Xuất khẩu kim cương EU “ngấm đòn” vì Nga

(Banker.vn) Sau hơn 2 năm xung đột, thị trường kim cương toàn cầu đang hứng chịu toàn bộ hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine.
Trang sức nạm kim cương- Lựa chọn mới cho người tiêu dùng Bảo hiểm PVI tài trợ kim cương cho giải Golf Bamboo Airways Kim cương kết viên- lựa chọn mới cho “tín đồ” yêu trang sức

Theo phân tích của hãng tin RIA Novosti, sau khi áp dụng các lệnh trừng phạt đối với kim cương Nga, Liên minh châu Âu (EU) phải đối mặt với sự sụt giảm doanh số từ xuất khẩu trong 4 tháng đầu năm nay xuống còn 2,5 tỷ Euro.

Cụ thể, trong 4 tháng đầu năm, EU đã xuất khẩu số kim cương trị giá 2,5 tỷ Euro ra nước ngoài so với 3,34 tỷ Euro 1 năm trước. Sự sụt giảm chủ yếu là do kim cương phi công nghiệp - doanh số bán ra giảm 791 kg, xuống còn 2,5 tấn.

Xuất khẩu kim cương EU “ngấm đòn” vì Nga
Sau hơn 2 năm xung đột, thị trường kim cương toàn cầu đang hứng chịu toàn bộ hậu quả của cuộc chiến ở Ukraine. Ảnh: RIA Novosti

Nguyên nhân chính dẫn đến doanh số sụt giảm là do nhập khẩu giảm khi bản thân EU không khai thác những loại đá này. Tổng khối lượng nhập khẩu giảm 29%, xuống còn 2,66 tỷ Euro. Khoảng 1/3 khối lượng thâm hụt rơi vào thị trường Nga, quốc gia mà lệnh trừng phạt kim cương đã có hiệu lực kể từ ngày 1/1 năm nay - trong 4 tháng năm ngoái EU đã nhập khẩu 377 kg kim cương phi công nghiệp từ Nga.

Ngoài ra, UAE cũng cắt giảm xuất khẩu sang EU 303 kg và Canada 234 kg. Khối lượng đáng kể cũng giảm từ nguồn cung cấp sang Angola (80 kg) và Trung Quốc (66 kg).

Trước đó, các nước EU và G7 đã cấm việc nhập khẩu trực tiếp kim cương phi công nghiệp được khai thác, chế biến hoặc sản xuất tại Nga.

Kể từ ngày 1/1/2024, việc vận chuyển kim cương phi công nghiệp được khai thác, chế biến hoặc sản xuất tại Nga tới thị trường các nước G7 và EU đều bị cấm.

Những hạn chế này chỉ là phần đầu tiên của lệnh cấm. Vào ngày 1/3, giai đoạn thứ hai của lệnh cấm, áp dụng cho kim cương tự nhiên của Nga đã được xử lý ở nước thứ ba, sẽ bắt đầu có hiệu lực.

Từ ngày 1/9/2024, việc nhập khẩu kim cương tổng hợp của Nga được gia công ở nước thứ ba, đồ trang sức và đồng hồ đeo tay hoặc bỏ túi sản xuất ở nước thứ ba sử dụng kim cương Nga nặng 0,5 carat trở lên cũng sẽ bị cấm.

Trong tháng 9, các nước phương Tây cũng có kế hoạch đưa ra cơ chế theo dõi, kiểm tra đá quý chưa gia công nhằm truy xuất nguồn gốc hiệu quả hơn và tránh vi phạm lệnh trừng phạt.

Trước động thái trên Nga đã chuyển hoạt động buôn bán kim cương sang các thị trường Trung Quốc, Ấn Độ, UAE, Armenia và Belarus. Các quốc gia này đều chứng kiến lượng nhập khẩu đá thô và đá cắt từ Nga tăng mạnh trong vài tháng qua.

Lệnh cấm kim cương được các nước G7 (Canada, Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ và Anh) công bố lần đầu tiên vào đầu tháng 12/2023.

Giới chuyên gia trong ngành đã bày tỏ nghi ngờ về cơ chế theo dõi này. Mặc dù các chi tiết của hệ thống được đề xuất vẫn chưa được công bố nhưng quy trình được cho là dựa trên Chương trình chứng nhận quy trình Kimberley, hiện là cách duy nhất để truy tìm nguồn gốc của kim cương.

Al Cook, Giám đốc điều hành của De Beers, công ty khai thác kim cương lớn nhất thế giới, cho biết: “Một nhân viên hải quan bình thường sẽ không thể nhìn vào viên kim cương này hay viên kim cương khác và kết luận đó là kim cương Nga”.

Hải Linh

Theo: Báo Công Thương