc phát triển cửa khẩu thông minh và mạng lưới giao thông đường sắt, đường bộ cũng cần tập trung nhằm tạo điều kiện thuận lợi hơn cho việc vận chuyển nông sản sang Trung Quốc, giảm thiểu chi phí logistics và tăng cường thu nhập cho người nông dân.
Bên cạnh đó, tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Hoa Kỳ, EU, Australia, Hàn Quốc…. “Với trọng tâm là tận dụng các hiệp định thương mại tự do (FTA), đặc biệt các hiệp định CPTPP, EVFTA để đẩy mạnh xuất khẩu hàng nông lâm thủy sản chủ lực, Bộ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp ký kết đơn hàng xuất khẩu mới. Bên cạnh đó, phối hợp hỗ trợ bảo hộ nhãn hiệu và chỉ dẫn địa lý cho sản phẩm xuất khẩu tiềm năng của Việt Nam ở nước ngoài”, ông Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Nguyễn Hạnh
Ngân hàng | 1 tháng | 6 tháng | 12 tháng |
---|