Chiều 8/5/2024, Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển cho biết, các nước tại Bắc Âu vừa bổ sung thêm một số quy định mới đối với sản phẩm hạt điều nhập khẩu. Theo đó, thị trường này yêu cầu chặt chẽ hơn các quy định về chất lượng sản phẩm, an toàn thực phẩm, trách nhiệm xã hội... cùng các quy định liên quan đến sản phẩm hạt điều hữu cơ.
Thứ nhất, liên quan đến các quy định về chất lượng sản phẩm điều nhập khẩu, Thương vụ cho biết, chất lượng của hạt điều nhân được xác định bằng tỷ lệ phần trăm của sản phẩm bị lỗi, theo số lượng hoặc trọng lượng, theo kích thước, hình dạng và màu sắc...
Các yêu cầu cụ thể về chất lượng hạt điều được thiết lập trong một số tiêu chuẩn áp dụng rộng rãi nhất ở châu Âu do Ủy ban Kinh tế Liên hợp quốc về châu Âu (UNECE) quy định. Các tiêu chuẩn tương tự nhưng hơi khác một chút cũng được phát triển bởi một số quốc gia sản xuất như Ấn Độ, Brazil, Việt Nam, Tanzania, Kenya và Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á.
Các tiêu chuẩn của UNECE bao gồm một số yêu cầu chung về chất lượng đối với hạt điều nhân thương mại. Các tiêu chí quan trọng nhất được sử dụng để xác định chất lượng của hạt điều như: Về màu sắc (trắng, vàng nhạt, màu ngà nhạt hoặc xám tro nhạt; số hạt (300-320 hạt/pound hoặc 660-706 hạt/kg); về độ ẩm (tối đa 5%); độ vỡ tối đa 10%; khiếm khuyết (tối đa 8% trên tổng số)...
Các nước Bắc Âu vừa bổ sung thêm một số quy định mới đối với sản phẩm hạt điều nhập khẩu. Ảnh minh họa |
Thứ hai, yêu cầu về an toàn thực phẩm. Đối với quy định này, Thương vụ cho hay, mặc dù chứng nhận an toàn thực phẩm không bắt buộc theo luật châu Âu, nhưng nó đã trở thành điều bắt buộc đối với hầu hết các nhà nhập khẩu thực phẩm châu Âu. Hầu hết các nhà nhập khẩu lâu đời ở châu Âu sẽ không làm việc với bạn nếu bạn không thể cung cấp một số loại chứng nhận an toàn thực phẩm.
Hầu hết người mua châu Âu sẽ yêu cầu chứng nhận được công nhận bởi Sáng kiến An toàn Thực phẩm Toàn cầu (GFSI). Đối với hạt điều, các chương trình chứng nhận phổ biến nhất, tất cả đều được GFSI công nhận, là: Tiêu chuẩn nổi bật quốc tế (IFS); Tiêu chuẩn Toàn cầu của Hiệp hội Bán lẻ Anh (BRCGS); Chứng nhận Hệ thống an toàn thực phẩm (FSSC 22000); Chứng nhận Thực phẩm chất lượng an toàn (SQF).
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển khuyến cáo các doanh nghiệp đảm bảo kiểm tra xem chứng chỉ nào hiện được công nhận theo phiên bản mới nhất của yêu cầu điểm chuẩn GFSI.
“Hệ thống chứng nhận thực phẩm không ngừng phát triển. EU, Vương quốc Anh và EFTA thường công nhận các tiêu chuẩn và chứng nhận an toàn thực phẩm giống nhau do các thỏa thuận công nhận lẫn nhau, do đó không có sự khác biệt lớn trong các yêu cầu của họ. Tuy nhiên, một số nhà bán lẻ nhất định có thể thích một chứng nhận này hơn một chứng nhận khác hoặc yêu cầu các chứng nhận bổ sung dựa trên chính sách nội bộ của riêng họ” - Thương vụ thông tin.
Thứ ba, quy định về trách nhiệm xã hội doanh nghiệp. Các công ty có những yêu cầu khác nhau liên quan đến trách nhiệm xã hội. Một số công ty sẽ yêu cầu tuân thủ quy tắc ứng xử của họ hoặc các tiêu chuẩn chung như Trao đổi dữ liệu đạo đức của nhà cung cấp (SEDEX), Sáng kiến kinh doanh có đạo đức (ETI) hoặc quy tắc ứng xử của Sáng kiến tuân thủ xã hội doanh nghiệp amfori (BSCI).
Thứ tư, yêu cầu đóng gói sản phẩm. Với quy định này, Thương vụ cho biết hiện nay thị trường các nước Bắc Âu không có quy định chung về kích thước bao bì hạt điều xuất khẩu, nhưng loại bao bì xuất khẩu phổ biến nhất là bao polybag từ 10kg đến 25kg. Một túi flexi 25 kg có thể được đóng gói trong một thùng carton và 700-750 thùng như vậy sẽ tạo thành một container đầy. Để kéo dài thời hạn sử dụng, các túi thường được hút chân không bằng cách hút không khí và bơm carbon dioxide và nitơ. Hạt điều cũng được đóng gói trong hộp kín khí.
Thứ năm, yêu cầu ghi nhãn. Các nước Bắc Âu quy định tên của sản phẩm phải xuất hiện trên nhãn và “nhân hạt điều” hoặc “hạt điều”. Các tên thương mại khác liên quan đến hình thức có thể được sử dụng ngoài “nhân hạt điều”. Việc ghi nhãn bao bì xuất khẩu cũng bao gồm cả năm trồng trọt là điều bình thường. Thông tin về bao bì số lượng lớn phải được chỉ định trên bao bì hoặc trong các tài liệu kèm theo.
Việc ghi nhãn gói số lượng lớn phải bao gồm các thông tin cụ thể như: Tên của sản phẩm; số nhận dạng lô; tên và địa chỉ của nhà sản xuất, nhà đóng gói, nhà phân phối hoặc nhà nhập khẩu; hướng dẫn bảo quản... Trong trường hợp đóng gói bán lẻ, việc ghi nhãn sản phẩm phải tuân thủ Quy định của Liên minh châu Âu về việc cung cấp thông tin thực phẩm cho người tiêu dùng. Quy định này quy định các yêu cầu đối với ghi nhãn dinh dưỡng, ghi nhãn nguồn gốc, ghi nhãn chất gây dị ứng và tính rõ ràng (cỡ chữ tối thiểu cho thông tin bắt buộc).
“Quy định này liệt kê hạt điều là một sản phẩm có thể gây dị ứng hoặc không dung nạp và do đó thông tin về chất gây dị ứng phải được hiển thị rõ ràng trên bao bì bán lẻ. Nếu một sản phẩm có chứa hạt điều không được dán nhãn chất gây dị ứng thì sẽ bị rút khỏi thị trường. Những trường hợp này được báo cáo bởi Hệ thống cảnh báo nhanh về thực phẩm và thức ăn chăn nuôi châu Âu (RASFF)” - Thương vụ lưu ý và cảnh báo tới các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều trong nước.
Các tiêu chí quan trọng nhất được sử dụng để xác định chất lượng của hạt điều như: Về màu sắc (trắng, vàng nhạt, màu ngà nhạt hoặc xám tro nhạt; số hạt (300-320 hạt/pound hoặc 660-706 hạt/kg); về độ ẩm (tối đa 5%); độ vỡ tối đa 10%; khiếm khuyết (tối đa 8% trên tổng số)... |
Thứ sáu, quy định thế nào là hạt điều hữu cơ. Hạt điều hữu cơ xuất sang các nước châu Âu phải phải được trồng bằng phương pháp sản xuất hữu cơ theo luật pháp châu Âu có liên quan.
Các doanh nghiệp chỉ có thể nhập khẩu các sản phẩm hữu cơ vào châu Âu nếu sở hữu chứng nhận kiểm tra điện tử (e‑COI). Mỗi lô sản phẩm hữu cơ nhập khẩu vào EU phải kèm theo chứng nhận kiểm tra điện tử, theo quy định tại Phụ lục V của Quy định xác định việc nhập khẩu sản phẩm hữu cơ từ nước thứ ba. Giấy chứng nhận kiểm tra điện tử này phải được tạo thông qua Hệ thống chuyên gia và kiểm soát thương mại (TRACES).
Đối với các quốc gia tương đương (bao gồm Ấn Độ và Việt Nam), chứng chỉ được cấp bởi các cơ quan kiểm soát do cơ quan có thẩm quyền quốc gia chỉ định. Ở các quốc gia khác, chứng nhận hữu cơ được cấp bởi các cơ quan kiểm soát ở EU/EEA/CH.
Thứ bảy, quy định về nhãn hữu cơ quốc gia ở Bắc Âu. Nhiều quốc gia ở Bắc Âu quy định rất chặt chẽ nội dung này. Do đó, các doanh nghiệp xuất khẩu trong nước cần lưu ý đặc biệt và tuân thủ.
Thứ tám, các chứng nhận bền vững. Hai chương trình chứng nhận bền vững được sử dụng phổ biến nhất tại thị trường Bắc Âu là Fairtrade và Rainforest Alliance. Fair Trade quốc tế đã phát triển một tiêu chuẩn cụ thể cho các loại hạt dành cho các tổ chức sản xuất quy mô nhỏ. Tiêu chuẩn này quy định các biện pháp bảo hộ cho người lao động trong cơ sở chế biến hạt điều. Ngoài ra, tiêu chuẩn xác định các điều khoản thanh toán và Giá tối thiểu FairTrade cho hạt điều thô thông thường và hữu cơ từ châu Phi.
Thứ chín, quy định về chứng nhận dân tộc. Luật ăn kiêng của người Hồi giáo (Halal) và luật ăn kiêng của người Do Thái (Kosher) áp đặt những hạn chế cụ thể về chế độ ăn uống. Nếu doanh nghiệp Việt Nam muốn tập trung vào các thị trường ngách của người Do Thái hoặc người theo đạo Hồi, thì nên xem xét triển khai các chương trình chứng nhận Halal hoặc Kosher.
Thương vụ Việt Nam tại Thụy Điển đặc biệt khuyến cáo và lưu ý các doanh nghiệp xuất khẩu hạt điều trong nước cần thường xuyên cập nhật những quy định mới của các thị trường xuất khẩu tại Bắc Âu, từ đó thay đổi, cải thiện để đáp ứng các tiêu chuẩn, quy định của thị trường này từ đó duy trì cũng như thúc đẩy hoạt động xuất khẩu điều sang thị trường các nước Bắc Âu một cách bền vững, hiệu quả.