Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lập kỷ lục mới

(Banker.vn) Năm 2024, ngành xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam đã vượt qua kỷ lục năm 2022 và ghi nhận mức tăng trưởng ấn tượng hơn 20%. Với những tín hiệu tích cực từ các thị trường lớn như Hoa Kỳ, EU.

Xuất khẩu gỗ năm 2024 tăng mạnh

Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong quý IV/2024, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 4,5 tỷ USD, tăng 7,4% so với quý III và 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Tính chung cả năm, kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ đạt 16,25 tỷ USD, tăng 20,3% so với năm 2023. Riêng sản phẩm gỗ chiếm tỷ trọng lớn với giá trị 11,2 tỷ USD, tăng 21,9%. Kết quả này giúp ngành gỗ vượt kỷ lục 15,8 tỷ USD xác lập năm 2022.

Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lập kỷ lục mới
Xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của Việt Nam lập kỷ lục mới

Ngoài gỗ, các lâm sản ngoài gỗ cũng đóng góp tích cực với kim ngạch 1,04 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu lâm sản năm 2024 lên 17,3 tỷ USD. Thành tích này đến từ nỗ lực của các doanh nghiệp trong việc đổi mới sản phẩm, mở rộng thị trường và tận dụng các cơ hội từ sự phục hồi kinh tế tại các nước nhập khẩu lớn như Hoa Kỳ và châu Âu.

Sự bứt phá của ngành gỗ năm 2024 được thúc đẩy bởi nhiều yếu tố. Các doanh nghiệp không chỉ gia tăng tham gia các hội chợ triển lãm mà còn tập trung thiết kế các mẫu sản phẩm mới, nâng cao chất lượng để đáp ứng yêu cầu khắt khe từ thị trường quốc tế. Đặc biệt, thị trường Hoa Kỳ và EU tiếp tục là những đầu tàu quan trọng, mang lại khối lượng đơn hàng lớn nhờ nhu cầu tiêu dùng phục hồi mạnh mẽ.

Tuy nhiên, ngành gỗ vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức. Các yêu cầu về nguồn gốc gỗ hợp pháp ngày càng khắt khe từ các thị trường lớn như EU và Hoa Kỳ, cùng với áp lực cạnh tranh từ các đối thủ trong khu vực như Indonesia, Malaysia và Thái Lan. Ngoài ra, nguy cơ suy giảm kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến nhu cầu tiêu thụ.

Để vượt qua, các doanh nghiệp ngành gỗ cần nâng cao kiểm soát chuỗi cung ứng, đảm bảo truy xuất nguồn gốc và phát triển sản phẩm có giá trị gia tăng. Đặc biệt, việc chuyển đổi xanh, tuân thủ các quy định như chống phá rừng (EUDR) và cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) từ EU sẽ đóng vai trò quyết định trong việc duy trì và mở rộng thị phần.

Triển vọng xuất khẩu gỗ năm 2025

Cục Lâm nghiệp, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, dự báo kim ngạch xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ năm 2025 có thể đạt 18 tỷ USD, nhờ nhu cầu tăng từ các thị trường trọng điểm như Hoa Kỳ, EU, và Trung Quốc. Tại Hoa Kỳ, ngành gỗ Việt Nam tiếp tục hưởng lợi từ nhu cầu tiêu thụ và đô thị hóa, nhưng cũng phải đối mặt với cạnh tranh mạnh từ Trung Quốc và các nước ASEAN khác.

Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) tiếp tục mang lại lợi thế thuế quan, mở rộng cơ hội cho các sản phẩm gỗ chế biến của Việt Nam tại thị trường này. Đồng thời, nhu cầu tăng cao tại Trung Quốc cũng là cơ hội để ngành gỗ đẩy mạnh xuất khẩu.

Tuy nhiên, để đạt mục tiêu 18 tỷ USD, ngành gỗ cần tập trung vào xúc tiến thương mại, phát triển các khu chế biến công nghệ cao và chuyển đổi số. Việc mở rộng thị trường qua các kênh thương mại điện tử như Alibaba và tăng cường quản lý bền vững vùng nguyên liệu là những yếu tố quan trọng.

Cục Lâm nghiệp đã triển khai thí điểm cấp mã số vùng trồng rừng, hướng tới xây dựng chuỗi cung ứng gỗ hợp pháp, đáp ứng yêu cầu quốc tế. Đồng thời, phát triển các rừng trồng gỗ lớn có chứng chỉ (FSC hoặc PEFC) sẽ giúp sản phẩm gỗ Việt Nam dễ dàng thâm nhập các thị trường khó tính và duy trì vị thế cạnh tranh trên toàn cầu.

Xuất nhập khẩu Việt Nam năm 2024 cán mốc kỷ lục

Năm 2024 đánh dấu cột mốc quan trọng trong hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam, với mức tăng trưởng 15,4% so với năm ...

Nền kinh tế Việt Nam phục hồi ấn tượng với tăng trưởng GDP 7,09%

Năm 2024 đánh dấu sự phục hồi mạnh mẽ của nền kinh tế Việt Nam, với GDP ước tính tăng 7,09% so với năm trước, ...

Lạm phát được kiểm soát hiệu quả, CPI năm 2024 chỉ ở mức 3,63%

Giữa những biến động khó lường của kinh tế toàn cầu, Việt Nam đã về đích năm 2024 với một điểm sáng về kiểm soát ...

Thu Thủy

Thu Thủy

Theo: Kinh Tế Chứng Khoán
    Bài cùng chuyên mục